Trong bối cảnh giá thịt heo hơi đã tăng đến mức kỷ lục: 100.000 đồng/kg, thị trường chăn nuôi cũng ghi nhận có thêm dòng vốn đầu tư ngàn tỉ đồng.
Thịt heo nhập khẩu tăng mạnh nhưng chưa kéo được giá thịt nội địa đi xuống. Ảnh: V.D.
Thu lợi nhuận lớn nhờ giá heo tăng
Giá thịt heo hơi đã tăng sát mức 100.000 đồng/kg, một mức kỷ lục khiến thị trường “choáng váng”. Trong khi hậu quả từ dịch tả heo châu Phi từ năm ngoái đến nay chưa kịp phục hồi, thì Covid-19 đã “tiếp sức” cho đà giảm nguồn cung ứng heo hơi trên thị trường.
Chỉ tính riêng trong quí 1 năm nay, giá thịt heo trung bình tăng 64,9% so với cùng kỳ, trong khi tổng sản lượng thịt heo trong nước trong quí giảm 19,3%. Tuy nhiên, trái với diễn biến tăng giá thịt heo thì nhiều doanh nghiệp lớn lại ghi nhận kết quả kinh doanh ấn tượng.
Ví dụ trường hợp của CP Việt Nam (tập đoàn CP của Thái Lan). Theo bản báo cáo của tập đoàn này, doanh số mảng trang trại và con giống (livestock) tại thị trường Việt Nam tăng vọt lên đến 36% trong quí 1-2020 so với cùng kỳ năm ngoái 2019. Đây cũng là mảng chiếm tỷ trọng lớn nhất (72%) và tăng mạnh nhất (54%) trong quí 1 vừa qua.
Tương tự với một tên tuổi khác trong nước là Vissan. Mức lợi nhuận sau thuế ghi nhận được của Vissan là gần 46,5 tỉ đồng, tăng 19,4% so với cùng kỳ và được công ty này lý giải phát sinh từ hoạt động chăn nuôi heo tại chi nhánh.
Ở khu vực phía Bắc, Dabaco báo cáo doanh thu quí 1-2020 đã tăng 45,9% so với cùng kỳ, nhờ giá trị tiêu thụ thịt heo tăng 89,8%. Theo đó, lợi nhuận sau thuế lên mức 349 tỉ đồng, tăng mạnh so với cùng kỳ.
Các công ty đầu tư trái ngành (đầu tư vào nhiều ngành bê cạnh ngành chính theo giấy phép đăng ký), như Thép Hòa Phát (HPG) cũng đưa ra con số tăng trưởng đáng kể. Theo đó, ở mảng nông nghiệp trong quí 1 vừa qua, HPG ghi nhận 2.780 tỉ đồng doanh thu (tăng 58,5% so với cùng kỳ), còn lợi nhuận sau thuế đạt 482 tỉ đồng (tăng 421,6%). Trong đó, HPG cho biết mảng kinh doanh thịt heo chiếm khoảng 60% (40% còn lại là thịt bò, thức ăn chăn nuôi và gà).
Một “gã nhà giàu” khác là Masan cũng gây tiếng vang với thương hiệu thịt mát MeatDeli phủ khắp kệ hàng siêu thị, cửa hàng tiện lợi trong đợt dịch Covid-19 vừa qua và sau thương vụ sáp nhập nổi đình đám với hệ thống siêu thị Vinmart.
Mặc dù doanh thu trong quí 1 vừa qua của Công ty cổ phần Masan MeatLife (MML), đơn vị kinh doanh theo mô hình 3F (thức ăn chăn nuôi – trang trại – thực phẩm) của Masan, chỉ đạt có 3.397 tỉ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ, nhưng nhìn tổng thể thì MML đang được hưởng lợi “kép” trong bối cảnh hiện nay.
Theo đó, Công ty chứng khoán VNDirect dự báo doanh thu và lợi nhuận sau thuế trong năm nay của MML sẽ tăng đến 30% và gần 1.100% so với cùng kỳ, nhờ doanh thu thịt tăng đến 982% trong được hưởng ưu đãi thuế và giá bán vượt trội thị trường.
Thực tế tính đến tháng 4-2020, giá bán lẻ thịt mát MEATDeli của MML đã ở mức cao hơn 70% so với thịt heo thường và cao hơn khoảng 20% so với thịt có thương hiệu khác. Trong khi đó, ở thời điểm tháng 6-2019, giá thịt mát MEATDeli cao mới chỉ cao hơn khoảng 15% so với thịt heo tại chợ truyền thống.
