Cùng với xu hướng tiết kiệm cao nhất thế giới, người tiêu dùng Việt Nam sẵn lòng chi trả cho các khoảng tiền lớn sau chi phí sinh hoạt thiết yếu như đi du lịch, nghỉ mát, mua sắm quần áo mới và giải trí bên ngoài...
Ảnh minh họa
Nielsen vừa ra báo cáo nghiên cứu về Chỉ số niềm tin người tiêu dùng Quý 2/2016.
Kết quả cho thấy, mặc dù có sự giảm nhẹ trong Q2/2016 nhưng mức độ tự tin của người tiêu dùng Việt Nam vẫn giữ ở mức cao, với 107 điểm - giảm 2 điểm so với quý trước), đã giúp Việt Nam đứng thứ 7 trong số các quốc gia có mức độ lạc quan cao nhất trên toàn cầu.
Về chi tiêu, báo cáo cũng chỉ ra rằng, người tiêu dùng ở khu vực Đông Nam Á vẫn là những người có xu hướng tiết kiệm cao nhất trên thế giới, với 2/3 người được hỏi (68%) cho biết họ sử dụng tiền nhàn rỗi cho những khoản tiết kiệm.
Về tiết kiệm, người Việt vẫn là những người tiêu dùng có xu hướng tiết kiệm cao nhất trên thế giới (76%), theo sau là Indonesia (70%), Philippines (65%), Malaysia & Singapore (63%) và Thái Lan (62%).
Thói quen tiết kiệm của người Việt được hình thành từ những tác động lớn của sự kiện trong quá khứ. Tuy nhiên, khi thu nhập tăng dần lên, bên cạnh việc tiết kiệm, người Việt cũng bắt đầu "chịu chi" hơn cho những hoạt động vui chơi giải trí.
Báo cáo cho biết, sau khi đã trang trải các chi phí sinh hoạt thiết yếu, khoảng 3/5 người Việt sẽ sử dụng tiền nhàn rỗi để đi du lịch, nghỉ mát (41%, tăng 5% so với quý trước), mua sắm quần áo mới (38%) và sử dụng các dịch vụ giải trí bên ngoài (37%).
"NTD Việt được biết đến như là những người có xu hướng ưu tiên tiết kiệm, và chính tâm lý này đã ảnh hưởng đến khuynh hướng chi tiêu cẩn trọng của họ, đặc biệt là chi tiêu cho các hàng hóa/nhu cầu cơ bản.” - nhận định của bà Nguyễn Hương Quỳnh, Tổng Giám đốc, Nielsen Việt Nam.
“Nhưng ngược lại, thu nhập tăng lên lại đang thúc đẩy họ mong muốn nâng cao chất lượng cuộc sống và thay đổi phong cách sống như mua sắm các sản phẩm công nghệ đời mới hoặc quần áo mới.”
Người Việt đang quan tâm điều gì?
Có đến 1/3 người Việt cho hay sức khỏe vẫn là mối quan tâm quan trọng của họ trong vòng 6 tháng tới.
Sự đảm bảo về công việc và sự ổn định của nền kinh tế tiếp tục là mối quan tâm lớn thứ 2 và thứ 3 của NTD (29% và 26%, theo thứ tự). Tiếp theo là sự ổn định của chính trị (8%) và các vấn đề liên quan đến tội phạm (8%).
Các mối quan tâm khác bao gồm sự cân bằng trong công việc và cuộc sống (21%), tăng sinh hoạt phí thiết yếu (13%) và tăng giá thực phẩm (12%) và các chính sách phúc lợi lương hưu cho bố mẹ & sự hạnh phúc (8%)...
An Nhiên
Theo Trí Thức Trẻ