2016 được xem là năm khó khăn của các nhà máy thủy điện thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) do thiếu hụt nguồn nước. Tuy nhiên, các nhà máy vẫn nỗ lực thực hiện 2 nhiệm vụ vừa sản xuất điện, vừa bảo đảm cấp nước cho hạ du.
Thủy điện Buon Tuasar
Không đạt kế hoạch
Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu toàn cầu, hiện tượng El-Nino kéo dài, gây khô hạn trên diện rộng nên lưu lượng nước về các hồ thủy điện rất thấp, nhất là khu vực miền Trung - Tây Nguyên, chỉ bằng khoảng 35 - 65% so với trung bình nhiều năm.
Trong năm 2016, hầu hết các thủy điện phải hoạt động cầm chừng vì thiếu nước, kể cả trong mùa lũ chính vụ và nhiều lần phải xin ra khỏi thị trường phát điện cạnh tranh dù giá cao do phải thực hiện cấp nước chống hạn, bảo đảm nhu cầu nước cho sản xuất, sinh hoạt cho nhân dân vùng hạ du theo yêu cầu của địa phương. Theo thống kê của Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia, đã có thời điểm có tới 15 nhà máy đồng loạt phải tách khỏi thị trường.
Ngoài ra, các thủy điện vẫn tiếp tục phải bảo dưỡng thiết bị nhằm đảm bảo cho các tổ máy vận hành an toàn trong mùa mưa bão, đồng thời tích cực tích nước chuẩn bị cho mùa khô năm sau. Chính vì vậy, hầu hết các thủy điện của EVN, kể cả các thủy điện lớn như Hòa Bình, đều không đạt chỉ tiêu kế hoạch sản xuất điện được giao.
Đơn cử như Thủy điện Hòa Bình, tính đến ngày 9/11/2016, nhà máy mới sản xuất được 8,8 tỷ kWh thiếu 1,3 tỷ kWh điện nữa so với kế hoạch năm. Nếu cứ phát điện để đạt chỉ tiêu thì mức nước tích được đến cuối năm sẽ không duy trì được ở mực nước dâng bình thường theo yêu cầu của EVN, phục vụ cho phát điện và xả nước cho sản xuất nông nghiệp vào năm 2017. Hay như Công ty Thủy điện Buôn Kuốp sở hữu 3 nhà máy thủy điện nhưng đến hết ngày 16/11/2016, tổng sản lượng công ty phát được 1,602/2,375 tỷ kWh, đạt 67,47% kế hoạch giao.
Đại diện chính quyền nhiều địa phương cho biết, việc các nhà máy thủy điện không đạt kế hoạch sản xuất cũng ảnh hưởng lớn đến chỉ số sản xuất công nghiệp; nguồn thu ngân sách của địa phương. Bên cạnh đó nguồn thu từ phí tài nguyên nước, dịch vụ môi trường rừng... cũng bị sụt giảm, ảnh hưởng đến những người chăm sóc rừng.
Còn nhiều thách thức
Báo cáo của EVN cũng cho thấy, mặc dù khó khăn về nguồn nước nhưng năm 2016, EVN đã bảo đảm cung cấp đủ điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia với mức tăng trưởng điện trên 11%, đặc biệt là cho khu vực miền Nam thông qua việc huy động các nguồn điện khác nhau, trong đó nguồn thủy điện chiếm 35,45%.
Tuy nhiên nhiều chuyên gia cho rằng, với tác động tiêu cực của tình trạng biến đổi khí hậu; diện tích rừng vẫn bị chặt phá để làm nương rãy hay trồng cây công nghiệp; nguồn nước đang dần cạn kiệt vì khai thác quá mức thì trong các năm tới thủy điện vẫn gặp khó khăn. Điều này sẽ gây áp lực lên hệ thống điện quốc gia cũng như giá điện và các vấn đề môi trường do EVN phải huy động cao các nguồn điện như điện khí, điện dầu, nhiệt điện than thay vì nguồn thủy điện giá rẻ.
Làm thế nào để có đủ nguồn nước cho phát điện mùa khô, đồng thời cấp nước cho hạ du đang là bài toán còn nhiều thách thức, đòi hỏi sự phối hợp, điều hành chặt chẽ giữa ngành điện lực, thủy lợi, chính quyền các địa phương trong việc sử dụng nước hiệu quả thông qua việc cải tạo hệ thống công trình thủy lợi trữ nước; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp theo hướng tiêu thụ ít tài nguyên nước; tích cực nghiên cứu các biện pháp tưới nhỏ giọt, tưới phun mưa, tưới luân phiên…
Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh việc trồng chăm sóc rừng theo kế hoạch; sử dụng Quỹ dịch vụ môi trường rừng hiệu quả để bảo vệ nguồn nước mặt và nước ngầm. Từ năm 2017 trở đi, các nhà máy thủy điện sẽ phải chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng là 36 đồng/kwh điện thương phẩm thì số tiền thu từ các thủy điện cả nước sẽ đạt khoảng 1.500 tỷ đồng.
Đại diện nhiều công ty thủy điện đề nghị các địa phương cần tăng cường quản lý rừng, thảm thực vật, phòng tránh cháy rừng; sử dụng hiệu quả nguồn quỹ chi trả dịch vụ môi trường rừng đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân, doanh nghiệp nâng cao ý thức sử dụng điện, nước tiết kiệm hiệu quả. |
Đình Dũng / baocongthuong