Số lượng dự án khiêm tốn, quy mô đầu tư nhỏ lẻ đang là điều dễ nhận ra trong lĩnh vực thu hút đầu tư vào Đắk Nông so với khu vực Tây Nguyên. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến thu hút đầu tư chưa thực sự tạo được những bước chuyển căn bản để khai thác tiềm năng, lợi thế, thúc đẩy kinh tế của tỉnh phát triển xứng tầm.
Gian hàng giới thiệu, quảng bá tiềm năng, lợi thế đầu tư của Đắk Nông bên lề Hội nghị xúc tiến đầu tư khu vực Tây Nguyên lần thứ III |
Thiếu những doanh nghiệp "đầu tàu"
Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có hơn 3.271 doanh nghiệp có đăng ký kinh doanh trên các lĩnh vực, trong đó có 22 doanh nghiệp Nhà nước; 2.556 doanh nghiệp ngoài Nhà nước và 693 đơn vị trực thuộc với tổng số vốn đăng ký là hơn 22.730 tỷ đồng.
Điều đáng nói là trong số doanh nghiệp nêu trên, khoảng 98% là những doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ, với số vốn đăng ký khiêm tốn, chủ yếu hoạt động trên các lĩnh vực kinh doanh thương mại, khai khoáng và dịch vụ ăn uống. Những lĩnh vực được xem là tiềm năng như chế biến nông sản, du lịch, sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị thì rất ít doanh nghiệp tham gia.
Hiện chỉ có một vài doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực khai thác bô xít, chế biến nhôm, còn lại cũng chỉ là những đơn vị hoạt động dưới dạng thăm dò thị trường hoặc tham gia theo kiểu “xí phần” chứ chưa thực sự mạnh dạn “tung” vốn để đầu tư. Điều này thể hiện rõ trong thu hút đầu tư giai đoạn 2004 đến nay, toàn tỉnh có 294 dự án đã được UBND tỉnh cho chủ trương đầu tư nhưng chỉ có 63 dự án đã được cấp giấy phép đầu tư và đang hoạt động tốt; 93 dự án đang triển khai thực hiện, còn lại là các dự án không triển khai hoặc không có báo cáo. Điều này đang đặt ra cho tỉnh một câu hỏi là liệu môi trường đầu tư vào tỉnh đã thực sự thông thoáng, hấp dẫn đối với các doanh nghiệp?
Kết quả tham vấn đại diện một số doanh nghiệp gần đây cho thấy, mặc dù Đắk Nông đã có những nỗ lực nhất định trong hoạt động quảng bá tiềm năng, lợi thế, xúc tiến đầu tư nhưng quá trình triển khai dự án lại rất “vướng” về cơ chế, thủ tục như thiếu tính nhất quán, đồng bộ giữa chủ trương và giải pháp thực thi; lãnh đạo, chỉ đạo của chính quyền cấp trên chưa được cấp dưới thực hiện nghiêm túc... đã tạo ra những “rào cản” vô hình làm “nản lòng nhà đầu tư”.
Mặt khác, trong chính sách thu hút đầu tư, Đắk Nông cũng chưa thực sự quan tâm đến một số doanh nghiệp có vai trò “đầu tàu” để có chính sách đặc thù trong thu hút, tạo cơ chế hoạt động hợp lý. Bởi vì, xu thế hiện nay, phần lớn các doanh nghiệp đều hoạt động theo hình thức chuỗi giá trị.
Nếu có một doanh nghiệp “đầu tàu” đủ sức tiên phong trong lĩnh vực nào đó, lập tức sẽ có nhiều doanh nghiệp “nhảy” vào hoạt động dưới dạng các ngành phụ trợ hoặc liên kết cùng nhau đầu tư, phát triển để sinh lợi. Vì thế, để lĩnh vực đầu tư vào tỉnh thực sự khởi sắc theo đúng nghĩa, tỉnh cũng cần quan tâm, mạnh dạn có những cơ chế đặc thù để thu hút được những doanh nghiệp “đầu tàu”.
"Lép vế" so với khu vực
Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư khu vực Tây Nguyên lần thứ III được tổ chức tại thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng) mới đây, nhiều đại biểu cho rằng, Đắk Nông là tỉnh mới nhưng có nhiều tiềm năng để phát triển, trong đó lĩnh vực khai khoáng, nông nghiệp và du lịch được xem là thế mạnh đặc thù so với khu vực. Tuy nhiên, so với các tỉnh trong khu vực, kết quả đầu tư vào Đắk Nông thời gian qua rất “khiêm tốn”, nếu không nói là “lép vế” so với các tỉnh.
Không nói đâu xa, tại Hội nghị xúc tiến đầu tư khu vực Tây Nguyên lần thứ III, Ban tổ chức đã chọn và trao quyết định đầu tư cho 13 dự án tiêu biểu tại các tỉnh trong khu vực với tổng mức đầu tư 16.600 tỷ đồng. Trong đó, tỉnh Kon Tum có tổng mức đầu tư lớn nhất với số vốn lên đến 7.700 tỷ đồng; tiếp đến là Lâm Đồng, Gia Lai, Đắk Lắk và cuối cùng là tỉnh Đắk Nông với 2 dự án có số vốn “khiêm tốn” ở mức 30 tỷ đồng.
Chưa kể, xét về tổng vốn đầu tư toàn xã hội, mặc dù là tỉnh mới, nhu cầu đầu tư cao nhưng so với khu vực, Đắk Nông vẫn là tỉnh có số vốn đầu tư còn khá ít. Chỉ tính riêng nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI, tính đến hết năm 2014, khu vực Tây Nguyên có tất cả 148 dự án với tổng vốn đầu tư gần 820 triệu USD thì Đắk Nông chỉ có 6 dự án với số vốn đầu tư chưa đến 20 triệu USD.
Nguồn vốn ODA toàn khu vực tính đến hết năm 2014 có 79 dự án, tổng vốn đầu tư gần 510 triệu USD thì Đắk Nông cũng chỉ có 8 dự án với số vốn đầu tư hơn 51 triệu USD. Không chỉ số vốn đầu tư nhỏ mà các dự án FDI và ODA đầu tư vào Đắk Nông cũng mới chỉ tập trung vào lĩnh vực an sinh xã hội như xóa đói, giảm nghèo, giáo dục...
Ngoài cơ chế, chính sách, một trong những nguyên nhân khiến đầu tư vào Đắk Nông hạn chế là hệ thống giao thông thiếu đồng bộ, chưa tạo được sự liên kết cần thiết trong khu vực cũng như các vùng kinh tế trọng điểm. Vì thế, ngoài nỗ lực của chính quyền, người dân, Đắk Nông đang cần sự quan tâm, hỗ trợ hơn nữa từ phía Nhà nước trong đầu tư hoàn thiện hạ tầng giao thông theo hướng đồng bộ, mang tính liên vùng.
Bài, ảnh: Hà An
Baodaknong.org.vn