Sử dụng công nghệ số, các công ty cho vay online liên tiếp mọc lên, thu hút hàng vạn khách hàng. Sự xuất hiện của mô hình này đang mang lại nhiều lợi ích, song cũng tiềm ẩn không ít rủi ro.
Nở rộ cho vay kiểu Grab, Uber
Gần đây, mô hình cho vay qua mạng bắt đầu rộ lên. Huy động vốn cao hơn ngân hàng, cho vay rẻ hơn công ty tài chính, các công ty hoạt động trong lĩnh vực này đang được nhiều người tiêu dùng biết tới.
Chẳng hạn, theo quảng cáo của huydong.com - một sản phẩm thuộc CTCP Finsom, công ty này huy động vốn với lãi suất 10 - 20%/năm (cao gấp đôi, gấp ba tiền lãi ngân hàng), trong khi người đi vay chỉ phải chịu mức lãi suất trên cộng thêm chênh lệch 1 - 5%/năm.
Theo những người sáng lập, huydong.com là một hệ thống kết nối đầu tư ngang hàng trực tuyến cho các khoản huy động tín chấp, là cầu nối giữa nhà đầu tư có vốn với các cá nhân cần vốn nhưng không tiếp cận được với ngân hàng. Hiểu một cách đơn giản, đây là một hình thức cho vay theo kiểu Uber, Grab.
Ngoài huydong.com, trên thị trường gần đây xuất hiện nhiều công ty cho vay online khác như Tima, SHA, Mobivi…, với mức lãi suất cho vay phổ biến (cộng cả các loại phí) là 20 - 30%/năm.
Theo TS. Bùi Quang Tín (Khoa Quản trị kinh doanh, Đại học Ngân hàng TP.HCM), những công ty cho vay không theo mô hình ngân hàng truyền thống trên thực chất đang hoạt động theo mô hình cho vay ngang hàng - Peer to Peer (P2P). Mô hình này đang phát triển mạnh trên thế giới.
“P2P là cơ chế cho vay trực tiếp và tín chấp. Đây là phương thức kết nối người có vốn và người cần vốn thông qua nền tảng trực tuyến mới cùng với hệ thống công nghệ tiên tiến”, TS. Bùi Quang Tín cho hay.
Theo nhận định của chuyên gia này, tại Việt Nam, P2P tuy chưa xuất hiện nhiều, song những tiện ích vượt trội của nó cộng với quá trình xét duyệt phức tạp và yêu cầu khắt khe của ngân hàng sẽ khiến mô hình này phát triển mạnh. Một số công ty P2P ở Việt Nam đã được các đối tác ngoại rót vốn đầu tư.
Cấm hay quản?
Sự xuất hiện của mô hình cho vay P2P đang mang lại nhiều lợi ích, như không cần tài sản thế chấp, thời gian xét duyệt cho vay nhanh, lãi suất hợp lý…, song cũng tiềm ẩn không ít rủi ro.
NHNN cần sớm ban hành các quy định pháp luật nhằm đảm bảo cho hoạt động cho vay theo mô hình P2P phát triển lành mạnh. |
Thực tế, trên thị trường đã xuất hiện một số mô hình cho vay mà theo các chuyên gia là cần sự theo dõi và quản lý sát sao, điển hình như mô hình cho vay của F88.vn. Tuy đăng ký kinh doanh là hoạt động cầm đồ, song công ty này chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực cho vay với lãi suất được phản ánh là “cắt cổ”, lên tới 50 - 70%/năm.
Theo ông Đàm Thế Thái, Phó tổng giám đốc Công ty Tài chính TNHH HD Saison, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cần nghiên cứu kỹ hơn mô hình Uber trong hoạt động cho vay. Bởi có những mô hình tốt, song cũng có những mô hình tín dụng đen trá hình, cho vay lãi suất cắt cổ, song lại mượn tiếng đổi mới, có thể dồn người vay vào tình cảnh mất khả năng trả nợ.
Dẫu vậy, theo các chuyên gia kinh tế, bên cạnh một số công ty hoạt động thái quá, trá hình tín dụng đen cần có biện pháp ngăn chặn, thì không thể phủ nhận thực tế là cho vay qua mạng kiểu Uber đang là xu thế tất yếu và rất khó cấm.
“NHNN cần có biện pháp để chặn các công ty P2P hoạt động tín dụng đen trá hình, song quan điểm của tôi là không nên cấm, mà cũng không thể cấm được mô hình này. Đây là một xu thế tất yếu, là một sáng tạo của thời đại ngân hàng số. Chúng ta cần phải chấp nhận và có biện pháp quản lý để hạn chế rủi ro cho các bên tham gia”, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế khuyến cáo.
Chia sẻ quan điểm trên, TS. Bùi Quang Tín đề nghị các cơ quan chức năng cần có quy định yêu cầu các doanh nghiệp P2P “phong tỏa” nguồn vốn chưa được giải ngân từ những người gửi tiền tiết kiệm/đầu tư và sắp xếp cho bên thứ ba quản lý dư nợ cho vay nếu họ ngừng giao dịch, hoặc có thể tiến hành cho mua bảo hiểm đối với các khoản tiền gửi của chủ đầu tư.
Mặt khác, nhiều chuyên gia cho rằng, hành lang pháp lý với mô hình P2P đang hoàn toàn bỏ trống. Do vậy, NHNN cần sớm ban hành các quy định pháp luật nhằm đảm bảo cho hoạt động này phát triển lành mạnh.
Thùy Liên / baodautu