Nơi cực Bắc Tổ quốc, tỉnh Lai Châu có diện tích rộng, tiềm năng lớn như: vùng thượng lưu sông Đà những năm qua đã “bắc nhịp” cho hệ thống thủy điện; thế mạnh phát triển nông, lâm, ngư nghiệp và ngành công nghiệp khai khoáng, công nghiệp chế biến. Trong tiến trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa, hiện nay tỉnh ta đã tạo điều kiện thuận lợi, ưu đãi để thu hút đầu tư sản xuất, kinh doanh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội thời kỳ hội nhập.
Tiềm năng
Tỉnh ta có địa hình trùng trùng núi đồi, có những dãy núi cao như Pu Sam Cáp (1.700m), Pu Ta Leng (3.049m), với nhiều thung lũng bằng phẳng: Bình Lư (huyện Tam Đường), Mường So (huyện Phong Thổ), Mường Than (huyện Than Uyên)... được đánh giá là phù hợp với phát triển các tuyến du lịch mạo hiểm và thu hút du khách trong, ngoài nước đến tìm hiểu về cảnh sắc thiên nhiên, thưởng thức khí hậu thoáng mát bốn mùa tự nhiên ban cho nơi này. Diện tích đất rừng rộng của Lai Châu cũng phù hợp phát triển các trang trại chăn nuôi, trồng trọt quy mô rộng, cung cấp thực phẩm “sạch” cho thị trường trong và ngoài tỉnh.
Vùng chè nguyên liệu xã Bản Bo (huyện Tam Đường) là nơi phát triển các nhà máy chế biến chè chất lượng cao cung cấp sản phẩm cho thị trường trong và ngoài nước. |
Sau gần 30 năm đổi mới, 12 năm chia tách, thành lập, tỉnh ta cơ bản ra khỏi tình trạng kém phát triển. Kinh tế phát triển khá, tốc độ tăng trưởng GRDP 7,89%/năm; thu ngân sách đạt trên 1.000 tỷ đồng; thương mại, dịch vụ tăng bình quân 20%/năm. Tiềm năng thế mạnh chính của tỉnh hiện nay vẫn đang là phát triển nông, lâm, thủy sản và bước đầu khai thác hiệu quả các mặt hàng nông sản đặc trưng vùng như: cây dược liệu ở khu vực vùng cao, cây cao su ở khu vực vùng thấp (huyện Sìn Hồ); hoa quả ôn đới ở xã Hồ Thầu (huyện Tam Đường), xã Dào San (huyện Phong Thổ); cây chè chủ lực tại huyện Tam Đường, Than Uyên và thành phố Lai Châu. Người dân nơi đây cũng chú trọng chăm sóc, bảo vệ rừng kinh tế, phòng hộ và hưởng lợi từ rừng. Nuôi trồng gắn với khai thác thủy sản tại lòng hồ thủy điện bước đầu được triển khai hiệu quả.
Tỉnh ta có thế mạnh về thủy điện, nhiều công trình đã và đang được xây dựng. Có lợi thế khai thác khoáng sản với mỏ đá đen (xã Nậm Ban, huyện Nậm Nhùn); đất hiếm ở Đông Pao (xã Bản Hon, huyện Tam Đường), Nậm Xe (huyện Phong Thổ). Ngoài ra, việc phát triển nông, lâm, thủy sản cũng mở hướng cho các nhà máy chế biến được nghiên cứu xây dựng, phát triển trên đất Lai Châu.
