Tính đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh Hải Dương đã có 299 dự án đầu tư nước ngoài đến từ 24 quốc gia và vùng lãnh thổ, với tổng vốn đầu tư đăng ký là 6.676,2 triệu USD (trong KCN là 153 dự án với số vốn 3.284,2 triệu USD, ngoài KCN là 146 dự án với số vốn 3.392 triệu USD). Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh, mời gọi các nhà đầu tư được tỉnh xác định là một trong những mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng, cần có sự vào cuộc của tất cả các cấp ngành, để thu hút đầu tư “không chỉ là khẩu hiệu” – như lời ông Vương Đức Sáng – Giám đốc Sở kế hoạch và đầu tư Hải Dương chia sẻ.
Xin ông đánh giá một số nét mới trong kết quả thu hút đầu tư và hoạt động của các doanh nghiệp tỉnh nhà trong thời gian vừa qua? Kết quả thu hút đầu tư tỉnh Hải Dương những tháng đầu năm 2015 tiếp tục được đánh dấu bằng các con số thu hút FDI. Tổng lũy kế vốn đầu tư thực hiện của các doanh nghiệp FDI ước đạt 3.050 triệu USD. Thu hút trên 142.000 lao động trực tiếp tại các Doanh nghiệp cùng hàng ngàn lao động gián tiếp khác. Các dự án cấp mới đến từ các quốc gia như Hồng Kông, Hàn Quốc, Brunei với các lĩnh vực chủ yếu như giày dép, phụ tùng và bộ phụ trợ cho xe có động cơ, sản xuất các cấu kiện kim loại... |
6 tháng đầu năm nay thu hút FDI đạt 294,4 triệu USD bằng 74,9% so với cùng kỳ (393,3 triệu USD). Mặc dù thu hút đầu tư có giảm so với năm 2014 nhưng nguồn vốn tăng thêm của các dự án đã được cấp phép các năm trước đó tăng lên đáng kể, tăng 60,8% so với cùng kỳ. Điều này chứng tỏ các nhà đầu tư ngày càng yên tâm và tin tưởng môi trường đầu tư của tỉnh.
Các dự án được cấp Giấy chứng nhận đầu tư đều tích cực triển khai đầu tư và một số trong đó đã đi vào hoạt động ổn định, tiêu biểu như: Dệt Facific 303,4 triệu USD, Dự án Tinh Lợi 2 của Công ty TNHH May Tinh Lợi 60 triệu USD, Công ty TNHH Việt Nam Toyo Denso tăng thêm 31 triệu USD, Công ty TNHH Máy công nghiệp Brother Việt Nam tăng thêm 35 triệu USD, nhà máy sản xuất giày thể theo của Tạp đoàn Regina Miracle 88 triệu USD...
Bên cạnh đó, 6 tháng đầu năm nay tỉnh đã có 447 doanh nghiệp trong nước đăng ký thành lập mới (tăng 113 doanh nghiệp so với cùng kỳ năm trước), số doanh nghiệp đăng ký xóa tên giảm so với cùng kỳ năm trước. Đến nay trên địa bàn tỉnh có 7.853 doanh nghiệp hoạt động, với số vốn đăng ký 50.059,3 tỷ đồng.
Như ông có chia sẻ, thu hút FDI của Hải Dương dù có tăng về vốn điều chỉnh của các dự án đã đầu tư, song số lượng đầu tư mới lại giảm so với cùng kỳ năm ngoái. Theo ông điều này là do đâu?
Có rất nhiều nguyên nhân tác động đến việc thu hút FDI giảm về số lượng đầu tư mới. Trong đó có sự ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế tác động đến hoạt động của các doanh nghiệp và nhà đầu tư, doanh nghiệp rất cẩn trọng và dè dặt hơn trong việc thực hiện đầu tư mới. Về mặt chủ quan, tỉnh Hải Dương còn bộc lộ một số hạn chế như: cơ sở hạ tầng nhất là hạ tầng kỹ thuật của một số khu công nghiệp và đại bộ phận các cụm công nghiệp còn thiếu; thời gian giải quyết thủ tục hành chính còn chậm, nhất là thủ tục giải phóng mặt bằng, cho thuê đất và giao đất cho nhà đầu tư; việc phối hợp với một số cơ quan xúc tiến đầu tư và một số quốc gia đầu tư cũng còn chưa tốt; thiếu lao động có tay nghề cao, đôi khi còn chậm trong giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.
Những năm gần đây tỉnh Hải Dương đã quan tâm hơn đến việc lựa chọn đầu vào đối với các nhà đầu tư, công tác thẩm định các dự án đầu tư được triển khai quyết liệt nên đã loại bỏ được không ít những dự án đầu tư kém chất lượng khi có nhu cầu đầu tư tại Hải Dương. Tuy nhiên hiện nay tỉnh vẫn chưa thu hút được những tập đoàn kinh tế có tầm ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Ngày nay các địa phương đã “thông minh” hơn trong việc lựa chọn các nhà đầu tư, các lĩnh vực đầu tư theo hướng “đầu tư xanh” công nghiệp sạch, công nghệ cao để hạn chế tác động đến môi trường. Vậy Hải Dương đã có những định hướng chọn lựa nhà đầu tư và lĩnh vực đầu tư trong giai đoạn tiếp theo như thế nào?
