Trong những năm gần đây, nhờ cây thanh long mang lại hiệu quả cao cho người trồng nên diện tích thanh long trên địa bàn tỉnh Tiền Giang (tập trung ở huyện Chợ Gạo) tăng mạnh. Để đáp ứng yêu cầu thị trường và phát triển bền vững cây thanh long trên địa bàn tỉnh, ngành chức năng và các doanh nghiệp xác định sản xuất thanh long theo hướng an toàn thông qua việc áp dụng và chứng nhận VietGAP, GlobalGAP… là hướng đi tất yếu.
Tiền Giang phát triển cây thanh long theo hướng sản xuất an toàn (ảnh chụp xã Quơn Long, huyện Chợ Gạo, Tiền Giang)
Cách đây hơn 3 năm, Công ty TNHH Long Việt (ấp Hưng Ngãi, Xã Đăng Hưng Phước, huyện Chợ Gạo) đã xác định việc xây dựng được vùng nguyên liệu sạch là tiêu chí quyết định “sống còn” của doanh nghiệp trước yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm ngày càng cao người tiêu dùng. Xác định được điều này, từ năm năm 2012, Công ty TNHH Long Việt đã mạnh dạn xây dựng vùng trồng thanh long ruột đỏ theo tiêu chuẩn VietGAP trên diện tích 30 ha, tương đương với 30.000 trụ thanh long. Không dừng lại ở đó, Công ty TNHH Long Việt tiếp tục phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ triển khai dự án trồng 100 ha thanh long ứng dụng công nghệ cao theo tiêu chuẩn GlobalGAP trên địa bàn xã Thanh Bình, huyện Chợ Gạo.
Ông Trần Hữu Danh, Giám đốc Công ty TNHH Long Việt cho biết, công nghệ cao được ứng dụng trong quá trình trồng và chăm sóc thanh long như công nghệ chiếu sáng bằng đèn Led tiết kiệm năng lượng, kết hợp với các giải pháp thâm canh tiên tiến và quảng bá, đăng ký bảo hộ quốc tế nhãn hiệu tập thể cho thanh long Chợ Gạo tại thị trường Trung Quốc và Mỹ. Để hỗ trợ nông dân trong khâu tiêu thụ sản phẩm, toàn bộ thanh long của nông dân trong vùng dự án đều được công ty ký hợp đồng tiêu thụ với giá cao hơn 10% so với giá thị trường cùng thời điểm, đồng thời phía công ty hỗ trợ cũng hỗ trợ nhà sơ chế thanh long theo tiêu chuẩn GlobalGAP để thanh long đủ điều kiện xuất khẩu sang thị trường Mỹ.
Với vùng nguyên liệu thanh sạch sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP rộng tới 130 ha, hàng năm Công ty TNHH Long Việt có thể cung cấp 3.000-4.000 tấn thanh long sạch, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Mỹ, Hàn Quốc, châu Âu… Các vùng trồng thanh long VietGAP, GlobalGAP không những giúp công ty chủ động được nguồn nguyên liệu sạch mà còn giúp nông dân thay đổi nhận thức, thấy được ý nghĩa, hiệu quả kinh tế của việc trồng thanh long sạch, đảm bảo an toàn thực phẩm trong thời kỳ mới. Đây cũng là điều kiện thuận lợi để xây dựng mối liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp và nông dân trông khâu sản xuất, chế biến và tiêu thụ thanh long, từ đó tạo điều kiện để cây thanh long phát triển bền vững hơn.
Theo ông Đặng Thanh Liêm, Giám đốc Sở Công Thương Tiền Giang, dự án 100 ha thanh long ứng dụng công nghệ cao theo tiêu chuẩn GlobalGAP đạt được những kết quả tốt, giúp nâng cao liên kết chuỗi giá trị sản phẩm, chia sẻ thông tin bổ ích, xây dựng cẩm nang hướng dẫn, đặt nền tảng cho việc đẩy mạnh xuất khẩu trái cây vùng đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là trái thanh long Chợ Gạo.
Ông Nguyễn Văn Sang, chủ cơ sở trồng thanh long ruột đỏ hơn 20 ha ở xã Thạnh Tân, huyện Tân Phước cho biết, cuối năm 2015, cơ sở trồng thanh long ruột đỏ của ông được công nhận đạt chuẩn GlobalGAP nên được đối tác tin cậy và ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm lâu dài. Trong năm 2015 ông đã ký hợp đồng xuất khẩu trực tiếp thanh long cho 1 doanh nghiệp ở Thái Lan nên đầu ra được duy trì ổn định, giá bán luôn cao thị trường. Để thuận lợi hơn trong hoạt động xuất khẩu thanh long, ông Sang vừa đầu tư một nhà kho diện tích 3.000m2 trên Quốc lộ 50 thuộc địa bàn xã Trung An, TP. Mỹ Tho để phục vụ việc sơ chế, đóng gói, lưu kho bảo quản thanh long xuất khẩu; đồng thời, hướng dẫn một số nông dân ở huyện Tân Phước áp dụng quy trình sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn GlobalGAP để ký hợp bao tiêu sản phẩm phục vụ xuất khẩu.
Ngoài ra, Tiền Giang hiện có 2 tổ hợp tác trồng thanh long là Lương Phú (xã Lương Hòa Lạc) và Quơn Long (xã Quơn Long) được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP trên tổng diện tích gần 40 ha thanh long. Vùng trồng thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP do Viện cây ăn quả miền Nam hỗ trợ; vùng thí điểm trồng thanh long VietGAP tại xã Mỹ Tịnh An và Lương Hòa Lạc do Trung tâm Khuyến nông Tiền Giang triển khai.