Làm việc với tỉnh Cao Bằng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tỉnh phải phấn đấu trở thành một trong những tỉnh phát triển xanh nhất, sạch nhất và toàn diện nhất về kinh tế, xã hội, quốc phòng và an ninh ở vùng địa đầu phía Bắc Tổ quốc.
Thủ tướng mong muốn Cao Bằng phát triển '3 nhất' - Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Sáng 9/1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đoàn công tác Chính phủ có cuộc làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Cao Bằng.
Cao Bằng là tỉnh miền núi vùng cao biên giới, thuộc phía Đông Bắc của Tổ quốc, phía Bắc và Đông Bắc giáp với tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc. Với diện tích hơn 6.724 km², tỉnh có 90% là đất lâm nghiệp, núi đá, sông suối. Dân số toàn tỉnh khoảng 52 vạn người với 8 dân tộc, trong đó dân tộc thiểu số chiếm khoảng 95%. Với đường biên giới hơn 333 km, Cao Bằng là tỉnh có đường biên giới dài nhất nước ta.
Góp ý về đường hướng phát triển cho tỉnh, ý kiến thành viên đoàn công tác cho rằng, sự phát triển của tỉnh chưa xứng với tiềm năng. Tỉnh có các lợi thế chưa được khai thác hết là du lịch và kinh tế cửa khẩu. Hiện nay, tỉnh chỉ đón khoảng 800.000 lượt khách mỗi năm. Nằm giáp với Trung Quốc, Cao Bằng có thị trường tiêu thụ rộng lớn, có 3 cửa khẩu chính và nhiểu cặp cửa khẩu phụ, lối mở. Tuy nhiên, thương mại qua biên giới còn thấp, theo con số chính thức là khoảng 800 triệu USD, quá nhỏ so với kim ngạch thương mại 100 tỷ USD giữa Việt Nam – Trung Quốc.
Nguyên nhân chưa khai thác hết lợi thế chính là giao thông khó khăn khi mà “có đường thì mới có kinh tế hàng hóa”, như phát biểu của đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Bên cạnh đó, tỉnh còn thiếu cơ chế, chính sách để phát triển kinh tế cửa khẩu.
Theo báo cáo của tỉnh Cao Bằng, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) năm 2016 đạt 6,13%. Thu nhập bình quân đầu người đạt 20,97 triệu đồng/năm. |
Ý kiến các bộ, ngành đều thể hiện sự ủng hộ và nêu một số giải pháp trong đó có việc bố trí nguồn lực đầu tư vào hạ tầng giao thông, liên kết giao thông giữa các tỉnh trong vùng với Cao Bằng. Tỉnh cần quan tâm hơn phát triển nông nghiệp, du lịch và nhân lực, hiện “nhiều con em chúng ta vẫn phải trèo đèo lội suối, băng rừng đi học”, theo đại diện Ban Kinh tế Trung ương.
Cũng tại cuộc làm việc, lãnh đạo Ngân hàng Chính sách xã hội khẳng định cam kết bố trí nguồn lực ở mức cao nhất để cùng địa phương xóa đói giảm nghèo, tuy nhiên, trên tinh thần “cho cần câu chứ không cho con cá”, chuyển từ trợ cấp trực tiếp sang cho vay ưu đãi.
Ghi nhận nỗ lực của Cao Bằng trong việc phát triển kinh tế xã hội, Thủ tướng nhấn mạnh đến kết quả giảm 3,92% hộ nghèo trong thời gian qua. Thu ngân sách tăng bình quân 18% mỗi năm. Tuy nhiên, Thủ tướng bày tỏ sự băn khoăn, trăn trở về tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn ở mức cao. Cao Bằng là một trong 3 tỉnh có hộ nghèo cao nhất cả nước.
Thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu tỉnh phải triển khai Nghị quyết 01 của Chính phủ ngay từ đầu năm, chọn lựa một số lĩnh vực ưu tiên để tập trung chỉ đạo để “làm đâu ra đó”, không nên cứ bàn mãi mà không hành động.
“Tầm nhìn của Cao Bằng là gì? Đó là phấn đấu trở thành một trong những tỉnh phát triển xanh nhất, sạch nhất và toàn diện nhất về kinh tế, xã hội, quốc phòng và an ninh ở vùng địa đầu phía Bắc của Tổ quốc, mãi mãi là niềm tự hào về ý chí kiên cường, tình đoàn kết quân dân của các dân tộc cùng nhau xây dựng, hướng tới một nền kinh tế có bản sắc, một xã hội đa dân tộc, hài hòa, một nền văn hóa độc đáo, riêng có của Cao Bằng”, Thủ tướng nhấn mạnh. “Xanh nhất, sạch nhất nhưng người nghèo đông thì đâu có được, nên phải toàn diện nhất”.
Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Bộ máy không cần lớn nhưng…
Vì vậy, một nhiệm vụ nặng nề với tỉnh là Cao Bằng phải trở thành một trong những địa phương có hình mẫu về vượt khó vươn lên của đất nước, đặc biệt là thoát nghèo, tạo sinh kế bền vững cho người dân các dân tộc thiểu số, giữ vững ổn định xã hội. Cùng các địa phương trong vùng, hình thành trận địa an ninh quốc phòng và kinh tế vững chắc toàn tuyến biên giới.
Thủ tướng mong muốn Cao Bằng là địa phương thành công điển hình về mô hình phát triển xanh dựa trên 3 trụ cột: Nông nghiệp, du lịch và thương mại cửa khẩu.
Tỉnh cần nghiên cứu quy hoạch tái phân bổ dân cư theo hướng tập trung để nâng cao hiệu quả, tiết kiệm chi phí, nguồn lực đầu tư Nhà nước cũng như khả năng cung ứng dịch vụ công.
Đưa ra những quyết sách và chương trình hành động nhằm cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Thúc đẩy nền sản xuất hàng hóa, xóa bỏ tư duy tự cung tự cấp.
Trong khai thác khoáng sản, lâm nghiệp, cần đặc biệt lưu ý không phá vỡ cảnh quan, môi trường thiên nhiên.
Cần tuyên truyền cho người dân tinh thần xóa bỏ tâm lý mặc cảm về định mệnh không thay đổi, từ đó nuôi dưỡng khát vọng vượt nghèo, làm giàu, tinh thần doanh nghiệp và ý chí phú cường của người dân, doanh nghiệp vùng địa đầu của Tổ quốc.
Để Cao Bằng nói riêng, các tỉnh miền núi nói chung phát triển, phải tiến hành những cải cách bên trong, tức là cải cách bộ máy hành chính, nâng cao năng lực quản trị các cấp, hướng tới một chính quyền địa phương có tinh thần kiến tạo, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp. Bộ máy hành chính đó không cần lớn nhưng phải tinh về lượng, mạnh về chất, có ý chí đồng hành cùng người dân và doanh nghiệp, đặc biệt ở địa phương còn nhiều khó khăn, thách thức như Cao Bằng.
“Nếu không có bộ máy tốt, đội ngũ mạnh thì khó có thể thành công trong tất cả các việc mà chúng ta bàn từ sáng đến giờ. Then chốt ở chỗ đó”, Thủ tướng bày tỏ và lưu ý cán bộ, công chức, viên chức không được uống rượu buổi trưa. Đồng thời, cũng cần vận động người dân, đồng bào buổi trưa không đi uống rượu.
Tỉnh cần tập trung tái cơ cấu nông nghiệp, phải đi lên từ lợi thế so sánh của Cao Bằng là nông nghiệp. Cần tận dụng lợi thế gần thị trường Trung Quốc nhiều tiềm năng, nhất là trong tiêu thụ nông sản của địa phương cũng như cả nước.
Cũng tại cuộc làm việc, Thủ tướng chỉ đạo giải quyết một số việc cho huyện Bảo Lâm, huyện có đông đồng bào dân tộc nhất, nghèo nhất, xa xôi nhất, hẻo lánh nhất của cả nước, mà Thủ tướng đã tới thăm ngày hôm qua (8/1) sau 5 tiếng đồng hồ đi ô tô từ tỉnh lỵ. Thủ tướng yêu cầu bố trí cho huyện một xe cứu thương trước Tết Nguyên đán và một số cơ số thuốc, thiết bị y tế; một trụ sở cho xã Lý Bôn.
Đánh giá cao Ngân hàng Chính sách xã hội trong việc cho người nghèo vay vốn sản xuất, Thủ tướng cho rằng đây là kênh tín dụng quan trọng, cần đẩy mạnh cho vay, giúp người dân thoát nghèo bền vững.
Với tinh thần giao thông là quan trọng bậc nhất, là điểm then chốt trong phát triển đối với Cao Bằng, Thủ tướng đồng ý với một số kiến nghị của tỉnh về hỗ trợ kinh phí xây dựng, nâng cấp một số tuyến đường.
Nhân dịp Tết Nguyên đán sắp đến, Thủ tướng yêu cầu tỉnh quan tâm lo Tết thật tốt cho đồng bào, không để người dân thiếu đói, đứt bữa.
Đức Tuân / baochinhphu