Theo văn bản định hướng nội dung và sử dụng khẩu hiệu trong trường học của Bộ GD-ĐT, không có câu "Tiên học lễ, hậu học văn". Một số địa phương và nhà trường hiện không phổ biến khẩu hiệu này.
Thiếu vắng "Tiên học lễ, hậu học văn" trong hướng dẫn
Trong tham luận phát biểu tại hội thảo "Văn hóa học đường trong bối cảnh đổi mới giáo dục và đào tạo" do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tổ chức, GS Trần Ngọc Thêm (Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TP. HCM) nêu quan điểm: "Cần chấm dứt sử dụng khẩu hiệu "Tiên học lễ, hậu học văn" để khai mở tư duy phản biện, giải phóng sức sáng tạo…
Đa phần ý kiến cho rằng, khai mở tư duy phản biện, giải phóng sức sáng tạo trong giáo dục con người là mục tiêu tốt đẹp và cần hướng tới; song không thể vì điều này mà chấm dứt khẩu hiệu "Tiên học lễ, hậu học văn".
Trở lại với câu khẩu hiệu, một bất ngờ thú vị mà chúng tôi được biết, theo văn bản số 282/BGDĐT- CTHSSV năm 2017 về việc đẩy mạnh xây dựng môi trường văn hóa trong trường học của Bộ GD-ĐT, ở mục định hướng khẩu hiệu, không có câu "Tiên học lễ, hậu học văn".
Một số nhà quản lý giáo dục cũng cho biết, hiện nay nhiều trường học tại các địa phương ít duy trì khẩu hiệu "Tiên học lễ, hậu học văn", mà thay bằng các khẩu hiệu khác có tính thời sự hơn.
Khẩu hiệu "Tiên học lễ, hậu học văn" trước đây được treo nhiều ở các nhà trường (Ảnh: Sở GD-ĐT Lai Châu).
Cụ thể, theo văn bản 282, ở phụ lục 2 về định hướng nội dung và sử dụng khẩu hiệu trong trường học, Bộ GD-ĐT đưa ra các định hướng khẩu hiệu phù hợp với từng cấp học.
Chẳng hạn ở cấp mầm non, việc lựa chọn khẩu hiệu phải kết hợp cả chữ và hình ảnh, nội dung tập trung mối quan hệ giữa thầy cô giáo và trẻ em như: Ngôi trường là nhà, cô giáo là mẹ, các cháu là con ; Trường mầm non - Ngôi nhà ấm áp của bé ; Cô giáo như mẹ hiền; Bé vui khỏe - Cô hạnh phúc; Hãy dành những điều tốt nhất cho trẻ...
Ở cấp tiểu học, khẩu hiệu nên tập trung các nội dung giáo dục ý thức học tập; giáo dục đạo đức, lối sống; giáo dục bảo vệ môi trường… như: Thầy mẫu mực - Trò chăm ngoan - Trường khang trang - Lớp thân thiện; Mỗi ngày đến trường là một ngày vui; Thầy cô mẫu mực, học sinh tích cực; Tất cả vì học sinh thân yêu…
Hướng dẫn về khẩu hiệu trong nhà trường, Bộ GD-ĐT không quy định "cứng" nhà trường bắt buộc phải treo khẩu hiệu nào. Theo đó, tùy đặc điểm của từng địa phương, từng trường học để có lựa chọn khẩu hiệu sao cho phù hợp hoặc còn khuyết thiếu mà nhà trường đó cần phấn đấu.
Với cấp THCS, các nội dung khẩu hiệu về cơ bản tương tự như ở Tiểu học, tuy nhiên ngôn ngữ thể hiện phải phù hợp với đối tượng học sinh THCS. Ngoài ra, cần có thêm nội dung định hướng cho học sinh lên cấp THPT hoặc định hướng lập nghiệp, như: Thầy mẫu mực - Trò chăm ngoan; Thi đua Dạy tốt - Học tốt; Đoàn kết, kỷ cương, giúp nhau cùng tiến bộ…
Trong khi đó, ở cấp THPT, khẩu hiệu vừa mang tính giáo dục ý thức đạo đức, trách nhiệm học tập với học sinh, vừa thể hiện đạo đức trách nhiệm và mối quan hệ thầy trò và tôn chỉ, mục đích, nề nếp của nhà trường, chẳng hạn: Học để biết, học để làm, học để tự khẳng định mình, học để cùng chung sống; Mỗi thầy cô giáo là tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo; Tri thức là chìa khóa mở cửa tương lai; Hôm nay em tự hào về nhà trường, ngày mai nhà trường tự hào về em..
Đối với các trường trung cấp, cao đẳng, đại học, các cơ sở đào tạo cần sử dụng hệ thống khẩu hiệu phù hợp với đặc thù đào tạo ngành nghề; cơ bản cần thể hiện được các nội dung về: Giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống; Thể hiện được mục tiêu lập nghiệp của sinh viên…
Trao đổi với PV Dân trí ngày 26/11, một đại diện ở Bộ GD-ĐT cho hay, ở hướng dẫn về khẩu hiệu trong nhà trường, Bộ GD-ĐT không quy định "cứng", yêu cầu hay áp đặt trường học phải treo khẩu hiệu nào.
Theo đó, tùy đặc điểm của từng địa phương, từng trường học để có lựa chọn khẩu hiệu sao cho phù hợp hoặc còn khuyết thiếu mà nhà trường đó cần phấn đấu.
