Ngay từ thời điểm đầu năm 2017, hoạt động đầu tư nước ngoài (ĐTNN) đã kế thừa kết quả khả quan từ năm trước để lại. Sang tháng 2, đà tăng trưởng tiếp tục duy trì ở mức cao hơn so với tháng 1, đóng góp ngày càng lớn cho mục tiêu phát triển kinh tế cả nước.
Vấn đề đặt ra là làm sao duy trì phong độ cho các tháng tiếp theo, trong đó cần dự báo chính xác và ngăn chặn khả năng xảy ra sự suy giảm vốn trước một số diễn biến bất lợi có thể phát sinh ngoài mong muốn…
Lắp ráp đồ điện tử tại Công ty Canon Việt Nam (Khu công nghiệp Thăng Long, Hà Nội). Ảnh: Viết Thành
Những diễn biến tích cực
Theo thống kê, 2 tháng đầu năm 2017, tổng vốn ĐTNN đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần là 3,4 tỷ USD, tăng 21,5% so với cùng kỳ năm 2016. Như vậy, đây là mức tăng cao, ít khi xảy ra trong các năm gần đây. Đơn cử, đến nay cộng đồng nhà đầu tư Nhật Bản vẫn tỏ ra lạc quan, mong muốn thực hiện chiến lược đầu tư lâu dài để mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam. Theo kết quả khảo sát của Tổ chức Xúc tiến mậu dịch Nhật Bản (Jetro), có 66,6% số doanh nghiệp (DN) Nhật Bản đang đầu tư ở Việt Nam xác nhận có xu hướng mở rộng hoạt động kinh doanh và đây là tỷ lệ cao nhất so với kết quả trưng cầu tương tự của DN Nhật Bản đang đầu tư tại 19 quốc gia, hoặc vùng lãnh thổ khác. Cũng có khoảng 60% số DN cho biết họ đang hoạt động có lãi, đồng thời đánh giá Việt Nam đứng thứ 4 về sự hấp dẫn, thuận lợi trong đầu tư trong số các quốc gia. Trong tháng 2, một số địa phương, nhất là những tỉnh, thành phố giàu tiềm năng cũng đón tiếp một số đoàn DN nước ngoài đến tìm hiểu cơ hội đầu tư như: Hải Phòng, Đồng Nai, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh.
Trong một diễn biến mới nhất, UBND tỉnh Bắc Ninh vừa cấp phép cho dự án của Công ty Samsung Display (Hàn Quốc) trị giá 2,5 tỷ USD, xác lập một kỷ lục mới về dự án ĐTNN có quy mô rất lớn ngay trong quý I của năm 2017. Sự kiện này chắc chắn sẽ kích đẩy, đưa kết quả thu hút vốn ĐTNN của tháng 3 tăng rất mạnh, có tính bứt phá so với tháng 2 cũng như thời gian cùng kỳ của các năm trước. Hiện, các cơ quan chức năng và tỉnh Bắc Ninh đang đặt nhiều kỳ vọng vào dự án này khi đi vào hoạt động bởi sức đóng góp to lớn của nó, đặc biệt là về khả năng tạo việc làm, thu nhập cho người lao động, đóng góp vào ngân sách, mở rộng quy mô xuất khẩu trên địa bàn cũng như tác động tích cực mang tính lan tỏa về mặt xã hội.
Xét ở góc độ địa phương, Hà Nội vừa ghi tên mình vào danh sách các địa phương đạt kết quả tốt trong thu hút vốn ĐTNN trong 2 tháng đầu năm, với hơn 500 triệu USD vốn mới đăng ký; tăng khoảng 70% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, riêng số vốn đầu tư bổ sung, tăng thêm của các dự án đạt 375 triệu USD và thực tế này cho thấy niềm tin, nhu cầu mở rộng đầu tư của các DN ĐTNN đang gia tăng mạnh cũng như chứng minh sức hấp dẫn về môi trường kinh doanh, khả năng phát triển của Thủ đô trong mắt các nhà đầu tư.
Chủ động khơi dòng vốn
Hiện, hoạt động ĐTNN vẫn diễn ra suôn sẻ, với mức giải ngân 2 tháng đạt hơn 1,55 tỷ USD, tăng 3,3% so với cùng kỳ. Nhiều lĩnh vực quan trọng, nhất là công nghiệp chế biến – chế tạo và bất động sản đều được giới đầu tư quốc tế quan tâm, đổ vốn tại cả ba miền lãnh thổ. Các DN khu vực này cũng đóng góp hơn 70% tổng kim ngạch xuất khẩu của nền kinh tế. Tuy vậy, cần nhận thức rằng, những kết quả thu được tuy rất đáng khích lệ, nhưng cũng đặt ra sức ép phấn đấu trong các tháng tiếp theo trong bối cảnh đang xuất hiện một số dấu hiệu không mấy thuận lợi.
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, trong tình huống Mỹ không tham gia vào Hiệp định Thương mại tự do xuyên Thái Bình Dường (TPP) và chủ trương thúc đẩy sản xuất kết hợp tạo việc làm ở trong nước sẽ tạo ra điều kiện để nhà đầu tư tập trung đầu tư ngay trong lãnh thổ nước này, thay vì đầu tư ra nước ngoài. Một số chuyên gia khác cũng đồng thuận với ý kiến đó và cho rằng, thực tế này cùng các vấn đề liên quan có thể làm giảm mức đầu tư của DN Mỹ nói riêng cũng như nhà đầu tư quốc tế nói chung, khiến Việt Nam cần quan tâm với vai trò là nước tiếp nhận dòng vốn ĐTNN. Đáng lưu ý, có ý kiến nhận định kết quả thu hút ĐTNN trong thời gian tới sẽ khó sáng sủa như 2 tháng vừa qua.
Một thực tế khác cũng cần quan tâm, tìm cách ứng phó là, do TPP có thể không ra đời hoặc ra đời mà không có Mỹ, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến sức hấp dẫn đầu tư vào ngành Dệt may – tức là sản phẩm dệt may của Việt Nam xuất sang Mỹ không được hưởng những ưu đãi như dự báo trước đây, kéo theo tâm lý “suy nghĩ lại” của nhà ĐTNN. Trong khi đó, dệt may lại là mặt hàng xuất khẩu chủ lực, có nhiều tiềm năng của nền kinh tế Việt Nam. Các chuyên gia đưa ra khuyến nghị rằng, DN trong nước nên nhân dịp này tập trung nguồn lực đầu tư, tìm kiếm lợi ích thông qua việc phục vụ thị trường 90 triệu dân bên cạnh việc tăng cường giá trị gia tăng đối với sản phẩm xuất khẩu sang các thị trường truyền thống.
Theo Ngân hàng Thế giới (WB), nhằm tăng cường nguồn lực phục vụ tăng trưởng, Việt Nam nên chú trọng khai thác lợi ích do một số hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết mang lại, nhất là FTA giữa Việt Nam và EU để thu hút vốn trực tiếp kết hợp công nghệ từ khu vực này.
Theo Hà Nội mới