Tín dụng bỗng dưng tăng vọt trong gần 2 tuần cuối của tháng 3. Mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay dự kiến nằm trong khoảng 11-14%.
Tín dụng vẫn dự kiến tăng trưởng trong khoảng 11-14%. Ảnh: TTXVN.
Theo báo cáo trong Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương ngày 10-4, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cho biết tính đến 31-3, tín dụng toàn nền kinh tế và hệ thống ngân hàng tăng 1,3% so với đầu năm.
Trong khi đó, số liệu của Tổng cục Thống kê trước đó cho thấy tính đến thời điểm 20-3, tín dụng trong nền kinh tế mới chỉ tăng 0,68%. Như vậy chỉ trong vòng 11 ngày, một lượng lớn dòng vốn đã đổ vào nền kinh tế.
“Đây là tín hiệu tương đối khả quan vì tín dụng hầu như không tăng trong 2 tháng đầu năm, đến tháng 3 đã có bước tăng trưởng như vậy khá là tích cực”, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng nhận định.
Theo lãnh đạo NHNN, trong năm nay dự kiến tín dụng tăng thêm khoảng từ 900.000 tỉ đồng cho đến 1,1 triệu tỉ đồng, tức mức tăng dự báo nằm trong khoảng 11-14%.
“Trong bất cứ tình huống nào, NHNN cũng sẽ điều hành hoạt động ngân hàng để đảm bảo cung ứng đầy đủ vốn cho nền kinh tế, kể cả trong giai đoạn phòng chống dịch cũng như phục hồi sau dịch với mức lãi suất cho vay thấp hơn”, Thống đốc cho biết.
Để đối phó với các tác động tiêu cực của dịch bệnh, trong thời gian qua, NHNN đã đưa ra nhiều giải pháp và ban hành nhiều quy định.Về lãi suất, từ cuối năm 2019, và đặc biệt từ tháng 3-2020, NHNN đã điều chỉnh giảm các lãi suất điều hành ở mức giảm khá mạnh từ 0,5 – 1% các mức lãi suất điều hành. Bên cạnh việc tập trung đáp ứng vốn tín dụng cho người vay vốn, NHNN còn chủ động thực hiện một số các biện pháp ngay để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, đặc biệt là việc ban hành Thông tư số 01, là thông tư hỗ trợ các nhà băng tái cấu trúc các khoản nợ của khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19.
Báo cáo của Công ty chứng khoán SSI trước đó thống kê ở một số ngân hàng cho thấy thực trạng khác nhau về tăng trưởng tín dụng ở nhiều ngân hàng. Chẳng hạn 3 ngân hàng thương mại quốc doanh (Vietcombank, BIDV, Vietinbank) và MB hay ACB đều tăng trưởng tín dụng chậm lại. “Điều này có thể xuất phát từ việc những ngân hàng này thận trọng hơn khi giải ngân mới nhằm hạn chế rủi ro tín dụng trong tương lai”, báo cáo của SSI bình luận.
Tuy nhiên một số ngân hàng thì lại có mức tăng trưởng rất cao. Chẳng hạn như VPBank (lên đến 4,8% tính đến hết tháng 2-2020), HDBank (5% tính đến tháng 2) và TPBank (9% tính đến hết tháng 3). “VPBank và TPBank đặc biệt tích cực trong việc mua trái phiếu doanh nghiệp. Còn đối với HDBank, mức tăng trưởng tín dụng khá cao là nhờ các thỏa thuận cho vay với một số khách hàng doanh nghiệp, đã được ký trước đó vào cuối năm 2019”, báo cáo SSI đánh giá.
Bắt đầu từ tuần thứ 2 của tháng 2, khi dịch Covid-19 bắt đầu diễn biến phức tạp, các ngân hàng lần lượt công bố các gói cho vay ưu đãi, với quy mô 250.000 tỉ đồng cùng cam kết lãi suất thấp hơn so với thời điểm bình thường trước khi dịch bệnh diễn biến phức tạp hơn, từ 1-2%/năm. Tuy nhiên, cũng có nhiều doanh nghiệp phản ánh rằng thị trường vẫn khó tiếp cận các gói vay ưu đãi từ phía nhà băng.