KẾT QUẢ THỰC HIỆN NHIỆM VỤ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI TỈNH HÀ GIANG NĂM 2014
I. Các chỉ tiêu chủ yếu
Tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP theo giá so sánh 2010) ước đạt 9.257,2 tỷ đồng, tăng 6,32% so với năm 2013; cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực: Nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 37,43% (giảm 0,35% so với năm 2013); Công nghiệp và xây dựng chiếm 26,17% (tăng 0,22% so với năm 2013); Dịch vụ chiếm 36,4%, tăng 0,13%. Tổng sản phẩm bình quân đầu người 16,2 triệu đồng/người/năm (tăng 11,3% tương đương 1,65 triệu đồng). Tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn ước 5.245,5 tỷ đồng, tăng 5,9% so với năm 2013.
Trong số 24 chỉ tiêu kế hoạch kinh tế - xã hội chủ yếu theo Nghị quyết HĐND Tỉnh, có 16 chỉ tiêu hoàn thành và vượt kế hoạch, có 8 chỉ tiêu khó đạt so với mục tiêu kế hoạch đề ra.
II. Kết quả thực hiện cụ thể trên các lĩnh vực
1. Về phát triển kinh tế
1.1. Nông lâm nghiệp và nông thôn
- Chỉ đạo triển khai một số chương trình liên kết giữa nông dân với các doanh nghiệp, bước đầu đã đạt được một số kết quả tích cực . Giá trị sản xuất nông lâm nghiệp - thuỷ sản theo giá thực tế ước đạt 7.753 tỷ đồng, tăng 10,2% so với năm 2013. Tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm là 177.474,8 ha, tăng 4,89% bằng 8.276 ha so với năm 2013 ; Giá trị sản phẩm trên một ha canh tác cây hàng năm đạt 39,4 triệu đồng/ha. Tổng sản lượng lương thực có hạt cả năm ước đạt 386,6 ngàn tấn, đạt 100,2% kế hoạch; Diện tích một số cây trồng khác đều đạt kế hoạch . Diện tích các cây trồng vụ Đông đạt 10.570 ha .
Đã tiêm phòng 1,7 triệu liều vắc xin các loại cho đàn gia súc, gia cầm và triển khai các biện pháp, giải pháp phòng chống đói rét, qua đó đàn gia súc, gia cầm phát triển ổn định .
Diện tích trồng rừng mới tập trung 4.669 ha, bằng 161,4% KH . Thực hiện bảo vệ rừng 281,9 nghìn ha, khoanh nuôi phục hồi rừng 31 nghìn ha và chăm sóc rừng trồng các năm 3,44 nghìn ha, đạt 100% KH; Tỷ lệ che phủ rừng ước đạt 55,3%. Đã tiếp nhận và cấp phát 1.537 tấn gạo theo Dự án đầu tư bảo vệ và phát triển rừng tại 4 huyện vùng cao núi đá. Công tác quản lý, bảo vệ rừng đã được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo, tuy nhiên trong năm vẫn xảy ra một số vụ cháy rừng và vi phạm lâm luật .
- Chương trình xây dựng nông thôn mới: Đã hoàn thành phê duyệt và thực hiện công bố cắm mốc quy hoạch 176/176 xã. Các xã trong kế hoạch thực hiện giai đoạn 2011 - 2015 (41 xã), mỗi xã tăng bình quân 1-2 tiêu chí ; trong tháng 12/2014 sẽ công nhận 3 xã đạt chuẩn về xây dựng nông thôn mới. Ngoài nguồn hỗ trợ từ NSNN, đã phát động chung sức xây dựng NTM được trên 37 tỷ đồng, triển khai các mô hình sản xuất mang lại hiệu quả thiết thực.
* Tình hình thiên tai: Trong năm đã xảy ra nhiều đợt gió lốc, mưa lũ gây sạt lở đất ở hầu hết các địa phương, làm 12 người thiệt mạng, 13 người bị thương; gây thiệt hại, hư hỏng nhiều tài sản của nhà nước và nhân dân . Tổng thiệt hại ước trên 545 tỷ đồng; ngoài ra, 8.189ha cây trồng bị ảnh hưởng do hạn hán . Ngân sách huyện, thành phố đã hỗ trợ thiệt hại do thiên tai gây ra trên 2.370,2 triệu đồng.
1.2. Công nghiệp, giao thông, xây dựng
Sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng khá, giá trị sản xuất công nghiệp theo giá thực tế ước đạt 3.605 tỷ đồng, đạt 112,7% KH, tăng 12,4% so với năm 2013 . Một số sản phẩm tăng khá; tuy nhiên, cũng còn một số sản phẩm chưa đạt KH và giảm so với 2013
Đã triển khai Quy hoạch chi tiết xây dựng khu Trung tâm cửa khẩu Thanh Thủy huyện Vị Xuyên; Trung tâm xã Phong Quang huyện Vị Xuyên; Cụm công nghiệp Minh Sơn 2...Trong năm đã hoàn thành đưa vào sử dụng trên 370 công trình đầu tư từ các nguồn vốn hỗ trợ có mục tiêu, NQ 30a, CT135, cân đối ngân sách địa phương, dự án ODA...
