Bước vào thực hiện nhiệm vụ năm 2014, kinh tế trong nước vẫn còn nhiều khó khăn, nguy cơ bất ổn kinh tế vĩ mô còn lớn; nợ xấu vẫn còn cao; hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp còn nhiều khó khăn, tăng trưởng chậm, hàng tồn kho lớn, nhiều doanh nghiệp phải ngừng hoạt động, giải thể hoặc phá sản; việc làm của người lao động bấp bênh dẫn đến thu nhập giảm sút… Bên cạnh đó, thời tiết diễn biến bất lợi, rét đậm, rét hại đầu năm, khô hạn kéo dài, lũ lụt trên diện rộng, dịch bệnh tái phát làm ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất và đời sống nhân dân.
Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, giám sát của Hội đồng nhân dân tỉnh, sự quản lý, điều hành tích cực của Uỷ ban nhân dân tỉnh, cùng với sự nỗ lực của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp và nhân dân các dân tộc trong tỉnh, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục có bước phát triển và đạt kết quả quan trọng, cụ thể như sau:
I. KẾT QUẢ THỰC HIỆN CÁC CHỈ TIÊU CHỦ YẾU
1. Chỉ tiêu kinh tế
- Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP):
+ GRDP tính theo cách tính cũ ước tăng 8,2%. Trong đó: Nông, lâm, ngư nghiệp tăng 3,5%; công nghiệp xây dựng tăng 7,9%; dịch vụ tăng 11,5%.
+ GRDP tính theo phương pháp mới ước tăng 5,8%. Trong đó: Nông, lâm, ngư nghiệp 3,1%; công nghiệp- xây dựng 6,1 %, dịch vụ 6,9%.
- GRDP bình quân đầu người ước đạt 19,3 triệu đồng/KH 19,6 triệu đồng (bằng 98% KH).
- Tổng sản lượng lương thực có hạt ước đạt 250 ngàn tấn, đạt 100% KH; giá trị sản xuất nông nghiệp đạt trên 34 triệu đồng/ha, đạt kế hoạch đề ra.
- Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu qua địa bàn ước đạt 630 triệu USD/KH 560 triệu USD, bằng 112,%KH.
- Tổng thu ngân sách trên địa bàn ước đạt 1.127 tỷ đồng, đạt 102,4% so với dự toán HĐND tỉnh giao, trong đó:
+ Thu nội địa: 962 tỷ đồng, đạt 102,8% kế hoạch.
+ Thu thuế xuất nhập khẩu: 165 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch.
- Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 7.100 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch.
2. Chỉ tiêu xã hội và môi trường:
- 75% số xã, phường, thị trấn đạt phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 05 tuổi (Đạt kế hoạch).
- Mỗi huyện, thành phố tăng thêm ít nhất 01 trường chuẩn quốc gia trở lên (Đạt kế hoạch).
- Giảm tỷ suất sinh đạt 0,15%o, tỷ lệ tăng dân số tự nhiên 0,91%, đạt KH.
- Tỷ lệ bác sỹ/vạn dân ước đạt 8,5 bác sỹ/ vạn dân (Đạt KH); tỷ lệ trạm y tế xã có bác sỹ 78% (đạt KH); số xã đạt bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã tăng thêm 12 xã (KH tăng 15 xã); xây dựng được 06 trạm y tế xã đạt chuẩn quốc gia (Vượt KH, KH 5 trạm).
- Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng dưới 20,7%, bằng 95% kế hoạch (KH 19,3%).
- Tỷ lệ đạt danh hiệu "Gia đình văn hóa" ước đạt 78% (Đạt KH); danh hiệu "Tổ, xóm văn hóa" ước đạt 48% (Đạt KH); cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa ước đạt 89% (Đạt KH); số đơn vị cơ sở có nhà văn hoá đạt 65% (Vượt KH, KH 64%).
- Giảm tỷ lệ hộ nghèo đạt trên 4%/KH (đạt KH).
- Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 32,8% (Đạt KH), trong đó đào tạo nghề 24,5% (Đạt KH); tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị 4,7% (Đạt KH).
- Tỷ lệ che phủ rừng đạt 50,7%. Không đạt theo kế hoạch (kế hoạch 52%).
- Tỷ lệ dân cư thành thị được dùng nước sạch đạt 83% (Đạt KH); tỷ lệ dân cư nông thôn được dùng nước hợp vệ sinh đạt 84,8% (Đạt KH).
