Việt Nam đang chứng kiến mức độ phát triển kinh tế mà nó chưa từng thấy trước đây và kết quả là tạo ra một thế hệ doanh nhân năng động, tập trung khai thác các khả năng vô hạn mà mình đang có.
Cách đây một khoảng thời gian, một số lượng lớn các nhà sáng lập đến từ Việt Nam đăng ký vào AppWorks Accelerator (Quỹ đầu tư khởi nghiệp AppWorks tại Đài Loan). Hiện tượng đó khá bất ngờ bởi vì vào thời điểm ấy, quỹ đầu tư khởi nghiệp mới chỉ bắt đầu mở rộng phạm vi ra bên ngoài Đài Loan và bước đầu tiếp cận Đông Nam Á cũng như chỉ thường thấy sự quan tâm đến từ các thị trường phát triển như Singapore hay Hồng Kông.
Indonesia từ lâu đã là một thị trường tiềm năng nhưng Việt Nam thì chưa từng là mối quan tâm của AppWorks. Tuy nhiên đến cuối cùng, chương trình đã có các công ty khởi nghiệp như Innaway, Triip.me, KardiaChain và Abivin tham gia. Mỗi nhà sáng lập đều có những động lực khác nhau để đến Đài Loan, nhưng nó đủ để khơi gợi sự quan tâm của nước ngoài đến việc tìm hiểu thị trường Việt Nam.
Qua một số chuyến đi và hàng chục cuộc họp, các nhà điều hành quỹ đầu tư đã trở nên yêu thích hệ sinh thái ở Việt Nam. Họ nhận định: “Dường như có một nguồn năng lượng tích cực cùng không khí cởi mở đến từ tất cả mọi người khi đề cập đến startup ở đây”.
Đất nước này đang chứng kiến mức độ phát triển kinh tế chưa từng thấy trước đây và kết quả là tạo ra một thế hệ doanh nhân năng động, tập trung khai thác các khả năng vô hạn mà mình đang có. Dựa trên những quan sát của mình, họ chỉ ra một số yếu tố quan trọng hiện đang thúc đẩy sự tăng trưởng này:
Kinh tế vĩ mô
Chỉ ba thập kỷ trước, Việt Nam vẫn là quốc gia rất khó khăn với tổng sản phẩm quốc nội bình quân đầu người khoảng 100 USD.
Nhờ chương trình cải cách với tên gọi “Đổi mới” năm 1986, nền kinh tế Việt Nam chứng kiến sự tự do hóa, tư nhân hóa và đa dạng hóa. Việt Nam ngày nay là một quốc gia có thu nhập trung bình với một thị trường năng động được thúc đẩy bởi một tầng lớp trung lưu tăng nhanh, ngày càng giàu có và được tiếp cận với kết nối kỹ thuật số. Từ năm 2000 đến năm 2015, tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam trung bình là 6,9%, gần đây nhất là ở mức 7,08% vào năm 2018 trở thành một trong số các nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới.
Với 95,5 triệu người, Việt Nam không chỉ có dân số lớn thứ ba ở Đông Nam Á mà đa phần dân số đang ở độ tuổi lao động với hơn một nửa dưới 35 tuổi. Mức thu nhập khả dụng cũng cao hơn, và việc áp dụng internet và di động đang dần trở nên phổ biến hơn.
Việt Nam có dân số lớn thứ ba Đông Nam Á và hơn một nửa trong số đó dưới 35 tuổi.
Đây là những nền tảng cơ bản cần có để bất kỳ nhà đầu tư giai đoạn đầu nào có hứng thú để đầu tư và xứng đáng với số tiền họ bỏ ra. Trong báo cáo về Kinh tế điện tử năm 2019 của Google, Temasek và Bain & Company, Việt Nam là quốc gia được tài trợ nhiều thứ ba ở Đông Nam Á sau Singapore và Indonesia, thu hút được hơn 1 tỷ USD trong vài năm qua. Kinh tế internet của đất nước đã tăng 38% kể từ năm 2015 - tăng trưởng nhanh hơn nhiều so với các nước trong khu vực ngoại trừ Indonesia - và hiện được thiết lập để đạt 12 tỷ USD hoặc 5% GDP vào năm 2019, theo báo cáo.
Vài năm trước, Việt Nam còn đang tụt hậu so với phần lớn các nước trong khu vực về việc phân bổ vốn, khó khăn trong việc thực hiện các giao dịch và lãi suất nói chung. Nhưng bây giờ các cuộc hội thoại, trò chuyện đang chuyển mình một cách rõ ràng từ: “Tại sao lại chọn Việt Nam?” đến “Làm thế nào để tôi có thể gia nhập thị trường Việt Nam?”.