1.3. Thương mại, dịch vụ
Hoạt động kinh doanh thương mại và dịch vụ trên địa bàn cơ bản đáp ứng nhu cầu phục vụ sản xuất và tiêu dùng xã hội; công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường được duy trì thường xuyên. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội trên địa bàn ước đạt 5.757,8 tỷ đồng, đạt 110,7% KH và tăng 16% so với năm 2013 . Chỉ số giá tiêu dùng chung toàn tỉnh tháng 11 giảm 0,17% so với tháng trước, tăng 2,2% so với tháng 12/2013, tăng 2,74% so với cùng kỳ. Tính chung 11 tháng, chỉ số giá tiêu dùng tăng 4,19% .
Giá trị hàng hoá xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu 10 tháng đạt 162,82 triệu USD, ước cả năm đạt 250 triệu USD, bằng 62,5% KH . Mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là chè chế biến và sản phẩm gỗ; Mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là phân bón, phụ liệu hàng may mặc, hoa quả tươi và năng lượng điện.
Hoạt động kinh doanh vận tải trên địa bàn cơ bản đáp ứng được nhu cầu phục vụ sản xuất và đi lại của nhân dân; Doanh thu vận tải ước đạt 392,3 tỷ đồng, tăng 13,14% so với năm 2013 . Hoạt động bưu chính, viễn thông tiếp tục phát triển, mở rộng, đảm bảo thông tin liên lạc được thông suốt, các huyện, thành phố, xã phường, thị trấn đã có cáp quang đến trung tâm; có 906 trạm thu phát sóng (BTS); tỷ lệ phủ sóng thông tin di động đến 97,5% tổng số xã; mật độ điện thoại toàn tỉnh đạt 68 thuê bao/100 dân; mật độ thuê bao Internet đạt 4 thuê bao/100 dân.
1.4. Tài chính - tín dụng
Tổng thu ngân sách địa phương cả năm ước đạt 9.451,5 tỷ đồng, thu ngân sách trên địa bàn cả năm ước đạt 1.440 tỷ đồng, đạt 102,1% so với KH tỉnh giao (trong đó: thu nội địa 1.081,5 tỷ đồng, đạt 122,2% KH, thu thuế xuất nhập khẩu ước đạt 184 tỷ đồng đạt 61,3% KH, giảm 28,5% so cùng kỳ ; thu quản lý qua ngân sách 174,5 tỷ đồng đạt 77,6% KH và giảm 64% so với năm 2013). Tổng chi ngân sách địa phương 9.248,7 tỷ đồng, đạt 105% dự toán tỉnh giao .
Hoạt động của hệ thống ngân hàng, các tổ chức tín dụng tiếp tục tăng trưởng khá. Tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng ước đạt 10.500 tỷ đồng, tăng 12,3% so với năm 2013 . Tổng dư nợ ước cả năm đạt 10.200 tỷ đồng, tăng 12% so với năm 2013, đạt KH đề ra (tăng ở mức 12%-14%). Nợ xấu ước đến cuối năm khoảng 80 tỷ đồng, chiếm 0,78% tổng dư nợ. Chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp được triển khai hiệu quả, cam kết hỗ trợ 149 tỷ đồng, doanh số cho vay đạt 166 tỷ đồng với 38 doanh nghiệp, 02 HTX và tổ hợp tác. Mặt bằng lãi suất giảm ; tỷ giá, thị trường ngoại hối và thị trường vàng khá ổn định.
1.5. Tình hình thực hiện vốn đầu tư:
Tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn ước 5.245,5 tỷ đồng, tăng 5,9% so năm 2013, trong đó: Vốn nhà nước ước thực hiện 2.717,2 tỷ đồng, giảm 3,03% so với cùng kỳ; vốn ngoài nhà nước thực hiện 2.523,8 tỷ đồng, tăng 17,3% so với cùng kỳ ; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài 4,5 tỷ đồng. Giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản (vốn NSNN) ước thực hiện 92% kế hoạch, trong đó một số nguồn vốn dự kiến điều chuyển sang năm 2015, như vốn TPCP hỗ trợ thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, vốn hỗ trợ đầu tư bảo vệ và phát triển rừng...