II. KẾT QUẢ THỰC HIỆN TRÊN TỪNG LĨNH VỰC
1. Sản xuất nông, lâm nghiệp
Năm 2014, sản xuất nông nghiệp những tháng đầu năm gặp nhiều khó khăn do thời tiết bất lợi, xảy ra nhiều đợt thiên tai rét đậm, rét hại kéo dài, mưa đá trên diện rộng, mưa to, tố lốc,..đã gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông, lâm nghiệp. Song, với sự chỉ đạo sát sao của tỉnh, sự nỗ lực của các cấp, các ngành, cùng với sự cố gắng của người dân, sản xuất nông nghiệp đã đạt được kết quả như sau (có biểu chi tiết kèm theo):
Các mục tiêu hoàn thành, hoàn thành vượt mức là: Tổng sản lượng lương thực ước đạt 251 tấn, đạt 102,4% kế hoạch, trong đó thóc 123.950 tấn, đạt 102% kế hoạch, ngô 127.017 tấn, đạt 102,8% kế hoạch; diện tích mía nguyên liệu 3.333,6 ha, đạt 104,5% kế hoạch; sản lượng lạc 2.540,9 tấn đạt 101,6% kế hoạch; giá trị sản xuất nông nghiệp 34 triệu đồng/ha, đạt 103% kế hoạch; tỷ lệ cấp nước sinh hoạt cho hộ dân nông thôn 84,8 %, đạt 100% kế hoạch; diện tích bảo vệ rừng 34.979 ha, đạt 100% kế hoạch.
Các chỉ tiêu không đạt kế hoạch gồm: Giá trị sản suất ngành Nông - Lâm- Ngư nghiệp (giá cố định 2010) ước 3.411,6 đồng, đạt 99,4% kế hoạch; sản lượng thuốc lá 7.936 tấn, đạt 95,76% kế hoạch; tỷ lệ độ che phủ rừng 50,7 đạt 97,3% kế hoạch; trồng rừng tập trung ước 1.525 ha, đạt 73,2% kế hoạch (trong đó rừng phòng hộ và rừng đặc dụng 362 ha, đạt 75,4% kế hoạch, rừng sản xuất 1.163 ha, đạt 72,5% kế hoạch); khoanh nuôi tái sinh rừng 7.888 ha, đạt 76,8% kế hoạch.
Công tác phòng chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm được thực hiện khá tốt, trong năm không xảy ra phát sinh lớn về dịch bệnh. Công tác phòng chống đói, rét vụ đông cho gia súc đã được chủ động từ đầu vụ, nên số gia súc chết do rét hại giảm rõ rệt so với các năm trước (chết khoảng 820 con). Tuy nhiện, tổng đàn gia súc, gia cầm tăng chậm: đàn trâu ước đạt 99.574 con, đạt 97,2% kế hoạch, tăng 2,2% so với năm 2013; đàn bò ước 125.602 con, đạt 96,8% kế hoạch, bằng 104,8% so với năm 2013; đàn lợn ước 384.534 con, đạt 92,9% kế hoạch, tăng 0,87% so với năm 2013; đàn gia cầm ước 2,35/2,4 triệu con, đạt 97,9% kế hoạch, tăng 3,8% so với năm 2013.
Công tác bảo vệ và phát triển rừng có những bước chuyển biến so với năm trước, các chủ đầu tư, ban quản lý dự án Bảo vệ và Phát triển rừng đã chủ động về giống, rà soát hiện trường, thiết kế,... kiểm lâm tăng cường lực lượng xuống các cơ sở, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân về bảo vệ phòng chống cháy rừng rừng. Đã hoàn thành việc chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng 3 năm (2011, 2012, 2013) cho các chủ rừng tại 3 huyện Bảo Lạc, Bảo Lâm và Nguyên Bình (tổng số là 8.476 triệu đồng). Tuy nhiên, kết quả trồng rừng mới vẫn còn thấp, số vụ vi phạm trong lĩnh vực quản lý bảo vệ rừng còn nhiều, đã xử lý trên 180 vụ (tăng 30 so với năm 2013), tổng số tiền phạt và bán lâm sản tịch thu nộp ngân sách trên 1.850 triệu đồng.
