Dựa trên lợi thế hiện có, cũng như qua đánh giá thực trạng thu hút đầu tư của Đắk Nông thời gian qua, ông Trần Xuân Hải - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đắk Nông cho biết, hiện tỉnh đã và đang triển khai nhiều hoạt động xúc tiến đầu tư, ban hành một số chính sách khuyến khích đầu tư thông thoáng, ưu đãi, cũng như kịp thời bổ sung, điều chỉnh cơ chế kêu gọi đầu tư phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, qua đó mang lại dấu hiệu khởi sắc cho tình hình thu hút đầu tư vào tỉnh, góp phần tạo diện mạo tích cực cho nền kinh tế tỉnh nhà. Duy Anh thực hiện.
Xin ông chia sẻ cụ thể tình hình thu hút đầu tư của tỉnh trong năm vừa qua?
Được thành lập năm 2004, do đặc thù của một tỉnh miền núi với xuất phát điểm thấp, điều kiện kinh tế-xã hội, đặc biệt là hệ thống hạ tầng còn gặp nhiều khó khăn, việc thu hút đầu tư vào Đắk Nông những năm qua tương đối không thuận lợi. Tuy nhiên, được sự quan tâm giúp đỡ của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương cùng với sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, công tác thu hút đầu tư trên địa bàn đã đạt được kết quả khả quan. Năm 2014, toàn tỉnh đã cấp phép đầu tư cho 29 dự án, với tổng vốn gần 11 ngàn tỷ đồng. Đặc biệt, tỉnh đã thu hút được một số dự án lớn như: Dự án Nhà máy điện phân nhôm Đăk Nông; Dự án đầu tư khai thác mỏ Bauxit Nhân Cơ; Dự án đầu tư Bệnh viện Đa Khoa Thiện Tâm; Dự án đầu tư sản xuất nông, lâm nghiệp Khang Nam,...
Cùng với nguồn lực trong nước, nhờ thực hiện tốt công tác đối ngoại, tỉnh đã thu hút được nhiều chương trình, dự án ODA, NGO trên các lĩnh vực, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là trong giai đoạn Chính phủ thực hiện chủ trương thắt chặt tài khóa (trong đó có đầu tư công) như hiện nay. Năm 2014, trên địa bàn tỉnh có 7 dự án ODA đang thực hiện chuyển tiếp với tổng mức đầu tư là 1.608.384 triệu đồng. Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng đã phối hợp với các đơn vị tiếp quản dự án thực hiện và giải ngân tốt các dự án do các Tổ chức phi chính phủ (NGO) tài trợ với mức vốn khá lớn với tổng cộng 10 dự án NGO chuyển tiếp, tổng vốn đầu tư là 7.254.285 USD. Ngoài ra, Đắk Nông cũng đã tiếp nhận thêm 01 dự án FDI, có vốn đầu tư dự kiến 900 triệu USD và tiếp tục triển khai thực hiện 07 dự án FDI chuyển tiếp, với tổng vốn đầu tư đăng ký là 167,6 triệu USD, ước thực hiện năm 2014 là 49 triệu USD. Hầu hết các dự án đều tập trung vào lĩnh vực khai thác khoáng sản; khai thác và chế biến đá, cát xây dựng, nông, lâm nghiệp và thương mại, du lịch. Điều này cho thấy, các nhà đầu tư đã chú trọng khai thác thế mạnh của tỉnh, góp phần phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.
Dù tình hình thu hút đầu tư đã đạt được nhiều kết quả khởi sắc, song Đắk Nông vẫn chưa thực sự khai thác được hết thế mạnh, tiềm năng của mình. Vậy, đâu là những hạn chế khiến Đắk Nông chưa thực sự thu hút nhà đầu tư?
Những năm qua, môi trường kinh doanh của tỉnh tuy có cải thiện nhưng còn hạn chế, năng lực cạnh tranh vẫn thấp, so với khu vực và cả nước, doanh nghiệp vẫn chưa hài lòng khi đầu tư, kinh doanh tại địa bàn. Khó khăn lớn nhất của tỉnh là thị trường nhỏ hẹp, xa cách trung tâm kinh tế lớn của đất nước. Chưa kể, Đắk Nông là tỉnh miền núi với mạng lưới giao thông khó khăn, cơ sở hạ tầng kỹ thuật, xã hội còn nhiều hạn chế đã gây khó khăn cho các nhà đầu tư khi triển khai dự án. Ngoài ra, đây là địa phương có nhiều dân tộc thiểu số sinh sống, trình độ dân trí thấp, tác phong công nghiệp kém, lao động có tay nghề thấp. Thương mại nội tỉnh chưa phát triển làm giá cả hàng hóa tăng cao, kéo theo giá cả sức lao động tăng cao, từ đó ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư khi quyết định đầu tư vào tỉnh do khó khăn về nguồn lao động. Sức mua và khả năng tiêu thụ tại địa phương không cao cũng ảnh hưởng đến khả năng thu hút các dự án đầu tư vào lĩnh vực thương mại.
