Báo cáo gửi Quốc hội dẫn số liệu về môi trường Hà Nội với “thống kê gần đây nhất” tuy nhiên, số liệu này trích dẫn từ một tờ báo đăng tải năm 2018 và trùng với số liệu công bố hơn 10 năm trước.
Ảnh minh họa.
Chính phủ mới có báo cáo đề ngày 19/7/2019 gửi các đại biểu Quốc hội về việc thi hành Luật Thủ đô phục vụ kỳ họp Quốc hội thứ tám Quốc hội khóa XIV sắp diễn ra.
Theo đánh giá tại bản báo cáo, Luật Thủ đô được Quốc hội thông qua ngày 21/11/2012 và có hiệu lực từ ngày 01/7/2013. Việc đánh giá tình hình thi hành Luật này trong bối cảnh thực hiện Kết luận số 22-KL/TW ngày 07/11/2017 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011- 2020 và Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 15/2008/QH12 ngày 29/5/2008 của Quốc hội (Khóa XII) về việc điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội và một số tỉnh có liên quan (giai đoạn 2008-2018) là rất cần thiết, tạo cơ sở cho việc đề xuất, kiến nghị các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả việc thi hành hoặc sửa đổi, bổ sung Luật cho phù hợp với điều kiện thực tiễn.
Về quản lý và bảo vệ môi trường (Điều 14 Luật Thủ đô), cho biết, trong giai đoạn từ năm 2016-2017, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thẩm định và phê duyệt 32 báo cáo đánh giá tác động môi trường thuộc các loại hình giao thông, hạ tầng khu đô thị, xử lý chất thải và các dự án có sử dụng một phần diện tích nằm trong Vườn quốc gia Ba Vì, cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu cho 04 cơ sở, 03 cơ sở sản xuất được Bộ cấp giấy chứng nhận túi nilon thân thiện với môi trường.
Hiện nay, Thành phố có 1.350 làng nghề với khoảng 290 làng nghề được công nhận, trong đó có 18 làng nghề nằm trong danh mục các làng nghề ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, đã triển khai một số dự án đầu tư xử lý nước thải làng nghề quy mô lớn; 18 khu công nghiệp, khu chế xuất, trong đó có 10 khu công nghiệp, khu chế xuất đã đi vào hoạt động với diện tích 2.853 ha, 159 cụm công nghiệp với diện tích 3.204,31ha, trong đó có 43 cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động. Việc di dời các cơ sở sản xuất từ khu dân cư, làng nghề vào các cụm công nghiệp còn nhiều bất cập, chưa hiệu quả.
Từ năm 2011 đến nay, thành phố đã thu hút 8 dự án đầu tư xử lý rác thải, 06 dự án xử lý nước thải sinh hoạt từ nguồn vốn ODA, hợp đồng BT, BOT hoặc theo phương thức xã hội hóa.
Tại phần đánh giá về một số tồn tại, hạn chế và nguyên nhân, báo cáo cho biết về những tồn tại, hạn chế trong việc ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành Luật và Tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện quy định của Luật.
Trong thực hiện quy định của Luật báo cáo đề cập vấn đề quản lý, bảo vệ môi trường và đất đai. Theo đó, quy chuẩn môi trường về nước thải, khí thải và tiếng ồn trên địa bàn Thủ đô đã được ban hành, tuy nhiên, việc đòi hỏi các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, các làng nghề... phải đầu tư hệ thống xử lý chất thải với công nghệ hiện đại đáp ứng yêu cầu dẫn đến chi phí đầu tư cao. Ô nhiễm nguồn nước và không khí trên địa bàn Thành phố đang xảy ra khá phổ biến. Qua rà soát tại 21/30 quận, huyện, thị xã của Thành phố cho thấy đã có 187 điểm đen, khu vực ô nhiễm và bức xúc về môi trường. Số liệu này được chú thích, dẫn từ bào báo đăng trên báo Kinh tế - Đô thị online tháng 9/2018.
“Tốc độ đô thị hóa của Thành phố càng diễn ra nhanh chóng bao nhiêu, thì đi kèm với đó là chất lượng môi trường đã và đang giảm sút nghiêm trọng. Thống kê gần đây nhất cho thấy mỗi năm môi trường không khí thành phố Hà Nội phải tiếp nhận khoảng 80.000 tấn bụi khói, 9.000 tấn khí SO2, 19.000 tấn khí NO2, 46.000 tấn khí CO2; trong đó, quá trình phá dỡ, đào, san lấp, vận chuyển vật tư và tập trung nhiều thiết bị thi công có sử dụng động cơ diezen công suất cao đã phát thải khí độc hại như SO2, NOx, CO… làm ảnh hưởng tới sức khỏe của người dân trên một diện rộng quanh khu vực thi công”, báo cáo có đoạn viết.
Các số liệu thống kê này được trích nguồn từ báo Tuổi trẻ Thủ đô (tháng 4/2018). Đáng chú ý, số liệu này cũng trùng khớp với số liệu mà nhiều bài báo đăng tải từ năm 2005, 2007.
Cụ thể, tờ Dân trí tháng 5/2007 có bài “Hà Nội: Mỗi năm phải “hít” 80.000 tấn khói bụi” viết: “Trung bình mỗi năm Hà Nội phải tiếp nhận 80.000 tấn khói bụi, 9.000 tấn khí SO2, 1.9000 tấn khí NO2, 46.000 tấn khí CO2. Dự báo, đến năm 2010 nồng độ các loại khí trên sẽ vượt quá tiêu chuẩn cho phép từ 7 đến 9 lần trên một số nút giao thông của thành phố Hà Nội như: nút giao thông Ngã Tư Sở, đường Lò Đúc, nút Võng Thị.... Đó là kết luận sau hàng loạt những đợt quan trắc phối hợp giữa Sở Khoa học Công nghệ thành phố Hà Nội và Viện Hoá học”.
BẢO VY / BizLIVE