Sản xuất nông sản an toàn đã khó, bán sản phẩm ra thị trường và xây dựng niềm tin với khách hàng còn khó hơn rất nhiều. Cách duy nhất là người sản xuất phải minh bạch nhất có thể trong quá trình sản xuất của mình.
Nông dân trồng rau trên ruộng rau Bác Tôm. Ảnh: Bác Tôm
Muôn kiểu chứng minh nguồn gốc sản phẩm
Ông Trần Mạnh Chiến, Giám đốc chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch Bác Tôm, cho hay sau gần 7 năm xây dựng thương hiệu Bác Tôm, tới nay chuỗi cửa hàng này mới có khoảng 20 cửa hàng, phục vụ khoảng 4.000 đến 5.000 khách hàng trung thành. Dù thừa nhận lượng khách hàng như vậy chưa phải lớn nhưng để có được lượng khách hàng đó với Bác Tôm không hề đơn giản.
Theo ông Chiến, để khách hàng tin tưởng sản phẩm của mình, Bác Tôm đã phải minh bạch tất cả thông tin về sản phẩm, từ vùng trồng, phương thức sản xuất cho đến tem nhãn truy xuất nguồn gốc... thậm chí, còn tổ chức cả các tour du lịch sinh thái để đưa những “khách hàng khó tính” về tận vùng trồng rau sạch.
Khi về vùng trồng, tận mắt chứng kiến sự khác biệt về vùng rau, về các loại phân bón hữu cơ được sử dụng, phương thức canh tác... của Bác Tôm và có sự so sánh với những ruộng rau xung quanh thì khách hàng mới tin tưởng. “Nói thì dễ nhưng để xây dựng được niềm tin như vậy không hề đơn giản”, ông Chiến nói.
Từng là người tiêu dùng và trăn trở với ngành thực phẩm trong nước, bà Phạm Phương Thảo, Gám đốc điều hành chuỗi thực phẩm hữu cơ Organica, nhận thấy nhu cầu tiêu thụ sản phẩm sạch, sản phẩm hữu cơ là rất lớn. Từ đó, bà Thảo đã bắt tay vào thực hiện mong muốn của mình là đưa sản phẩm sạch tới tay người tiêu dùng.
Hơn bốn năm bắt tay vào thực hiện “ước mơ” đó, tới nay, Organica mới có được chuỗi ba cửa hàng Organica ở TP HCM, và dự định sẽ mở một cửa hàng ở Đà Nẵng trong thời gian tới.
Theo bà Thảo, dù biết là càng mở rộng chuỗi cửa hàng thì doanh số bán tăng lên, sản lượng tăng lên sẽ giảm được chi phí sản xuất, nhưng việc tìm đối tác để mở rộng sản xuất là vô cùng khó khăn, vì nếu làm không cẩn trọng, sản phẩm mang thương hiệu Organica có thể bị trộn với hàng kém chất lượng, ảnh hưởng tới thương hiệu sản phẩm.
Sản phẩm Organica được sản xuất theo phương pháp sinh học, tức không dùng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kích thích tăng trưởng, giống biến đổi gen... nên sản phẩm nông nghiệp hữu cơ thường đắt gấp đôi, thậm chí gấp 3 đến 4 lần so với nông sản bình thường. Do đó, để người tiêu dùng chịu “chi” cho sản phẩm, Organica đã phải sử dụng phần mềm truy xuất nguồn gốc; theo đó thực phẩm sẽ có mã code, khách hàng chỉ việc sử dụng điện thoại thông minh là có thể có được đầy đủ thông tin về sản phẩm như loại rau, quy trình trồng, quy trình thu hoạch, vận chuyển và đóng gói.
Tại Hội thảo “Chung tay xây dựng nền sản xuất thực phẩm an toàn, minh bạch” diễn ra ngày 15-6, ông Nguyễn Xuân Vinh, Giám đốc Trung tâm Nông nghiệp Thông minh, đã trích dẫn kết quả một cuộc điều tra thực hiện năm 2016 với 250 công chức tại Hà Nội và TPHCM, cho thấy tại Hà Nội chỉ có 30% rau trên thị trường được coi là an toàn, 70% còn lại là rau không rõ nguồn gốc.
