Các hoạt động ngoài lãi có kết quả lạc quan, gia tăng tỷ trọng trong cơ cấu thu nhập của nhiều ngân hàng.
Thu dịch vụ tăng mạnh
Kết quả kinh doanh của hệ thống ngân hàng có gam màu “sáng” trong năm 2018, khi nhiều nhà băng đã chạm đích lợi nhuận cả năm. Trong khi cho vay có phần chậm lại, thì thu nhập từ tín dụng vẫn tăng trưởng khá tốt. Cùng với đó, các hoạt động ngoài lãi cũng có kết quả lạc quan, gia tăng tỷ trọng trong cơ cấu thu nhập của các nhà băng. Trong đó, hoạt động dịch vụ tăng trưởng mạnh ở nhiều ngân hàng.
9 tháng đầu năm 2018, lợi nhuận trước thuế của Vietcombank đã vượt mức đạt được của năm 2017 và sắp chạm mục tiêu đưa ra đầu năm, dù không nới chỉ tiêu tín dụng. Ngân hàng này cho rằng, việc Ngân hàng Nhà nước không nới chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng nửa cuối năm nay chính là cơ hội để họ tập trung hơn trong yêu cầu đẩy mạnh phát triển các hoạt động dịch vụ, nâng tỷ trọng thu dịch vụ và phi tín dụng lên 30% trong cơ cấu lợi nhuận, đồng thời dịch chuyển tín dụng theo hướng chọn lọc các dự án hiệu quả hơn, bán lẻ với biên lợi nhuận cao.
Trong khi đó, tại MB, lợi nhuận trước thuế trong 9 tháng đạt 6.014 tỷ đồng, hoàn thành 88% kế hoạch năm. Trong đó, nguồn thu từ hoạt động dịch vụ đạt hơn 1.688 tỷ đồng và có hơn một nửa đến từ hoạt động bảo hiểm với khoản lãi 860 tỷ đồng, gấp 3,2 lần cùng kỳ. Tuy nhiên, nguồn thu lớn nhất của nhà băng này là thu nhập lãi thuần, với 10.430 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm, tăng gần 31% cùng kỳ.
Thế nhưng, không phải nhà băng nào cũng có nguồn thu lớn từ mảng dịch vụ, kể cả những ngân hàng quy mô và phát triển mảng dịch vụ bán lẻ. VPBank và Techcombank là những nhà băng đã thu hàng nghìn tỷ đồng từ mảng dịch vụ năm ngoái, nhưng nửa đầu năm nay, nguồn thu này có dấu hiệu sụt giảm.
Định hướng của Techcombank là đa dạng nguồn thu, phân tán rủi ro, không quá phụ thuộc vào thu nhập lãi hay phí. Trong các nguồn thu ngoài lãi, hoa hồng bảo hiểm được Techcombank đẩy mạnh. Bancassurance của Techcombank hiện chiếm 26% thị phần.
Nhiều năm trở lại đây, các ngân hàng đang tìm nhiều cách để gia tăng tỷ trọng của nguồn thu nhập phi tín dụng. Ngay cả nhà băng quy mô nhỏ như VietBank cũng cho hay, đã đầu tư 14 triệu USD vào Ngân hàng lõi để có cơ sở dần chuyển đổi mô hình kinh doanh, từ “độc canh” tín dụng qua dịch vụ. Hiện nguồn thu dịch vụ tại VietBank mới chiếm 3%, nhưng kế hoạch đến năm 2020, sẽ chiếm 20% tổng doanh thu. Riêng năm nay, VietBank kỳ vọng nâng nguồn thu từ dịch vụ lên 10%.
Tăng phí đại trà
Nhìn chung, nguồn thu dịch vụ của ngân hàng hiện nay vẫn chủ yếu đến từ phí thẻ, phí thẻ tín dụng, dịch vụ trung gian thanh toán giao dịch bất động sản, thanh toán quốc tế và các khoản phí liên quan đến ATM, Internet Banking, Mobile Banking… Các ngân hàng vẫn tiếp tục tăng phí để gia tăng nguồn thu từ dịch vụ. Thế nhưng, mới đây, động thái rục rịch tăng phí rút tiền nội mạng ATM của các ngân hàng đã bị Ngân hàng Nhà nước yêu cầu dừng lại.
Nhiều năm trở lại đây, các ngân hàng đang tìm nhiều cách để gia tăng tỷ trọng của nguồn thu nhập phi tín dụng |
Một chuyên gia tài chính đưa ra nhận định, lợi nhuận ngành ngân hàng năm 2018 đạt mức cao, nhưng tới đây sẽ khó tránh bị ảnh hưởng, bởi tín dụng khó có thể tăng cao, áp lực thực hiện Basel II buộc các ngân hàng phải chuyển hướng trong hoạt động. Các nhà băng không thể đẩy mạnh tín dụng sẽ quay sang đẩy mạnh phát triển dịch vụ để tăng nguồn thu, song khó kỳ vọng tăng mạnh trong thời gian ngắn.
Mặt khác, chi phí dự phòng của các ngân hàng trong thời gian qua được cho là trích lập thấp, tác động tích cực lên lợi nhuận. Tuy nhiên, các khoản vốn cho vay bất động sản thời gian qua chưa phát sinh nợ xấu cũng sẽ phần nào tác động làm tăng dự phòng rủi ro tới đây, ảnh hưởng tới lợi nhuận.
Các ngân hàng lập luận, họ phải tăng phí để bù đắp chi phí, giúp duy trì đầu tư hạ tầng, hệ thống ATM… Nhưng TS. Bùi Quang Tín - chuyên gia tài chính cho rằng, ngân hàng cũng được hưởng “lợi đơn, lợi kép”, chứ không phải chỉ bù lỗ với đầu tư hệ thống ATM. Vì vậy, thay vì tăng phí đại trà, các ngân hàng nên cung cấp gói sản phẩm, dịch vụ, giải pháp tài chính để từ đó thu phí thì hợp lý hơn.