Tháng 4/2013, cả nước mới có 210.000 thuê bao. Đến tháng 4-2016, con số này đã là 4,5 triệu, gấp 21 lần chỉ sau 3 năm.
Sự bùng nổ của các thiết bị di động thông minh, các ứng dụng giải trí, kết nối, chia sẻ… trên nền tảng internet đã khiến nhu cầu sử dụng internet băng rộng trở nên thiết yếu và ngày càng tăng cao.
Theo số liệu thống kê từ Cục Viễn thông tính tới hết tháng 4-2016, Việt Nam hiện có 4,57 triệu thuê bao internet cáp quang, gấp 1,6 lần lượng thuê bao internet cáp đồng. Trong 4 tháng đầu năm, cả nước đã có thêm 940.000 thuê bao mới, tăng 26% so với cuối năm 2015. Độ phủ (số đường băng rộng/hộ gia đình) tại Việt Nam đạt 37%, tức là cứ 3 hộ gia đình thì có hơn một hộ sử dụng băng thông rộng cố định.
Xu hướng dịch chuyển từ cáp đồng sang cáp quang là điều mà các nhà mạng lớn đã dự liệu từ trước bởi đó là xu thế chung toàn cầu. Đón đầu xu thế, vài năm gần đây, các nhà cung cấp dịch vụ đã chủ động chuyển đổi hạ tầng từ cáp đồng sang cáp quang ở Hà Nội, TP HCM và các thành phố lớn nhằm cung cấp cho khách hàng sự lựa chọn tốt hơn trong thời kỳ bùng nổ thiết bị truy cập Internet.
Theo số liệu của Akamai, trong quý I năm 2016 đã chứng kiến tốc độ tăng trưởng tỷ lệ chấp nhận kết nối internet băng rộng tốc độ cao sử dụng cáp quang trên 10Mbps và 15Mbps của Việt Nam là cao nhất khu vực Châu Á Thái Bình Dương.
Nhờ ưu thế băng thông rộng, không bị suy hao tín hiệu, công nghệ này đang hứa hẹn mang đến cho người dùng một “xa lộ cao tốc” để lưu thông “nuột nà” các dịch vụ như IPTV (truyền hình tương tác), VoD (xem phim theo yêu cầu), Video Conference (hội nghị truyền hình), IP Camera... cũng như giúp bắt kịp nhịp độ phát triển công nghệ đang nóng lên từng giờ trên thế giới.
Năm 2015, số lượng ĐTDĐ đã bán ra tại Việt Nam là 14,1 triệu chiếc, dự báo sẽ tăng lên 19,4 triệu chiếc trong năm 2016 và tiếp tục tốc độ tăng trưởng cao trong 3 năm tới. Sự bùng nổ của smartphone tại Việt Nam kéo theo nhu cầu xem TV, video, gọi điện, chat… qua mạng internet trên smartphone cũng tăng vọt nhanh chóng.
Nắm bắt được xu thế đó, các ISP lớn trên thị trường Internet như VNPT, FPT Telecom, Viettel… đang triển khai mạnh các gói cước, đua nhau đưa ra các chính sách tăng tốc độ và siêu khuyến mại nhằm hút khách hàng. Cụ thể, các nhà cung cấp dịch vụ luôn chú trọng việc nâng cấp, xây dựng mới hạ tầng mạng cáp quang cùng các hệ thống thiết bị để cung cấp dịch vụ đồng bộ từ nhà mạng đến khách hàng.
Năm 2014, FPT Telecom mới chiếm 6% thị phần, trong khi con số năm 2015 ghi nhận là 25,4%. Với mức tăng trưởng thuê bao lên tới 1.900%, thị phần thuê bao cáp quang của Viễn thông FPT tăng hơn 4 lần so với năm 2014. Con số tương tự của VNPT tăng 441% và Viettel tăng 314%. Những con số này là minh chứng cho thấy nhu cầu sử dụng internet băng thông rộng hiện là rất lớn và sẽ ngày càng tăng cao hơn nữa.
Có thể nói, xu thế chuyến hướng đầu tư và phát triển của các ISP vào công nghệ Internet cáp quang FTTH (Fiber-To-The-Home, là dịch vụ truy cập internet hiện đại nhất với đường truyền dẫn hoàn toàn bằng cáp quang đến địa chỉ thuê bao) trong thời gian vừa qua được coi là một bước đột phá để thúc đẩy thị trường băng thông rộng tiến thêm một bước mới. FTTH chính là chìa khóa then chốt của việc phát triển cơ sở hạ tầng viễn thông quốc gia.
Ở tầm vi mô, cuộc đua giành thị phần ở thời điểm này giữa các doanh nghiệp đã và đang đem lại nhiều lợi ích cho người dùng. Và thêm cơ hội lựa chọn các nhà cung cấp dịch vụ chất lượng tốt, quan tâm tới công tác chăm sóc khách hàng…
Phan Tuấn / dantri.com.vn