Năm 2020, Chính phủ đặt mục tiêu thu hút 35 - 36 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Đây cũng là nội dung được các đại biểu quan tâm khi thảo luận về Dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 tại Hội nghị lần thứ 11, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII. Theo TS. Trần Anh Tuấn, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, tăng thu hút FDI rất quan trọng, nhưng quan trọng hơn là chất lượng FDI.
TS. Trần Anh Tuấn, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.
Trước cuộc thương chiến Mỹ - Trung, nhiều chuyên gia kinh tế tin rằng, Việt Nam sẽ là điểm đến của doanh nghiệp FDI, khi mà nhiều doanh nghiệp chuyển dịch đầu tư ra khỏi Trung Quốc. Nhưng trên thực tế, chưa có sự đột biến trong thu hút FDI trong 9 tháng vừa qua, thưa ông?
Trong 9 tháng đầu năm 2019, Việt Nam thu hút được khoảng 2.760 dự án FDI, với tổng vốn đăng ký gần 11 tỷ USD, nếu cộng cả vốn đăng ký tăng thêm thì thu hút được khoảng 15,763 tỷ USD. Như vậy, về số dự án tăng 26,4%, còn về vốn lại giảm gần 20% so với cùng kỳ năm 2018.
Số vốn đăng ký không quan trọng bằng số vốn thực hiện. 9 tháng đầu năm, vốn thực hiện tăng 7,3%, với khoảng 14,2 tỷ USD đã được đầu tư. Số tiền 14,2 tỷ USD thực hiện này là chưa tính 10,4 tỷ USD của nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần của các doanh nghiệp trong nước. Số tiền góp vốn, mua cổ phần này đã đi ngay vào nền kinh tế, như vốn thực hiện trong đầu tư trực tiếp. Như vậy, nếu tính hết thì thu hút đầu tư nước ngoài 9 tháng đầu năm nay có thể coi là điểm sáng.
Năm 2018, chúng ta thu hút được 36,4 tỷ USD vốn FDI, nhưng vốn thực hiện chỉ đạt khoảng 19 tỷ USD. Trước cuộc thương chiến Mỹ - Trung, nhiều chuyên gia kinh tế tin rằng, khi các nhà đầu tư nước ngoài ngoảnh mặt với thị trường 1,4 tỷ dân, thậm chí rất nhiều doanh nghiệp rời bỏ thị trường này, thì Việt Nam chính là điểm đến hấp dẫn, vậy năm 2019, tại sao không đặt mục tiêu thu hút FDI cao hơn con số 30 tỷ USD?.
Tôi cho rằng, mục tiêu đặt ra khá sát với thực tế, vì trong chiến lược thu hút FDI thời gian tới, vấn đề chất lượng quan trọng hơn số lượng theo đúng tinh thần Nghị quyết 50-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Ông cho rằng, thu hút FDI đã đi đúng định hướng Nghị quyết 50-NQ/TW?
Tôi nghĩ là thu hút FDI đã đi đúng định hướng.
Cụ thể, năm 2018, chúng ta thu hút 36,4 tỷ USD vốn FDI đăng ký, nhưng năm 2019 chỉ đặt mục tiêu thu hút 30 tỷ USD, trong khi thông thường, ở hầu hết các lĩnh vực khi đặt ra kế hoạch năm sau bao giờ cũng cao hơn năm trước.
Mục tiêu thu hút vốn FDI đăng ký năm 2019 giảm tới 6,4 tỷ USD so với năm 2018, nhưng vốn thực hiện đặt mục tiêu là 18,2 tỷ USD, tức là chỉ thấp hơn vốn thực hiện năm 2018 khoảng 900 triệu USD. Trong 9 tháng đầu năm, vốn FDI đã giải ngân 14,2 tỷ USD, với những diễn biến này, năm nay dự kiến thu hút FDI và giải ngân đều đạt và vượt kế hoạch.
Năm 2020, Việt Nam đứng trước nhiều lợi thế để tăng thu hút FDI cả vốn đăng ký lẫn vốn giải ngân, nhưng Chính phủ dự kiến chỉ đặt mục tiêu thu hút 35 - 36 tỷ USD vốn FDI và giải ngân 19 tỷ USD, tức chỉ tương đương mức ước thực hiện năm 2019.
Đặt ra mục tiêu không quá cao là chúng ta đã hướng đến chất lượng dự án FDI, chứ không phải số lượng và đã theo đúng tinh thần của Nghị quyết 50-NQ/TW là chủ động thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu.
Việt Nam đứng trước nhiều lợi thế để tăng thu hút FDI. Thưa ông, đó là những lợi thế nào?
Ngoài lợi thế “truyền thống” như lực lượng lao động dồi dào, chi phí nhân công thấp, thị trường gần 97 triệu dân; Việt Nam đã tham gia, thực thi, ký kết 13 hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có 2 FTA thế hệ mới là CPTPP và EVFTA; môi trường đầu tư, kinh doanh liên tục được cải thiện, thì Việt Nam có thêm 3 lợi thế nữa.
Thứ nhất, là cuộc chiến thương mại giữa các nền kinh tế lớn, đặc biệt là cuộc thương chiến Mỹ - Trung, chắc chắn môi trường thu hút FDI của Trung Quốc sẽ giảm, nhiều doanh nghiệp FDI đang đầu tư ở Đại lục sẽ “di tản” đến các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam.
Thứ hai, là Nghị quyết 50-NQ/TW với những định hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thu hút FDI rất rõ ràng. Nghị quyết đã đặt ra yêu cầu xây dựng thể chế, chính sách ưu đãi vượt trội, cạnh tranh quốc tế tạo điều kiện kinh doanh thuận lợi thu hút các dự án lớn, trọng điểm quốc gia, dự án công nghệ cao… Những chính sách này chắc chắn sẽ thu hút “đại bàng về làm tổ”.
Thứ ba, là Chỉ số Năng lực cạnh tranh toàn cầu (GCI) của Việt Nam vừa được Diễn đàn Kinh tế thế giới tăng 10 bậc, lên thứ hạng 67/141 nền kinh tế được xếp hạng. Việt Nam là một trong số ít nền kinh tế có năng lực cạnh tranh cao nhất thế giới. Các doanh nghiệp FDI chắc chắn rất quan tâm đến chỉ số này khi quyết định đầu tư vào Việt Nam.
Trong bối cảnh cạnh tranh thu hút FDI rất khốc liệt như hiện nay, thưa ông, vấn đề là làm sao giữ chân được doanh nghiệp FDI?
Nghị quyết 50-NQ/TW đã khẳng định, khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài trở thành bộ phận quan trọng của nền kinh tế, được khuyến khích, tạo điều kiện phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh với các khu vực kinh tế khác.
Thực hiện quan điểm này, các cơ chế, chính sách đã, đang và tiếp tục được ban hành mới, sửa đổi, bổ sung sẽ tiếp tục khai thác các thế mạnh, lợi thế của Việt Nam.
Tất nhiên, để giữ chân doanh nghiệp FDI, các cơ chế, chính sách chỉ là điều kiện cần, còn điều kiện đủ là Việt Nam phải phát triển được ngành công nghiệp phụ trợ đủ mạnh, bảo đảm cung cấp nguyên liệu, phụ liệu, chi tiết, phụ tùng máy móc, thiết bị và tham gia vào chuỗi sản xuất, lưu thông của doanh nghiệp FDI. Khi làm được điều này, thì khả năng giữ chân doanh nghiệp FDI rất cao ngay cả trong trường hợp các nước đưa ra chính sách thu hút FDI hấp dẫn hơn.
Mạnh Bôn / baodautu