Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, theo khuyến cáo của cơ quan chức năng, người dân hạn chế tập trung nơi đông người. Vì thế, xu hướng “đi chợ tại nhà” - mua hàng qua điện thoại- của người dân tại các siêu thị ở Thừa Thiên Huế tăng cao.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, hiện tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn đang được kiểm soát chặt chẽ. Công tác giám sát, cách ly, xét nghiệm, xử lý môi trường được thực hiện đồng bộ, hiệu quả. Lượng khách đến mua hàng tại các siêu thị, chợ truyền thống sau thời gian đột biến nay trở lại bình thường, sức mua các mặt hàng gạo, mỳ ăn liền, đồ hộp… giảm, giá cả cơ bản ổn định. Tuy nhiên, riêng lượng khách đặt mua hàng qua điện thoại tại các siêu thị tăng 200 - 300% so với trước.
Kiểm tra đơn, số lượng hàng hóa trước khi vận chuyển giao hàng cho khách tại Co.op Mart Huế
Bà Dương Thị Tuất - Giám đốc Co.op Mart Huế - cho biết, dịch vụ đặt hàng qua điện thoại của Co.op Mart đã thực hiện từ lâu, đặc biệt là cho các nhà hàng, khách sạn. Tuy nhiên, từ sau khi có dịch Covid-19 dịch vụ này tăng cao, đặc biệt sau khi phát hiện ca bệnh thứ 30 dương tính tại Huế thì dịch vụ này tăng nhanh. “Nếu như bình thường trước đây mỗi ngày đơn vị cung ứng khoảng 100 đơn hàng qua điện thoại thì những ngày gần đây hình thức mua hàng này tăng lên gấp 2-3 lần, từ 200-300 đơn hàng”, bà Tuất cho biết thêm.
Theo Giám đốc Co.op Mart Huế, mặc dù số lượng đặt hàng tăng cao nhưng Co.op Huế vẫn đảm bảo hàng hóa cung cấp cho người tiêu dùng, với chất lượng hàng hóa đảm bảo, ưu tiên hàng Việt Nam, giá cả luôn ổn định, không tăng giá, nếu có chương trình khuyến mãi thì giá còn tốt hơn.
Những ngày này, số lượng khách đến mua hàng trực tiếp các siêu thị giảm so với trước đây
“Chúng tôi huy động toàn bộ nhân viên để phục vụ khách hàng, không để khách hàng gọi điện mà không có người nghe máy. Với hóa đơn từ 200 ngàn đồng trở lên, khách hàng có thể “đi chợ tại nhà” mà không tốn thêm chi phí vận chuyển nào nếu khoảng cách giao hàng dưới 10km và thời gian giao hàng trong vòng 3 giờ, nếu xa hơn thì phí giao hàng là 5.000 đồng/km. Đối với những đơn hàng nhỏ, lẻ thì vận chuyển bằng xa máy, còn những đơn hàng lớn thì đơn vị vận chuyển bằng ô tô. Trong thời gian tới, nếu xu hướng này tăng nữa thì chúng tôi sẵng sàng đáp ứng cho người dân”, bà Tuất cho biết thêm.
Ngoài Co.op Mart Huế, xu hướng mua hàng qua điện thoại tại siêu thị Big C Huế tăng so với ngày thường. Ông Trần Như Hùng Tấn - Giám đốc siêu thị Big C Huế - cho biết, trong các ngày 6 - 8/3, sau khi công bố nhiều ca dương tính với Covid-19, người dân đến mua sắm tại siêu thị đột biến, trong đó đơn hàng đặt mua qua điện thoại thông qua số tổng đài rất nhiều, tăng gấp 3-4 lần ngày thường. Tuy nhiên, sau đó số lượng đơn hàng đặt có giảm nhưng vẫn tăng 20-30% so với trước.
“Trong thời gian tới chúng tôi tăng cường công tác mua hàng này với việc phải đảm bảo nhận tất cả các cuộc điện thoại của người mua hàng. Nhân sự trong phòng trực điện thoại phải thường xuyên, không để gián đoạn cuộc gọi của khách khi thay ca. Với phương thức giao hàng nhanh, khách hàng mua với hóa đơn trên 200 ngàn đồng, khoảng cách dưới 10km, thì được miễn phí vận chuyển, đối với những đơn hàng lớn chúng tôi sẽ vận chuyển bằng xe tải”, ông Tấn cho biết thêm.
Thừa Thiên Huế luôn cung ứng hàng thiết yếu đầy đủ phục vụ người dân
Trong diễn biến khác, để đảm bảo nguồn cung hàng hóa đầy đủ, chất lượng, đúng giá, Sở Công Thương Thừa Thiên Huế đã chỉ đạo các doanh nghiệp phân phối cam kết bảo đảm đủ nguồn hàng cung ứng ra thị trường với giá không thay đổi, ưu tiên cung cấp hàng cho địa bàn vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, miền núi… bảo đảm không đứt nguồn hàng. Đồng thời, cung cấp danh sách các doanh nghiệp phân phối, cơ sở bán lẻ hàng hóa thiết yếu trên địa bàn đến Cục Quản lý thị trường, Sở Thông tin và Truyền thông nhằm kịp thời thông tin đầy đủ, chính xác về diễn biến tình hình lưu thông hàng hóa, thị trường, nguồn cung các mặt hàng thiết yếu phục vụ người dân; kiểm soát, xử lý nghiêm các thông tin không chính thống, sai sự thật gây hoang mang cho người dân và bất ổn thị trường.
Về tình hình dự trữ hàng hóa, hiện tại kho của Công ty Lương thực Thừa Thiên Huế (phường Phú Bài, thị xã Hương Thủy) dự trữ trên 200 tấn; kho Công ty Cổ phần Tập đoàn Tân Long - Chi nhánh Huế (phường An Hòa, TP. Huế) dự trữ trên 100 tấn. 2 doanh nghiệp xay xát tại Cụm công nghiệp Bắc An Gia (huyện Quảng Điền) dự trữ khoảng 500 tấn lúa; mỗi ngày các doanh nghiệp trên địa bàn cung ứng ra thị trường khoảng 38.000 thùng mì ăn liền… đủ cung ứng nhu cầu thị trường.