Công tác dịch vụ phục vụ cho sản xuất được kịp thời, trong năm đã cung ứng 12.000 tấn phân bón; 236,85 tấn giống các loại; 1.080 con lợn nái hậu bị Móng Cái; 700 nghìn con cá giống các loại; 17,5 tấn thuốc bảo vệ thực vật. Triển khai thực hiện tốt công tác khuyến lâm, khuyến lâm, khuyến ngư từ các nguồn vốn hỗ trợ... Các công trình thủy nông đã phục vụ tưới cho 32.249,6 ha, trong đó: tưới cho lúa 26.739,3 ha, tưới cho cây màu 4.936 ha, tưới cho cây công nghiệp ngắn ngày 574,3 ha.
Chương trình xây dựng nông thôn mới năm 2014: đã phê duyệt quy hoạch được 23 xã, nâng tổng số xã đã phê duyệt đồ án quy hoạch toàn tỉnh lên 156/177 xã; phê duyệt đề án xây dựng nông thôn mới được 47 xã, nâng tổng số xã được phê duyệt đề án lên 103/177 xã. Tổ chức được 6 lớp đào tạo cán bộ làm công tác xây dựng nông thôn mới cho 300 cán bộ cấp xã. Tổ chức tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới được 12 lớp với 500 người tham gia. Kết quả đánh giá theo Bộ tiêu chí đến cuối năm 2014, chưa có xã nào đạt từ 15 tiêu chí trở lên; 11 xã đạt từ 10-14 tiêu chí; 70 xã đạt 5-9 tiêu chí; 96 xã đạt từ 1-4 tiêu chí.
Trong năm đã xảy ra 14 đợt thiên tai: tố lốc, mưa đá, lũ lụt,..gây thiệt hại lớn về người và tài sản, làm chết 08 người, hơn chục người bị thương; làm hư hỏng 9.741 ngôi nhà dân, 37 điểm trường học, 22 nhà cơ quan và nhà văn hóa xóm; diện tích lúa màu bị hư hại 5.060 ha; công trình giao thông bị sạt lở 73.175m3, làm trôi 22 cầu nhỏ, cầu tạm; 22 công trình thủy lợi, thủy điện bị hư hỏng,... tổng giá thiệt hại trên 143 tỷ đồng. UBND tỉnh đã kịp thời chỉ đạo, hỗ trợ các địa phương đã nhanh chóng triển khai khắc phục hậu quả, sớm ổn định sản xuất và đời sống cho nhân dân.
2. Sản xuất công nghiệp
Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2014 (giá so sánh năm 2010) ước đạt 1.993,6 tỷ đồng, bằng 91,8% kế hoạch năm, tăng 9,9% so với năm 2013. Giá trị gia tăng sản xuất công nghiệp năm 2014 (giá so sánh năm 2010) ước đạt 770,4 tỷ đồng, tăng 10,8% so với năm 2013.
Năm 2014, mặc dù nền kinh tế có dấu hiệu phục hồi, nhưng hoạt động sản xuất kinh doanh lĩnh vực công nghiệp của các thành phần kinh tế trên địa bàn tỉnh vẫn còn gặp khó khăn: một số yếu tố chi phí đầu vào sản xuất tăng, biến động thị trường sức mua giảm, sản phẩm tiêu thụ chậm, thiếu nguyên liệu sản xuất,... đã làm cho một số đơn vị sản xuất công nghiệp chưa phát huy được năng lực sản xuất, sản xuất cầm chừng hoặc phải tạm dừng sản xuất, công nhân thu nhập thấp, thiếu việc làm, hiệu quả sản xuất kinh doanh đạt thấp. Một số doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh tương đối ổn định như: Công ty TNHH một thành viên cấp nước Cao Bằng, Công ty cổ phần In Việt Lập, Công ty cổ phần Chế biến trúc tre xuất khẩu Cao Bằng, Công ty cổ phần Mía đường Cao Bằng, Công ty Điện lực Cao Bằng, Công ty cổ phần Khoáng sản Tây Giang, Công ty cổ phần Thủy điện và luyện kim Cao Bằng, Công ty cổ phần Gốm xây dựng Nam Phong. Bên cạnh đó, vẫn còn một số doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn, hiệu quả sản xuất kinh doanh đạt thấp, do không phát huy được năng lực sản xuất, sản xuất cầm chừng hoặc trong năm chưa tổ chức được sản xuất,...; các nhà máy thủy điện mùa khô cũng không phát huy được công suất thiết bị như nhà máy thủy điện Bản Rạ-Trùng Khánh.
