Câu trả lời nằm ở chính khả năng của các cửa hàng tạp hóa, còn cạnh tranh từ phía bên ngoài chỉ là một yếu tố phụ.
Ảnh minh họa. |
Đỗ xịch chiếc xe Lead trước cửa một quầy tạp hóa, chị Vi Cầm (nhân viên văn phòng ở quận Đống Đa, Hà Nội) gọi với vào trong tiệm mua ít bánh kẹo thắp hương, một thùng sữa tươi và một bịch bỉm cỡ lớn. Bấy giờ đã 6h tối, con đường trước mặt vẫn rất đông xe cộ qua lại. Dường như nhận ra khách quen, ông chủ tiệm thao tác rất nhanh các món hàng cho khách. Cuộc mua bán diễn ra chưa đầy 2 phút thì hoàn tất.
"Mua đồ lặt vặt ở đại lý tiện lắm, không cần đồ xe và chờ đợi gì, giá rẻ nữa. Thực phẩm tươi sống thì phải sắm trước trữ trong tủ lạnh mỗi dịp đi siêu thị cuối tuần. Nhưng vẫn có mấy thứ lặt vặt phát sinh", chị Cầm nói vội trước khi rẽ vào tòa chung cư gần đó.
Cửa hàng tiện lợi, đối thủ đáng gờm của tiệm tạp hóa truyền thống
Khách hàng nội trợ như chị Cầm ở các đô thị lớn vẫn còn rất đông, nhưng thói quen của họ thì đang thay đổi dần. Họ có thêm nhiều lựa chọn từ các cửa hàng tiện lợi đang mọc lên khắp các con phố lớn nhỏ, với tốc độ ngày càng nhanh và số lượng ngày càng nhiều.
Trên tuyến đường Vũ Trọng Phụng (Hà Nội), trong phạm vi chưa đầy 300m, có tới hai cửa hàng Circle K cùng tồn tại. Chia sẻ với phóng viên, một chủ tiệm hóa cho biết từ khi có hai cửa hàng này, “doanh thu của chúng tôi giảm sút nghiêm trọng”, tuy nhiên ông từ chối bình luận thêm.
Chị Thanh, chủ một cửa hàng cách đó khoảng 800m thì cho rằng chị không bị ảnh hưởng gì nhiều vì khoảng cách khá xa, hơn nữa chị chủ yếu bán hàng cho người dân xung quanh, còn Circle K thì nhắm vào đối tượng khách hàng trẻ.
Bên cạnh hai loại hình: trung tâm thương mại và siêu thị, cửa hàng tiện lợi là thế cuối cùng trong chiến lược “kiềng ba chân” nhiều thương hiệu áp dụng để chiếm lĩnh thị trường bán lẻ Việt Nam.
Có diện tích nhỏ hơn siêu thị nhưng lớn hơn một tiệm tạp hóa thông thường, cửa hàng tiện lợi đang dần xuất hiện với tần suất dày đặc tại các khu dân cư, tòa chung cư, các con phố lớn nhỏ, đáp ứng nhu cầu mua sắm hiện đại mà không đòi hỏi diện tích mặt bằng quá nhiều.
Có thể kể đến nhiều chuỗi cửa hàng tiện lợi phổ biến hiện nay như FamilyMart, B’s mart, Circle K, Ministop, Shop&Go, Vinmart+… trong đó xét về quy mô, Vinmart+ đang dẫn đầu thị trường, theo sau là Circle K và B’s mart.
Số liệu tính đến tháng 2/2017 đối với Vinmart+ và tháng 6/2017 với các chuỗi còn lại. |
Trong khi điểm nổi bật của Vinmart+ là hệ thống rau củ sạch được phân phối độc quyền từ thương hiệu VinEco, thì Circle K lại được lòng rất nhiều khách hàng trẻ nhờ không gian rộng rãi, mở cửa 24/24 và có phục vụ đồ ăn tại chỗ.
Linh, sinh viên năm 2 cho biết: “Mỗi kì thi em thường tới Circle K ngồi học đến khuya. Cửa hàng có điều hòa rất mát, có wifi, mà đói quá thì em có thể gọi hộp mì tôm rồi chế thêm nước nóng ăn luôn”.
So với cửa hàng truyền thống, chuỗi cửa hàng tiện lợi như Vinmart+, Circle K có nhiều dịch vụ nổi trội như thanh toán tiền điện, nước, điện thoại, truyền hình, thanh toán vé máy bay, xe khách, đặt phòng khách sạn (với Circle K) và thậm chí là bán báo (với Vinmart+).
Theo kết quả khảo sát của Công ty nghiên cứu thị trường Nielsen Việt Nam, trong ba năm từ 2012 đến 2015, tốc độ tăng trưởng của cửa hàng tiện ích và siêu thị mini tại Việt Nam đã lên đến 200%, từ 1.000 cửa hàng vào năm 2012 tăng lên 2.000 cửa hàng vào cuối năm 2015. Trong khi đó, số lượng cửa hàng tạp hóa đã giảm từ 62% xuống còn 52% ở giai đoạn này.
