Trong quá trình chuẩn bị cho đề án đánh giá lại Nhà máy thuỷ điện Hoà Bình, Trị An và Yaly làm căn cứ để Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cải thiện tình hình tài chính, vay và đầu tư các dự án phát điện mới, EVN cho biết ba nhà máy trên đã gần như hết khấu hao tài sản cố định, với chi phí sản xuất điện bình quân thấp.
Cụ thể, Nhà máy thủy điện Hòa bình (Hoà Bình) được xây dựng năm 1979, khánh thành năm 1994 với 8 tổ máy, sản lượng điện trung bình 8,16 tỷ kWh/năm. Nguyên giá của Hòa Bình là hơn 33.600 tỷ đồng, giá trị hao mòn đã thu là 31.600 tỷ đồng, chi phí hao mòn còn lại (tính đến hết năm 2016) là gần 2.000 tỷ đồng. Mỗi năm, chi phí hao mòn Nhà máy bình quân là hơn 1.400 tỷ đồng.
Thuỷ điện Hòa Bình đã hết giá trị khấu hao, chờ xác định lại giá (ảnh minh hoạ) |
Nhà máy thủy điện Trị An (Đồng Nai) xây dựng năm 1984, đưa vào sử dụng năm 1991, với 4 tổ máy, sản lượng bình quân 1,7 tỷ kWh/năm. Nguyên giá Nhà máy là hơn 8.400 tỷ đồng, giá trị đã hao mòn đã thu là hơn 8.000 tỷ đồng, giá trị hao mòn còn lại (tính đến hết năm 2016) chỉ gần 400 tỷ đồng. Mỗi năm, chi phí khấu hao bình quân Nhà máy là hơn 320 tỷ đồng.
Nhà máy thủy điện Yaly (Gia Lai) được khởi công năm 1993, khánh thành năm 2002, với 4 tổ máy, sản lượng hơn 3,65 tỷ kWh điện/năm. Nguyên giá của Nhà máy là 14.000 tỷ đồng, giá trị hao mòn hơn 13.000 tỷ đồng, giá trị hao mòn còn lại là hơn 1.000 tỷ đồng. Mỗi năm, chi phí khấu hao bình quân của Nhà máy đạt hơn 920 tỷ đồng.
Theo EVN, 2 nhà máy trên đã hoạt động trên dưới 20 năm, riêng Yaly chỉ 14 năm nhưng chi phí khấu hao nhà máy gần như đã hết. Nguồn vốn khấu hao của các nhà máy từ việc đánh giá 3 nhà máy thủy điện này sẽ được dùng làm vốn tự có của EVN để đầu tư các dự án điện giai đoạn 2017 - 2025.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết, giai đoạn 2017 - 2030 nhu cầu điện tiếp tục tăng cao do đó nhu cầu đầu tư các dự án điện của EVN rất lớn để đảm bảo cung cấp đủ điện cho nền kinh tế, tổng giá trị đầu tư thuần giai đoạn 2017 - 2025 là khoảng 324.400 tỷ đồng.
Nguồn vốn của EVN không đủ đáp ứng nhu cầu nên phải huy động vay. Tuy nhiên, với nguồn vốn lớn trong khi EVN không đủ vốn tự có của từng dự án, tập đoàn này dự kiến thiếu hụt khoảng 31.700 tỷ đồng.
Các ngân hàng cho vay đều vượt quá giới hạn về tỷ lệ an toàn quy định, nguồn vốn ODA và tín dụng ưu đãi giảm dần. Để đảm bảo huy động đủ vốn cho EVN đầu tư phải đáp ứng yêu cầu Nợ/vốn chủ sở hữu dưới 3 lần, tỷ lệ tự đầu tư trên 25%, khả năng thanh toán trên 1,3 lần.
Tại buổi làm việc với EVN tháng 4/2017, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đồng ý về nguyên tắc cho phép EVN được đánh giá lại các tài sản đã đi vào vận hành. Việc này sẽ giúp EVN cải thiện tình hình tài chính, hệ số nợ/vốn chủ sở hữu của EVN được cải thiện tạo thuận lợi vay vốn để đầu tư xây dựng cơ bản.
Nguyễn Tuyền / dantri