Khi đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Phú Quốc thành lập thì thu nhập người dân tại đây có thể đạt ngưỡng 12.500-13.000 USD một năm sau hơn một thập kỷ, theo tính toán của Bộ Kế hoạch & Đầu tư.
Trong báo cáo tác động Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, Bộ Kế hoạch & Đầu tư cho rằng trong 5 năm tới, các khu kinh tế đặc biệt, đặc khu kinh tế sẽ đóng góp lớn cho ngân sách Nhà nước, tăng trưởng GDP.
Xét ở khía cạnh nguồn thu cho ngân sách Nhà nước, đóng góp tăng trưởng GDP địa phương... thì khu kinh tế đặc biệt Phú Quốc (Kiên Giang) là nơi tạo ra giá trị lớn nhất. Số liệu tính toán của Bộ Kế hoạch & Đầu tư cho thấy, tỉnh Kiên Giang sẽ thu được khoảng 3,3 tỷ USD từ thuế, phí và các nguồn từ đất; đồng thời doanh nghiệp tạo ra giá trị gia tăng khoảng 19 tỷ USD, nâng mức đóng góp GDP địa phương lần lượt 22% và 27%. Mức thu nhập bình quân đầu người tại Phú Quốc nhờ đó tăng đáng kể, cao nhất 13.000 USD vào năm 2030, tăng gần 4 lần so với hiện tại.
Thu nhập bình quân đầu người tại Phú Quốc (Kiên Giang) sẽ tăng đáng kể nếu lập khu kinh tế đặc biệt tại đây.
Cơ quan quản lý tính toán, trong 5-15 năm tới Nhà nước sẽ thu về khoảng 1,9 tỷ USD tiền thuế, phí và 2,1 tỷ USD các nguồn thu từ đất từ khu kinh tế đặc biệt Vân Đồn (Quảng Ninh). Các doanh nghiệp có mặt tại đặc khu kinh tế này cũng tạo ra giá trị gia tăng khoảng 9,7 tỷ USD, nâng mức đóng góp tăng trưởng GDP địa phương lên 5,2% vào năm 2020 và sẽ tăng lên 7,7% vào 2030. Mức thu nhập bình quân đầu người theo đó sẽ tăng tương ứng, lần lượt 5.000 USD và 12.500 USD.
Còn với khu kinh tế đặc biệt Vân Phong (Khánh Hoà) dù mức ước tính thu từ thuế, phí ít hơn, chỉ khoảng 1,2 tỷ USD và 1 tỷ USD từ các nguồn từ đất, song sự đóng góp của doanh nghiệp lại "nhỉnh" hơn tại Vân Đồn, với 10 tỷ USD trong giai đoạn 2017-2030. Mức thu nhập bình quân đầu người sẽ tăng từ 4.000 USD năm 2020, lên mức 9.500 USD sau đó 10 năm.
Dẫn số liệu tính toán, Bộ Kế hoạch & Đầu tư cho rằng, Luật đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt sẽ giúp xây dựng một mô hình phát triển mới với cơ chế, chính sách có tính đột phá. Trên thế giới nhiều quốc gia đã phát triển thành công nhiều mô hình như đặc khu kinh tế, đặc khu hành chính… với cơ chế, chính sách mở, thông thoáng và ưu đãi hơn từ năm 1942.
Hiện mô hình này đang tiếp tục được các quốc gia hoàn thiện, phát triển với quy mô lớn hơn và có mức độ tự do, ưu đãi và cạnh tranh cao hơn trên nhiều lĩnh vực nhằm mục tiêu thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội.
Anh Minh / VnExpress