Thị trường Trung Quốc vượt lên Mỹ trở thành thị trường lớn nhất nhập khẩu cá tra và tôm của Việt Nam.
Cũng gần 5 năm rồi gia đình ông Nguyễn Văn Rô, tỉnh An Giang mới trúng đậm từ ao cá tra, khi giá cá lên tới 28.500-30.000 đồng/kg, cao hơn rất nhiều so với giá 19.000-20.000 đồng/kg trong những năm trước. Vui nhất là doanh nghiệp cân cá trả tiền ngay chứ không nợ. Năm 2017, ngành thủy sản kim ngạch xuất khẩu hơn 8,3 tỉ USD, trong đó tôm 3,8 tỉ USD, cá tra đứng thứ 2 với 1,8 tỉ USD.
THỊ TRƯỜNG TRUNG QUỐC TĂNG MẠNH
Nhiều tuần nay, Công ty Cổ phần Thủy sản Trường Giang, tỉnh Đồng Tháp liên tục phải giảm công suất và cho công nhân nghỉ việc thường xuyên vì không đủ cá để sản xuất. Giá cá tra liên tục tăng và khan hiếm, lại phải trả tiền trước nhưng nguồn cá vẫn rất khó tìm, ông Hà Văn, Phó Tổng Giám đốc Công ty, cho biết. Hiện Trường Giang nằm trong top 3 công ty có sản lượng xuất khẩu cao nhất sang Trung Quốc, Hồng Kông.
Tình trạng thiếu hụt nguồn nguyên liệu cá tra sản xuất đã xảy ra tại nhiều doanh nghiệp từ đầu năm tới nay, hầu hết các doanh nghiệp chỉ chạy 40-60% công suất nhà máy. Nhưng nhu cầu từ khách hàng Trung Quốc càng nhiều đã khiến cho nguồn cung cá nguyên liệu ngày càng khan hiếm. Ông Văn cho biết, khách hàng Trung Quốc muốn mua sản lượng lớn vào dịp lễ Tết cuối năm mà không có hàng. Do thua lỗ kéo dài nên cả nhà máy và các hộ nuôi đều giảm sản lượng nuôi. Vì thế, nguồn cung cá rất hiếm. Nhưng nguyên nhân còn do thị trường Trung Quốc tăng mua ồ ạt nên cá nguyên liệu thiếu hụt.
Mỹ, Nhật, Trung Quốc và Hàn Quốc là 4 thị trường nhập khẩu lớn của thủy sản Việt Nam, chiếm 55,3% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản. Tuy nhiên, năm qua thị trường Trung Quốc vượt lên Mỹ trở thành thị trường lớn nhất nhập khẩu cá tra và tôm của Việt Nam. Ngay từ những ngày đầu năm 2017, cá tra đã phải đối mặt với những thông tin sai lệch từ thị trường châu Âu và từ đó, sản lượng xuất khẩu của cá tra sang các thị trường này giảm không phanh. Giảm mạnh nhất là thị trường Tây Ban Nha với 70% so với năm ngoái.
Trong lúc đó, thị trường Mỹ cũng không sáng sủa hơn với nhiều chính sách thuế. Từ đầu tháng 8, Mỹ chính thức thông qua chính sách kiểm tra 100% lô hàng cá tra, tập trung vào nhãn mác, thông số ghi trên bao bì và dư lượng hóa chất. Bắt đầu từ tháng 9, các doanh nghiệp thủy sản phải thực thi đầy đủ quy định của Đạo luật Nông trại Mỹ, xác định các điều kiện tương đương, kiểm soát từ con giống, thức ăn, dư lượng kháng sinh, chất tồn dư thuốc thú y đến vận chuyển, nhà máy chế biến. Bên cạnh đó, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) công bố mức thuế cao áp cho cá tra (POR13 sơ bộ) đã làm kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này suy giảm.
Thủy sản Vĩnh Hoàn, Biển Đông, Hùng Vương và Thủy sản Nha Trang vẫn là 4 doanh nghiệp có sản lượng xuất khẩu lớn nhất vào thị trường Mỹ chiếm 95%, do những doanh nghiệp này hưởng thuế suất thấp. Các doanh nghiệp khác bị áp thuế cao nên phải tìm những thị trường mới hoặc quay về châu Á, chủ yếu là Trung Quốc và Hồng Kông (Trung Quốc).
Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Đa Quốc Gia (IDI) là doanh nghiệp xuất khẩu lớn nhất vào thị trường Trung Quốc, Hồng Kông với kim ngạch xuất khẩu 41,92 triệu USD, tăng mạnh 95,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016. Xếp 3 vị trí tiếp theo lần lượt là Công ty Cổ phần Thủy sản Trường Giang, Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn và Công ty Cổ phần Chế biến và Xuất nhập khẩu Thủy sản Cadovimex II.
Ông Võ Hùng Dũng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Cá tra Việt Nam, cho biết, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu mới nổi, giá trị và cấu trúc thị trường xuất khẩu cá tra Việt Nam vào thị trường Trung Quốc ngày càng có xu hướng tăng. Chính vì vậy, các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam cần chuẩn bị cho việc chuyển đổi sang công nghiệp chế biến ẩm thực. Cần hiểu rõ thị trường Trung Quốc đang xem các món ăn thủy sản là “thời thượng”.
