Ước tính Việt Nam có thể thiếu hụt 500.000 tấn thịt trước Tết Nguyên đán do nguồn cung chưa hồi phục, trong khi nhu cầu tiêu thụ quy mô lớn tăng trở lại nên giá sẽ tăng tới năm 2020.
Theo số liệu từ Agromonitor, giá lợn hơi tại Việt Nam bắt đầu hồi phục từ tháng 5/2019 sau khi giảm 30-40% từ mức đỉnh tháng 2 do dịch tả lợn châu Phi (ASF) bùng phát. Tại thời điểm ngày 15/9, giá lợn hơi đạt mức trung bình 45.000-50.000 đồng/kg ở miền Bắc (tăng 60% so với mức đáy tháng 5) và 36.000-45.000 đồng/kg ở miền Nam (tăng 42% từ tháng 5).
Nguyên nhân là do nguồn cung sụt giảm mạnh với việc 4,5 triệu con lợn (10-12% nguồn cung) đã bị tiêu hủy cho tới cuối tháng 8 trong khi người dân vẫn còn do dự về việc tái đàn.
Có sự chênh lệch giá giữa hai miền Bắc và Nam do dịch bệnh xảy ra ở miền Bắc trước và lan dần về phía Nam nên hiện tại, khi miền Bắc đã dần kiểm soát được dịch thì giá lợn miền Bắc hồi phục sớm hơn và mạnh hơn khu vực miền Nam. Giá có thể tiếp tục tăng khi nhu cầu thịt lợn tăng dần về cuối năm.
Công ty nghiên cứu thị trường Ipsos Business Consulting ước tính rằng quy mô đàn nái trên cả nước đã giảm khoảng 30% so với cùng kỳ, trong đó các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ là đối tượng chịu tác động lớn nhất từ dịch tả lợn. Rabobank cũng dự báo sản lượng lợn tại Việt Nam cả năm 2019 có thể giảm 15-19% so với cùng kỳ.
Ipsos ước tính Việt Nam có thể thiếu hụt 500.000 tấn thịt trước Tết Nguyên đán do nguồn cung chưa hồi phục, trong khi nhu cầu tiêu thụ quy mô lớn tăng trở lại do các trường học bắt đầu năm học mới từ tháng 9 và dịp Tết Nguyên đán cuối tháng 1/2020.
Theo Vndirect, giá lợn hơi đã chạm đáy và sẽ duy trì xu hướng tăng cho tới đầu năm 2020, nhờ đó các hộ chăn nuôi quy mô lớn và chưa nhiễm bệnh sẽ được hưởng lợi.
Vndirect dự báo, giá lợn ở miền Bắc vẫn sẽ duy trì ở mức cao cho đến năm 2020 do thiếu hụt nguồn cung, việc hạn chế vận chuyển giữa các tỉnh để ngăn chặn sự mở rộng của dịch bệnh sẽ ổn định giá bán tại từng vùng/địa phương và xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc có thể làm nguồn cung miền Bắc giảm cục bộ.
Giá lợn hơi trong nước cũng có khả năng chịu ảnh hưởng từ việc nguồn cung sụt giảm ở Trung Quốc. Số liệu của Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn Trung Quốc cho thấy số lợn nuôi nước này tính ở thời điểm cuối tháng 6/2019 thấp hơn 25,8% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó số lợn nái giảm 26,7%.
Điều này dẫn đến giá lợn tại Trung Quốc tăng mạnh thời gian trở lại đây với mức giá hiện tại trung bình 80.000-90.000 đồng/kg (tăng hơn gấp đôi kể từ tháng 6/2019). Sự chênh lệch giá này có thể đẩy mạnh việc các thương lái Trung Quốc mua lợn từ Việt Nam (chủ yếu qua đường tiểu ngạch), do đó làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu hụt trong nước và đẩy giá lên cao hơn nữa. Tuy nhiên, giao dịch xuất nhập khẩu qua đường tiểu ngạch thường không được thống kê đầy đủ, do vậy khó có thể định lượng được tác động của nhân tố này lên giá lợn trong nước.
Bên cạnh đó, trong trường hợp căng thẳng thương mại Mỹ - Trung dịu bớt và giảm thuế xuất khẩu thịt lợn từ Mỹ sang Trung, nguồn cung tại Trung Quốc có thể cải thiện và làm chậm lại đà tăng giá.
Theo Bảo Anh / Vietnamnet