Sáng nay (21/6), tại TP. Buôn Ma Thuột, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Đắk Lắk.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
“Từ cuộc giao ban các tỉnh Tây Nguyên hôm qua (20/6), chúng tôi trăn trở giải quyết 2 vấn đề mà Thủ tướng nêu ra là đất và nước, đất và người Tây Nguyên như thế nào”, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Phạm Ngọc Nghị bày tỏ.
Theo ông Phạm Ngọc Nghị, Đắk Lắk là tỉnh chịu thiệt hại nhiều nhất vùng Tây Nguyên do khô hạn, với diện tích cây trồng bị ảnh hưởng khoảng 90.700 ha, mất trắng 8.692 ha, thiệt hại khoảng 3.000 tỷ đồng.
Tỉnh dự báo trong 18 chỉ tiêu chủ yếu, tính đến hết tháng 6, có 11 chỉ tiêu thực hiện bảo đảm được tiến độ, dự báo hoàn thành kế hoạch cả năm; 5 tiêu chí đạt thấp, gồm tăng trưởng kinh tế, thu nhập bình quân đầu người, thu ngân sách, tỉ lệ xã nông thôn mới, chỉ tiêu môi trường. Trong 6 tháng, tổng sản phẩm xã hội trên địa bàn tăng 4,6%, trong khi kế hoạch đề ra cả năm 2016 là 7%.
Về nông nghiệp công nghệ cao, lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk băn khoăn việc người nông dân thiếu vốn, thiếu kỹ thuật, nên cần phải có doanh nghiệp lớn đầu tư, gắn với chế biến sâu nông sản thì mới bảo đảm đầu ra.
Tỉnh cũng kiến nghị Trung ương, các bộ, ngành bổ sung nguồn vốn để tiếp tục hoàn thành 17 dự án cấp bách hiện nay về ổn định dân di cư tự do. Thời gian qua, theo lãnh đạo tỉnh, tình trạng dân di cư ngoài kế hoạch liên tục diễn ra, gây khó khăn cho tỉnh trong công tác quản lý dân cư, gây ra các hiện tượng chặt phá rừng, lấn chiếm đất rừng, xâm canh, mua bán sang nhượng đất đai trái phép.
Tỉnh Đắk Lắk mong Chính phủ quan tâm xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi vùng Tây Nguyên. Cụ thể, bố trí kinh phí hoàn thành các dự án đường Đông-Tây, TP. Buôn Ma Thuột; đường tránh phía đông Thành phố; cải tạo, nâng cấp các quốc lộ qua địa bàn tỉnh, hồ thủy lợi Ea Tam… Đến nay, tỉnh Đắk Lắk có 770 công trình thủy lợi, bảo đảm nước tưới cho khoảng 76% diện tích cây trồng chính.
Góp ý cho Đắk Lắk, lãnh đạo các bộ, ngành cho rằng tỉnh có dư địa phát triển rất lớn, nhất là lợi thế đất trồng cây công nghiệp. Theo quy hoạch, vùng Tây Nguyên có 4 khu du lịch quốc gia thì Đắk Lắk có một khu, đó là vườn quốc gia Yok Đôn, nhưng hiện nay chưa triển khai thực hiện. Tỉnh cần tính toán, lập quy hoạch khu du lịch này để trình Chính phủ xem xét, có cơ chế đặc thù thì du lịch trong tỉnh mới bật lên được.
Về vấn đề đất lâm nghiệp, ý kiến của Bộ NN&PTNT nêu thực trạng một số lâm trường thực tế không còn rừng mà chủ yếu trồng cao su, cà phê, đậu đỗ, nhưng trên giấy tờ vẫn kê khai là rừng… Vì vậy, tỉnh cần kiểm tra, rà soát lại quy hoạch, để có biện pháp phát huy lợi thế về đất đai. Các ý kiến cho rằng việc đầu tư cho hệ thống thủy lợi là đúng đắn, nhưng sẽ không bền vững nếu không áp dụng kỹ thuật tưới nước một cách hiệu quả.
Thủ tướng nguyễn Xuân Phúc chụp ảnh lưu niệm với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Đánh giá cao nỗ lực phấn đấu của Đắk Lắk trong việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng trong 6 tháng qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, tỉnh cần nghiêm túc tổ chức thực hiện các kết luận của Thủ tướng tại các cuộc họp trong 2 ngày qua (hội nghị về khôi phục rừng Tây Nguyên, cuộc giao ban với các tỉnh Tây Nguyên về kinh tế-xã hội, an ninh quốc phòng), nhất là chỉ đạo đóng cửa rừng tự nhiên, không chuyển mục đích sử dụng đất lâm nghiệp trong khu vực 2,25 triệu ha rừng tự nhiên hiện có sang mục đích khác; không chuyển rừng nghèo kiệt sang trồng cây công nghiệp.
“Nếu Buôn Ma Thuột vắng bóng rừng thì không thể là thành phố của Tây Nguyên”, Thủ tướng nói và yêu cầu điều tra, xử lý nghiêm hành vi phá rừng.
Bên cạnh đó, tỉnh cần giải quyết tốt vấn đề dân di cư, quan tâm bố trí đất sản xuất cho người dân. "Chúng ta không khuyến khích dân mà còn hạn chế tối đa tình trạng dân di cư tự do, nhưng người dân đã đến đây rồi thì chúng ta cần tiếp tục chăm lo đời sống cho họ", Thủ tướng lưu ý.
Đắk Lắk phải tập trung chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế, đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo không khí khởi nghiệp mạnh mẽ hơn. “Chúng ta phải đặt vấn đề tại sao Đắk Lắk không có các doanh nghiệp lớn?”, Thủ tướng nói.
Nhắc lại chủ trương của Trung ương về xây dựng và phát triển Buôn Ma Thuột thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên (giai đoạn 2010-2020), Thủ tướng cho rằng Đắk Lắk cần rà soát lại, có bước đi, lộ trình phù hợp hơn.
Về các kiến nghị, đề xuất cụ thể của tỉnh, Thủ tướng giao các bộ, ngành chức năng, xem xét, giải quyết trên tinh thần tạo điều kiện, hỗ trợ để Đắk Lắk ngày càng phát triển.
Đức Tuân / baochinhphu.vn