TÔM CŨNG ĐƯỢC MÙA
Trong khi cá tra được mùa thì tôm cũng có nhiều chuyển biến tích cực. Hiện sản lượng tôm của Việt Nam xuất khẩu ra thị trường thế giới đã chiếm 45% sản lượng tôm toàn cầu. Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep), mặc dù trong vài tháng đầu năm 2017, ngành chế biến xuất khẩu tôm gặp nhiều khó khăn về nguồn nguyên liệu, nhưng trong những tháng cuối năm đã có bước nhảy vọt về tăng trưởng xuất khẩu.
Ông Trần Văn Lĩnh, Tổng Giám đốc Công ty Thương mại Thủy sản Thuận Phước, cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2017, ngành tôm đối diện với thách thức từ thị trường Úc, đó là lệnh cấm nhập khẩu tôm chưa nấu chín từ Việt Nam. Điều này làm cho nhiều doanh nghiệp xuất khẩu tôm gặp khó khăn, giảm kim ngạch xuất khẩu, làm ảnh hưởng đến cả ngành tôm.
Nhưng đến cuối tháng 6, Bộ Nông nghiệp và Tài nguyên Úc đã có thông báo số 64/2017 về bãi bỏ lệnh tạm ngừng nhập khẩu tôm chưa nấu chín từ Việt Nam. Thông báo có hiệu lực từ 6.7.2017. Chỉ trong vòng chưa đầy một tháng, xuất khẩu tôm của Việt Nam tăng vọt nhờ một số lượng lớn được vào thị trường Úc. Theo thông tin từ Vasep, Trung Quốc nhập khẩu tôm không chỉ phục vụ tiêu thụ nội địa mà còn chế biến xuất khẩu sang các nước khác nên xu hướng nhập khẩu cũng tăng, giảm phụ thuộc vào nhu cầu từ các thị trường nhập khẩu chính trên thế giới.
Nhu cầu nhập khẩu tôm nguyên liệu cho chế biến và tái xuất khẩu của Trung Quốc ngày càng tăng, do sản lượng tôm nuôi trong nước dự kiến giảm và theo chính sách đẩy mạnh nhập để tái xuất của nước này. Tuy vậy, xuất khẩu tôm sang Trung Quốc phải đối mặt với một số khó khăn, như thông tin mạng quản lý phía Trung Quốc yêu cầu, muốn xuất khẩu vào nước này thì nhà máy chế biến phải có mã số (code) vào Trung Quốc và nhà xuất khẩu phải nằm trong danh sách được nước này phê chuẩn.
KẾ HOẠCH 2018
Mặc dù sức tiêu thụ thủy sản của thị trường Trung Quốc ngày càng lớn, chi phí vận chuyển thấp, không có rào cản kỹ thuật, áp thuế bất hợp lý như thị trường Mỹ. Tuy nhiên, thị trường Trung Quốc cũng đang bắt đầu đòi hỏi chất lượng cao như Mỹ, EU. Như vậy, sau khi xuất khẩu vào một số thị trường chính như châu Âu, Mỹ gặp nhiều khó khăn do thuế chống bán phá giá cao, rào cản kỹ thuật tăng, truyền thông nước ngoài bôi nhọ... thì Trung Quốc được xem là thị trường thay thế tiềm năng của xuất khẩu tôm và cá tra Việt Nam. Hiện Trung Quốc là nhà nhập khẩu lớn thứ 4 của thủy sản Việt Nam, sau Mỹ, châu Âu và Nhật.
Theo ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công Thương Thành phố Cần Thơ, thị trường Trung Quốc tiềm năng, trong thời điểm thị trường Mỹ và EU sụt giảm. Tuy nhiên, các doanh nghiệp không chỉ chờ thị trường Trung Quốc mà phải tìm các thị trường khác ổn định và xuất khẩu giá cao hơn. Hiện thị trường Trung Quốc khá dễ tính, nếu doanh nghiệp sản xuất chỉ bám vào thị trường này mà không chú trọng an toàn vệ sinh thực phẩm hay các vấn đề khác thì về lâu dài khó xuất bán cá tra cho nhiều thị trường khác, ông Toại nhận định.
Ông Võ Hùng Dũng, nhận định thị trường Trung Quốc sẽ còn tiếp tục tăng trưởng. Một phần do họ thấy cá tra Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ và châu Âu gặp khó và chất lượng tốt. Vẫn tiếp tục kỳ vọng vào thị trường Trung Quốc, Công ty Vĩnh Hoàn, Vạn Đạt, IDI đã đầu tư văn phòng tại nước này để đẩy mạnh xuất khẩu cá tra trong năm 2018.
Theo Vasep, năm 2018, xuất khẩu dự kiến tiếp tục tăng trưởng về giá trị nhưng ổn định về lượng so với năm 2017. Do nguồn cung cá tra nguyên liệu tại đồng bằng sông Cửu Long trong năm 2018 dự kiến không tăng nhiều trong khi chi phí giá thành sản xuất cá tra năm 2018 lại tăng mạnh sẽ đẩy giá cá tra xuất khẩu tăng lên. Giá cá tra xuất khẩu năm nay sẽ dao động từ 4-4,5 USD/kg tại các thị trường lớn như, Mỹ, châu Âu, Trung Quốc, Brazil...
Hai thị trường chính là Mỹ và châu Âu vẫn tiếp tục giảm và Trung Quốc vẫn tiếp tục tăng trưởng vì gần đây các hoạt động xúc tiến thương mại cá tra đã đi sâu vào các tỉnh nội địa Trung Quốc như Hồ Bắc và Tứ Xuyên. Các thị trường như Nhật, Úc, châu Âu, Trung Đông vẫn tiếp tục ưa chuộng các sản phẩm cá cuộn, cắt miếng, cắt khúc, tẩm bột, chiên sơ...
Thu Hương / NCĐT