Tiềm năng du lịch tỉnh ta được nhắc nhiều với thế mạnh du lịch cộng đồng và những cảnh quan đẹp, đáng nhớ được du khách quảng bá khi đến nơi đây như: động Tiên Sơn, thác Tác Tình (huyện Tam Đường) phù hợp với tham quan thắng cảnh; khu du lịch sinh thái Pu Sam Cáp (thành phố Lai Châu) phù hợp với du lịch mạo hiểm; thị trấn Sìn Hồ (huyện Sìn Hồ) phù hợp với du lịch nghỉ dưỡng, tắm lá thuốc… . Tiềm năng phát triển ở tỉnh ta còn phải kể đến số lượng lao động trẻ đông đảo (tỷ lệ người trong độ tuổi lao động chiếm trên 58%), trong đó số lượng lao động chưa qua đào tạo lớn nên thu hút đầu tư đồng nghĩa với tạo việc làm, các nhà đầu tư không chỉ quan tâm đến lượng lao động này mà còn cần có chiến lược xây dựng lực lượng nhân lực chất lượng cao cho tỉnh.
Nhắc đến tỉnh vùng cao, nhiều doanh nghiệp e ngại nhất là “cách núi ngăn sông”, khó khăn vì địa thế, đường sá. Tuy nhiên, những năm gần đây, đặc biệt là từ khi tuyến đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai đi vào hoạt động, Lai Châu đã gần hơn với miền xuôi và việc các tuyến đường giao thông được đầu tư nâng cấp, cải tạo đang đáp ứng tốt cho việc vận chuyển, thông thương hàng hóa. Cùng với đó, hệ thống điện lưới an toàn, cấp nước đảm bảo, thông tin liên lạc thông suốt, y tế hoàn thiện, giáo dục - đào tạo chất lượng; nhà hàng, khách sạn đáp ứng nhu cầu; hoạt động ngân hàng, dịch vụ xuất nhập khẩu, vận tải được quan tâm... đã góp phần đáng kể cho việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Cơ hội đầu tư
Thương mại - dịch vụ tỉnh ta những năm qua có sự phát triển đáng kể do nhu cầu thị trường tăng và thuận lợi vì có cửa khẩu quốc gia Ma Lù Thàng. Chính các hoạt động giao thương, xuất nhập khẩu hàng hóa mang lại cơ hội lớn cho người dân huyện Phong Thổ (từ bán chuối, mủ cao su, nông sản, dược liệu) và doanh nghiệp có thể tận dụng ưu thế này để đầu tư, phát triển.
Hạ tầng khu kinh tế cửa khẩu Ma Lù Thàng (huyện Phong Thổ) hiện nay đã hoàn thiện hệ thống giao thông, ngân hàng, bưu điện, khách sạn, trung tâm thương mại, bến bãi, kho, trụ sở các doanh nghiệp, khu vực làm việc của cơ quan quản lý nhà nước tại khu kinh tế. Ở đây đã trở thành nơi chung chuyển, xuất nhập khẩu hàng hóa lớn của địa phương. Ngoài các chính sách ưu đãi của Trung ương được quy định trong Luật Đầu tư và các ưu đãi khác theo quy định của pháp luật, hiện nay tỉnh ta đã ban hành những chính sách thu hút ưu đãi đầu tư đặc thù vào khu kinh tế cửa khẩu như Quyết định số 08/2013/QĐ-UBND ngày 3/6/2013 của UBND tỉnh về việc ban hành quy định về chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư, trình tự, thủ tục thực hiện ưu đãi, hỗ trợ đầu tư trên địa bàn tỉnh. Trong đó đã áp dụng mức cao nhất trong khuôn khổ pháp luật cho phép như: miễn giảm tiền thuê mặt nước, thuê đất; miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu, tín dụng xuất khẩu; hỗ trợ đầu tư cơ sở ngoài hàng rào như hệ thống điện, cấp thoát nước, giao thông, hỗ trợ đền bù giải phóng mặt bằng, đào tạo lao động.
Ngoài ra, tỉnh đã và đang phê duyệt các khu công nghiệp Mường So (huyện Phong Thổ), huyện Tam Đường; cụm công nghiệp huyện Tân Uyên, Than Uyên, thành phố Lai Châu. Một tín hiệu vui là ở những nơi này đã khôi phục các hoạt động tiểu thủ công nghiệp, nhờ đó nghề truyền thống dệt thổ cẩm, đan mây... có cơ hội “hồi sinh”.
