Mối lo nhà đầu tư nước ngoài, mà nhiều khả năng là Trung Quốc tìm cách thâu tóm thị trường thương mại điện tử của Việt Nam là có cơ sở.
Theo một báo cáo về thị trường online của 6 quốc gia bao gồm Thái Lan, Singapore, Indonesia, Malaysia, Philippines và Việt Nam thì Google và Singapore Temasek Holdings dự báo doanh thu thương mại điện tử Đông Nam Á sẽ đạt 240 tỷ USD vào năm 2025. Ngoài ra, số liệu báo cáo cũng chỉ ra rằng Đông Nam Á trở thành một trong những vùng internet phát triển nhanh nhất thế giới.
ThS Nguyễn Bình Minh, Phó trưởng khoa Thương mại điện tử, Đại học Thương mại nhận định, đây là những nguyên nhân khiến các nhà đầu tư nước ngoài bước vào cuộc chạy đua rót vốn để giành thị phần thương mại điện tử Đông Nam Á. Thị trường Việt Nam cũng đang phát triển theo bối cảnh chung của nền kinh tế internet Đông Nam Á.
Vì thế, dù trong năm 2019 thị trường thương mại điện tử Việt Nam chia tay những tên tuổi lớn như: Robins.vn (trước đó được biết đến nhiều với cái tên Zalora), Adayroi.vn và Lotte.vn nhưng không vì thế sức hút ở lĩnh vực này kém đi. Bằng chứng là Việt Nam cũng có thêm nhiều thương vụ đầu tư đình đám trong 3 năm vừa qua với những cái tên như Shopee, Tiki, Lazada và Sendo.
Thế nhưng, thực tế cho thấy, đứng đằng sau hầu hết các thương vụ này và thống lĩnh thị trường thương mại điện tử Việt Nam hiện đều đang là các “đại gia” Trung Quốc. Điều này làm dấy lên nhiều lo ngại.
Thị trường thương mại điện tử Việt Nam được dự báo nhiều tiềm năng phát triển. Ảnh minh họa
Không lo bị chi phối
PV: Nhìn vào diễn biến trên, theo ông cục diện sân chơi thương mại điện tử sẽ thay đổi thế nào? Những lo ngại cần được dự báo là gì, thưa ông?
ThS Nguyễn Bình Minh: Cùng với những dự báo và tiềm năng phát triển lớn, thị trường thương mại điện tử trong nước đang bước vào một cuộc chiến cạnh tranh khốc liệt bậc nhất thế giới. Đó là cuộc cạnh tranh về quảng cáo, marketing… cạnh tranh bằng cách “đốt tiền” với những chi phí cực kỳ lớn.
Theo thống kê, lỗ lũy kế của hầu hết các doanh nghiệp thương mại điện tử lớn tại Việt Nam hiện nay đã vượt qua con số 10 nghìn tỷ. Trong bối cảnh hiện tại, nếu nhà đầu tư nào không có đủ tiềm lực tài chính, rất khó có thể cạnh tranh để tồn tại. Vì thế việc rút lui của một số sàn thương mại điện tử có tên tuổi trong năm qua như: Robins.vn (trước đó được biết đến nhiều với cái tên Zalora), Adayroi.vn và Lotte.vn cũng là dễ hiểu.
Tuy nhiên, bên cạnh những tên tuổi đã ngừng hoạt động vẫn có những sàn thương mại có quy mô lớn, tiềm năng, uy tín đang phát triển tốt tại Việt Nam và cả khu vực như Shopee, Lazada. Nhưng đúng như phân tích, 3/4 sàn thương mại điện tử top đầu tại Việt Nam lại đang “được” nâng đỡ bởi các đại gia Trung Quốc như Alibaba, JD hay Tencen. Điều này làm dấy lên lo ngại, thị trường thương mại điện tử Việt Nam có nguy cơ bị phân chia bởi những “gã khổng lồ” đến từ Trung Quốc. Và một khi bị các nhà đầu tư Trung Quốc chiếm lĩnh thì thị trường thương mại điện tử Việt Nam sẽ trở thành sân chơi riêng của các doanh nghiệp, hàng hóa Trung Quốc.