1.6. Tình hình phát triển doanh nghiệp, HTX và thu hút đầu tư
Tính đến 15/11/2014 có 233 lượt doanh nghiệp đăng ký kinh doanh, thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh . Toàn tỉnh hiện có 1.471 doanh nghiệp, chi nhánh và văn phòng đại diện đang hoạt động, với tổng số vốn theo đăng ký kinh doanh là 20.692,5 tỷ đồng. Tiếp tục củng cố các HTX, tổ hợp tác; hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 745 HTX với 8.900 xã viên và 6.360 Tổ hợp tác. Tuy nhiên, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn, đến nay có 02 doanh nghiệp giải thể tự nguyện và 35 doanh nghiệp ngừng hoạt động.
Các dự án thu hút đầu tư đã có sự lựa chọn và thực hiện theo quy hoạch; từ đầu năm đến nay, đã cấp mới, điều chỉnh Giấy chứng nhận đầu tư cho 29 dự án trong nước với tổng vốn đầu tư 2.785,9 tỷ đồng .
1.7. Khoa học công nghệ, tài nguyên môi trường
Trong năm triển khai thực hiện 37 đề tài, dự án nghiên cứu ứng dụng khoa học, công nghệ ; các đề tài, dự án tập trung nghiên cứu các giải pháp về mô hình sản xuất hàng hóa, cây trồng, vật nuôi trong nông nghiệp, bảo vệ môi trường, phát triển du lịch bền vững trên công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đã Đồng Văn... Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ xây dựng Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại xã Quyết Tiến, huyện Quản Bạ; triển khai xây dựng chỉ dẫn đại lý cho sản phẩm mật ong bạc hà, huyện Mèo Vạc.
Triển khai xây dựng quy định về mức bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất và bảng giá đất năm 2015; đẩy nhanh cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Đến nay, đo đạc bản đồ địa chính được 14.775 ha, đạt 79,6% kế hoạch; đăng ký lập hồ sơ cấp giấy chứng nhận 64.856 giấy, đạt 54,1% KH . Giao đất, cho thuê đất 26 dự án với diện tích 271,3 ha. Thực hiện điều tra, đánh giá các điểm có nguy cơ sạt, trượt lở đất, nguy cơ lũ ống, lũ quét ,...
2. Về Văn hóa - xã hội
2.1. Giáo dục - Đào tạo
Công tác giáo dục và đào tạo tiếp tục có những chuyển biến tích cực; chất lượng giáo dục toàn diện từng bước được nâng lên. Năm học 2013 - 2014 có 711 học sinh đạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh; tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT đạt 94,77% . Năm học 2014-2015, toàn tỉnh có 849 cơ sở giáo dục ; tỷ lệ huy động vào các cấp học đạt cao . Các chính sách hỗ trợ học sinh của Trung ương và địa phương được triển khai kịp thời, phục vụ tốt nhu cầu học tập của học sinh .
Công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia được quan tâm chỉ đạo, toàn tỉnh hiện có 98/142 trường đạt chuẩn quốc gia chiếm 69%. Tiếp tục thực hiện Đề án 844 “Gắn giáo dục với đào tạo nghề cho học viên tại các Trung tâm giáo dục thường xuyên giai đoạn 2013-2015 định hướng đến 2020”; Đề án “Xóa mù chữ đến năm 2020”. Củng cố, duy trì và nâng cao chất lượng hoạt động của các Trung tâm Học tập cộng đồng. Đã công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non trẻ 5 tuổi cho 177/195 xã, phường, thị trấn và 06/11 huyện, thành phố; giữ vững và duy trì tốt kết quả PCGDTH-CMC, Phổ cập GD Tiểu học đúng độ tuổi và PCGD THCS . Các chương trình mục tiêu quốc gia về giáo dục được thực hiện tốt.
2.2. Y tế, Dân số kế hoạch hóa gia đình
Đã khám bệnh cho 931.500 lượt người đạt 97,9% KH, trong đó khám tại bệnh viện, phòng khám đa khoa khu vực 390.000 lượt người; điều trị nội trú 120.040 lượt bệnh nhân, công xuất sử dụng giường bệnh đạt trên 92%. Hiện trung bình có 8,4 bác sỹ/vạn dân và 0,78 dược sỹ/vạn dân; 100% trạm y tế xã, phường có bác sỹ (thường trú tại xã 46; luân phiên 149). Đã đưa vào hoạt động Bệnh viện chuyên khoa Mắt, Trung tâm Giám định pháp y.
