Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh TP.HCM, khi tiền gửi ngoại tệ của cá nhân đến hạn, hơn 60% người gửi đã bán ngoại tệ và chuyển sang gửi bằng tiền đồng (VNĐ).
Sau khi lãi suất tiền gửi đô la Mỹ về 0% từ ngày 18.12, tiền gửi bằng USD đối với cả cá nhân và tổ chức đã có sự dịch chuyển theo hướng chuyển ngoại tệ thành tiền đồng và gửi lại vào ngân hàng.
Cụ thể, trao đổi với báo điện tử Một Thế Giới, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh TP.HCM cho biết tiền gửi ngoại tệ của cá nhân tại TP.HCM đã bắt đầu giảm.
Tháng 10.2015, huy động ngoại tệ của cá nhân giảm 1% so với tháng 9, tương đương 77.000 tỉ đồng. Đến hết tháng 2.2016, tổng huy động ngoại tệ của cá nhân chỉ còn 73.280 tỉ đồng, giảm 3,5%.
Theo ông Minh, từ tháng 10.2015 tới nay, tiền gửi bằng ngoại tệ của người dân tháng sau giảm hơn tháng trước. Riêng quý 4/2015 đã giảm 2,7% so với quý 3/2015. Nếu tính riêng tiền gửi của người dân từ tháng 10.2015 tới nay, con số này đã giảm 6,2%.
Ông Minh đánh giá đã có sự dịch chuyển khá lớn từ tiền gửi bằng đô la Mỹ sang gửi lãi suất tiền đồng.
Đáng chú ý, ông Minh nói rằng khi tiền gửi ngoại tệ của cá nhân đến hạn, hơn 60% cá nhân này đã bán ngoại tệ và chuyển sang gửi bằng tiền đồng. Phần còn lại thì đưa về sử dụng với mục đích cá nhân.
Nguyên nhân của sự dịch chuyển này do nhiều ngân hàng đang nâng lãi suất huy động của tiền đồng lên.
Số liệu được Ngân hàng Nhà nước công bố ngày 18.3 cho biết, lãi suất huy động bằng VNĐ tương đối ổn định. Có một vài ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất huy động.
Hiện tại, mặt bằng lãi suất huy động phổ biến ở mức từ 0,8-1%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng. Lãi suất từ 4,5-5,4%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng. Kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng phổ biến ở mức 5,4 - 6,5%/năm. Kỳ hạn trên 12 tháng ở mức 6,4-7,2%/năm.
Như vậy, động thái tăng lãi suất huy động ngày càng hấp dẫn cho người dân bán ngoại tệ, gửi sang tiền đồng.
“Trong năm 2016, nếu tỷ giá có tăng khoảng từ 3- 4%, thậm chí 5% thì người dân gửi tiền đồng vẫn có lợi hơn”, ông Minh nói.
Về tình trạng găm giữ ngoại tệ, thống kê của Ngân hàng Nhà nước cho thấy tình trạng găm giữ ngoại tệ diễn ra chủ yếu vào tháng 11 và 12.2015. Đối tượng găm giữ chủ yếu là doanh nghiệp là nhiều nhất.
Nguyên nhân ông Minh đưa ra là do sức ép tăng tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước của thị trường lúc bây giờ. Đồng thời, do cuối năm, các doanh nghiệp cần một khoản ngoại tệ để thanh toán tiền hàng hóa, dịch vụ nhập khẩu từ nước ngoài. Việc găm giữ trên nhằm giúp doanh nghiệp chủ động được ngoại tệ và hạn chế được rủi ro từ tỷ giá tăng. Mặc dù vậy, trong 2 tháng đầu năm, tiền gửi ngoại tệ của doanh nghiệp cũng đã giảm 1%.
Theo ông Minh, trong thời gian tới, sẽ có nhiều nguồn lực hỗ trợ nguồn cung của ngoại tệ dồi dào hơn như khách du lịch tăng lên, hàng hóa xuất khẩu làm cho các nguồn cung ngoại tệ tăng cao hơn… Thêm nữa là chính sách điều hành tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước cũng làm cho tỷ giá ổn định theo mức giảm dần, không còn căng thẳng như thời điểm cuối năm 2015.
Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ thực hiện đồng bộ các biện pháp và công cụ chính sách tiền tệ để ổn định thị trường ngoại tệ và tỷ giá trong biên độ cho phép.
Phan Diệu / motthegioi.vn