Thương hiệu khiêm tốn là yếu tố khiến nhiều ngân hàng Việt Nam khó cạnh tranh khi ra nước ngoài và nguy cơ bị lấn sân ngay tại thị trường trong nước.
Nhỏ so với ngân hàng khu vực
Với tổng tài sản từ 800.000 tới 1 triệu tỷ đồng, 3 ngân hàng thương mại cổ phần là BIDV, Vietcombank, VietinBank nằm trong nhóm những ngân hàng có thương hiệu mạnh nhất Việt Nam, nhưng còn nhỏ hơn so với các ngân hàng trong khu vực. Điều này khiến các ngân hàng Việt gặp bất lợi khi cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập và đạt mục tiêu trở thành ngân hàng khu vực.
Giá trị thương hiệu của ngân hàng Việt Nam chỉ chiếm khoảng 10%, trong khi trên thế giới tới 25%.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Samir Dixit, Giám đốc vùng châu Á - Thái Bình Dương của Brand Finance cho hay, thương hiệu càng giá trị thì đóng góp cho tài sản ngân hàng càng lớn. Hiện đóng góp của giá trị thương hiệu với tổng tài sản Vietcombank là 4%, của VietinBank là 10% và BIDV là 11%. Ở các nước trên thế giới, con số này là 25% và ở khu vực ASEAN từ 16 - 18%. Điều này cho thấy, giá trị thương hiệu của ngân hàng Việt Nam chưa cao.
Đơn cử, trong số các ngân hàng tại Việt Nam, Vietcombank là ngân hàng có giá trị vốn hóa thị trường lớn nhất, song hầu hết giá trị vốn hóa của Vietcombank đã phản ánh hết trên tổng tài sản của ngân hàng này, còn giá trị thương hiệu (phần vô hình) hầu như không đáng kể.
Tốc độ tăng trưởng thương hiệu cũng không cao. Cụ thể, năm 2016, BIDV tăng trưởng thương hiệu 17%, trong khi Vietcombank tăng 6% và VietinBank tăng 1%. Đổi lại, các ngân hàng trong khu vực đang đua nhau chạy hết tốc lực để gia tăng sức mạnh của thương hiệu với mức tăng 25% trong năm qua. Trong đó, riêng giá trị thương hiệu của các ngân hàng Philippines tăng 60%, Indonesia tăng 43%, Thái Lan tăng 20%, Malaysia tăng 24%.
“Gần đây, các ngân hàng quốc tế, nhất là ngân hàng trong khu vực vào Việt Nam ngày càng nhiều. Mới nhất là Ngân hàng CIMB Bank Berhad của Malaysia. Trong bối cảnh đó, nếu ngân hàng Việt Nam không gia tăng thương hiệu thì sẽ có nguy cơ bị yếu thế về cạnh tranh. Ngân hàng Malaysia sang Việt Nam có thể kinh doanh tốt, nhưng một ngân hàng Việt Nam sang Malaysia rất khó để tồn tại”, ông Samir Dixit cảnh báo.
Đừng tự đóng cửa cạnh tranh lẫn nhau
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang định hướng một số ngân hàng lớn ở Việt Nam trở thành ngân hàng khu vực. Tuy nhiên, theo ông Lại Tiến Mạnh, Giám đốc điều hành Mibrand Việt Nam, các thương hiệu ngân hàng ở Việt Nam được xếp hạng ở mức thấp khi cạnh tranh ngay cả trong ASEAN.
Trong bối cảnh các ngân hàng quốc tế vào Việt Nam ngày càng nhiều, nếu ngân hàng nội không gia tăng thương hiệu thì sẽ có nguy cơ bị yếu thế về cạnh tranh. |
Các chuyên gia thương hiệu cho rằng, nguyên nhân dẫn tới tình trạng này là bởi các ngân hàng Việt Nam, kể cả các ngân hàng lớn, chưa chú trọng đến đầu tư vào thương hiệu. Lâu nay, các ngân hàng này vẫn phát triển nhờ thị phần chi phối và các mối quan hệ khác. Nếu tình hình này kéo dài, các ngân hàng Việt sẽ có nguy cơ bật khỏi Top 500 ngân hàng có thương hiệu mạnh nhất thế giới. Ông Samir Dixit khuyến cáo, các ngân hàng Việt Nam đang bị “mắc bẫy” ở thị trường trong nước, chỉ biết đóng cửa để cạnh tranh lẫn nhau mà chưa biết đầu tư phát triển thương hiệu để mở rộng thị trường, mở rộng tầm ảnh hưởng, tìm cơ hội mới.
“Cách đây vài năm, các ngân hàng Indonesia cũng giống các ngân hàng Việt Nam hiện nay, tức chiến lược của họ dồn cả vào thị trường trong nước. Thế nhưng, khi ngân hàng nước ngoài ồ ạt tràn vào, ngân hàng Indonesia bị yếu thế và mới nhìn nhận lại, tập trung xây dựng chiến lược thương hiệu theo hướng ngân hàng quốc tế, nhờ đó cải thiện được sức cạnh tranh”, ông Samir nói.
Nhiều chuyên gia quốc tế cho rằng, các ngân hàng lớn của Việt Nam hiện giống hình ảnh của những “ông già”. Trong khi đó, nhiều ngân hàng trong khu vực đang làm mới mình với hình ảnh năng động, thích ứng với cách mạng công nghệ lần thứ tư.
Một ví dụ đơn giản, hiện tại, đa phần ngân hàng Việt Nam vẫn đang tập trung vào lứa khách hàng lớn tuổi (40 - 50 tuổi) vì đây là đối tượng có tích lũy thu nhập. Tuy nhiên, quan điểm truyền thống này có thể khiến ngân hàng sẽ dần “lão hóa” cùng khách hàng, trong khi nhóm khách hàng trẻ - được coi là tương lai của ngân hàng và rất ưa chuộng công nghệ số, thì lại đang bị coi nhẹ. Điều này cũng khiến ngân hàng bị tụt hậu về công nghệ.
Hà Tâm / InfoMoney