Những lo ngại trên là hoàn toàn có cơ sở, bởi điều tương tự cũng đã xảy ra với thị trường thương mại bán lẻ trực tiếp. Việc hàng hóa Việt khó đưa được vào siêu thị, cụ thể là siêu thị BigC sau khi được bán lại cho nhà đầu tư Thái Lan chính là minh chứng.
PV: Việc các nhà đầu tư Trung Quốc nhanh chóng chen chân và củng cố vị thế tại Việt Nam thông qua các hình thức M&A mà không cần trải qua bước xây dựng thương hiệu vẫn gây lo ngại thị trường thương mại điện tử trong nước sẽ bị nuốt trọn. Nếu có thêm sự tham gia của các thương hiệu lớn như Amazon, Alibaba thì cục diện thương mại điện tử trong nước sẽ thay đổi thế nào? Điều này sẽ mang lại những tác động tích cực và tiêu cực như thế nào, thưa ông?
ThS Nguyễn Bình Minh: Quả thật, ngoài các sàn thương mại điện tử mà nhà đầu tư Trung Quốc đang nắm giữ cổ phần chi phối, còn có thể xuất hiện các sàn thương mại điện tử uy tín của Mỹ như Amazon. Sự tham gia của các nhà đầu tư lớn sẽ khiến cuộc cạnh tranh trong lĩnh vực này ngày càng khốc liệt hơn.
Đứng về phía người tiêu dùng, cuộc cạnh tranh này sẽ mang lại những tác động tích cực, giúp người tiêu dùng được hưởng lợi.
Tuy nhiên, trên bình diện kinh tế, nếu sự tham gia của nhiều nhà đầu tư nước ngoài thì những phần lợi nhuận từ các nhà đầu tư này thu được cũng sẽ được chuyển về nước họ thông qua nhiều hình thức khác nhau, nền kinh tế Việt chưa chắc được lợi.
Còn đứng từ góc độ cạnh tranh, các doanh nghiệp thương mại điện tử trong nước vốn đã rất khó có thể cạnh tranh được với các nhà đầu tư nước ngoài do nguồn vốn mỏng, nhân lực yếu lại thiếu kinh nghiệm sẽ gặp thêm nhiều khó khăn. Nếu không muốn bỏ qua cơ hội để phát triển, giành lại thị phần trong nước, các doanh nghiệp nội phải bắt tay, liên kết, sáp nhập, hợp tác với nhau.
Gần đây đang có thông tin 2 trong số 4 sàn thương mại điện tử lớn của Việt Nam là Tiki và Sendo sẽ bàn chuyện sáp nhập, đây là xu hướng tất yếu. Nếu các doanh nghiệp trong cùng lĩnh vực có định hướng chiến lược thống nhất, cùng đưa ra các quy tắc hoạt động chung thì hoàn toàn có thể bắt tay tồn tại, cùng nhau cạnh tranh sòng phẳng với doanh nghiệp nước ngoài. Tất nhiên, việc này còn phụ thuộc vào tầm nhìn, chiến lược phát triển của từng doanh nghiệp cũng như của từng lãnh đạo mỗi doanh nghiệp.
Về phía giáo dục, chiến lược giáo dục cũng cần cải thiện tư duy người Việt dùng hàng Việt, nhất là với những hàng hóa có chất lượng. Phải bỏ qua việc kêu gọi mang tính hình thức đó là kêu gọi giải cứu hàng hóa nhưng hàng hóa lại không bảo đảm chất lượng, gây mất lòng tin với người dân.
Như vậy, với hàng hóa thực sự có chất lượng thì cần phải có sự khuyến khích, hỗ trợ mới có thể cạnh tranh được với doanh nghiệp nước ngoài vốn có quy mô, tổ chức tốt hơn rất nhiều so với các doanh nghiệp trong nước.