Tài năng công nghệ
Mọi người thường hay nói về một startup lý tưởng tại Đông Nam Á phải là nơi có trụ sở tại Singapore, nhắm đến thị trường Indonesia, thiết kế ở Thái Lan, chất lượng dịch vụ khách hàng của Philippines và có trong tay các kỹ sư của Việt Nam. Dù nó đơn giản chỉ là sự khái quát về thế mạnh của mỗi quốc gia nhưng cũng có thể thấy kỹ sư của Việt Nam được đánh giá cao trong khu vực.
Việt Nam đầu tư lớn vào khoa học, công nghệ, kỹ thuật và giáo dục toán học trong 15 năm qua, kết hợp với kết nối Internet được cải thiện và lực lượng lao động trẻ, chi phí thấp đã tạo ra sự phát triển cho ngành công nghiệp gia công về CNTT.
Việt Nam hiện là nhà của khoảng 30.000 công ty IT đồng thời đào tạo 80.000 sinh viên tốt nghiệp ngành CNTT mỗi năm từ các trường đại học, theo Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Quốc gia này cũng đã soán ngôi Trung Quốc với tư cách là đối tác gia công phần mềm lớn thứ hai của Nhật Bản, ngay sau Ấn Độ và sở hữu các cơ sở nghiên cứu và phát triển đến từ các công ty như IBM, Intel, Oracle, Samsung và Grab.
Mỗi năm, Việt Nam đào tạo ra khoảng 80.000 sinh viên ngành CNTT.
Điều này có ý nghĩa gì đối với khởi nghiệp? Nó cho thấy đất nước này đang sản xuất một đội ngũ các nhà phát triển lành nghề sẵn sàng tham gia vào một công ty khởi nghiệp hoặc tự mình thiết lập công ty.
Nhiều nhà sáng lập ở Việt Nam trước đây đều từng làm việc cho một công ty gia công nhưng đã chuyển sang kinh doanh và khởi nghiệp để tìm kiếm cơ hội lớn hơn để phát triển. Tuy nhiên, không có nghĩa là đội ngũ này không có thách thức bởi tài năng thì có nhưng chúng còn thô và chưa có nhiều kinh nghiệm. Vì hệ sinh thái vẫn còn khá non trẻ nên có rất ít người có kinh nghiệm quản lý và giải quyết các vấn đề ở tầm quy mô.
Hơn nữa, khi các chương trình giáo dục của Việt Nam đối với các môn kỹ thuật như toán học và khoa học đã phát triển vượt bậc trong hai thập kỷ qua, gia công phần mềm vẫn còn là một quy trình có đầu tư vốn thấp, giá trị thấp khó để khiến các kỹ sư tập trung vào sản phẩm cũng như hiểu được tác động của họ đối với người dùng.
Tuy nhiên, nền tảng tốt vẫn đóng vai trò then chốt. Sinh viên Việt Nam thường xuyên thể hiện vượt trội so với phần lớn các sinh viên trong khu vực, thậm chí là vượt qua thành tích của sinh viên ở một số nước phương Tây như Anh Quốc và Hoa Kỳ. Đặc biệt là bây giờ, khi chúng ta nắm bắt được sự khởi đầu của các công nghệ như AI và blockchain, lực lượng lao động dồi dào, tài năng đến từ Việt Nam - nếu được tinh chỉnh và nuôi dưỡng đúng cách - sẽ mang lại cho quốc gia một lợi thế so sánh độc nhất so với các nước Đông Nam Á khác khi sản xuất ra các công ty khởi nghiệp về công nghệ tiềm năng.
Việt Kiều
Ở Đài Loan, họ được gọi là “hai gui”; ở Philippines là “balikbaya” và ở Việt Nam là “Việt Kiều”. Dân kinh tế đặt cho họ 1 tên gọi chung là “rùa biển”: Người dân bản địa sống ở nước ngoài, điển hình là ở các nước phương Tây và cuối cùng trở về quê hương để làm việc hoặc bắt đầu dự án kinh doanh riêng.
Những người trở về này thường là nhân tố chính của việc tạo ra giá trị cho các thị trường đang phát triển. Điều đó phần lớn nhờ vào kinh nghiệm họ có được, thực hành được từ một số trường đại học và các công ty hàng đầu thế giới. Nhờ vào mạng lưới được thiết lập từ trước cùng kinh nghiệm có sẵn, các nhà sáng lập có thể áp dụng chúng vào mô hình kinh doanh của chính mình. Trong số các startup “kỳ lân” hiện nay của Đông Nam Á, phần lớn những người sáng lập đều tiếp nhận nền giáo dục ở nước ngoài. Ví dụ, Anthony Tan của Grab, Nadiem Makarim của Gojek và Ferry Unardi của Traveloka đều học tại Trường Kinh doanh Harvard.
