Có ý kiến cho rằng phương pháp tính thuế nhập khẩu theo bình quân gia quyền hiện nay chưa phản ánh đúng tinh thần điều hành giá xăng dầu theo Nghị định 83/2014, chưa đúng diễn biến giá thành phẩm xăng dầu thế giới.
Ảnh minh họa.
"Đều phù hợp quy định"
Kể từ giữa tháng 3/2016, thay vì xác định thuế nhập khẩu xăng dầu trong tính giá cơ sở theo mức nhập khẩu ưu đãi (MFN), lãnh đạo Bộ Tài chính và Công Thương đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ và được chấp thuận phương án tính theo mức bình quân gia quyền của các biểu thuế MFN và FTA.
Theo Bộ Tài chính, việc dùng mức thuế nhập khẩu bình quân gia quyền sẽ đảm bảo sát với thực tế hàng hoá nhập khẩu từ các nguồn khác nhau của doanh nghiệp xăng dầu, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và đảm bảo lợi ích của người tiêu dùng, doanh nghiệp và nhà nước.
Tuy nhiên, sau khoảng 3 tháng áp dụng cách xác định thuế nhập khẩu nêu trên, một số ý kiến cho rằng, phương pháp tính thuế nhập khẩu xăng dầu theo bình quân gia quyền chưa phản ánh đúng tinh thần điều hành giá xăng dầu theo Nghị định 83 và chưa đúng diễn biến giá thành phẩm xăng dầu thế giới.
Phản hồi về ý kiến này, Bộ Tài chính cho biết, việc dùng mức thuế suất ưu đãi hay thuế suất ưu đãi đặc biệt, hoặc thuế suất thông thường hay bình quân gia quyền của các mức thuế suất để tính giá cơ sở đều phù hợp với quy định của Nghị định 83.
Theo Bộ Tài chính, giá cơ sở được căn cứ theo giá CIF (giá xăng dầu thế giới + Phí bảo hiểm + Cước vận tải về đến cảng Việt Nam), thuế nhập khẩu chỉ là một trong các yếu tố cấu thành trong giá cơ sở, mà mức thuế suất để tính thuế nhập khẩu tính ổn định theo quý cũng tương tự như việc lấy theo bất kỳ một mức thuế suất thuế nhập khẩu nào.
Đồng thời, cũng phù hợp với hoạt động kinh doanh thông thường của doanh nghiệp là hạch toán theo phương pháp nhập trước, xuất trước.
“Như vậy, giá xăng dầu trong nước biến động lên xuống theo giá xăng dầu thế giới. Do đó, ý kiến cho rằng phương pháp tính thuế nhập khẩu bình quân gia quyền chưa phản ánh đúng diễn biến giá thành phẩm xăng dầu thế giới và có thời điểm giá xăng dầu trong nước có thể ngược chiều với giá xăng dầu thế giới là chưa chính xác”, văn bản Bộ Tài chính nêu rõ.
Về ý kiến cho rằng, cách tính thuế bình quân gia quyền theo hướng dẫn của Bộ Tài chính sẽ gây dư luận là việc điều hành giá xăng dầu thiếu tính công khai, minh bạch vì số liệu cụ thể để tính toán ra các mức thuế bình quân gia quyền khó theo dõi, giám sát… Bộ Tài chính cho biết, cách xác định thuế suất thuế bình quân gia quyền căn cứ theo tỷ trọng kim ngạch nhập khẩu thị trường ASEAN, Hàn Quốc, Trung Quốc và khu vực khác, số liệu này được căn cứ theo số liệu thống kê của cơ quan hải quan được công khai.
Đồng thời căn cứ theo tỷ trọng lượng xăng, dầu mua từ nhà máy lọc dầu Dung Quất; thuế suất MFN, thuế suất ưu đãi đặc biệt ASEAN, Việt Nam - Hàn Quốc, Bộ Tài chính đã công bố công khai.
Căn cứ theo chức năng, nhiệm vụ của Bộ Tài chính quy định tại Nghị định số 83, định kỳ Bộ Tài chính có công văn gửi Bộ Công Thương đề nghị căn cứ các mức thuế nhập khẩu bình quân gia quyền mà Bộ Tài chính thông báo để Bộ Công Thương tính giá cơ sở.
Xăng trong nước vẫn "ngược chiều" thế giới
Bình luận về những ý kiến được Bộ Tài chính đưa ra, ông Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết, chính phương án tính thuế như trên dẫn đến giá bán xăng dầu trong nước tại kỳ điều hành đầu tiên hàng quý sẽ không phản ánh đúng diễn biến giá thành phẩm xăng dầu thế giới.
“Thậm chí, có những thời điểm giá bán xăng dầu trong nước có thể ngược chiều với xu hướng giá thành phẩm xăng dầu thế giới”, ông Long nói.
Dẫn chứng cụ thể hơn, theo ông Long, tại kỳ điều hành ngày 5//4 vừa qua, thời điểm điều chỉnh thuế nhập khẩu bình quân gia quyền cho quý mới, theo bảng cập nhật của liên Bộ Công Thương, Tài chính giá dầu diesel thế giới giảm 0,4%, đáng ra giá dầu diesel trong nước có cơ hội giảm giá nhưng cơ quan điều hành lại cho các doanh nghiệp tăng sử dụng quỹ bình ổn để giữ nguyên giá.
Ông Long cũng cho biết, việc tính thuế bình quân gia quyền sẽ tạo ra sự bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp vì theo mức thuế nhập khẩu bình quân gia quyền để tính toán giá cơ sở mặt hàng xăng là 18,35% song nếu doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu từ Hàn Quốc lại được hưởng mức thuế 10%, trong khi các nước ASEAN là 20%.
Mới đây, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đã yêu cầu Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Tài chính đánh giá lại việc áp dụng thuế nhập khẩu bình quân trong phương thức tính giá xăng dầu, đưa ra phương án điều chỉnh để sớm trình Chính phủ cho ý kiến.
Nguyễn Thảo / BizLIVE