Trong bối cảnh Trung Quốc đang phải đối diện với nhiều dịch bệnh, nguồn nguyên liệu sản xuất hàng hóa khan hiếm, giá cả bị đẩy lên cao, hàng hóa Trung Quốc muốn tiêu thụ và mở rộng tại thị trường Việt Nam nói riêng và các thị trường quốc tế nói chung sẽ gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, các sàn thương mại điện tử lớn muốn tồn tại ở Việt Nam phải xây dựng định hướng phát triển nguồn hàng trong nước, tức là phải chủ động về nguồn hàng tại Việt Nam mới có thể đáp ứng được nhu cầu của khách hàng. Nếu các doanh nghiệp trong nước biết tận dụng tốt thời cơ này để tung ra những sản phẩm có chất lượng, xuất xứ nguồn gốc rõ ràng, có thể sẽ làm thay đổi tư duy, nhận thức của người tiêu dùng đối với hàng Việt.
Đây cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp trong nước thay đổi, muốn làm được như vậy cần phải đi vào xây dựng thương hiệu bằng chất lượng, uy tín, từng bước lấy lại lòng tin của người tiêu dùng. Khi tạo ra được những sản phẩm có chất lượng được người tiêu dùng đón nhận chắc chắn các doanh nghiệp, hàng hóa trong nước sẽ lấy lại được thị phần trên thị trường của chính mình.
PV: Về phía quản lý nhà nước, chúng ta cần lưu ý điều gì, thưa ông?
ThS Nguyễn Bình Minh: Quan trọng là các nhà đầu tư làm đúng và các cơ quan quản lý có cơ chế kiểm tra, kiểm soát hiệu quả, có thể điều hướng, định hướng tốt các hoạt động của nhà đầu tư cho phù hợp với nền kinh tế trong nước.
Thời gian qua, Quốc hội, Chính phủ đã điều chỉnh nhiều quy định pháp luật, trong đó bao gồm cả các điều chỉnh trong Luật Thương mại điện tử, Luật An ninh mạng… nhưng quá trình thực hiện, áp dụng thực tế còn nhiều thách thức, khó khăn.
Bên cạnh đó, việc áp dụng các công cụ kiểm soát bằng công nghệ mới, kỹ thuật mới còn hạn chế, tư duy quản lý còn đi theo lối mòn, theo cách thức cũ, bị lạc hậu không còn phù hợp. Để quản lý một nền kinh doanh công nghệ số đòi hỏi phải có các công cụ giám sát, quản lý khoa học, hiện đại, cùng với đó những người thực thi cũng phải có trình độ, phải am tường, hiểu biết thì mới đáp ứng được nhu cầu, tránh tình trạng doanh nghiệp đi trước công cụ pháp luật mới chạy theo sau.
Lấy lại ví dụ từ việc siêu thị BigC từ chối hàng Việt, rõ ràng ngay từ đầu nếu việc cam kết trong hợp đồng được thực hiện chặt chẽ, chắc chắn sẽ không có việc hàng hóa đình trệ, doanh nghiệp phải kêu cứu, các bộ ngành vào cuộc sự việc mới được giải quyết.
Chủ động thay đổi
PV: Khi chuỗi cung ứng toàn cầu trong thương mại điện tử bị rơi vào tay các nhà đầu tư ngoại, đến cả mảng giao hàng cũng đang bị Grab, GoViet chiếm lĩnh phần lớn, chưa kể các sàn Lazada, Shopee… cũng tự xây dựng đội ngũ giao hàng chuyên nghiệp cho mình. Trong khi, cái khó của doanh nghiệp Việt là vốn mỏng, quy mô nhỏ, hoạt động thiếu hiệu quả vì nghèo ý tưởng… Nếu doanh nghiệp trong nước muốn giành lại thị phần béo bở từ thương mại điện tử thì có dễ không? Và phải làm cách nào, thưa ông?
ThS Nguyễn Bình Minh: Trong thương mại điện tử nếu một doanh nghiệp nào có ứng dụng công nghệ vượt trội và đi đầu sẽ có cơ hội chiếm lĩnh được thị trường. Chúng ta đã từng chứng kiến màn lột xác ngoạn mục trong lĩnh vực vận tải, taxi. Rõ ràng Uber, Grab khi tham gia thị trường vận tải Việt Nam đã mang theo ứng dụng công nghệ gọi xe mới và lập tức họ nắm quyền chiếm lĩnh trên thị trường.