Nhìn vào các công ty startup nổi tiếng hiện tại của Việt Nam, phần lớn các nhà sáng lập đã học ở nước ngoài vào lúc này hay lúc khác:
- Trần Ngọc Thái Sơn, người sáng lập Tiki.vn, Đại học New South Wales
- Trần Hải Linh, đồng sáng lập và CEO của Sendo, Đại học Công nghệ Nanyang
- Nguyễn Bá Diệp, người sáng lập Momo, Đại học Curtin
- Phạm Minh Tuấn, người sáng lập và CEO của Tập đoàn Topica Edtech, Đại học New York
Nhưng điều này mới chỉ là khởi đầu, có khoảng 4 triệu người Việt Nam hiện đang sống ở nước ngoài, với hơn 130.000 người trong số họ đi du học mỗi năm. TP Hồ Chí Minh tiếp nhận khoảng 30.000 thanh niên Việt Nam trở về từ nước ngoài hàng năm để tìm kiếm cơ hội kinh doanh và khởi nghiệp. Chính phủ cũng đã tăng gấp đôi nỗ lực thu hút nhân tài ở nước ngoài bằng cách tạo ra các chương trình thị thực thoải mái cho Việt Kiều và miễn cho họ một số yêu cầu đầu tư nhất định.
Hệ sinh thái trong nước
Mặc dù Việt Nam vẫn chưa tạo ra một câu chuyện thành công nào trong khu vực như Grab hay Shopee, quốc gia này đang có trong tay các “ứng cử viên mới nổi” và các “nhà vô địch trong nước” hoạt động một cách hiệu quả trước những kẻ xâm lược nước ngoài.
Phải kể đến Tiki.vn lĩnh vực thương mại điện tử (đã huy động được hơn 100 triệu USD trong vòng gọi vốn gần đây nhất), Momo - ví điện tử (huy động được 100 triệu USD trong vòng gọi vốn series C), Zalo - phần mềm nhắn tin và cũng có một số các ứng cử viên như Be - ứng dụng gọi xe công nghệ và FastGo (gần đây đã được mở rộng ở Singapore).
Techfest - Sự kiện thường niên được tổ chức nhằm thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Các sản phẩm được tiêu thụ không bị chi phối bởi các công ty quốc tế là biểu hiện của một hệ sinh thái mạnh mẽ, có sự hỗ trợ từ địa phương, hỗ trợ chính đến từ các nhà đầu tư thiên thần, nhà đầu tư mạo hiểm, tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp, truyền thông và không gian làm việc được phân chia chung giữa các trung tâm công nghệ lớn tại TP Hồ Chí Minh, Hà Nội và Đà Nẵng.
Sự quan tâm, hỗ trợ của nhà nước cũng đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển của bối cảnh khởi nghiệp tại Việt Nam. Ví dụ như Techfest - sự kiện thường niên do Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức, thu hút hơn 5.500 người tham dự, 250 nhà đầu tư và 600 doanh nghiệp khởi nghiệp. Đầu năm nay, Bộ cũng đã tổ chức Vietnam Venture Summit 2019 nơi đã thu hút hơn 100 quỹ đầu tư trong nước và quốc tế cho dòng vốn đầu tư và thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo.
Thời điểm
Việt Nam đã đi một chặng đường dài kể từ cuộc cải cách nông nghiệp. Sự biến chuyển thay đổi của đất nước vào thời đại kỹ thuật số đang hiện hữu trước mắt, việc chuyển đổi các thành phố lớn thành các đô thị và các trung tâm kinh tế quan trọng đang diễn ra tốt đẹp. Với sự gia tăng của sinh viên, lập trình viên, kỹ sư, doanh nhân và nhà đổi mới có thể thấy trung tâm cốt lõi của sự biến chuyển này chính là con người Việt Nam.
Đối với người dân ở đây, không đâu có được một khoảng thời gian tốt hơn như bây giờ để bắt đầu kinh doanh sau khi đất nước phát triển toàn diện và đô thị hóa nhanh chóng trong 20 năm qua.
Đối với các nhà đầu tư quốc tế, đặc biệt là những người từ các thị trường phát triển nơi có nhiều thế hệ doanh nhân và nhà đầu tư nối tiếp điều hành doanh nghiệp, vẫn còn tồn tại những chênh lệch về tỷ giá có lợi cho họ. Nó còn mở ra cơ hội để truyền bá các chiến lược, tài liệu về kinh doanh và có cơ hội để thực hành ngay trên một thị trường mới nổi - một thị trường với mức sống đang được cải thiện, người tiêu dùng trở nên thông minh cùng sự chuyển đổi cũng như sẵn có của kỹ thuật số.
Theo Trí thức trẻ
Nguồn:http://ttvn.vn/kinh-doanh/thoi-khac-hoa-rong-khong-con-xa-nhan-hang-ty-usd-moi-nam-viet-nam-dang-tro-thanh-tam-diem-dau-tu-tai-dna-hoi-tu-day-du-cac-nhan-to-thien-thoi-dia-loi-nhan-hoa-5201931273751415.htm