Từ năm 2015, Hải Dương chính thức ban hành Danh mục Dự án kêu gọi đầu tư và tạm dừng thu hút đầu tư trên địa bàn từ năm 2015. Theo đó, có 6 lĩnh vực thuộc diện tạm dừng thu hút đầu tư bao gồm: dệt nhuộm (dệt có công đoạn nhuộm); sản xuất da, giày da, các sản phẩm có liên quan và trong quá trình sản xuất có công đoạn thuộc da, sơ chế da; sản xuất nhựa tổng hợp, composit, sản xuất giấy từ bột giấy, cao su; các lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng như xi măng, gạch xây từ đất sét nung, vôi, tấm lợp có sử dụng amiăng; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất; khai thác thô không qua chế biến các nguồn tài nguyên thiên nhiên, khoáng sản.
Cùng với 6 lĩnh vực tạm dừng thu hút đầu tư, tỉnh cũng đã ban hành danh mục 41 dự án kêu gọi đầu tư trên địa bàn tỉnh Hải Dương. Trong số này, có 6 dự án trong lĩnh vực công nghiệp - xây dựng; 2 dự án trong lĩnh vực giao thông - vận tải; 7 dự án lĩnh vực y tế - giáo dục… Việc ban hành danh mục này sẽ giúp cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước khi tìm hiểu cơ hội đầu tư vào địa bàn tỉnh Hải Dương có định hướng đầu tư rõ ràng và thuận lợi hơn trong việc lựa chọn những lĩnh vực, dự án đầu tư mà mình quan tâm. Tuy nhiên, danh mục này cũng chỉ mang tính chất định hướng, tham khảo, nhà đầu tư vẫn có quyền lựa chọn những lĩnh vực, dự án đầu tư khác không nằm trong Danh mục các dự án thuộc nhóm ngành, nghề, lĩnh vực tạm dừng thu hút đầu tư và phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Bên cạnh những định hướng đầu tư mang tính lược đó, tỉnh cũng đưa ra những giải pháp hỗ trợ, đồng hành với doanh nghiệp, nhà đầu tư như thế nào để họ yên tâm đầu tư, tạo sức bật mới cho sự phát triển của tỉnh?
Thực hiện Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 12/3/2015 của Chính phủ về những nhiệm vụ và giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, tỉnh Hải Dương tiếp tục ban hành kế hoạch hành động nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chỉ số PCI của tỉnh trong giai đoạn 2015-2016 và những năm tiếp theo, xây dựng hình ảnh Hải Dương năng động, hấp dẫn, nỗ lực đột phá, tạo sức cạnh tranh. Để thực hiện được những mục tiêu đó, tỉnh đưa ra nhiều giải pháp:
Thứ nhất là cải cách thủ tục hành chính. Đây là điều rất quan trọng đối với các nhà đầu tư đến với địa phương. Tỉnh tiến hành rà soát các văn bản quy phạm pháp luật đã ban hành để kịp thời sửa đổi, bổ sung tránh chồng chéo, rút ngắn thời gian, cơ chế 1 cửa liên thông, nhất là các thủ tục về đất đai như cấp đất, giải phóng mặt bằng, định giá tài sản; các thủ tục kê khai nộp thuế, hải quan, cấp phép lao động cho người nước ngoài…
Thứ hai, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào các khâu giải quyết thủ tục hành chính như giao dịch thông qua mạng điện tử, cổng thông tin điện tử tỉnh, huyện các sở ngành thuộc các lĩnh vực liên quan như đăng kí kinh doanh, thuế, hải quan… nhằm giảm bớt chi phí và thời gian đi lại cho doanh nghiệp. Công khai minh bạch tất cả các thủ tục hành chính để doanh nghiệp tiện theo dõi và kịp thời điều chỉnh.
Thứ ba, nâng cao ý thức kỷ cương trách nhiệm, tác phong lề lối làm việc của đội ngũ các bộ công chức trong các cơ quan Nhà nước, thực hiện đầy đủ nghiêm túc các chức năng, nhiệm vụ, chức trách được giao, kiện toàn bộ máy quản lý, tạo ra những con người năng động, có ý thức trách nhiệm. Kiên quyết xử lý những trường hợp yếu kém, sai phạm gây bất lợi cho doanh nghiệp.
Thứ tư, kịp thời giải quyết những khó khăn vướng mắc, nhất là về vốn để doanh nghiệp yên tâm hoạt động. Hiện nay đã phối hợp thành công với Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh, luôn trong tư thế sẵn sàng đảm bảo cung ứng đủ vốn không để tình trạng doanh nghiệp vì không vay được vốn mà chậm trễ trong vấn đề sản xuất kinh doanh. Tỉnh định kỳ 6 tháng và 1 năm tổ chức gặp mặt đối thoại doanh nghiệp để kịp thời nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng, giải quyết những vướng mắc và lắng nghe những đóng góp về môi trường đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp.
Thứ năm, tổ chức tốt các chương trình xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại năm 2015, hỗ trợ nông dân trong tiêu thụ sản phẩm vải thiều, rau quả ở thị trường trong nước và xuất khẩu, đẩy mạnh cuộc vận động người Việt ưu tiên dùng hàng Việt…
Thứ sáu, tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền các cấp, điều hành chi ngân sách theo hướng tiết kiệm, hiệu quả.
Nguồn: vccinews.vn