Theo thống kê của Liên minh châu Âu (EU), doanh số tiêu thụ các mặt hàng có chứng nhận Thương mại công bằng (TMCB) tại EU ngày càng tăng, nhất là đối với hàng nông sản. Do đó, việc các doanh nghiệp (DN) Việt Nam có thêm chứng nhận TMCB sẽ càng làm cho người tiêu dùng EU tin tưởng và lựa chọn hàng hóa Việt Nam.
Chứng nhận TMCB sẽ giúp ngành chè đẩy mạnh xuất khẩu
Mở rộng “cửa” xuất khẩu
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Vũ Đức Bộ - Chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) Phước Hưng, huyện Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước - cho biết, trước đây điệp khúc “được mùa mất giá, được giá mất mùa” cứ ám ảnh mãi, nhưng từ khi tham gia sản xuất theo tiêu chí TMCB của Tổ chức nhãn hiệu thương mại công bằngquốc tế (FLO), mọi chuyện đã thay đổi. Theo đó, việc trồng điều tại HTX phải tuân thủ theo một quy trình ngặt nghèo do FLO quy định như: Không sử dụng hóa chất độc hại, không để tồn dư thuốc bảo vệ thực vật và các quy trình chăm sóc theo từng thời điểm phát triển của cây điều.
Nhờ đó, vườn điều không chỉ cho năng suất cao (trung bình 3 tấn/ha), chất lượng đáp ứng yêu cầu xuất khẩu mà thị trường đầu ra luôn ổn định. Để giúp người dân bán được sản phẩm, Tổ chức FLO với hệ thống trải rộng ở các thị phần lớn trên thế giới đã đứng ra đảm nhiệm chào hàng, giới thiệu sản phẩm đến các đơn vị có nhu cầu. HTX cũng đã ký hợp đồng với hai công ty bao tiêu điều cho nông dân. Giá điều đạt chứng nhận FLO cũng cao hơn so với sản xuất truyền thống (hiện cao hơn khoảng 7.000 đồng/kg).
“Hiện nay, HTX có 1.400ha điều sản xuất theo tiêu chuẩn của FLO với khoảng 4.000 tấn điều thô sản xuất ra mỗi năm, xuất khẩu chủ yếu sang các thị trường châu Âu như Đức, Hà Lan…”- ông Bộ hồ hởi.
Là một trong hai DN cà phê đầu tiên đạt chứng nhận TMCB ở Việt Nam, ông Đào Duy Tùng - Phó Giám đốc Công ty Cà phê Nguyễn Huy Hùng - cho hay, khi các đối tác nước ngoài biết sản phẩm của công ty có chứng nhận TMCB thì khả năng ký kết hợp đồng thành công rất cao. Năm 2015, công ty đã xuất khẩu 20 tấn cà phê đạt chứng nhận TMCB với mức giá 2.700 USD/tấn vào thị trường châu Âu.
Nâng cao nhận thức
Tại buổi tọa đàm “Phát triển TMCB tại Việt Nam” diễn ra mới đây, ông Trần Ngọc Quân - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu (Bộ Công Thương) - khẳng định, người tiêu dùng châu Âu ngày càng yêu cầu cao đối với hàng hóa, dịch vụ. Chứng nhận TMCB đã trở thành một trong những vấn đề mà người tiêu dùng EU quan tâm và ưu tiên lựa chọn các mặt hàng có chứng nhận này.
Tuy nhiên, ông Tùng thừa nhận, vẫn chưa có nhiều người tiêu dùng và người sản xuất biết đến TMCB nên số lượng các đơn vị tham gia sản xuất theo tiêu chí này tại Việt Nam còn khiêm tốn. Theo Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam, mới chỉ có 13 HTX và 2 DN xuất nhập khẩu cà phê được cấp chứng nhận này. Lượng cà phê xuất khẩu được chứng nhận TMCB chỉ khoảng 2.000 - 4.000 tấn/năm, còn ít so với hàng triệu tấn cà phê xuất khẩu mỗi năm. Do đó, cần tuyên truyền rộng rãi và có những hỗ trợ thiết thực để người tiêu dùng, DN thấy được lợi ích của việc sản xuất, tiêu dùng hàng hóa có chứng nhận TMCB.
Đại diện Hiệp hội Chè Việt Nam đồng tình, hiện nay chứng nhận TMCB chưa phổ biến ở Việt Nam, hiểu biết của DN chè về tiêu chí này còn hạn chế. Do vậy, năm 2016, ngành chè phấn đấu có 2-3 mô hình HTX đạt chứng nhận TMCB. Dự kiến trong 2 - 3 năm tới ngành chè Việt Nam có 3 - 5 DN đạt chứng nhận TMCB. Vùng sản xuất chè có khả năng đạt chứng nhận TMCB tiềm năng là Hà Giang, Yên Bái, Sơn La, Thái Nguyên, Hà Nội…
Theo FLO, trong một cuộc điều tra dư luận tại thị trường châu Âu, 3/4 số người được hỏi trả lời họ sẽ mua sản phẩm đạt chứng nhận TMCB và 30% trong số họ đồng ý mua sản phẩm này với giá cao hơn 10% so với giá hiện tại. |