Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), thực hiện Nghị quyết số 19 của Chính phủ, trong năm 2015, ngành nông nghiệp đã triển khai nhiều công tác quan trọng. Tuy nhiên, vấn đề về cải cách thủ tục hành chính, phát triển thị trường, xúc tiến thương mại vẫn là những khó khăn chưa thể sớm giải quyết của ngành.
Ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục tái cơ cấu mạnh mẽ các lĩnh vực để nâng cao sức cạnh tranh trong năm 2016 (Ảnh: KV)
Những kết quả bước đầu
Thực hiện Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 12/3/2015 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2015-2016, Bộ NN&PTNT đã tập trung vào triển khai 6 nhóm giải pháp. Trong đó gồm: tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng xây dựng nền nông nghiệp hàng hóa lớn, tăng cường ứng dụng khoa học, nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, đẩy mạnh xã hội hóa cung cấp các dịch vụ công, cơ cấu lại đơn vị sự nghiệp công, giao quyền tự chủ và bảo đảm hoạt động theo cơ chế doanh nghiệp; thị trường và xúc tiến thương mại; thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; cải cách thủ tục hành chính.
Kết quả cụ thể, trong năm 2015, trên lĩnh vực tái cơ cấu ngành nông nghiệp, ngành đã chỉ đạo xây dựng và phê duyệt 6 Đề án tái cơ cấu các lĩnh vực và 6 kế hoạch chuyên đề thực hiện các giải pháp tái cơ cấu ngành. Đến hết năm 2015, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đã phê duyệt 24 quy hoạch phục vụ tái cơ cấu, trong đó có 17 quy hoạch trên phạm vi cả nước; 7 quy hoạch vùng, khu vực, địa bàn cụ thể.
Bên cạnh đó, với việc chủ động phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ triển khai Chương trình cho vay thí điểm theo Nghị quyết số 14/NQ-CP ngày 5/3/2014 của Chính phủ, đến nay, các ngân hàng thương mại được chỉ định tham gia chương trình đã ký hợp đồng nguyên tắc với 28 doanh nghiệp, thực hiện 32 dự án tại 22 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với số tiền ký kết trên 5.580 tỷ đồng, dư nợ cho vay đến nay đạt trên 1.200 tỷ đồng.
Thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, Bộ NN&PTNT đã và đang triển khai thực hiện cổ phần hóa 21 tổng công ty và công ty. Theo kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bộ NN&PTNT đã tiến hành cổ phần hóa sớm hơn so với kế hoạch 9 doanh nghiệp.
Trên lĩnh vực cải cách thủ tục hành chính, Bộ đã chỉ đạo xây dựng phần mềm cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho 6 thủ tục hành chính thực hiện tại 5 đơn vị thuộc Bộ với 18 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4 gồm: Cục Bảo vệ Thực vật, Cục Chăn nuôi, Cục Trồng trọt, Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản, Tổng cục Thủy sản.
Với ngành chăn nuôi, hiện nay, Bộ đang triển khai cắt giảm thời gian và chi phí thủ tục hành chính theo kế hoạch. Cụ thể, về cấp giấy phép xuất nhập khẩu giống vật nuôi, kế hoạch sau khi đơn giản thủ tục hành chính 146 triệu đồng, trước kia 183 triệu đồng, kết quả giảm được 37 triệu đồng tương ứng 20%. Thời gian cấp phép sẽ còn 12 ngày, giảm 20 ngày tương ứng 62% so với trước đây. Trên lĩnh vực bảo vệ thực vật, nhìn chung, đã giảm trên 50% các loại giấy tờ cần thiết cho thực hiện các thủ tục kiểm dịch thực vật và thuốc kiểm dịch thực vật đã được quy định trong Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật và các văn bản dưới luật so với thời điểm trước khi có Nghị quyết 19/NQ-CP.
Thực hiện tái cơ cấu ngành chưa đồng bộ
Tuy nhiên, thực hiện Nghị quyết 19/NQ-CP của Chính phủ, ngành NN&PTNT vẫn còn gặp một số khó khăn, hạn chế nhất định. Trong đó, công tác triển khai đề án tái cơ cấu các lĩnh vực của ngành nông nghiệp theo hướng xây dựng nền nông nghiệp hàng hóa lớn chưa đồng bộ và chưa kịp thời ở các địa phương. Mặt khác, việc triển khai các đề án đòi hỏi nhu cầu kinh phí rất lớn trong khi việc huy động kinh phí cho nhiệm vụ này gặp nhiều khó khăn. Việc gắn kết tái cơ cấu ngành nông nghiệp trong tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế và các ngành, lĩnh vực khác còn hạn chế.
Thêm nữa, quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước ngành nông nghiệp còn nhiều hạn chế, đặc biệt là khó thực hiện lộ trình thoái vốn đầu tư ngoài ngành của các doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp do những biến động bất lợi về giá cả thị trường nông, lâm, thủy sản. Phát triển thị trường và xúc tiến thương mại nông, lâm, thủy sản trong bối cảnh Việt Nam hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng gặp nhiều khó khăn khi các hiệp định thương mại ràng buộc chặt chẽ về chất lượng, xuất xứ hàng hóa, điều kiện kiểm dịch,…Trong khi đó, hầu hết hàng hóa nông sản của Việt Nam vẫn sản xuất ở quy mô manh mún, khó đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng khắt khe.
Về các thủ tục hành chính, mặc dù ngành nông nghiệp xác định việc cải cách các thủ tục hành chính là cần thiết nhằm cải thiện môi trường kinh doanh thông qua việc giúp người dân và doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, vật chất. Tuy nhiên, trên thực tế không dễ thực hiện trong một thời gian ngắn, sự thay đổi liên tục các văn bản luật và dưới luật cũng là yếu tố gây nhiều khó khăn cho cải cách thủ tục hành chính.
Đẩy nhanh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước
Nhằm tiếp tục thực hiện Nghị quyết 19/NQ-CP, theo Bộ NN&PTNT, trong năm 2016 ngành sẽ tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngành theo hướng xây dựng nền nông nghiệp hàng hóa lớn, tăng cường ứng dụng khoa học, nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Bên cạnh đó, đẩy nhanh tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, tiếp tục thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, hoàn thành cổ phần hóa 3 đơn vị: Tổng Công ty vật tư nông nghiệp, Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam và Tổng công ty Lương thực miền Nam. Chuẩn bị các điều kiện cần thiết để cổ phần hóa Tổng công ty cà phê Việt Nam, Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam và các công ty thành viên, Tổng công ty Lương thực miền Bắc.
Thêm vào đó, tiếp tục phối hợp với Bộ Công Thương, UBND các tỉnh có cửa khẩu để giải quyết vấn đề ùn tắc hàng hóa nông sản xuất khẩu khi vào vụ thu hoạch. Tổ chức phổ biến thông tin chi tiết cho các địa phương về Cộng đồng kinh tế ASEAN, thực hiện các cam kết trong các Hiệp định Thương mại tự do đã ký; hoàn thiện dự thảo Nghị định về chính sách khuyến khích đầu tư nước ngoài từ nguồn vốn đầu tư FDI vào lĩnh vực nông nghiệp theo quy định và trình Chính phủ ban hành.
Các đơn vị bám sát các văn bản quy phạm pháp luật để tiếp tục rà soát lại các thủ tục hành chính hiện hành. Trên cơ sở rà soát, điều chỉnh lại thủ tục hành chính theo hướng đáp ứng các tiêu chí tiết kiệm thời gian, giảm phí và lệ phí, giảm giấy tờ và giảm chi phí giao dịch./.
Bùi Thủy / dangcongsan.vn