Ông YASUZUMI HIROTAKA |
Trong cuộc trao đổi với TBKTSG nhân dịp bước sang năm mới 2016 ông Yasuzumi Hirotaka, Giám đốc điều hành của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại TPHCM, đã chỉ ra những “cái mới” của đầu tư Nhật Bản vào Việt Nam
TBKTSG: Ông đánh giá như thế nào về đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản ra nước ngoài hiện nay?
- Ông YASUZUMI HIROTAKA: Nói đến môi trường đầu tư trong khu vực Đông Nam Á hiện nay có thể thấy Indonesia có sự gia tăng chính sách bảo hộ cho các doanh nghiệp nội địa, Thái Lan đưa ra những thay đổi về chính sách đầu tư và Việt Nam nổi bật lên là môi trường đầu tư tiềm năng. Ngày càng nhiều các nhà đầu tư nhỏ và vừa của Nhật vào Việt Nam dù rằng trong những năm qua, đầu tư của Nhật ra nước ngoài có những bất lợi đáng kể, bao gồm đồng yen giảm giá và kinh tế khó khăn.
TBKTSG: Đâu là lý do của xu hướng đầu tư này?
- Có hai nguyên nhân. Thứ nhất là các doanh nghiệp Nhật Bản được Chính phủ Nhật hỗ trợ khi đầu tư ra nước ngoài. Thứ hai, họ nhận ra rằng thu nhập người Việt Nam ngày càng tăng, từ đó nhu cầu mua các sản phẩm an toàn, chất lượng cao cũng tăng theo, đặc biệt người Việt lại chuộng các sản phẩm Nhật Bản.
Trong hai năm gần đây, số lượng các dự án có số vốn từ 100.00 đến 1 triệu đô la Mỹ chiếm tỷ trọng hơn 60% tổng số dự án của các doanh nghiệp Nhật Bản vào Việt Nam. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư Nhật cũng có xu hướng tăng các dự án thương mại dịch vụ và giảm các dự án sản xuất. Các dự án sản xuất chỉ nhằm phục vụ nhu cầu nội địa và chế xuất.
TBKTSG: Ngành thương mại dịch vụ tại Việt Nam thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp Nhật ở mức độ nào, thưa ông?
- Các doanh nghiệp Nhật Bản ngày càng quan tâm hơn đến các lĩnh vực bán lẻ, bất động sản và mua bán sáp nhập (M&A) ở Việt Nam. Tuy nhiên, hiện nay có rất ít doanh nghiệp thực sự bắt tay vào thực hiện vì những bất cập trong cơ chế, thị trường và minh bạch thông tin. Các doanh nghiệp Nhật luôn thận trọng trong các quyết định đầu tư của mình. Họ quan tâm đến mức độ minh bạch và công khai thông tin của các doanh nghiệp Việt Nam trước khi thực hiện M&A.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Nhật cũng đang chờ thị trường chứng khoán ở Việt Nam phát triển hơn nữa để có thể tự tin đầu tư. Cụ thể doanh nghiệp Nhật sẽ hợp tác, mua những doanh nghiệp nào có cách làm ăn phù hợp. Các doanh nghiệp Nhật muốn đầu tư lâu dài, chứ không phải đầu cơ, mua đi, bán lại để kiếm lời.
TBKTSG: Thế còn đối với các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư sản xuất tại Việt Nam, họ quan tâm điều gì nhất?
- Thứ nhất là chính sách minh bạch và thứ hai là công nghiệp hỗ trợ. Hiện nay các nguồn cung ứng cho các doanh nghiệp Nhật đến từ Việt Nam chiếm tỷ trọng 30%, từ Nhật 35% còn lại là đến từ các nước ASEAN, Trung Quốc và một số quốc gia khác. Các doanh nghiệp Nhật vẫn muốn nâng tỷ lệ nguồn cung ứng chính tại Việt Nam hơn là phải nhập khẩu từ Nhật và các nước khác.
Tôi cho rằng các doanh nghiệp Việt Nam muốn nắm bắt cơ hội này phải phát triển mạnh hơn nữa với sự hỗ trợ từ Chính phủ. Nếu Việt Nam phát triển tốt ngành công nghiệp hỗ trợ, các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam sẽ giảm nhập nguyên liệu từ Trung Quốc. Điều này về lâu về dài góp phần cân bằng hơn cán cân thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc.
TBKTSG: Ông có nhận xét gì về khuynh hướng một số doanh nghiệp Nhật đã chuyển đầu tư và dời nhà máy từ Trung Quốc sang Việt Nam?
- Xu hướng chuyển dời là có. Các doanh nghiệp đang hoạt động tại Trung Quốc chuyển một phần sản xuất của mình sang các nước ASEAN, trong đó hơn 24% là vào Việt Nam. Tôi biết, có một doanh nghiệp sản xuất máy in hiện đang sản xuất hai phân khúc sản phẩm cao cấp và phổ thông. Mới đây họ đã chuyển dây chuyền sản xuất sản phẩm phổ thông sang Việt Nam, trong tương lai không loại trừ khả năng khi chi phí nhân công ở Trung Quốc tăng, họ sẽ chuyển toàn bộ dây chuyền sản xuất qua Việt Nam.
TBKTSG: Cuối cùng, ông nghĩ như thế nào về tác động của các hiệp định thương mại như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) lên mối quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và Nhật Bản?
- Tôi nghĩ sau các hiệp định thương mại (FTA hay TPP), sẽ khó có những thay đổi lớn. Tuy nhiên, Việt Nam cũng sẽ có những điều thuận lợi nhất định. Ví dụ, quy định “yarn forward” trong ngành dệt may đòi hỏi nguồn nguyên liệu xuất xứ phải từ các nước trong TPP. Chính điều này sẽ kéo theo các mảng đầu tư liên quan vào Việt Nam. Từ đây, tạo ra vòng xoáy tốt cho khu vực đầu tư nước ngoài của Việt Nam nói chung và mối quan hệ kinh tế Việt Nam và Nhật Bản nói riêng sẽ tốt hơn.
Theo SaigonTimes