Hoạt động công nghiệp tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh chủ yếu thuộc các thành phần kinh tế tư nhân, hộ cá thể, HTX, quy mô sản xuất còn nhỏ, thiết bị công nghệ còn lạc hậu, chưa có nhiều sản phẩm có giá trị lớn, sản phẩm sản xuất chủ yếu là chế biến nông lâm sản, thực phẩm, khai thác đá, cát, sỏi; do vậy, giá trị sản xuất công nghiệp tiểu thủ công nghiệp đạt thấp. Dự án phát triển công nghiệp tiến độ triển khai chậm so với kế hoạch đề ra như: Dự án Khu liên hợp gang thép Chu Trinh, thành phố Cao Bằng và Dự án Khai thác mỏ sắt Nà Rụa (Công ty cổ phần Gang thép Cao Bằng), Dự án khai thác mỏ chì - kẽm Bản Bó (Công ty Cổ phần Khoáng sản Bảo Lâm),... tiến độ triển khai còn chậm so với kế hoạch đề ra.
3. Thương mại, dịch vụ
Hoạt động lưu thông hàng hoá trên địa bàn tỉnh cơ bản thuận lợi, cung cầu đảm bảo, hàng hoá trên thị trường phong phú, đáp ứng nhu cầu sản xuất và đời sống nhân dân, đặc biệt là nhân dân vùng sâu, vùng xa. Hệ thống thương mại dịch vụ tiếp tục được mở rộng; mạng lưới chợ, chợ trung tâm cụm xã vùng sâu, vùng xa được quan tâm đầu tư xây dựng, tạo điều kiện cho nhân dân giao lưu hàng hoá, tiêu thụ sản phẩm thuận lợi, góp phần nâng cao thu nhập và đời sống của nhân dân trên địa bàn. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ ước đạt 6.039 tỷ đồng, bằng 90% kế hoạch, bằng 96,8% so với năm 2013 ( giảm 3,2% ).
UBND tỉnh đã trích Quỹ dự trữ tài chính 10 tỷ đồng để thực hiện dự trữ hàng hóa bình ổn giá phục vụ Tết Nguyên đán và giao cho Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Cao Bằng thực hiện. Chỉ đạo các sở, ban, ngành và các huyện, thành phố tổ chức Hội chợ Thư¬ơng mại tạo cơ hội cho các nhà đầu tư¬, các doanh nghiệp trong giao lư¬u gặp gỡ, liên doanh liên kết, tìm kiếm mở rộng thị trư¬ờng; tạo điều kiện cho doanh nghiệp tăng cường quảng bá, giới thiệu sản phẩm để đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, tìm kiếm mở rộng thị trường thông qua việc tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đem sản phẩm tham gia hội chợ trong và ngoài tỉnh. Trong năm 2014 đã tổ chức hội chợ thương mại tại các huyện trên địa bàn tỉnh như: Hội chợ thương mại tại huyện Hà Quảng, Phục Hòa, Hòa An, Hạ Lang, Quảng Uyên, Thông Nông. Tham gia gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm hàng hóa của Cao Bằng tại hội chợ thương mại Hùng Vương, Hội chợ hàng Việt Nam Thành phố Hà Nội, tham gia hội chợ triển lãm hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực phía bắc năm 2014 tại tỉnh Yên Bái. Triển khai thực hiện cuộc vận động " Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam"; tổ chức 04 phiên bán hàng việt tại các huyện Bảo lạc, Bảo Lâm, Hạ Lang, Thạch An.