Dưới sức ép của các nhà đầu tư ngoại, doanh nghiệp vận tải trong nước không còn cách nào khác cũng buộc phải thay đổi. Nhiều phần mềm công nghệ mới được các hãng taxi trong nước ứng dụng với những tính năng tương tự của Uber, Grab.
Câu hỏi đặt ra là, tại sao trước đây các doanh nghiệp taxi Việt Nam không có sự chủ động trong ứng dụng công nghệ mà phải đợi đến khi có sức ép, bị cạnh tranh đe dọa tới sự tồn tại của doanh nghiệp lúc đó mới chịu thay đổi?
Rõ ràng đây là điểm yếu của các doanh nghiệp Việt. Bản thân các doanh nghiệp Việt không chịu tiên phong đi đầu hoặc không muốn ứng dụng các công nghệ mới, không muốn tạo ra các giá trị mới cho khách hàng… đó là hạn chế trong tư duy mà các doanh nghiệp Việt cần phải thay đổi.
Tương tự, trong lĩnh vực thương mại điện tử, khi có các nhà đầu tư quốc tế đầu tư ứng dụng các công nghệ mới vào thị trường Việt Nam thì doanh nghiệp Việt cũng hoàn toàn có thể thay đổi để nắm bắt và giành lại thị phần cho mình.
Mặt khác, ở lĩnh vực vận tải giao nhận hàng hóa cũng phải thừa nhận một thực tế là chất lượng giao nhận hàng hóa của các doanh nghiệp vận tải Việt Nam rất kém. Bản thân người Việt Nam cũng không hài lòng với các dịch vụ giao nhận hàng hóa của nhiều doanh nghiệp vận tải trong nước. Chính vì làm việc chưa bằng sự tử tế, chưa tạo được niềm tin với khách hang mà nhiều doanh nghiệp trong nước đã tự dâng thị phần cho các nhà đầu tư nước ngoài. Đó là do chính những doanh nghiệp Việt đã chưa làm tốt ngay trên thị trường của mình.
Do thị trường thương mại điện tử đang trong giai đoạn phát triển và có thể bùng nổ trong thời gian tới, nên dư địa phát triển, tăng trưởng trong lĩnh vực này có thể tăng mạnh gấp hàng chục lần thời điểm hiện tại. Nếu doanh nghiệp nào chiếm lĩnh được các hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử, kể cả trong lĩnh vực dịch vụ, giao nhận hàng hóa đều có tiềm năng phát triển mạnh mẽ trong tương lai.
Nếu ý thức được điều này và có thể hoàn thiện được chất lượng dịch vụ thì hoàn toàn có thể lấy lại thị phần và phát triển tốt.
PV: Có ý kiến cho rằng, doanh nghiệp nội nên cạnh tranh theo ngách hẹp, tức là tập trung vào những nhánh sản phẩm mà các sàn lớn không quan tâm kinh doanh, như ô tô cũ, xe tải cũ, nhà bán lại hoặc nhà dự án… Nhìn nhận một cách toàn diện và lâu dài, đây có phải là xu hướng phát triển tốt? Làm thế nào để có thể phát triển theo thị trường ngách nhưng không bỏ quên thị trường chính? Nếu vậy, những vấn đề như vốn, kinh nghiệm, uy tín, nguồn hàng… cần phải được giải quyết ra sao, thưa ông?
ThS Nguyễn Bình Minh: Về bản chất và chiến lược phát triển thương mại điện tử nói chung trên thế giới bao giờ cũng được định hướng đi từ thị trường ngách. Nếu làm lớn ngay từ đầu có thể sẽ phải trả giá rất lớn do chưa am hiểu thị trường, chưa am hiểu được khách hàng. Do đó, nếu phát triển tốt ở thị trường ngách, mà đó lại là lĩnh vực doanh nghiệp trong nước có lợi thế sẽ là cơ hội phát triển rất tốt cho doanh nghiệp.
