Chỉ vài năm trước, ít ai nghĩ rằng xuất khẩu rau quả có ngày bám sát rồi vượt mặt xuất khẩu gạo, nhưng nay là sự thật. 8 tháng đầu năm 2016, gạo xuất khẩu được 1,5 tỷ USD thì rau quả là 1,573 tỷ USD.
Đến 9 tháng thì dãn cách càng rõ. Kim ngạch XK gạo lên 1,691 tỷ USD thì rau quả vọt lên 1,811 tỷ USD, suýt soát cả năm 2015 (1,859 tỷ USD). Tại thời điểm này, rau quả đứng thứ ba trong số 9 mặt hàng thuộc nhóm nông lâm, thủy sản có kim ngạch XK lớn.
"Quỹ" rau quả dồi dào, bắt mắt
Quả nhãn với chủ công là nhãn lồng Hưng Yên không chỉ chín mọng vào nắng hè tháng sáu âm lịch mà nay còn có thứ nhãn muộn. Na Đồng Bành, Lạng Sơn được trồng trên vách núi. Vải thiều “dời đô” từ Thanh Hà, Hải dương lên “định đô” ở Lục Ngạn, Bắc Giang. Thanh long trồng đại trà ở Bình Thuận. Mộc Châu, Sơn La với khí hậu cao nguyên đang kỳ vọng trở thành “Đà Lạt” giữa núi rừng Tây Bắc với su su , bí, cải mèo, khoai sọ, đang hành quân về Hà Nội. Hiểu khí hậu, thổ nhưỡng ở đây, chuyên gia Nhật cho rằng nhiều doanh nghiệp của nước ông sẽ đầu tư sản xuất rau, củ, quả ở Mộc Châu theo mô hình VietGAP.
Việc trồng và chăm sóc cây trái theo quy trình khoa học đã không còn lạ lẫm với các chủ vườn. các cơ sở xử lý, bảo quản theo quy trình kỹ thuật trước tiên lập ra ở phia Nam nay đã mở ra cả phía Bắc, cấp giấy thông hành để trái cây Việt vươn tới các thị trường xa, kỹ tính.
Các hoạt động xúc tiến thương mại, tuyên truyền quảng bá, xây dựng thương hiệu, liên kết giữa vùng sản xuất với trung tâm tiêu thụ, giữa trong nước với mạng lưới “tai mắt” ở nước ngoài, trái cây Việt Nam đang khởi sắc trên nội địa và xuất ngoại.
Sau những các chuyến xuất ngoại thành công của soài, thanh long, vải thiều, nhãn, chuối xanh vào được những thị trường đẳng cấp cao, mới đây lại có tin trái vú sữa từ quý IV/2016 sẽ rộng đường vào Hoa kỳ, kéo dài niềm hân hoan của nhà vườn. Kim ngạch tăng chỉ là một phần, việc mở rộng thị trường, thêm bạn hàng phương xa mang lại niềm vui khác, bớt dần sự lệ thuộc vào thị trường nào đó đồng nghĩa với nhẹ bao phấp phỏng, lo âu mỗi khi mùa vụ trái cây tới.
Trăn trở
Nói vậy, song chưa không phải tất thảy đều suôi chèo mát mái. Kỹ thuật làm vườn, bảo quản chưa đồng loạt theo đúng quy chuẩn. Lác đác có cơ sở thúc trái cây chín ép, lớn nhanh bằng biện pháp phi sinh học, với chất liệu không được phép. Mạng lưới phân phối chưa gắn kết, vận chuyển còn tốn phí, giá bán trái cây còn mắc giật mình nếu biết giá nhà vườn bán cho thương lái. Không thể biện minh hoàn cảnh của ta mà hãy tự hỏi vì sao trái cây của Tàu, của Thái ùn ùn đủ loại sang được và có khi còn lừa là hoa quả của Tây.
Trên trường quốc tế sự nghiêm ngặt về chất lượng không khi nào lơi lỏng, không thể châm chước, nên dù theo hội nhập được thụ hưởng các cam kết về hàng rào thuế và phi thuế quan sẽ mở ra cơ hội lớn cho trái cây Việt góp mặt nhiều với thương trường quốc tế. Nhưng nếu trái cây của ta không chịu chuyển mình, chẳng những đường xuất ngoại vốn rậm rập sẽ càng gập ghềnh, thì ngay trên sân nhà trái cây ngoại chẳng ngại ngần theo “cửa ưu đãi” sẽ tràn vào. Lúc đó ý tưởng “Người Việt Nam ưu tiên dùng trái cây Việt” sẽ vơi đi ý nghĩa. Câu cửa miệng thời hội nhập “cơ hội đan xen thách thức” giản dị vậy!.
Để soán ngôi?
Để rau quả Việt lên ngôi, khởi đầu là phải phổ cập việc trồng trọt, bảo quản, chế biến theo quy chuẩn tiên tiến, giám sát chất lượng, bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm nghiêm ngặt. Phải chế biến được nhiều dạng sản phẩm nguyên bản từ trái cây hay là thành phần nguyên liệu trong các loại chế phẩm khác. Xây dựng và bảo vệ thương hiệu rau quả không thể chậm trễ hơn.
Tiếp theo, là nhắm vào thị trường nội địa và hướng ngoại. Phải đưa việc khuyến khích ăn trái cây Việt như là một trọng điểm của cuộc vận động “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt”, “Tự hào về trái cây Việt” phải thành phong trào như với các hàng nội khác. Cùng đó phải tổ chức phân phối đưa nhanh tới các chợ đầu mối, hệ thống siêu thị, tụ điểm tiêu thụ với chi phí hợp lý để trái cây đến tay người ăn gía bán phải chăng, giữ phẩm cấp, an toàn sức khỏe.
Với thị trường nước ngoài, phải phát huy tần suất, cường độ của xúc tiện thương mại, quảng bá trái cây Việt trong mọi cơ hội, bằng các phương tiện, tìm đầu ra, mở rộng thị phần xuất khẩu cho trái cây Việt. Mỗi cơ quan đại diện thương mại Việt Nam tại nước ngoài là những “quầy hàng sinh động” giới thiệu trái cây Việt trước hết cho cộng đồng người Việt tại địa bàn từ đó lan tỏa ra cư dân bản địa.
Kiểm soát việc nhập khẩu trái cây bằng các quy định, hàng rào kỹ thuật đúng thông lệ quốc tế, bảo hộ chính đáng vị thế rau quả trong nước. Không tạo ra sự kỳ thị, nhưng phải kiên quyết ngăn chặn nhập lậu trái cây chính là ngăn chặn hiểm họa khôn lường với vỏ ngoài tươi ngon, bên trong thơm ngọt ảo giác.
Theo Báo Lao động