Triển khai thực hiện Chương trình phát triển kinh tế cửa khẩu (một trong 05 chương trình trọng tâm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Cao Bằng lần thứ XVII về phát triển kinh tế - xã hội), Ủy ban nhân dân tỉnh đã xây dựng Đề án thành lập khu kinh tế cửa khẩu tỉnh Cao Bằng, trên cơ sở hợp nhất 03 khu kinh tế cửa khẩu hiện có (Tà Lùng, Trà Lĩnh và Sóc Giang) trình các Bộ, ngành xem xét, thẩm định để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 20/2014/QĐ-TTg ngày 11/03/2014; xây dựng và thực hiện cơ chế chính sách, tạo môi trường thuận lợi, thông thoáng cho các hoạt động đầu tư, hoạt động thương mại, xuất nhập khẩu tại các khu kinh tế cửa khẩu; Quy chế quản lý xuất nhập khẩu hàng hóa trên địa bàn tỉnh...; ban hành hệ thống cơ chế chính sách tạm nhập tái xuất thí điểm tại lối mở Nà Lạn, xã Đức Long, huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng; thực hiện tốt công tác đối ngoại giữa tỉnh Cao Bằng -Việt Nam và Khu tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây - Trung Quốc, đẩy mạnh quan hệ hợp tác trên các lĩnh vực nhằm phát triển kinh tế xã hội của tỉnh và kinh tế cửa khẩu; huy động các nguồn lực để tập trung đầu tư phát triển hạ tầng các khu kinh tế cửa khẩu; xây dựng quy chế phối hợp quản lý nhà nước trong khu kinh tế cửa khẩu và khu công nghiệp.
Trong những năm qua, hoạt động xuất nhập khẩu, thu ngân sách qua các khu kinh tế cửa khẩu của tỉnh liên tục tăng qua các năm. Đến nay, đã thu hút được 33 dự án đầu tư, trong đó: 08 dự án có vốn đầu tư nước ngoài, với tổng vốn đầu tư đăng ký: 23.805.000 USD và 25 dự án đầu tư trong nước, với tổng vốn đăng ký: 1.996,824 tỷ đồng; có 11 dự án đã hoàn thành đi vào khai thác hoạt động. Hoạt động xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh tăng cả về số lượng và kim ngạch so với năm 2013, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu qua địa bàn năm 2014 ước đạt 630 triệu USD/KH 560 triệu USD, bằng 112,% KH, trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt 418 triệu USD, bằng 130,6% KH, kim ngạch nhập khẩu đạt 212 triệu USD, bằng 88,3% KH (năm 2013 là 509,86 triệu USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu là 159,5 triệu USD, kim ngạch nhập khẩu là 350,3 triệu USD).
Công tác kiểm tra niêm yết giá và bán theo giá niêm yết được thực hiện tương đối tốt. Tuy nhiên tại một số cơ sở kinh doanh có qui mô nhỏ, kinh doanh các mặt hàng giá thường không ổn định, các đối tượng bán hàng rong việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết chưa được thực hiện nghiêm túc còn mang tính đối phó. Công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả được triển khai thực hiện thường xuyên, tuy nhiên vẫn xảy ra một số vi phạm. Trong năm 2014, lực lượng chức năng thực hiện kiểm tra 697 vụ; phát hiện số vụ vi phạm, xử lý 184. Số tiền thu trong kỳ 890,9 triệu đồng; số thu nộp ngân sách 890,9 triệu đồng.
Dịch vụ vận tải hành khách (HK) và hàng hóa cơ bản đáp ứng được nhu cầu của nhân dân, chất lượng phục vụ ngày càng được nâng cao. Năm 2014, vận tải hành khách ước đạt 1.100.000 lượt HK, tương đương 236.500.000 HK/Km. Toàn tỉnh hiện có 08 đơn vị tham gia vận tải hành khách hoạt động trên 40 tuyến (26 tuyến vận tải hành khách liên tỉnh, 14 tuyến nội tỉnh) với tổng số 249 xe chạy tuyến cố định; 05 đơn vị kinh doanh xe taxi với 105 xe; 01 đơn vị kinh doanh xe buýt với 16 xe hoạt động trên 3 tuyến.
4. Quy hoạch, kế hoạch, Đầu tư, xây dựng cơ bản, đăng ký kinh doanh
Công tác quy hoạch tiếp tục được quan tâm chỉ đạo, thực hiện. Ủy ban nhân dân tỉnh đã có văn bản công bố Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Cao Bằng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2024, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 512/QĐ-TTg ngày 11 tháng 4 năm 2014; tổ chức lập quy hoạch rà soát bố trí dân cư các vùng thiên tai, vùng đặc biệt khó khăn giai đoạn 2012-2015 và đến năm 2020, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch nông, lâm nghiệp giai đoạn 2013-2015, định hướng đến năm 2020; Xây dựng Đề án phát triển kinh tế xã hội gắn với bảo vệ an ninh chính trị, an toàn xã hội trên địa bàn huyện Bảo Lâm giai đoạn 2015 – 2025 xin ý kiến các Bộ, ngành Trung ương. Đã hoàn chỉnh hồ sơ các xã an toàn khu và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 988/QĐ-TTg ngày 18/06/2014; xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và vốn đầu tư năm 2015 tỉnh Cao Bằng, đã thông qua Bộ Kế hoạch và Đầu tư; chỉ đạo xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm và kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm tỉnh Cao Bằng giai đoạn 2016 - 2020. Ủy ban nhân dân tỉnh đã giao chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2014 cho cho các Sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, các đơn vị căn cứ nhiệm vụ được giao đã khẩn trương tổ chức thực hiện.
