Có thể nói dù hiệu ứng TPP đối với thị trường chứng khoán và đặc biệt trong ngành nghề dự báo được hưởng lợi nhiều từ TPP vốn đã tạm nguội và được phản ánh qua nhiều đợt sóng kể từ năm 2015, nhưng với DN ngành Dệt may quy mô lớn, tiền vẫn đang chảy vào.
Để không bị tụt hậu khi TPP có hiệu lực, một số DN Việt Nam đã bắt đầu hình thành, hay mở rộng khâu kéo sợi của riêng mình. Các doanh nghiệp chủ chốt đang đi theo xu hướng này có thể kể đến như CTCP Sợi Thế Kỷ, Dệt Thành Công, tập đoàn Dệt May VN. Phía nước ngoài, nhiều nhà đầu tư cũng đã rót vốn đầu nhà máy quay sợi, đan và nhuộm tại VN như tập đoàn Itochu Nhật Bản, tập đoàn Viễn Đông Thế Kỷ Mới từ Đài Loan hay Tập đoàn Crystal từ Hongkong. |
Gia nhập TPP, dệt may được đánh giá là ngành hưởng lợi lớn nhất trong các nhóm ngành xuất khẩu của VN, với điều kiện đáp ứng quy tắc xuất xứ TPP từ sợi trở đi. Đó cũng là nguyên do khiến dệt may VN trong năm 2015 đã đón nhận sự dịch chuyển vốn từ các quốc gia trong khu vực và thế giới đến đầu tư, với kỳ vọng sẽ từ “bàn đạp VN” xuất khẩu đi các quốc gia. Sóng đầu tư dệt may với một thời gian dịch chuyển vốn nhanh, mạnh, dài tính bằng năm, theo đó có thể đã nguội. Nhưng đối với DN dệt may lớn, cơ hội để đầu tư góp vốn cổ phần, hưởng lợi từ triển vọng kinh doanh dài hạn của DN, vẫn được nhiều nhà đầu tư lựa chọn.
Việt Tiến: Ngôi sao sáng của Upcom
28 triệu cổ phiếu VGG của CTCP May Việt Tiến vừa niêm yết trên sàn UpCOM ngày 10/3/2016 đã được thị trường đánh giá cao và giao dịch thẳng tiến liền phiên. Với mức giá tham chiếu 40.000 đồng/cp, May Việt Tiến là một trong những DN đang có quy mô vốn điều lệ khá cao (420 tỷ đồng). Để có quy mô vốn này, ngày 5/2/2016, May Việt Tiến đã chuyển đổi 1,4 triệu trái phiếu thành cổ phiếu phổ thông với tỷ lệ 1:10, tương đương 14 triệu cổ phiếu được chuyển đổi. Vốn điều lệ của May Việt Tiến sau khi chuyển đổi tăng từ 280 tỷ đồng lên 420 tỷ đồng và công ty sẽ tiến hành đăng ký giao dịch bổ sung trên Upcom. Trước khi thực hiện chuyển đổi trái phiếu, 280 tỷ đồng vốn điều lệ của May Việt Tiến được tập trung vào 3 cổ đông lớn. Trong đó Tập đoàn Dệt may VN (Vinatex) nắm giữ 14,41 triệu cổ phần, tương ứng với 47,88% vốn điều lệ; Cty South Island Garment SDN.BHD. (Malaysia) sở hữu 3,97 triệu cổ phần, tương ứng 14,16% vốn điều lệ; Cty Tungshing Sewing Machine Co., Ltd (Hong Kong) nắm giữ 2,78 triệu cổ phần, tương ứng 9,94% vônốn ddđiều lệ. Các cổ đông khác nắm giữ 7,84 triệu cổ phần, tương ứng 28,02%.
Theo chứng khoán VCSC, sau chuyển đổi và tăng vốn điều lệ, tại VGG, Vinatex vẫn là cổ đông lớn nhất nắm giữ 47,88%, Tung Shing Sewing Machine (Hong Kong) nắm 9,94% và South Island Garment SDN.BHD nắm giữ 14,16%.
Xét về kết quả kinh doanh. năm 2015, May Việt Tiến đạt doanh thu thuần 6.408 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 331 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 17% và 6% so với năm trước đó. Với kết quả này, Việt Tiến đang được đánh giá là một trong những DN may mặc hàng đầu VN, hoạt động chủ yếu là sản xuất kinh doanh hàng may mặc và gia công các loại quần áo may sẵn. Đặc biệt VGG có lợi thế được hỗ trợ nguồn cung nguyên vật liệu từ Vinatex cùng với chiến lược đầu tư lên “thượng nguồn”, phù hợp với xu hướng phát triển của ngành dệt may trong những năm tới, với giá trị thương hiệu và sản phẩm có giá trị gia tăng cao.
Tím trần ngày chào sàn và không còn lượng dư bán, VGG đã thẳng tiến 4 phiên liên tiếp với các nấc giá mới. Tuy nhiên, đánh giá về thanh khoản vượt trội của Việt Tiến khi chào sàn, giới đầu tư vẫn cho rằng sóng đẩy giá Việt Tiến tuy mang tính cao trào, song đến điều chỉnh cũng khó giảm sâu bởi đây vẫn là DN “ăn nên làm ra” và có mức chia cổ tức cao – rất phù hợp với dòng tiền có thể “nằm im” dài hạn. Cụ thể Việt Tiến dự kiến chia cổ tức 2015 bằng tiền mặt tới 30% và sẽ trình ĐHCĐ tới đây.