Tại Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII xác định mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội 2015 - 2020, đưa Lai Châu thành tỉnh trung bình trong khu vực miền núi phía Bắc và đưa ra các chỉ tiêu cụ thể để thực hiện. Trong đó có các chỉ tiêu như: tốc độ tăng trưởng GRDP trên 10%/năm; thu ngân sách địa bàn trên 2.000 tỷ đồng; kim ngạch xuất nhập khẩu tăng bình quân trên 10%/năm; giá trị xuất khẩu hàng địa phương tăng bình quân trên 7%/năm.
Để đạt được những con số trên, cần sự nỗ lực, đoàn kết của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Hiện nay, để thu hút đầu tư của doanh nghiệp trong và ngoài nước, tỉnh đang có những ưu đãi về đầu tư, hỗ trợ đầu tư và hướng dẫn cụ thể về trình tự, thủ tục đăng ký doanh nghiệp, hoạt động của chi nhánh và văn phòng đại diện.
Đô thị xanh - sạch - đẹp Lai Châu có nhiều ưu đãi về chính sách, là “miền đất hứa” của những nhà đầu tư, doanh nghiệp trong mọi lĩnh vực. Ảnh: Tuấn Hùng |
Ngay như trong năm 2015 này, sau khi tổ chức Hội thảo cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh tỉnh (PCI) với lãnh đạo, chuyên gia cao cấp Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), tỉnh Lai Châu đã triển khai đồng bộ các nội dung chỉ số thành phần để cải thiện chỉ số PCI. Trong đó thẳng thắn phân tích, đánh giá chuyên sâu những lý do tỉnh Lai Châu có chỉ số PCI đạt thấp, tham khảo cách làm hay, sáng tạo của một số địa phương và đề ra chủ trương tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch, thuận lợi cho doanh nghiệp. Xây dựng quy chế phối hợp giữa các sở, ngành để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp giải quyết thủ tục hành chính. Tăng cường đối thoại với doanh nghiệp. Công khai các thủ tục trên phương tiện thông tin đại chúng, xây dựng cơ sở thông tin đất đai. Tỉnh công bố quy hoạch đầu tư cơ sở hạ tầng, danh mục dự án kêu gọi, thu hút đầu tư cho các doanh nghiệp lựa chọn, tiếp cận, đầu tư vào lĩnh vực du lịch, khai khoáng, trồng rừng; thành lập, phát huy vai trò Hiệp hội doanh nghiệp (thay cho Hội Doanh nghiệp trẻ tỉnh hiện nay).
Đồng thời, trên ấn phẩm “Lai Châu - tiềm năng và cơ hội đầu tư” do UBND tỉnh xây dựng, lời tựa viết rất rõ ràng: “Đây là tài liệu cung cấp những thông tin cơ bản và khái quát về tình hình kinh tế - xã hội cũng như những cơ hội về đầu tư, sản xuất kinh doanh của tỉnh. Cùng với đó là hệ thống chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư theo chủ trương, chính sách và quy định hiện hành của Đảng và Nhà nước, đúng quyền hạn của tỉnh. Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Lai Châu luôn chào đón các nhà đầu tư và cam kết thực hiện nghiêm túc các chính sách đã đề ra, tạo điều kiện tốt nhất có thể theo quyền hạn của mình để tạo điều kiện cho các nhà đầu tư yên tâm sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh”.
Với các biện pháp cụ thể, khả quan, tin rằng bức tranh toàn cảnh đầu tư của tỉnh nhà sẽ ngày một sáng rõ, tận dụng triệt để các tiềm năng sẵn có để Lai Châu ngày càng phát triển, đem lại đời sống no ấm cho Nhân dân các dân tộc.
Hải Yến - báo Lai Châu