Bộ Tài chính đã ban hành Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi theo danh mục mặt hàng chịu thuế kèm theo Thông tư số 182/2015/TT-BTC ngày 16/11/2015, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2016.
Theo đó, về thuế xuất khẩu cao su năm 2016, các mặt hàng cao su thiên nhiên (HS 4001), cao su tổng hợp (HS 4002) và cao su hỗn hợp (HS 4005) xuất khẩu được áp dụng mức thuế suất xuất khẩu 0%. Các sản phẩm cao su vẫn được tiếp tục áp dụng thuế suất 0%.
Về thuế nhập khẩu ưu đãi năm 2016, những sản phẩm cao su có thuế suất thuế nhập khẩu cao là săm lốp xe các loại (10 – 35%); găng tay (20%); đệm cao su (20 – 30%).
Đối với nguyên liệu, vật tư, linh kiện nhập khẩu để sản xuất các sản phẩm cao su kỹ thuật có 16 mặt hàng được đưa về mức thuế suất thuế nhập khẩu 0% và 2 mặt hàng khác được giảm còn 5 – 10%.
Việc miễn giảm thuế đối với nguyên liệu, vật tư, linh kiện nhập khẩu để sản xuất các sản phẩm cao su kỹ thuật đã được Bộ Tài chính áp dụng từ năm 2016 theo đề nghị của Hiệp hội Cao su Việt Nam, phản ánh nguyện vọng của Hội viên. Để được áp dụng mức thuế suất này, doanh nghiệp khi làm thủ tục hải quan cần thực hiện theo Khoản b.9.2.1, Mục II, Phụ lục II (về thủ tục nhập khẩu – Trách nhiệm của người khai hải quan) ban hành kèm theo Thông tư 182/2015/TT-BTC, phải kê khai phân loại mã HS theo quy định trước đây với 8 chữ số và ghi chú thêm mã HS mới với 8 chữ số theo phân loại của Chương 98.40 trong Biểu thuế năm 2016. Ví dụ: Vòng kim loại thép dùng để sản xuất sản phẩm cao su có HS cần kê khai là 73182200 (98401200), thuế suất cũ 12%, thuế suất mới 0%.
Về thuế nhập khẩu cao su nguyên liệu, mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với cao su thiên nhiên (HS 4001) là 3%; đối với cao su tổng hợp (HS 4002) hầu hết là 0% trừ một số mặt hàng hỗn hợp với cao su thiên nhiên (HS 400280) hoặc dạng khác (HS 400299) có mức thuế suất thuế nhập khẩu là 3%; đối với cao su tái sinh (HS 4003), cao su phế liệu (HS 4004) là 3% và cao su hỗn hợp (HS 4005) là 5%.
Ngoài ra, thuế nhập khẩu cao su nguyên liệu và sản phẩm cao su còn được áp dụng theo biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt trong một số Hiệp định thương mại đã được Việt Nam ký kết thỏa thuận đa phương và song phương với các nước như: Đa phương trong phạm vi ASEAN (ATIGA/AFTA); ASEAN và các nước như Trung Quốc (ACFTA), Hàn Quốc (AKFTA), Nhật Bản (AJCEP), Ấn Độ (AIFTA)…; Việt Nam – Nhật Bản (VJEPA), Việt Nam – Hàn Quốc (VKFTA)…
Để được áp dụng theo mức thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt, doanh nghiệp/tổ chức nhập khẩu cần thực hiện theo quy định của từng Thông tư hướng dẫn cụ thể như quy định về Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O), mẫu C/O (tương ứng với thị trường / khối kinh tế), hàm lượng xuất xứ hàng hóa… Hiện nay, đã có một số Thông tư của Bộ Tài chính quy định Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện các hiệp định thương mại được ký kết với ASEAN, ASEAN – Trung Quốc, Việt Nam – Hàn Quốc, ASEAN – Nhật Bản, Việt Nam – Nhật Bản, ASEAN – Ấn Độ, ASEAN – Úc New Zealand từ năm 2015 đến 2018 hoặc 2019.
Đối với hàng hóa nhập khẩu có xuất xứ từ nước, nhóm nước hoặc vùng lãnh thổ không thực hiện ưu đãi (thực hiện đối xử tối huệ quốc – MFN) và không thực hiện ưu đãi đặc biệt về thuế nhập khẩu với Việt Nam sẽ áp dụng thuế suất thông thường. Hiện nay, theo Nghị định số 87/2010/NĐ-CP ngày 13/8/2010 của Chính phủ, thuế suất thông thường được áp dụng thống nhất bằng 150% mức thuế suất ưu đãi của từng mặt hàng tương ứng quy định tại Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi.
Để biết thêm thông tin chi tiết, vui lòng liên hệ Văn phòng Hiệp hội Cao su Việt Nam hoặc truy cập website của Hiệp hội: www.vra.com.vn (Mục Tin tức>Chính sách có liên quan và Mục Thông tin> Văn bản pháp quy).
Văn phòng Hiệp hội Cao su Việt Nam tổng hợp (Hoa Trần, Việt Hồng)