Hơn nữa, nếu đi từ thị trường ngách cũng giúp doanh nghiệp tránh phải cạnh tranh rất khốc liệt ở các thị trường lớn. Xét từ góc độ này, lựa chọn phát triển thị trường thương mại điện tử từ thị trường ngách chính là một hướng đi khôn ngoan.
Tuy nhiên như đã nói, thị trường ngách chỉ là một bước đi và chúng ta không thể bỏ qua thị trường chính. Vì vậy từ chỗ phát triển ở thị trường ngách, các doanh nghiệp sẽ dần phát hiện được các sản phẩm nào nên phát triển ở thị trường nào là phù hợp. Trên cơ sở đó mới mở rộng các sản phẩm có ưu thế, tiếp đến mới là mở rộng theo phân khúc hoặc theo dải sản phẩm, rồi cuối cùng mới tiến tới mở rộng các thị trường ở tầm trung, rồi tiếp cận dần các thị trường lớn.
Phát triển theo lộ trình này sẽ giúp doanh nghiệp vừa giảm bớt được chi phí đầu tư vừa giảm thiểu được rủi ro. Đợi đến khi doanh nghiệp có khả năng quản trị tốt, lượng rò rỉ cũng như thất thoát nguồn lực thấp, tiềm lực tài chính lớn, lúc đó mở rộng quy mô phát triển sẽ thuận lợi hơn, chắc chắn hơn.
Về định hướng cho thị trường chính, các doanh nghiệp nên hướng tới các kênh mà đối thủ cạnh tranh còn đang bỏ ngỏ hoặc thông qua các kênh marketing, các cách tiếp cận khách hàng chưa được phổ biến nhưng hữu ích, tiết kiệm để áp dụng.
Không nên “đốt tiền” chạy đua với các ông lớn nước ngoài. Cuộc chạy đua “đốt tiền” vừa qua đã khiến rất nhiều các doanh nghiệp suy sụp và phải ngừng hoạt động.
Vì nếu họ sử dụng công cụ gì doanh nghiệp trong nước áp dụng công cụ đó sẽ không khác nào lấy sở đoản của mình để đọ với sở trường của họ, việc nhận về thua thiệt là đương nhiên. Do đó, tìm được công cụ hỗ trợ phù hợp, tiết kiệm sẽ đem lại hiệu quả tốt hơn cho doanh nghiệp.
Điều quan trọng nhất trong kinh doanh thương mại điện tử chính là uy tín và sự bền vững. Vừa qua chúng ta từng chứng kiến dưới sức ép phát triển nhiều doanh nghiệp đã không có sự giám sát chặt chẽ hoặc không đưa ra các yêu cầu cao với chất lượng các nguồn hàng, vì thế đã để lọt hàng hóa của nhiều đối tác có uy tín, chất lượng hàng hóa thấp, gây mất lòng tin với khách hàng. Một trang thương mại điện tử mà có hàng hóa không rõ nguồn gốc, chất lượng không bảo đảm sẽ khó có thể tồn tại được.
Nên nhớ, sự khác biệt giữa thương mại truyền thống với thương mại điện tử chính là uy tín và chất lượng. Thương mại điện tử đòi hỏi sự phát triển bền vững, trong đó người bán hàng phải luôn được xác thực, thương hiệu bán hàng phải có đủ uy tín.
Không giống như bán hàng ở chợ, người mua có thể không biết người bán là ai nhưng thương mại điện tử lại đòi hỏi người bán hàng phải rất uy tín vì đó là giao dịch qua mạng vì thế anh phải rất uy tín khách hàng mới tin tưởng lựa chọn anh.
Vì vậy, tư duy và cách thức bán hàng trực tiếp cũng không thể áp dụng trong thương mại điện tử. Triết lý thương mại điện tử khác với thương mại truyền thống, nếu bê nguyên triết lý của thương mại trực tiếp vào áp dụng cho thương mại điện tử chắc chắn sẽ thất bại.
PV: Xin cảm ơn ông
Theo Lan Vũ /Đất Việt