Với dân số hơn 90 triệu người, được đánh giá là một trong 30 thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất thế giới, Việt Nam còn nhiều dư địa và tiềm năng để phát triển chuỗi cửa hàng tiện lợi.
Trong 3 năm đầu vào Việt Nam, 7-Eleven lên kế hoạch nâng hệ thống của hàng lên 100. Còn Vinmart+ đang tiến gần tới con số mục tiêu 1.000 cửa hàng tại 30 tỉnh thành trên cả nước.
Ngày 15/6/2017, 7-Eleven chính thức khai trương cửa hàng đầu tiên tại tầng trệt của tòa nhà Saigon Trade Center, phường Bến Nghé, quận 1, TP.HCM, đánh dấu bước chân chính thức đầu tiên của gã khổng lồ Nhật Bản vào thị trường Việt Nam.
Đây không phải lần đầu tiên một chuỗi bán lẻ ngoại tiến vào thị trường đông dân thứ 3 khu vực Đông Nam Á, nhưng hình ảnh khách hàng ùn ùn xếp hàng để mua sắm, trải nghiệm sản phẩm từ 6 giờ sáng đã khiến không ít người Việt trăn trở: Nếu cửa hàng tiện lợi nào cũng hút khách như vậy, các tiệm tạp hóa truyền thống sẽ ra sao?
Còn không gian nào cho tiệm tạp hóa truyền thống?
Mặc dù ít nhiều bị ảnh hưởng, nhưng không thể phủ nhận cửa hàng tạp hóa truyền thống vẫn là một trong hai kênh mua sắm chủ đạo của người Việt. Theo báo cáo của Nielsel, dù người tiêu dùng Việt ngày càng có nhiều kênh mua sắm hơn, bên cạnh các khu chợ truyền thống, cửa hàng tạp hóa vẫn là điểm đến phổ biển thứ hai.
Một báo cáo khác cũng chỉ ra trong năm 2016, ước tính cả nước có hơn 1,3 triệu cửa hàng tạp hóa, chiếm đến hơn 85% doanh thu của ngành hàng tiêu dùng nhanh, tương đương doanh số gần 10 tỉ USD.
Một trong những đặc điểm chính của tạp hóa truyền thống là quy mô nhỏ, chi phí vận hành thấp nên giá bán khá cạnh tranh. Theo khảo sát của chúng tôi, với cùng một loại mặt hàng, giá mua tại cửa hàng tạp hóa có thể thấp hơn cửa hàng tiện lợi từ 1.000 đến 5.000 đồng.
Bim bim Corn Chip của Orion bán với giá 6.000đ/gói tại Circle K, trong khi cửa hàng tạp hóa chỉ bán với giá 5.000đ. |
Sữa tươi Vinamilk tiệt trùng có đường Circle K bán 35.000đ/hộp, Vinmart+ bán 31.200đ còn cửa hàng tạp hóa bán 30.000đ. |
Bim bim dạng que của Thái Lan bán tại Circle K giá 6.000đ/gói, cửa hàng tạp hóa bán ở mức 5.000đ. |
Bên cạnh đó, với nhiều khách hàng, việc chỉ cần dừng ở trước cửa tiệm tạp hóa, gọi đồ, chủ hàng sẽ tính tiền rồi treo tận ngoài xe, nên thuận tiện hơn nhiều so với việc phải đỗ xe, tự chọn đồ rồi chờ đợi đến lượt thanh toán ở các cửa hàng tiện lợi.
Chị Linh sống tại khu chung cư Linh Đàm, Hoàng Mai, Hà Nội cho biết: “Mình thường mua đồ lặt vặt như mì tôm, mì chính, xà phòng, kem đánh răng… ở một cửa hàng tạp hóa trên đường về. Vì là khách quen nên nhiều khi dù đông, vẫn được chị chủ ưu tiên tính tiền trước”.
Trao đổi với chúng tôi, ông Vũ Vinh Phú, nguyên Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội khẳng định cửa hàng tạp hóa đang bán hàng tiêu dùng nhanh tốt vì tính thuận tiện, giá cả hấp dẫn, đặc biệt khi người tiêu dùng, với cùng một sản phẩm, cùng chất lượng, họ thích những gì giá rẻ hơn.
Tuy nhiên trước sức ép của các hãng bán lẻ nước ngoài, cửa hàng tạp hóa có tồn tại hay không, thì lại phụ thuộc vào chính bản thân các chủ cửa hàng, các tiểu thương. Nhiều khi sức ép nước ngoài chỉ chiếm 30%, 70% còn lại là “sức đề kháng” của các cửa hàng.
“Nếu cứ đốt hương, đốt nến để ‘giải vía’ rồi chửi mắng khách hàng, bán hàng dởm thì "chết" luôn. Còn làm ăn tử tế, biết đối thủ là ai, vừa cạnh tranh vừa hợp tác thì các cửa hàng tạp hóa vẫn sống tốt”, ông Phú kết luận.
Đức Thọ / Trí thức trẻ