Các chương trình y tế quốc gia được triển khai theo đúng kế hoạch, hoạt động y tế dự phòng được duy trì thường xuyên, có hiệu quả; kiểm tra, giám sát phòng chống dịch bệnh chặt chẽ. Tỷ lệ trẻ được tiêm đủ các loại vắc xin đạt 95%; tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng (cân nặng/tuổi) còn 22,5%, đạt 93,8% KH. Đến cuối năm 2014 có thêm 52 xã được công nhận đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã . Công tác truyền thông dân số và cung cấp dịch vụ KHHGĐ, công tác truyền thông về vệ sinh an toàn thực phẩm được thực hiện khá tốt; tuy nhiên tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên còn chiếm 18,8%, giảm 0,8% so với năm 2013; ước giảm tỷ suất sinh 0,4‰, tỷ lệ tăng dân số tự nhiên còn 1,68%; ngộ độc thực phẩm 11 người/ 04 vụ, tử vong 7 người.
2.3. Lao động, việc làm, giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội
Các chương trình, dự án về giảm nghèo, giải quyết việc làm, trợ giúp người nghèo được thực hiện tốt, có sự tham gia tích cực và có trách nhiệm của nhiều tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, địa phương. Các nguồn vốn đầu tư, hỗ trợ được lồng ghép, thực hiện có hiệu quả. Giải quyết việc làm mới cho 15.893 lao động, đạt 100,6% KH . Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đạt kết quả tích cực; cả năm có 8.400 hộ thoát nghèo (giảm 5,3% so với năm 2013), tỷ lệ hộ nghèo còn 21,65%, đạt 100% KH. Công tác đào tạo nghề được đẩy mạnh .
Các chế độ với gia đình chính sách, người có công, các chính sách an sinh xã hội được thực hiện thường xuyên, đúng đối tượng. Các hoạt động từ thiện nhân đạo, hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai, cứu đói giáp hạt đảm bảo kịp thời, góp phần nhanh chóng ổn định cuộc sống và sản xuất cho nhân dân.
2.4. Văn hóa, thông tin, thể thao, du lịch
Các ngành, các cấp đã chủ động, kịp thời tuyên truyền chủ trương, đường lối của đảng, pháp luật của nhà nước, nhiệm vụ chính trị ở địa phương và có nhiều chuyển biến tích cực. Từng bước nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, gắn với xây dựng nông thôn mới; tỷ lệ làng, bản, tổ khu phố đạt tiêu chuẩn văn hoá đạt 27,7%, hộ gia đình văn hoá đạt 54,4% . Toàn tỉnh có 83/195 xã, phường, thị trấn có nhà văn hóa (đạt 42,6% KH); 33 làng văn hóa du lịch cộng đồng, đạt 44% KH, trong đó 12 Làng văn hóa du lịch tiêu biểu gắn với xây dựng nông thôn mới. Tổ chức liên hoan dân ca, dân vũ, nhạc cụ dân tộc và trình diễn lễ hội truyền thống, Festival Khèn Mông tại huyện Đồng Văn; Hoàn thành xếp hạng 19 di tích ; tổ chức Lễ đón nhận Bằng xếp hạng di tích lịch sử, văn hóa cấp tỉnh lễ hội “Hoàng Vần Thùng gắn với Tết Khu Cù tê của dân tộc La chí”. Tổ chức thành công Đại hội Thể dục thể thao tỉnh Hà Giang lần thứ VII; Lễ công bố Bằng tái công nhận tư cách thành viên mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu đối với Cao nguyên đá Đồng Văn...
Công tác tuyên truyền quảng bá, giới thiệu về du lịch Hà Giang được quan tâm phát triển dưới nhiều hình thức như tham gia triển lãm, hội chợ du lịch...; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các quy hoạch chi tiết trên khu vực công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn; đưa vào hoạt động mô hình chợ đêm tại thành phố Hà Giang và chợ đêm phố cổ Đồng Văn đã góp phần tác động thu hút khách du lịch đến với tỉnh Hà Giang. Ngành du lịch có nhiều khởi sắc và liên kết hiệu quả với các ngành nông nghiệp, thủ công nghiệp, thương mại. Lượng khách du lịch đến với Hà Giang trên 650 ngàn lượt khách, đạt 108,3% kế hoạch, tăng 25% so với năm 2013; trong đó: khách quốc tế 120 ngàn lượt, khách nội địa 530 ngàn lượt.
Hoạt động của các cơ quan báo chí có nhiều đổi mới, nội dung tuyên truyền được lựa chọn có trọng tâm, trọng điểm. Báo Hà Giang tăng từ 3 số lên 4 số, đưa Báo điện tử đi vào hoạt động, thu hút trên 5,5 triệu lượt người/năm truy cập; Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh đã đưa sóng truyền hình lên Vệ tinh Vinasat-1 từ ngày 01/01/2014, tăng thời lượng phát sóng truyền hình lên 17 giờ/ngày, đảm bảo cập nhật, phản ánh đầy đủ, kịp thời thông tin, thời sự của tỉnh và tiếp sóng chương trình của Đài truyền hình Trung ương.