8 tháng năm 2016, nền kinh tế tiếp tục đà phục hồi và phát triển, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, an ninh chính trị và trật tự xã hội được bảo đảm.
1. Về phát triển các ngành lĩnh vực
- Sản xuất nông nghiệp trong tháng 8 tập trung chủ yếu vào công tác gieo cấy, chăm sóc lúa mùa, lúa thu đông đồng bằng sông Cửu Long, thu hoạch lúa và hoa màu vụ hè thu. Diện tích gieo cấy lúa mùa cả nước giảm nhưng diện tích lúa thu đông vùng Đồng bằng sông Cửu Long tăng 10% so với cùng kỳ, hiện đang phát triển khá tốt. Chăn nuôi gia súc, gia cầm tiếp tục phát triển ổn định. Sản lượng thủy sản 8 tháng đầu năm ước tăng 2%. Diện tích trồng rừng tập trung 8 tháng ước giảm 2,2% so với cùng kỳ, trong khi đó diện tích rừng bị thiệt hại gấp 2,5 lần cùng kỳ.
- Chỉ số sản xuất công nghiệp 8 tháng đầu năm tăng 6,9% so với cùng kỳ, thấp hơn nhiều mức tăng 9,8% cùng kỳ, chủ yếu do ngành khai khoáng giảm 3,8%. Các ngành công nghiệp khác đều tăng cao hơn hoặc xấp xỉ mức tăng cùng kỳ.
- Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 8 tháng đầu năm tăng 9,3% so với cùng kỳ, thấp hơn mức tăng 10,5% cùng kỳ. Tổng lượng khách quốc tế 8 tháng đầu năm ước đạt 6,45 triệu lượt khách, tăng 25,4% so với cùng kỳ.
2. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) ít biến động, tháng 8 chỉ tăng 0,1% so với tháng trước, tăng 2,58% so với tháng 12/2015 và tăng 2,57% so với cùng kỳ. CPI bình quân 8 tháng tăng 1,91% so với bình quân cùng kỳ.
3. Về xuất nhập khẩu: xuất khẩu tiếp tục tăng trưởng nhưng tốc độ tăng thấp hơn cùng kỳ. Tổng kim ngạch xuất khẩu 8 tháng đầu năm ước tăng 5,5% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 9,2%). Tổng kim ngạch nhập khẩu 8 tháng đầu năm ước giảm 0,3% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 16,4%). Xuất siêu 8 tháng bằng 2,2% tổng kim ngạch xuất khẩu.
4. Về tiền tệ, tín dụng và thị trường chứng khoán: đến ngày 22/8/2016, tín dụng đối với nền kinh tế tăng 9,07% so với đầu năm.
5. Về thu chi ngân sách nhà nước: tổng thu ngân sách nhà nước đến 15/8/2016 đạt 603,7 nghìn tỷ đồng, bằng 59,5% dự toán (cùng kỳ đạt 63,5%). Tổng chi ngân sách nhà nước đến ngày 15/8/2016 ước đạt 56,2% dự toán.
6. Về đầu tư phát triển: tổng vốn FDI đăng ký trong 8 tháng đầu năm ước đạt 14,37 tỷ USD, tăng 7,7% so với cùng kỳ. Tổng vốn FDI thực hiện 8 tháng ước đạt 9,8 tỷ USD, tăng 8,9%. Tổng số vốn ODA và vốn vay ưu đãi giải ngân trong 8 tháng đầu năm đạt khoảng 2,47 tỷ USD.
7. Về lao động việc làm và an sinh xã hội: Trong 8 tháng đầu năm, có khoảng 971.000 lao động được giải quyết việc làm trong nước, đạt 64,7% kế hoạch, giảm 2,3% so với cùng kỳ năm 2015. Các chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp tiếp tục được triển khai. Lĩnh vực an sinh xã hội và phúc lợi xã hội tiếp tục được quan tâm. Các chế độ, chính sách ưu đãi đối với gia đình chính sách, người có công tiếp tục được triển khai đồng bộ. Chính sách trợ giúp pháp lý cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện nghèo, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn được ban hành.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá, trong bối cảnh kinh tế thế giới phục hồi chậm và nhiều rủi ro, trong nước chịu ảnh hưởng nặng nề bởi thiên tai, bão lũ và nhiều sự cố khó lường, nhưng tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục đạt được nhiều kết quả. Nền kinh tế tiếp tục đà phục hồi và phát triển. Lạm phát được kiểm soát ở mức thấp. Các cân đối lớn về tài chính, tiền tệ, tín dụng cơ bản được bảo đảm. Thanh khoản của hệ thống ngân hàng dồi dào, mặt bằng lãi suất tiếp tục duy trì được sự ổn định; lãi suất cho vay có xu hướng giảm. Tỷ giá ổn định, dự trữ ngoại hối tăng. Thị trường chứng khoán có sự chuyển biến tích cực, chỉ số chứng khoản đạt mức cao nhất trong nhiều năm qua. Xuất khẩu hàng nông, lâm, thủy sản tăng khá. Cân bằng được xuất nhập khẩu và tiếp tục có xuất siêu. Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng cao. Khách du lịch quốc tế đạt khá. Giáo dục và đào tạo được quan tâm chỉ đạo. Các lĩnh vực lao động, việc làm, an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân và các lĩnh vực xã hội khác được quan tâm và đạt nhiều kết quả tích cực. An ninh chính trị và trật tự xã hội được bảo đảm. Công tác đổi ngoại đạt nhiều kết quả tích cực.
Tuy nhiên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho rằng, hoạt động của doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn. Xuất khẩu chưa có nhiều cải thiện, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến tăng thấp, xuất khẩu vào khu vực ASEAN giảm mạnh. Buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng chưa được xử lý triệt để. Thất nghiệp, thiếu việc làm vẫn đang là vấn đề xã hội bức xúc; chất lượng nguồn nhân lực thấp; kết quả ứng dụng khoa học - công nghệ còn nhiều hạn chế. Công tác nắm tình hình, phát hiện, xử lỷ vi phạm về môi trường chưa kịp thời. Diện tích rừng bị thiệt hại còn lớn. Đời sổng nhân dân ở các vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu sổ và vùng bị thiên tai, bão lũ, hạn hán, xâm nhập mặn vùng bị ô nhiễm môi trường, vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn.
Thanh Huyền / baodautu.vn