Doanh số huy động vốn của các ngân hàng vẫn tăng rất mạnh, cao hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng, bất chấp mặt bằng lãi suất liên tục giảm từ năm ngoái đến nay.
Vốn vào ngân hàng: Vừa nhiều vừa rẻ
Lãnh đạo nhiều ngân hàng thương mại cổ phần cho hay, năm 2020, dù nhiều kênh đầu tư nóng lên ngôi, song tiền vào ngân hàng vẫn tăng rất mạnh.
Theo ông Phạm Quang Dũng, Tổng giám đốc Vietcombank, tổng huy động vốn trên thị trường 1 đạt hơn 1 triệu tỷ đồng, tăng gần 11% so với năm 2019. Đáng lưu ý, trong cơ cấu tiền gửi của Vietcombank, vốn rẻ ngày càng lớn. Tính đến cuối năm 2020, tỷ trọng huy động vốn không kỳ hạn cuối kỳ đạt xấp xỉ 32%, tăng mạnh so với năm 2019. Trong nhóm ngân hàng thương mại nhà nước, đây là ngân hàng duy nhất tăng trưởng tín dụng cao hơn huy động vốn.
Trong khi đó, với VietinBank, ông Lê Đức Thọ, Chủ tịch HĐQT cho hay, năm 2020, dư nợ tín dụng của ngân hàng này tăng 7,7%, trong khi huy động vốn tăng tới 11%. Vốn huy động không kỳ hạn (CASA) tăng 15,5% so với năm 2019, tỷ trọng vốn rẻ trong tổng huy động vốn cũng cải thiện.
Tiền vào hệ thống nhiều, lợi thế vốn rẻ đang mở ra nhiều cơ hội cho các ngân hàng năm 2021. Trong ảnh: Kiểm đếm, tiếp nhận vốn tại Ngân hàng SEA Bank. Ảnh: Đức Thanh; Đồ hoạ: Đan Nguyễn.
Tại một số ngân hàng thương mại cổ phần, tuy huy động vốn tăng trưởng thấp hơn tốc độ tăng trưởng huy động vốn, song dấu hiệu “dư tiền” khá rõ khi chỉ số LDR (cho vay/huy động) liên tục sụt giảm. Dư tiền, các ngân hàng đẩy mạnh đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, thay vì tăng lãi suất để thu hút tiền gửi. Năm 2020, rất nhiều ngân hàng mạnh tay đầu tư trái phiếu doanh nghiệp như VPBank, Techcombank, MB, TPBank, SHB...
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tại thời điểm 21/12/2020, tín dụng toàn hệ thống tăng 10,14% trong khi huy động vốn tăng hơn nhiều: 12,87%. Đến cuối năm 2020, tín dụng tăng 12,13%, NHNN chưa công bố con số tăng trưởng huy động vốn, song theo báo cáo của nhiều tổ chức nghiên cứu, huy động vốn toàn hệ thống năm 2020 vẫn tăng trưởng cao hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng.
Các chuyên gia phân tích của FiinGroup nhận định: “Tăng trưởng tiền gửi bình quân cao hơn nhiều so với tăng trưởng tín dụng năm 2020 dẫn tới thanh khoản dồi dào, với hệ số LDR thấp hơn trong toàn ngành và lãi suất huy động giảm mạnh. Tỷ lệ LDR bình quân cũng giảm xuống mức thấp nhất so với hai năm trước”.
So với năm 2019, giá vốn trung bình năm 2020 của các ngân hàng giảm 1-1,35%, tuy nhiên, thanh khoản toàn hệ thống vẫn rất dồi dào. Tỷ lệ LDR năm 2020 chỉ còn 72-75% so với mức 87-89% năm 2019, cách khá xa trần 85% mà NHNN quy định.
Cơ hội giảm thêm lãi suất cho vay
Lợi thế vốn rẻ đang mở ra nhiều cơ hội cho các ngân hàng trong năm 2021. Lãnh đạo nhiều ngân hàng thương mại cổ phần kỳ vọng, năm 2021, các chính sách kích cầu tiêu dùng và hỗ trợ phục hồi kinh tế sẽ kích thích nhu cầu vay vốn tăng trở lại. Chính vì vậy, cùng với chỉ tiêu tăng trưởng lợi nhuận khả quan, ngành ngân hàng cũng đặt mục tiêu tăng trưởng lạc quan về lợi nhuận.
Đơn cử, VietinBank đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2021 khoảng 8 - 11%, lợi nhuận riêng lẻ và hợp nhất trước thuế tăng 10 - 20%. Vietcombank cũng đặt mục tiêu tín dụng và lợi nhuận tăng trưởng 12%... Mặc dù vậy, mức tăng trưởng này còn khiêm tốn hơn nhiều ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân.
Khách quan mà nói, năm 2020, lợi nhuận nhiều ngân hàng tăng trưởng mạnh mẽ không phải chỉ từ tín dụng. Trong bối cảnh nhu cầu tín dụng suy giảm, năm qua, đa phần các ngân hàng đều đẩy mạnh doanh thu ngoài lãi, sự phụ thuộc vào tín dụng ngày càng giảm. Tuy vậy, thực tế, các ngân hàng cũng được hưởng lợi rất lớn từ dòng vốn rẻ chảy vào ngân hàng.
Theo báo cáo của Công ty cổ phần Chứng khoán SSI, NIM (tỷ lệ lãi cận lãi biên) của các ngân hàng trong quý III/2020 cao nhất trong vòng 12 quý liên tiếp (3 năm), nguyên nhân là do lãi suất huy động giảm, CASA cải thiện.
Mặc dù vậy, các chuyên gia cho rằng, năm 2021, NIM của các ngân hàng sẽ không cải thiện nhiều do lãi suất huy động đã chạm đáy, các ngân hàng trước sức ép của Chính phủ và dư luận có thể sẽ phải giảm thêm lãi suất cho vay.
Theo Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú, mặt bằng lãi suất huy động thấp kỷ lục như hiện nay là cơ hội để ngân hàng giảm lãi vay hỗ trợ doanh nghiệp, chứ không phải để ngân hàng hưởng biên lợi nhuận cao.
Lãnh đạo NHNN cũng chỉ trích một số ngân hàng thương mại chỉ hô hào giảm lãi suất cho vay, mà không triển khai mạnh trong thực tế, một số ngân hàng vẫn giữ nguyên lãi suất cũ với các khoản vay trung, dài hạn chưa đến kỳ trả nợ khiến nhiều người dân phải đi vay với lãi cao, chênh lệch lãi suất huy động và cho vay lớn.
Số liệu thực tế trong báo cáo của Fiin Group mới đây cho thấy, lãi suất cho vay tuy giảm, nhưng tương ứng với mức giảm của lãi suất huy động, khiến ngân hàng lãi lớn.
Giảm lãi suất là ưu tiên quan trọng Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, trong chương trình thanh tra tới đây, NHNN sẽ lấy chỉ tiêu giảm lãi suất là một yếu tố đánh giá ngân hàng làm tốt hay chưa. Các ngân hàng cần chủ động xem xét lại khoản vay cũ để điều chỉnh lãi thấp hơn. Ông Tú đề nghị lãnh đạo ngân hàng xem việc giảm lãi suất là ưu tiên quan trọng phải xử lý trong đầu năm 2021. |