Kể từ khi chuẩn bị Đại hội XIII của Đảng cho đến nay chủ đề “khát vọng 2045” và phương cách vươn tới khát vọng đó được nói nhiều, viết nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Gần đây, trên VietNamNet nhiều tác giả (*) khẳng định: phải đi bằng đôi chân của người Việt mới có thể đạt được “khát vọng 2045”. Tôi hoàn toàn đồng ý với tư duy của các tác giả vừa nêu và xin bổ sung một vài ý cho quan điểm này.
Tại sao chúng ta chưa đạt hoặc thậm chí không đạt một số mục tiêu cơ bản đặt ra ban đầu trong thu hút và sử dụng nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI)?
Trước khi trả lời câu hỏi đó, xin nhắc lại chuyện thu hút FDI thực hiện cách đây tròn 40 năm: Liên doanh dầu khí Việt - Xô Vietsovpetro.
Báo chí ít nhắc tới dự án rất lớn này, được ký kết và thực hiện trước khi Quốc hội nước ta thông qua Luật đầu tư nước ngoài năm 1987, để khai thác Mỏ dầu Bạch Hổ theo Hiệp định giữa hai Chính phủ Việt Nam và Liên-Xô ký ngày 19/06/1981 (HĐ 19/06/1981).
Đây là dự án lớn về quy mô hồi bấy giờ, với số vốn đầu tư 1,5 tỷ USD (mỗi bên đóng góp 750 triệu USD). Hơn nữa, đây là dự án đầu tư nước ngoài mang lại lợi ích to lớn cho Việt Nam ta, góp phần rất đáng kể giúp đất nước ta thoát ra được cuộc khủng hoảng kinh tế-xã hội nghiêm trọng hồi bấy giờ.
Đặc biệt, dự án này cũng mang lại cho các nhà quản lý những kinh nghiệm rất quý báu trong quản trị quốc gia nói chung, cũng như quản lý việc thu hút và sử dụng nguồn vốn FDI nói riêng.
Giàn khoan của Liên doanh Vietsovpetro tại mỏ Bạch Hổ (thuộc PVN). (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)
Tôi xin nhắc lại vài chi tiết nhỏ nhưng là những kinh nghiệm quý báu trong thu hút vốn FDI hiện nay.
Bảo vệ lợi ích quốc gia. Để lãnh đạo Vietsovpetro, theo HĐ 19/06/1981, Chính phủ hai nước quyết định thành lập Hội đồng Liên doanh, mỗi phía 9 người. Phía Việt Nam cử một số cán bộ cấp thứ trưởng tham gia Hội đồng. Khi trao quyết định cho các thành viên này, lãnh đạo nhắc đi, nhắc lại câu: “Các đồng chí phải tham gia Hội đồng để học và để bảo vệ lợi ích quốc gia”. Và thực tế các thành viên phía VN đã làm được rất nhiều việc cụ thể để bảo vệ lợi ích quốc gia, như nhiệm vụ được giao.
Làm chủ công nghệ. Người Việt Nam học để làm chủ công nghệ. Và không dừng lại ở đó, chính người Việt Nam trong Vietsovpetro đề xuất nhiều giải pháp công nghệ mới, rất sáng tạo, mang lại hiệu quả rất lớn cho Liên doanh, tức cho cả hai quốc gia, mà chính Liên Xô hồi bấy giờ chưa áp dụng công nghệ đó. Xin kể vài chi tiết:
Người Việt Nam làm chủ hết sức nhanh công nghệ lắp đặt giàn khoan trên biển, nhất là làm chủ hoàn toàn việc lắp đặt giàn khoan siêu trường, siêu trọng. Và ai cũng biết công nghệ này lan tỏa nhanh ra các lĩnh vực khác của nước ta.
Chính người Việt Nam đề xuất khai thác dầu đá phiến. Hối bấy giờ, Liên Xô và nói chung nhiều nước trên thế giới chưa khai thác dầu đá phiến nên các chuyên gia Liên Xô không có kinh nghiệm về chuyện này. Trong khi đó, theo thiết kế được duyệt, chúng ta khoan đến 3.000 m đã đến tầng đá móng, nhưng dầu rất ít. Mọi người hết sức lo lắng vì dầu ít như vậy, thậm chí khó kiếm được 70 triệu tấn dầu thô như hai Chính phủ dự kiến khi quyết định thành lập Liên doanh Vietsovpetro. Nhưng “cái khó ló cái khôn”, thế là chính người Việt Nam kiến nghị khoan sâu thêm vào tầng đá phiến 500 m, tất nhiên phải tăng thêm chi phí so với kế hoạch ban đầu. Thế là “trời cho” dầu phụt lên rất mạnh.
Cho đến nay, Vietsovpetro đã khai thác nhiều trăm triệu tấn dầu tại Mỏ Bạch Hổ, vượt gấp nhiều lần dự kiến ban đầu (70 triệu tấn), đem lại lợi ích to lớn cho nước ta và cả Liên Xô, sau này là nước Nga.
Đánh giá rất cao hiệu quả của Liên doanh nghiệp này, năm 2001, trong chuyến thăm đầu tiên đến Việt Nam, Tổng thống Nga Putin có vào thăm Liên doanh Vietsovpetro và trao tặng Huân chương cao quý cho Liên doanh này, bởi theo lời Tổng thống Putin: “Không một doanh nghiệp nào của nước Nga mang lại một khoản ngân sách lớn đến như vậy” (chỉ bỏ ra một lần duy nhất 750 triệu USD, chủ yếu là bằng hiện vât, máy móc, vật liệu. Vậy mà không ít năm được chia lợị nhuận trên dưới 1 tỷ USD/năm).
Từ câu chuyện trên đây, bài học đầu tiên, rất quý đối với các nhà quản trị quốc gia là hợp tác đầu tư với nước ngoài phải bằng hình thức liên doanh thì người Việt Nam mới có thể học, sáng tạo và đưa công nghệ mới đó áp dụng vào các lĩnh vực khác của nền kinh tế (nói theo ngôn ngữ mới là lan tỏa công nghệ); chúng ta mới kiểm soát được toàn bộ động của doanh nghiệp. Các nhà quản lý đất nước hồi bấy giờ cũng hết sức “xót ruột” mỗi khi nhìn thấy con số lãi rất lớn mà phía đối tác được chia, nhưng hoàn cảnh lúc bấy giờ không thể làm gì khác được.
Còn vị thế nước ta và hoàn cảnh bây giờ đã khác rất xa so với trước đây, chúng ta phải đổi mới mạnh mẽ tư duy, chính sách, pháp luật nhằm bảo vệ lợi ích quốc gia trong hợp tác đầu tư với phía nước ngoài.
(*): “Nghịch lý: Thế mạnh Việt Nam, nhưng nước ngoài hưởng lợi” và “Từ bỏ suy nghĩ người Việt không thể làm cái tốt ngang tầm thế giới” - tác giả Trần Thủy. “Gia công chỉ kiếm sống, giàu có phải làm chủ công nghệ” - tác giả Lương Bằng. “Việt Nam đang ở đâu trong quá trình phát triển” - tác giả Tư Giang. “Để công nghiệp hóa đất nước thành công" tác giả Tư Giang - Lan Anh.…