Sáu cảng hàng không, trong đó có tới 5 cảng hàng không quốc tế sẽ sớm được giao cho các địa phương làm cơ quan có thẩm quyền để chủ động việc kêu gọi vốn đầu tư nâng cấp.
Chốt lộ trình nghiên cứu
Đã có thêm những bước đi cụ thể về việc đẩy nhanh tiến trình xã hội hóa đầu tư một số cảng hàng không đang do Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - CTCP (ACV) quản lý, khai thác. Cụ thể, giữa tuần trước, Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) đã có Công văn số 10016/BGTVT-KHĐT gửi Phó thủ tướng Lê Văn Thành, Tổ trưởng Tổ công tác của Chính phủ về nghiên cứu khai thác dân dụng tại sân bay Thành Sơn, Biên Hòa; nghiên cứu Đề án xã hội hóa đầu tư, khai thác một số cảng hàng không.
Đây là lần đầu tiên, Bộ GTVT - trong vai trò cơ quan thường trực gửi báo cáo kể từ khi Tổ công tác đặc biệt này được Thủ tướng Chính phủ hôm 22/9/2022. Theo đó, một trong những điểm nhấn quan trọng tại Công văn số 10016 là việc Bộ GTVT đã vạch ra kế hoạch nghiên cứu khá cụ thể cho 4 cảng hàng không nằm trong Đề án xã hội hóa đầu tư, khai thác theo phương thức PPP là Nà Sản - Sơn La, Vinh - Nghệ An, Chu Lai - Quảng Nam, Cần Thơ - TP. Cần Thơ và 2 cảng hàng không khác đang được chính quyền địa phương đề xuất nâng cấp, mở rộng là Thọ Xuân - Thanh Hóa và Liên Khương - Lâm Đồng.
Dự kiến, trình tự, tiến độ triển khai nghiên cứu sẽ trải qua 6 bước gồm: Bộ GTVT xây dựng đề cương các nội dung chính của Đề án xã hội hóa đầu tư, khai thác cảng hàng không gửi các địa phương; UBND các tỉnh, thành phố xây dựng Đề án đối với cảng hàng không trên địa bàn; đoàn công tác khảo sát hiện trạng, nghe và tham gia ý kiến Đề án; UBND các tỉnh, thành phố hoàn thiện Đề án, gửi Bộ GTVT; lấy ý kiến các thành viên Tổ công tác/các bộ, ngành; tổng hợp, báo cáo Tổ trưởng Tổ công tác.
“Thời gian triển khai nghiên cứu các đề án nâng đời các sân bay nói trên sẽ bắt đầu ngay từ ngày 5/10/2022 và hoàn thành trước ngày 15/12/2022”, ông Lê Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết.
Cần phải nói thêm, ngoại trừ Cảng hàng không Cần Thơ trong giai đoạn trước mắt chủ yếu tập trung khu nhà ga hàng hóa, phát triển khu logistics hàng không, các sân bay còn lại đều đang được các địa phương kiến nghị đầu tư mới nhà ga hành khách; kéo dài đường cất hạ cánh; bổ sung sân đỗ để có thể nâng công suất khai thác và đón các tàu bay lớn hơn.
Hiện chủ trương nâng đời các sân bay nói trên đã cơ bản được thông suốt sau khi Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 289/TB-VPCP ngày 24/9/2022 về kết luận của Phó thủ tướng Lê Văn Thành tại cuộc họp về quy hoạch, huy động vốn đầu tư một số cảng hàng không, sân bay.
Cụ thể, đối với các cảng hàng không có đề xuất xã hội hóa đầu tư, cải tạo, nâng cấp, mở rộng, Phó thủ tướng Lê Văn Thành giao UBND các tỉnh, thành phố có liên quan triển khai công tác nghiên cứu đầu tư, đánh giá hiệu quả kinh tế, kỹ thuật và khả năng huy động nguồn vốn. “Sau khi hoàn thành thủ tục, các địa phương thống nhất với Bộ GTVT để đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét, chính thức giao các địa phương là cơ quan có thẩm quyền triển khai thực hiện dự án”, Phó thủ tướng chỉ đạo.
Giao địa phương chủ động
Trong Công văn số 5113/UBNDCN về chủ trương xã hội hóa thu hút đầu tư dự án và điều chỉnh quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Vinh gửi Thủ tướng vào đầu tháng 8/2022, UBND tỉnh Nghệ An cho biết, đã nhận được đề xuất của một số nhà đầu tư đối với Dự án nhà ga hành khách T2 công suất 10 triệu hành khách/năm, đường cất hạ cánh số 2, nhà ga hàng hóa và các hạng mục phụ trợ.
Nếu được chấp thuận, các nhà đầu tư này muốn triển khai ngay trong giai đoạn 2022 - 2025 để đưa sân bay Vinh trở thành cảng hàng không dân dụng cấp 4E, cấp cao thứ hai theo phân loại của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO).
Hiện 3 vướng mắc mà UBND tỉnh Nghệ An kiến nghị lãnh đạo Chính phủ tháo gỡ là đồng ý chủ trương xã hội hóa thu hút đầu tư Dự án Mở rộng Cảng hàng không quốc tế Vinh theo phương thức PPP; giao UBND tỉnh Nghệ An làm cơ quan có thẩm quyền để triển khai thực hiện Dự án và chấp thuận điều chỉnh công suất Cảng hàng không quốc tế Vinh trong Dự thảo Quy hoạch Tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Đây cũng chính là các kiến nghị mà UBND các tỉnh, thành phố gửi Chính phủ và Bộ GTVT khi đề xuất nâng cấp các sân bay trên địa bàn.
Cần phải nói thêm, tại Đề án Định hướng huy động nguồn vốn xã hội đầu tư kết cấu hạ tầng cảng hàng không vừa được trình cấp có thẩm quyền, Cục Hàng không Việt Nam đã đề xuất chuyển giao khu bay và ACV chuyển giao các công trình hạ tầng thiết yếu của một số sân bay ở vùng sâu, vùng xa cho địa phương để chủ động huy động nguồn lực đầu tư phát triển theo hình thức PPP.
Đối với các sân bay mới, Cục Hàng không Việt Nam kiến nghị huy động nguồn vốn xã hội đầu tư toàn bộ theo hình thức PPP và giao UBND các tỉnh có quy hoạch sân bay mới là cơ quan có thẩm quyền đầu tư theo phương thức PPP chủ động huy động, cân đối nguồn lực và tổ chức thực hiện đầu tư.
Để đẩy nhanh tiến trình xã hội hóa đầu tư các cảng hàng không, Cục Hàng không Việt Nam kiến nghị Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành rà soát, nghiên cứu sửa đổi đồng bộ các quy định của pháp luật từ luật đến các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan (Luật Đất đai, Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Quản lý sử dụng tài sản công, Luật Hàng không dân dụng…) để tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho việc chuyển giao tài sản, định giá tài sản, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư kết cấu hạ tầng hàng không theo hình thức PPP.
“Bên cạnh đó, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cần sớm nghiên cứu phương án xử lý tài sản hiện hữu của ACV tại các cảng hàng không dự kiến giao các địa phương là cơ quan có thẩm quyền thực hiện đầu tư theo hình thức PPP”, lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam kiến nghị.