Do đó, để đối phó với tình trạng nhập nhằng thông tin này, 18% người tiêu dùng tại thành phố tự sản xuất hoặc dùng sản phẩm nông sản của người thân, bạn bè; 11,7% mua tại cửa hàng mà mình tin tưởng; 28,5% đi siêu thị; và gần 40% sử dụng chợ truyền thống.
Đặc biệt, trong số những người được hỏi, có tới 36% cho rằng sẽ mua sản phẩm ngay nếu biết rõ nguồn gốc; đồng thời, có 28% sẵn sàng trả thêm 100.000-200.0000 đồng/tháng, 25% trả thêm 300.000 tới 500.000 đồng/tháng; 8% trả thêm 500.000 tới 1 triệu đồng/tháng và có tới 22% bao nhiêu cũng trả thêm để mua sự “an toàn” này.
Như vậy, theo ông Vinh, doanh nghiệp nào lấy được sự tin tưởng của người tiêu dùng thì doanh nghiệp đó sẽ thắng.
Liên kết sản xuất sạch
Hiện nay, đối với đa số người tiêu dùng, nhu cầu minh bạch thông tin nông sản từ đầu vào tới khâu chăm sóc, chế biến… là vô cùng quan trọng. Hơn nữa, những thông tin này cần phải có sự kiểm tra của các cơ quan quản lý. Bên cạnh đó, những doanh nghiệp làm ăn gian dối phải bị phạt nặng, xử lý hình sự thì mới có chuyển biến rõ rệt trong việc sản xuất thực phẩm sạch.
Tại Hội thảo trên, bà Nguyễn Thị Hồng Minh, Nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy sản, Trưởng ban vận động thành lập Hiệp hội Thực phẩm Minh bạch, cho biết, những cơ sở làm tốt vẫn đang tồn tại, nhưng họ rời rạc và đơn lẻ. Một số đang cố gắng làm nông sản sạch tùy vào sức của mình, nhưng họ quá nhỏ bé và thường bị thương nhân, thương lái ép đủ bề nếu họ không đủ sức bứt lên được để có kênh phân phối riêng. Số khác đành tặc lưỡi cho qua vì bất lực trước sự cám dỗ của vòng xoáy lợi ích từ thực phẩm bẩn.
“Vì vậy, các doanh nghiệp tốt phải liên kết lại với nhau, minh bạch thông tin nông sản cho người tiêu dùng biết”, bà Minh nói.
Do đó, Hiệp hội Thực phẩm Minh bạch sẽ liên kết các cơ sở sản xuất thực phẩm an toàn theo chuẩn mực và quy tắc ứng xử chung, cung cấp thông tin minh bạch , khả năng truy xuất nguồn gốc của sản phẩm. Bên cạnh đó, Hiệp hội sẽ có chức năng xây dựng uy tín bằng việc bảo đảm các chuẩn mực chung, thông tin minh bạch, phát triển thị trường sản phẩm an toàn, cung cấp thông tin, thay đổi nhận thức của người tiêu dùng….
Tuy nhiên, “Minh bạch mà không kiểm tra sự minh bạch đó thì cũng coi như hỏng. Ví dụ, một nhà trồng “rau an toàn”, đúng quy định pháp luật, ngưng phun thuốc trừ sâu 10 hay 15 ngày trước khi thu hoạch, và phải chứng minh điều họ làm, qua phòng thí nghiệm, hoặc kiểm tra chéo lẫn nhau. Nếu không làm rõ yếu tố minh bạch, e rằng hiệp hội sẽ sớm nở tối tàn”, TS Vũ Thế Thành, Chuyên gia tư vấn của Hiệp hội thực phẩm minh bạch, cho biết.
Trúc Diễm / thesaigontimes.vn