Các nhà trường nên lấy yếu tố giáo dục con người làm phương châm đầu tiên, thay vì đặt nặng câu "Tiên học lễ, hậu học văn". (Ảnh: M. Hà).
Không sai nhưng đừng lạm dụng "Tiên học lễ, hậu học văn"
Chia sẻ với PV Dân trí, ông Phùng Ngọc Oanh, Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Ba Vì, Hà Nội cho hay, khẩu hiệu trong trường học trước hết phải đáp ứng tính giáo dục, dễ hiểu, dễ thực hiện.
"Dựa trên hướng dẫn trên đây của Bộ GD-ĐT, các trường học ở địa phương chúng tôi chủ động chọn các khẩu hiệu phù hợp với đặc điểm trường mình.
Hiện nay, các trường trên địa bàn ít xuất hiện khẩu hiệu "Tiên học lễ, hậu học văn", thay vào đó là trích dẫn một số câu nói nổi tiếng của Bác Hồ hoặc các vị lãnh tụ, về mối quan hệ thầy trò, thậm chí cả vấn đề an toàn giao thông hoặc an toàn chống dịch", ông Oanh cho biết.
Nhà giáo, TS Nguyễn Văn Hòa, người sáng lập hệ thống giáo dục Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hà Nội cũng ủng hộ nên đổi mới các khẩu hiệu trong nhà trường. Ông nói: "Tiên học lễ, hậu học văn" không có gì sai, có điều không nên lạm dụng".
Theo nhà giáo này, mấy chục năm trước, câu "Tiên học lễ, hậu học văn" rất có ý nghĩa nhưng từ khi làm giáo dục, đặc biệt trải nghiệm ở môi trường giáo dục ngoài công lập nhiều năm, ông thấy thời đại hiện nay, câu nói đó không còn phù hợp nữa.
"Ngày xưa chúng ta chưa có nền công nghiệp phát triển, việc giáo dục phần lớn là lễ nghi, hạn chế năng lực nên cái "Lễ" hay nói cách khác là phương pháp ứng xử rất quan trọng, thậm chí phải đi đầu.
Nhưng hiện nay, chúng ta kế thừa cái cũ nhưng có mức độ và đặt khẩu hiệu đó trong hoàn cảnh nhất định, không quá đặt nặng trong các nhà trường nữa.
"Nghị quyết 29/NQ-TW về đổi mới trong giáo dục nói rằng, chúng ta đào tạo con người thì nhân cách, phẩm chất và năng lực phải đi đôi với nhau. Chúng ta không chỉ coi trọng phẩm chất và cũng không thể coi trọng năng lực, cả hai đều phải song hành, gắn chặt làm một thể thống nhất.
Trong khi dạy phẩm chất phải hình thành năng lực và trong khi dạy năng lực, phải giáo dục để phát triển phẩm chất", thầy Hòa phân tích.
Cũng theo nhà giáo này, ở trường ông và nhiều trường học hiện nay vẫn đang chú trọng phát triển cả giáo dục năng lực và giá trị sống bởi cả hai đều quan trọng, không nên tách bạch hoặc đặt cái gì lên trước, cái gì sau, tránh hiểu lầm.
Nhà trường muốn treo khẩu hiệu thì hãy treo những câu khác phù hợp hơn, lấy yếu tố giáo dục con người làm phương châm đầu tiên, chẳng hạn: "Giáo dục hãy vì sự tiến bộ và phát triển của mỗi học trò; Giáo dục vì sự phát triển của mỗi người"… thì hay hơn.
Một lớp học của Trường THCS Giấy Phong Châu, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ (Ảnh: Báo Phú Thọ)
Giáo dục trong nhà trường hiện nay, câu khẩu hiệu "Tiên học lễ, hậu học văn" không còn là yếu tố hàng đầu, bởi mục tiêu của giáo dục trước hết phải vì sự tiến bộ và hạnh phúc của những đứa trẻ.
"Ở trường chúng tôi, khẩu hiệu hiện nay là: "Thay đổi vì một trường học hạnh phúc" và câu thứ hai là: "Giáo dục hướng tới con người, hướng tới sự phát triển của học sinh thân yêu".
Sở dĩ tôi chọn hai câu này vì đây là tư tưởng cơ bản của Nghị quyết 29 và tôi cho rằng, đây mới là điều tuyệt vời, là chân lý thực sự của giáo dục.
Giáo dục phải hướng đến sự phát triển toàn diện của con người, không phải chạy theo thành tích, không chạy theo điểm số hoặc giải nọ giải kia. Giáo dục nhằm phát triển con người, như vậy mới đáp ứng được nhu cầu của xã hội. Và điều này đã được soi sáng bởi Nghị quyết 29, nên tôi chỉ đạo thầy trò trong nhà trường quyết tâm thực hiện.
Thứ hai, muốn thực hiện được điều này, phải thay đổi về mục tiêu giáo dục, về cách ứng xử giữa người với người. Muốn như vậy, thầy cô phải thay đổi trước thì học sinh sẽ thay đổi theo.
Một khi giáo dục thay đổi, xã hội thay đổi, chúng ta sẽ tạo ra một nền tảng mới, diện mạo mới và đây chính là mục tiêu mà chúng tôi phấn đấu", TS Nguyễn Văn Hòa nói.