Khó khăn về kinh tế, đặc biệt là trong quý I/2017 đang đặt ra không ít thách thức cần xử lý trong cải cách và điều hành kinh tế.
Kịch bản dự báo kinh tế Việt Nam quý II/2017 do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) công bố hôm nay (28/4), tiếp tục đặt gánh nặng lên cách thức điều hành kinh tế.
Trong kịch bản này, tăng trưởng kinh tế quý II ước đạt 5,61%. Mặc dù cao hơn mức 5,12% của quý I/2017, song so với kỳ vọng tăng trưởng GDP 7% mỗi quý để đạt chỉ tiêu tăng trưởng GDP cả năm là 6,7%, khoảng cách còn rất lớn. Lo ngại cũng còn rất lớn khi nhìn vào sự suy giảm của khu vực công nghiệp – xây dựng, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) liên tục tăng trong quý I, dù tốc độ tăng chậm dần.
Tuy nhiên, khi phân tích các con số của quý I/2017, Báo cáo Kinh tế vĩ mô quý I/2017 của CIEM đã nhấn mạnh tới mức tăng tới 13,8% của đầu tư từ khu vực kinh tế ngoài nhà nước. Mức này cao hơn đáng kể so với tổng đầu tư toàn xã hội. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội trong quý I chỉ tăng 3,2% (nếu loại trừ yếu tố tăng giá), thấp hơn đáng kể so với cùng kỳ các năm trước. Giải ngân vốn trái phiếu chính phủ chậm, giảm tới 20,5% so với cùng kỳ. Tổng vốn FDI đăng ký đạt 7,71 tỷ USD trong quý I, tăng 91,5%, tuy nhiên, vốn thực hiện đạt hơn 3,6 tỷ USD, tăng 3,4%.
Do đó, khu vực kinh tế ngoài nhà nước đang chiếm tỷ trọng cao hơn trong tổng đầu tư (39,4% so với 37,6% cùng kỳ năm trước).
“Khu vực tư nhân - dân cư trong nước và khu vực có vốn FDI là những nguồn động lực chính dẫn dắt hoạt động đầu tư”, Báo cáo của CIEM nhấn mạnh.
Cũng phải nói thêm, đà tăng đầu tư từ hai khu vực này xuất phát từ nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh bao gồm rà soát, hoàn thiện hành lang pháp lý, tạo thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp, khuyến khích sáng tạo, thúc đẩy mạnh mẽ các hoạt động “khởi nghiệp”.
Thêm nữa, môi trường kinh tế vĩ mô ổn định và tác động “chèn lấn” từ phát hành trái phiếu chính phủ đối với tiếp cận tín dụng của khu vực tư nhân có phần giảm trong quý I cũng tạo nên sự hứng khởi của dòng vốn này.
Tuy vậy, các chuyên gia của CIEM cho rằng, công tác điều hành trong giai đoạn vừa qua vẫn bộc lộ một số nhược điểm. Theo đó, khuyến nghị lớn nhất mà các chuyên gia CIEM đưa ra trong Báo cáo kinh tế vĩ mô quý I là đổi mới công tác điều hành.
Cụ thể, chuyển trọng tâm điều hành hướng vào tăng năng suất để tăng trưởng, tăng thịnh vượng và phúc lợi xã hội.
Tạo hệ thống động lực, cung cấp các dịch vụ công chất lượng, giá rẻ cần thiết cho sự phát triển năng lực người dân và bảo đảm điều kiện cho việc làm ăn của các doanh nghiệp, tạo sự cạnh tranh lành mạnh giữa các chủ thể trong nền kinh tế.
Thay đổi cách thức làm việc hay thực thi, chuyển dần từ ban hành nghị quyết theo hướng điều hành sang các nghị quyết mang tính chuyên đề.
Thay đổi hệ thống chỉ tiêu hướng đến chỉ tiêu chất lượng; điều hành gắn chặt hơn vào cải thiện môi trường kinh doanh, cải thiện chất lượng, dịch vụ phục vụ nhân dân, doanh nghiệp ở cấp địa phương.
Xây dựng khuôn khổ thể chế cần thiết cho quyền tự do kinh doanh, quyền tự do tài sản, quyền tự do khế ước, tăng cường sự minh bạch và tính giải trình.
“Những kết quả đạt được trong công tác điều hành phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2016 rất đáng ghi nhận, đánh dấu khởi đầu tốt đẹp cho Chính phủ mới. Tuy nhiên, dư địa để cải thiện công tác điều hành vẫn còn khá nhiều. Quá trình thay đổi cơ chế điều hành hướng tới xây dựng một Nhà nước kiến tạo còn nhiều chông gai, đòi hỏi bản lĩnh và quyết tâm chính trị của cả bộ máy, một đường hướng chiến lược mạch lạc, bài bản để từng bước tạo ra sự chuyển mình“, các chuyên gia CIEM nhận định.
Khánh Linh / baodautu