Trong danh sách 53 tỉnh, thành phố có dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cấp mới trong 6 tháng đầu năm 2016, vị trí thu hút đầu tư tại các tỉnh khu vực miền Trung có sự thay đổi lớn.
Ảnh minh họa
Đà Nẵng: Từ chối dự án ảnh hưởng môi trường
6 tháng đầu năm, TP. Đà Nẵng đứng vị trí cuối cùng (53/53) trong thu hút FDI, với 30 dự án cấp mới có vốn đăng ký 8,49 triệu USD, chỉ có 1 dự án tăng vốn nhưng lại có đến 7 dự án giảm vốn. Tổng vốn cấp mới và tăng thêm là 7,2 triệu USD, khả năng hoàn thành mục tiêu thu hút 350 triệu USD vốn FDI của Đà Nẵng năm 2016 là hoàn toàn bất khả thi. Liên tục trong những năm qua, vốn đầu tư FDI vào Đà Nẵng đều năm sau thấp hơn những năm trước, liên tục vắng bóng các dự án FDI lớn, các dự án FDI còn hiệu lực không có mở rộng và tăng vốn...
Thực tế cho thấy, Đà Nẵng vẫn “trải thảm” đón đầu tư nhưng cũng không ngại từ chối những dự án có nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường. Lãnh đạo thành phố này đã từng thẳng thừng từ chối 2 dự án đầu tư liên quan đến xây dựng nhà máy phụ trợ dệt nhuộm, 2 dự án tỷ USD gồm dự án thép liên doanh và sản xuất bột giấy với vốn đăng ký lên đến 4 tỷ USD, nhằm hướng đến xây dựng Đà Nẵng là thành phố môi trường.
Các chuyên gia kinh tế khuyến nghị: Đà Nẵng nên chọn giải pháp gặp gỡ, xúc tiến trực tiếp với các nhà đầu tư ở lĩnh vực cụ thể để giới thiệu những chủ trương, chính sách thu hút đầu tư ở lĩnh vực đó. Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính nhất là ở lĩnh vực thuế và hải quan.
Quảng Ngãi: Loại bỏ dự án không triển khai
Tình hình thu hút FDI tại tỉnh Quảng Ngãi có phần tốt hơn, đứng thứ 29/53 tỉnh, thành phố. 6 tháng đầu năm, Quảng Ngãi thu hút được 5 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký 28,7 triệu USD, điều chỉnh vốn tăng thêm với 3 dự án (tăng 15,68 triệu USD). Tổng vốn từ các dự án mới và điều chỉnh đạt 44,4 triệu USD. Đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh có 39 dự án FDI còn hiệu lực tập trung chủ yếu ở khu kinh tế Dung Quất với 28 dự án. Có 23/29 dự án đã đi vào hoạt động, 14 dự án đang triển khai thực hiện các hoạt động đầu tư và 2 dự án tạm dừng triển khai.
Đặc biệt, đầu tháng 6 vừa qua, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã có quyết định thu hồi giấy phép và kiên quyết loại bỏ dự án tỷ USD - dự án thép Guang Lian Dung Quất, dự án có vốn đầu tư ban đầu là 556 triệu USD, sau nhiều lần điều chỉnh vốn lên đến 4,5 tỷ USD, nhưng sau 10 năm “ôm” đất sạch (337ha) vẫn là khu đất bỏ hoang gây lãng phí lớn về diện tích mặt bằng, ảnh hưởng đến kế hoạch phát triển kinh tế của tỉnh.
Quảng Nam: Dẫn đầu khu vực về thu hút FDI
Quảng Nam tiếp tục là đơn vị dẫn đầu khu vực miền Trung về thu hút dòng vốn FDI, đứng vị trí thứ 22/53 trong bảng xếp hạng. Trong 6 tháng đầu năm, tỉnh Quảng Nam đã có 11 dự án FDI được cấp phép với tổng vốn đăng ký hơn 103,4 triệu USD, không có dự án điều chỉnh giảm vốn. Nhiều dự án được khởi công và tăng vốn mở rộng dự án, mở đầu bằng việc đưa nhà máy Sasaki Shoko Việt Nam và nhà máy M&H Industry Việt Nam vào hoạt động. Mới đây nhất, 46 nhà cung cấp linh kiện, vật tư cho Tập đoàn Mazda (Nhật Bản) đã đến tìm hiểu cơ hội và thỏa thuận xúc tiến đầu tư vào Khu kinh tế mở Chu Lai nơi đặt “đại bản doanh” của Thaco Trường Hải. Bên cạnh đó, còn có “siêu dự án” Khu nghỉ dưỡng Nam Hội An có vốn đầu tư 4 tỷ USD do VinaCapital làm chủ đầu tư mới được khởi công vào hồi tháng 4 vừa qua. Tất cả thổi một làn gió mới đầy hy vọng cho tỉnh Quảng Nam sau nhiều năm bị nghẽn dòng đầu tư FDI.
Với quan điểm xúc tiến có chọn lọc thay vì đại trà của lãnh đạo tỉnh này, nhiều chuyên gia kinh tế đánh giá Quảng Nam đang lọt vào “mắt xanh” của các nhà đầu tư trên thế giới nhờ sự thay đổi kịp thời trong cơ chế, chính sách thu hút, xây dựng môi trường đầu tư.
Vũ Lê / baocongthuong.com.vn