Riêng lĩnh vực chế biến nông, lâm sản là một trong những lợi thế lớn của tỉnh, tuy nhiên nguồn cung nông sản tại địa phương hiện không ổn định bởi số lượng nhỏ lẻ, phân tán trong dân, chất lượng không đảm bảo ổn định cho chế biến và xuất khẩu. Công tác quản lý đất đai còn bất cập, quỹ đất sạch để thu hút đầu tư vẫn còn thiếu. Đặc biệt, năng lực và trình độ chuyên môn của một bộ phận cán bộ ở các sở, ban, ngành, huyện, thị còn hạn chế, việc giải quyết các thủ tục vướng mắc cho nhà đầu tư còn ách tắc, chậm trể. Với những khó khăn, hạn chế đó, việc rà soát lại toàn bộ các tiêu chí, để xác định điểm nghẽn nhằm khơi thông môi trường kinh doanh là việc làm cấp bách và cần tăng cường chỉ đạo.
Để giải quyết những khó khăn nói trên, cũng như tăng cường thu hút đầu tư vào Đắk Nông, những giải pháp được tỉnh đặt ra, thưa ông?
Để cải thiện môi trường đầu tư, UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án chiến lược thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đến năm 2020, đồng thời xây dựng và triển khai nhiều giải pháp thiết thực. Ngoài những chính sách chung của Nhà nước, tỉnh Đắk Nông đã ban hành những quy trình, chính sách ưu đãi trong hầu hết các lĩnh vực ưu tiên của tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi cho các NĐT khi đầu tư vào tỉnh. Tăng cường áp dụng công nghệ thông tin trong công tác thu hút đầu tư như cổng thông tin điện tử của địa phương, cơ chế một cửa điện tử đang bước đầu được áp dụng thống nhất từ tỉnh xuống tới huyện để triển khai một số thủ tục hành chính nhằm rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục cho NĐT. Đồng thời, tăng cường đối thoại trực tiếp giữa chính quyền địa phương với các doanh nghiệp, NĐT nhằm kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, NĐT để tạo niềm tin cho các nhà đầu tư đến tìm hiểu và đầu tư tại tỉnh Đắk Nông.
Tỉnh sẽ tập trung cải thiện môi trường đầu tư, ban hành các giải pháp nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), tạo môi trường đầu tư thông thoáng và đào tạo cán bộ làm công tác xúc tiến đầu tư nhằm giải quyết hồ sơ dự án một cách nhanh, hiệu quả và hỗ trợ tốt nhất cho doanh nghiệp, nhà đầu tư. Đặc biệt, Đắk Nông sẽ tập trung nguồn lực cải thiện hạ tầng cơ sở đồng bộ và có trọng điểm; thu hút đầu tư có trọng điểm, trong đó chú trọng đến những lĩnh vực mà tỉnh có lợi thế và chủ động lực chọn nhà đầu tư có năng lực.
Từ những kết quả đạt được, cùng những nỗ lực trong cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh trong thời gian qua, ông có thể đưa ra đánh giá tổng quan về môi trường đầu tư của tỉnh hiện nay?
Nhận thức tầm quan trọng của cơ sở hạ tầng cho phát triển kinh tế - xã hội, trong những năm qua, tỉnh đã tập trung nguồn vốn ngân sách Nhà nước và xây dựng các chính sách, kêu gọi, thu hút các nguồn lực xã hội để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, nhất là giao thông, cấp điện. Nhiều dự án lớn, quan trọng kết nối liên vùng, giao thông vùng đồng bào dân tộc, vùng sản xuất,… đã được triển khai đầu tư xây dựng, kích thích sản xuất và giao thương hàng hóa. Những lợi thế như nguồn khoáng sản dồi dào, đất đai và khí hậu thích hợp phát triển chăn nuôi đại gia súc, nông, lâm nghiệp và gần các trung tâm tiêu thụ lớn cũng là thuận lợi thu hút các nhà đầu tư vào tỉnh. Chưa kể, đây là địa phương hội tụ rất nhiều tiềm năng thế mạnh để phát triển toàn diện các lĩnh vực kinh tế.
Mặt khác, các chính sách ưu đãi luôn được tỉnh quan tâm đẩy mạnh và tạo được chuyển biến tích cực trong thu hút đầu tư. Thời gian tới, Đắk Nông sẽ ban hành thêm các chính sách mới, dành những ưu đãi đặc biệt và hỗ trợ tốt nhất cho doanh nghiệp, NĐT; đẩy nhanh cải các thủ tục hành chính, hoàn thiện cơ chế “một cửa liên thông” trong thu hút đầu tư. Đồng thời, nâng cao chất lượng nguồn lao động địa phương, chỉ đạo các ngân hàng trên địa bàn có những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, NĐT trong tiếp cận vốn vay để thực hiện dự án,....Hy vọng, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, tình hình thu hút đầu tư vào tỉnh Đắk Nông ngày càng khởi sắc, đóng góp to lớn vào sự nghiệp phát triển kinh tế- xã hội của địa phương, tạo tiền đề cơ bản để phát triển toàn diện và bền vững theo hướng công nghiệp hóa – hiện đại hóa như Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ X đã đề ra.
Theo vccinews.vn