Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đang gần tới đích và sẽ sớm đi vào hiệu lực. Với FTA này, ngành chăn nuôi của Việt Nam dự kiến sẽ chịu nhiều sức ép cạnh tranh và đòi hỏi phải đổi mới để phát triển.
Theo Hội thức ăn chăn nuôi, Việt Nam hiện có tổng đàn bò khoảng 5,6 triệu con, trong đó bò thịt có khoảng 5,36 triệu con; tổng đàn gia cầm khoảng 328 triệu con, đàn lợn là gần 27 triệu con... Việt Nam cũng là nước có nhiều ưu thế trong ngành chăn nuôi khi đứng thứ 2 thế giới về số lượng vịt, thứ 4 về lợn, thứ 6 về trâu và thứ 13 về tổng đàn bò. Riêng tại khu vực châu Á, Việt Nam chỉ xếp sau Trung Quốc, Ấn Độ và Indonesia.
Tuy nhiên, ngành chăn nuôi trong nước được cho là đang ở mặt bằng thấp khi giá thành sản phẩm chăn nuôi ở mức khá cao, cao hơn khoảng 25-30% so với các nước thuộc khối EU; chất lượng sản phẩm và an toàn vệ sinh thực phẩm còn kém, nên việc xóa bỏ thuế quan sẽ tạo cơ hội để thịt lợn đông lạnh, các sản phẩm từ thịt, sữa… nhập vào Việt Nam.
Ông Đoàn Xuân Trúc, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam cho biết, hiện nay chi phí thức ăn chăn nuôi trong nước khá cao khi chiếm đến 60-70% giá thành phẩm. Theo đó, nếu không hạ thấp giá thành thức ăn chăn nuôi thì sản phẩm từ lợn, bò, gà, vịt sẽ khó cạnh tranh với các sản phẩm từ nước ngoài, đặc biệt là sản phẩm chất lượng mà giá thành lại thấp như của các nước ở khu vực châu Âu.
Trong khi đó, khi EVFTA có hiệu lực, giá thịt lợn, bò, gà nhập khẩu từ EU sẽ rẻ hơn hiện nay nhờ thuế về mức 0% theo lộ trình từ 3 - 7 năm. Với mức thuế giảm về 0%, các loại thịt xuất xứ châu Âu sẽ có giá cạnh tranh trực tiếp với các sản phẩm thịt cùng loại trên thị trường Việt Nam, đặt các cơ sở chăn nuôi trong nước vào thế cạnh tranh dữ dội hơn.
Theo nhận định của Liên minh các nhà sản xuất và sử dụng lao động trong ngành thịt châu Âu (UPEMI), hiện có khoảng 100 nhà xuất khẩu thuộc các nước EU đã được cấp phép xuất khẩu thịt vào Việt Nam, trong đó 40% đến từ Ba Lan.
Trước thực trạng này, các chuyên gia đầu ngành đề xuất ngành chăn nuôi trong nước cần tận dụng trước mọi lợi thế do các cam kết xóa bỏ thuế quan đối với các sản phẩm, công nghệ mà Việt Nam đang nhập khẩu từ các nước EU, như con giống lợn, gà, vịt, bò sữa; một số nguyên liệu và thức ăn bổ sung, nhiều loại vắc xin và thuốc thú y; các trang thiết bị chuồng trại, dụng cụ chăn nuôi, ấp trứng, máy móc, dây chuyền sản xuất thuốc thú y, chế biến thức ăn, giết mổ và chế biến thịt, sữa… để góp phần tiếp cận công nghệ cao và giảm chi phí đầu vào. Về lâu dài, việc hợp tác với EU trong lĩnh vực chế biến sẽ tạo cơ hội để ngành chăn nuôi có thể xuất khẩu một số sản phẩm chăn nuôi có lợi thế (như thịt lợn và sản phẩm chế biến từ thịt, sữa) vào các thị trường có giá trị gia tăng cao hơn.
Ngoài ra, khi EVFTA có hiệu lực, Việt Nam sẽ phải mở cửa thị trường cho hầu hết các loại thực phẩm đến từ EU, nhưng trong đó các sản phẩm chăn nuôi đều có lộ trình loại bỏ thuế khá dài, như thịt lợn đông lạnh sau 7 năm, thịt bò sau 3 năm, sản phẩm sữa sau 5 năm và thịt gà sau 10 năm. Vì vậy, đây được coi như thời gian “vàng” để ngành chăn nuôi trong nước thực hiện tái cơ cấu và tổ chức lại sản xuất để giảm giá thành và nâng cao chất lượng.
Bên cạnh các giải pháp về kỹ thuật như: chọn giống vật nuôi, quản lý chất lượng thức ăn chăn nuôi, không sử dụng chất cấm và lạm dụng chất kháng sinh, xây dựng các hàng rào kỹ thuật, các chuyên gia cho rằng còn một số giải pháp liên quan đến tổ chức sản xuất như: cần đẩy nhanh tiến độ tái cơ cấu ngành chăn nuôi ở các địa phương theo hướng phát triển các sản phẩm có lợi thế từng vùng, tập trung nâng cao năng suất, hạ giá thành và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, phát triển bền vững.
"Chăn nuôi nông hộ, chăn nuôi trang trại phải nâng dần quy mô và chịu sự kiểm soát an toàn dịch bệnh, phải tham gia vào các hợp tác xã chăn nuôi, các chuỗi liên kết giá trị. Sản xuất theo hướng này sẽ góp phần giảm 12-15% giá thành sản xuất, đảm bảo an toàn thực phẩm, tăng khả năng cạnh tranh và dễ tiếp cận thị trường xuất khẩu", một vị chuyên gia đề xuất.
Theo Tuyết Nhuvng
Một thế giới