Cũng theo VNDirect, Luật chăn nuôi có hiệu lực từ đầu năm nay khiến cho chi phí sản xuất tại các hộ gia đình nhỏ tăng cao hơn là các doanh nghiệp áp dụng mô hình 3F. Sản lượng hộ gia đình nhỏ giảm khoảng 15%, trong khi các doanh nghiệp 3F không bị ảnh hưởng trong đợt dịch tả heo châu Phi. Do đó, có lẽ đây là lý do khiến nhiều doanh nghiệp lớn vẫn tiếp tục mạnh tay đầu tư ngàn tỉ cho xu hướng sử dụng thịt heo có nguồn gốc xuất xứ và an toàn thực phẩm.
Giá heo hơi tăng vọt vì dịch tả châu Phi và gần đây là do Covid-19. Nguồn: KBSV.
Tăng cường mở rộng
Lĩnh vực chăn nuôi tiếp tục hấp dẫn các công ty quan tâm đến việc đầu tư. Mới đây, Công ty cổ phần thủy sản Hùng Vương (HVG) bắt tay với Thadi – Công ty nông nghiệp của tỷ phú Thaco Trần Bá Dương – thành lập công ty heo giống và thức ăn chăn nuôi (vốn điều lệ 556 tỉ đồng) tại Long An. Trước đó, HVG và Thadi đã thành lập hai liên doanh là Công ty Giống - Chăn nuôi Tịnh Biên An Giang và Công ty Giống - Chăn nuôi Việt Thắng Phù Cát, với công suất tương ứng là 36.000 và 44.000 con.
Trong khi đó, các công ty lớn có mặt trên thị trường tiếp tục đẩy mạnh mở rộng các dự án. Chẳng hạn, Dabaco, theo biên bản họp đại hội cổ đông thường niên 2020, đã thông báo về các dự án mở rộng quy mô ngành chăn nuôi tại các địa phương có quỹ đất đã được thông qua. Cụ thể là tổ hợp chăn nuôi sản xuất heo giống và heo thương phẩm ứng dụng công nghệ cao tại Bình Phước, (quy mô vốn 650 tỉ đồng), Hòa Bình (655 tỉ đồng) và Thanh Hóa (505 tỉ đồng).
Nhưng tham vọng lớn nhất có lẽ là “đại gia” Masan, với kế hoạch rót thêm 16.500 tỉ đồng trong bốn năm tới vào MML. Các hạng mục đầu tư bao gồm tăng công suất chuồng trại (hiện chỉ đáp ứng 4% sản lượng mục tiêu trong năm 2023), công suất giết mổ và mở rộng kênh phân phối. Để tăng nhanh quy mô chăn nuôi, MML dự kiến sản xuất khoảng 20%, còn lại đến từ hình thức chăn nuôi gia công, kết hợp với các trang trại nhỏ và vừa (quy mô từ 500-2.000 con), theo VNDirect.
Trên thực tế, MML hiện đẩy mạnh mảng thịt mát, dự kiến sẽ đóng góp đến 19,9% vào tổng doanh thu trong năm nay từ mức 2,4% của năm 2019, nhờ đẩy mạnh kênh phân phối sau khi sáp nhập Vincommerce vào cuối năm ngoái của tập đoàn mẹ Masan.
Còn với Thép Hòa Phát, công ty chứng khoán SSI nhận định rằng sau năm năm đầu tư phát triển, HPG đã có thể tự cung cấp heo giống cho việc phát triển đàn. Dự kiến, công ty sẽ bán khoảng 200.000 con trong năm nay. Tuy nhiên, trong cuộc họp với nhà đầu tư mới đây, ban lãnh đạo HPG vẫn tỏ ra thận trọng với mảng nông nghiệp, khi giá thịt heo sẽ giảm về quanh mức 65.000 đồng/kg nhờ nỗ lực của Chính phủ.
Theo Công ty chứng khoán KB Việt Nam, sau một thời gian dài giá thịt heo hơi tại khu vực phía Nam thấp hơn nhiều so với miền Bắc (nguồn cung bị ảnh hưởng nhiều hơn do dịch tả heo châu Phi), thì hiện nay giá hai khu vực đã ngang bằng nhau ở mức 97.000 - 98.000 đồng/kg.
Tại Việt Nam, sản lượng thịt heo cũng được dự báo giảm gần 6,2% trong năm nay, sau khi giảm 13,3% trong năm 2019, theo báo cáo của Bộ Nông Nghiệp Mỹ vào tháng 10-2019, được công ty chứng khoán VNDirect dẫn lại. Theo đó, giá thịt heo hơi trong năm nay được kỳ vọng ở mức 70.000 đồng/kg, tức vẫn tăng đến 40,4% so với cùng kỳ.