Công tác lập và quản lý quy hoạch trong thời gian qua luôn được quan tâm chỉ đạo và đã có những chuyển biến tích cực, chất lượng các đồ án quy hoạch ngày một nâng cao, cơ bản đáp ứng được mục tiêu, yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội địa phương, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; làm cơ sở cho công tác quản lý quy hoạch, trật tự đô thị và xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật, các công trình kiến trúc một cách đồng bộ, có kế hoạch. Tổ chức kiểm tra, thanh tra theo kế hoạch về hoạt động xây dựng trên địa bàn tỉnh; xây dựng Đề án chương trình phát triển nhà ở tỉnh Cao Bằng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; triển khai thực hiện hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở theo Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg.
UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án trọng điểm như: Đường phía Nam khu đô thị mới, Trung tâm Hội nghị tỉnh, Quảng trường trung tâm hành chính tỉnh, San gạt tổng thể khu trung tâm chính trị Đề Thám, dự án Hệ thống các công trình hạ tầng kỹ thuật tại khu đô thị mới; đôn đốc các chủ đầu tư tổ chức đẩy nhanh tiến độ thi công, giải ngân đối với các dự án chuyển tiếp, các dự án đã khởi công, hoàn chỉnh hồ sơ thanh quyết toán khối lượng các công trình, hạng mục hoàn thành theo quy định.
Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư, tỉnh đã có nhiều giải pháp như: ký cam kết giải ngân với các chủ đầu tư, tổ chức các đoàn kiểm tra tiến độ thực hiện các dự án, chương trình mục tiêu quốc gia- CT 135 được phân cấp, Nghị quyết 30a,... Kết quả giải ngân vốn đầu tư phát triển thuộc ngân sách nhà nước hết năm 2014 ước được 1.978,3/2.125,2 tỷ đồng, đạt 93,1% (số liệu chi tiết tại biểu kèm theo).
Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn những tồn tại, hạn chế đó là: Một số chủ đầu tư chưa quản lý, giám sát chặt chẽ các nhà thầu xây lắp theo quy định và theo hợp đồng đã ký kết, thực hiện các quy trình, thủ tục đầu tư xây dựng còn chậm và lúng túng; một số đơn vị tư vấn thiết kế năng lực yếu, lập dự án, thiết kế còn nhiều sai sót, sau khi thẩm định phải bổ sung, chỉnh sửa nhiều; công tác giải phóng mặt bằng vẫn tồn tại một số vướng mắc. Nguyên nhân chủ yếu do người dân chưa nhất trí với giá bồi thường, thiếu ý thức pháp luật, không chấp hành quyết định thu hồi, chính quyền một số địa phương chưa thật sự quan tâm chỉ đạo, đôn đốc trong quá trình triển khai thực hiện.
Trong năm 2014, cấp mới giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh ước đạt 100 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký là 1.155,86 tỷ đồng, lũy kế số doanh nghiệp đến hết năm 2014 là 1.043 doanh nghiệp với tổng số vốn đăng ký là 10.592 tỷ đồng. Thành lập mới 16 chi nhánh và 04 văn phòng đại diện; 10 hợp tác xã với tổng số vốn đăng ký là 10,942 tỷ đồng, lũy kết hết năm 2014 số hợp tác xã ước đạt 377 HTX; 472 hộ kinh doanh cá thể với tổng vốn là 141,411 tỷ đồng; cấp giấy chứng nhận đầu tư mới cho 30 dự án, với tổng số vốn đăng ký 1.400 tỷ đồng; thu hồi 12 giấy chứng nhận kinh doanh và 02 chi nhánh, văn phòng đại diện.