Dệt may Gia Định: Cơ hội đặt một chân sở hữu cùng… Nhà nước
Thông tin từ HoSE cho hay ngày 18/03/2016, Công ty TNHH Một thành viên Dệt may Gia Định (Giditexco) đã bán đấu giá hơn 15 triệu cổ phần lần đầu ra công chúng tại Sở GDCK TPHCM (HOSE), tương đương 24,28 % vốn điều lệ sau khi cổ phần hóa với mức giá khởi điểm là 10.200 đồng/cổ phần.
Phiên đấu giá đã thu hút được sự tâm của nhiều nhà đầu tư với số lượng đặt mua cao hơn 2,9 lần số lượng chào bán. Tuy mức giá đấu thành công bình quân 10.227 đồng/ cổ phần không quá chênh so với giá khởi điểm nhưng với 100% cổ phần chào bán được mua hết, trị giá 155,8 tỷ đồng. Giditexco vẫn thể hiện vị thế của một DN đang hấp dẫn. Đáng chú ý, theo phương án cổ phần hóa, Cty sẽ có vốn điều lệ 627,39 tỷ đồng. Trong đó, nhà nước nắm giữ 49%, cổ phần bán cho nhà đầu tư chiến lược 25%, cổ phần bán đấu giá công khai 24,28%, phần còn lại bán ưu đãi cho cán bộ công nhân viên. Hiện tại, GIDITEXCO có 2 Cty con, gồm Cty TNHH MTV Dệt Sài Gòn (vốn điều lệ 89 tỷ đồng, Giditexco sở hữu 100% vốn) chuyên sản xuất dệt (nhuộm) vải kate, vải tuyn và CTCP Giày da May mặc xuất khẩu Legamex (Giditexco nắm 51% cổ phần), chuyên sản xuất hàng may mặc với thương hiệu thời trang LegaFashion. Ngoài ra, Giditexco còn có 1 Cty liên doanh là Dệt Sài Gòn – Joubo TNHH, chuyên sản xuất sợi OE, nhuộm và dệt vải jean và 11 Cty liên kết là các Cty dệt may gia công và công nghiệp hỗ trợ. Qua các đơn vị này, Dệt may Gia định cũng đang đầu tư một số dự án địa ốc.
Theo bản cáo bạch IPO, trong giai đoạn 2012 – 2014, thị trường xuất khẩu chính của Giditexco là Nhật Bản (chiếm hơn 50% tổng giá trị xuất khẩu) và thị trường Mỹ (chiếm gần 45% giá trị xuất khẩu với kim ngạch xuất khẩu năm 2014 đạt 2,683 triệu USD. Với TPP có hiệu lực, kim ngạch xuất khẩu của Giditexco dự kiến sẽ còn tăng lên. Đầu tư vào một DN đang có phương án vượt qua cả Việt Tiến quy mô vốn, đặt một chân sở hữu cùng đại diện vốn Nhà nước tại đây, vì vậy cũng được đánh là cơ hội hấp dẫn, đặc biệt đối với các nhà đầu tư chiến lược, trường vốn, có kế hoạch “làm ăn” trong chuỗi dệt may của TPP lẫn toàn cầu.
“ Những khó khăn trong TPP không nằm ở các quy định của TPP mà nằm ở năng lực cạnh tranh của DNVN và nút thắt của các ngành có thể hưởng lợi từ TPP.„
Dòng tiền phù hợp với dài hạn
Đánh giá các cơ hội đầu tư vào ngành dệt may, ông Johan Nyvene, TGĐ Chứng khoán TPHCM nói rằng về cơ bản, nếu đầu tư theo sóng thì tiền đã đổ mạnh và tạo nên những con sóng ở năm 2015. Nhiều nhà đầu tư cho rằng sẽ không còn sóng lớn ở ngành dệt may nữa. “Tuy nhiên, cơ hội đầu tư dài hạn luôn luôn còn, đặc biệt với những hàng hóa tốt, của những DN lớn, có khả năng đáp ứng các quy tắc của TPP và có thể cạnh tranh ngày càng lấn lướt trên thị trường quốc tế”, ông Johan nhấn mạnh.
Trưởng đoàn đàm phàm TPP, ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công Thương cũng chia sẻ rằng nhiều DN dệt may trên thực tế chưa thể ngay lập tức đáp ứng quy tắc “hàm lượng TPP” với xuất xứ từ sợi trở đi. “Họ sẽ cần thời gian để thay đổi. Nhưng TPP là động lực bắt buộc các DN phải thay đổi và điều đó cũng khiến DN Việt Nam sẽ thu được hàm lượng giá trị gia tăng tốt hơn trong tương lai, ít phụ thuộc vào giá hàng hóa nguyên vật liệu đầu vào trên thị trường khi đầu tư cho cả công nghiệp phụ trợ. Dệt may VN sẽ không còn nguy cơ phá sản trong một đêm nếu bỗng một ngày giá hàng hóa nguyên liệu của dệt may thế giới biến động khủng khiếp. TPP, vì vậy chính là cơ hội để ngành dệt may có những DN ngày càng lớn hơn. Cơ hội của ngành để phát triển bền vững và ổn định cũng cao hơn”.
Với cơ hội và triển vọng nêu trên, rõ ràng việc các nhà đầu tư chọn Việt Tiến, Gidimexco, hay những DN dệt may lớn là có nguyên do. Cho dù cổ phiếu ngành dệt may đã tăng 15-20% trong năm 2015 và trước mắt khó có thể tăng mạnh đột biến.
Lê Mỹ / DĐDN