Thay vì một cổ bị hàng chục "tròng" giấy phép, nhà sản xuất kinh doanh thực phẩm được quyền tự công bố và chịu trách nhiệm với công bố của mình.
Quy định mới đã giúp các doanh nghiệp thực phẩm tiết giảm chi phí và thời gian. ẢNH: NGUYÊN NGA |
Đó là một trong những nội dung quan trọng quy định tại Nghị định 15/2018/NĐ-CP (NĐ 15) vừa có hiệu lực từ đầu tháng 2 năm nay. Theo đó, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm tự công bố thực phẩm đã qua chế biến... trên các phương tiện thông tin đại chúng, trang web của doanh nghiệp (DN), hoặc niêm yết công khai tại trụ sở...
Xúc xích, chả lụa “thoát” 15 - 17 giấy phép
Theo chị Lê Thị Thu - chủ cơ sở sản xuất giò chả, nem, xúc xích tại TP.Biên Hòa (Đồng Nai), để có giấy xác nhận đã công bố an toàn thực phẩm (ATTP) như trước đây, một bộ hồ sơ phải đầy đủ các giấy tờ: công bố phù hợp quy định ATTP, thông tin chi tiết về sản phẩm, chứng nhận lưu hành tự do hoặc chứng nhận y tế, kết quả kiểm nghiệm sản phẩm trong vòng 12 tháng thuộc phòng kiểm nghiệm được chỉ định hoặc phòng kiểm nghiệm được công nhận, kế hoạch giám sát định kỳ, nhãn hàng hóa, mẫu sản phẩm đối chiếu khi nộp hồ sơ, thông tin tài liệu khoa học các thành phần nguyên liệu, giấy đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP, bản sao có công chứng các chứng chỉ ISO nếu có...
Ông Trương Chí Thiện, Giám đốc Công ty cổ phần thực phẩm Vĩnh Thành Đạt (V.food), cho biết: Để đưa được quả trứng gà ra thị trường, làm thủ tục qua dịch vụ cũng mất 15 ngày mới có kết quả công bố. Đó là chưa tính khoảng thời gian hồ sơ bị yêu cầu trả về bổ sung, làm lại... Lệ phí để làm một bộ hồ sơ là 500.000 đồng nhưng các chi phí khác thường lớn hơn. Nhiều DN phải tuyển nhân viên chỉ chuyên đi làm các thủ tục này cũng khiến chi phí đội lên nhiều. |
“Trước mắt là 11 giấy tờ như 11 giấy phép con cho mỗi bộ hồ sơ (sao y thành 2 bản) xin công bố. 5 sản phẩm của cơ sở thì hồ sơ xin công bố dày gần 2 gang tay rồi. Nếu bỏ hẳn thủ tục này, có thể nói DN như thoát khối nợ thủ tục nặng như đá tảng”, chị Thu ví von.
Bên cạnh đó, ông Lê Quang Hậu, chủ Cơ sở chế biến thực phẩm nem chả Quang Hậu (Q.Tân Phú, TP.HCM), cho biết một số địa phương còn bắt kiểm định lá chuối gói chả, các chứng nhận tập huấn cho nhân viên, kiểm nghiệm nguồn nước, cam kết của chính chủ cơ sở về nguồn gốc nguyên liệu, kế hoạch giám sát định kỳ, kế hoạch kiểm soát chất lượng của cơ sở...
Như vậy, ước tính mỗi bộ hồ sơ xin công bố ATTP cho một cây xúc xích hay đòn chả lụa nếu làm đầy đủ các nguyên tắc bắt buộc của các cơ quan quản lý, chủ cơ sở phải đáp ứng ít nhất 15 - 17 loại giấy tờ các loại. Tùy địa phương thực hiện theo dịch vụ có tổng chi phí bao gồm phí cứng và mềm từ 6 - 10 triệu đồng/bộ. Thời gian DN đi lại liên tục thường từ gần 2 tháng, thậm chí kéo dài hơn.
Ông Hậu nhận xét: “Điều đáng nói là DN nhận được giấy xác nhận cho các công bố, nhưng trong giấy đó lại ghi DN phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về chất lượng thực phẩm mà mình đã công bố. Nghĩa là cơ quan quản lý thực phẩm cấp giấy phép cho DN nhưng hoàn toàn không chịu trách nhiệm về việc xác nhận của họ. Như vậy chỉ quản lý trên giấy và không có ý nghĩa thực tế nhưng đã “hành” DN thời gian rất dài”, ông Hậu nói.
Tiết kiệm 10 triệu, 4 tháng cho 1 sản phẩm
Một khảo sát của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) công bố cho thấy, để xin được một giấy xác nhận công bố phù hợp quy định ATTP, DN mất khoảng 10 triệu đồng với thực phẩm thường và khoảng 30 triệu đồng với thực phẩm chức năng, thời gian xin xác nhận trung bình là 4 tháng. Ông Nguyễn Xuân Tồn, Giám đốc điều hành Cơ sở sản xuất chế biến cà phê Long Triều (Lâm Đồng) nhận định, nếu bỏ hẳn thủ tục lập hồ sơ công bố, một cơ sở cà phê sản xuất tầm 3 nhãn hàng, bớt được khoảng 15 giấy phép con. Chưa kể trong quá trình sản xuất, nếu thêm hương vị nào vào sản phẩm, tiếp tục xin giấy phép tiếp...
TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam, nhận xét: “Các giấy phép con của ngành y tế áp cho DN trong lĩnh vực thực phẩm trước đây rất hình thức, chỉ lấy mẫu kiểm nghiệm và không thể nào bao quát được. DN làm ăn sai trái lợi dụng vào giấy phép đã được cấp này coi như “bảo bối”, yên tâm làm ẩu cũng không bị xử lý. Khi đoàn kiểm tra đến cứ đưa “bảo bối” này ra, coi như làm đúng luật”.
“Hàng ngàn giấy phép con trong lĩnh vực quản lý ATTP đã góp phần không nhỏ trong việc làm hư hỏng bộ máy nhà nước, mất niềm tin của người tiêu dùng với DN trong nước”, ông Lộc nói.
Nguyên Nga - Chí Nhân / Báo Thanh Niên