I. NHỮNG KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC
1. Lĩnh vực kinh tế có dấu hiệu phục hồi cao hơn những năm gần đây
1.1. Về tăng trưởng kinh tế và chuyển dịch cơ cấu kinh tế
Tổng sản phẩm trong tỉnh (GDP) 9 tháng năm 2014 ước đạt 39.488,5 tỷ đồng (tính theo phương pháp cũ ), tăng 6,9% so với cùng kỳ. Ước tính GDP cả năm 2014 đạt 56.688,6 tỷ đồng, tăng 7,24%/KH 7-8%; trong đó, khu vực nông, lâm, ngư nghiệp ước đạt 14.337,1 tỷ đồng, tăng 3,85%; khu vực công nghiệp - xây dựng ước thực hiện 18.495,8 tỷ đồng, tăng 8,72% (riêng công nghiệp tăng 12,05%, xây dựng tăng 4,89%); khu vực dịch vụ ước thực hiện 23.855,7 tỷ đồng, tăng 8,22% so với cùng kỳ (tính toán theo phương pháp mới, tổng sản phẩm trong tỉnh (GDP) năm 2014 ước đạt 54.519 tỷ đồng, tăng 6,76% so cùng kỳ).
Tốc độ tăng trưởng năm 2014 (7,24%) cao hơn tốc độ tăng trưởng của 2 năm gần đây (2012 tăng 6,1%, 2013 tăng 6,5%) và cao hơn mức tăng trưởng bình quân của cả nước (ước 5,8%). Giá cả ổn định hơn, chỉ số giá tiêu dùng tháng 10 năm 2014 tăng 2,51% so với tháng 12/2013. GDP bình quân đầu người ước đạt 25 triệu đồng/người (năm 2013 là 22,96 triệu đồng).
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực: Khu vực nông lâm ngư nghiệp giảm từ 27,77% năm 2013 xuống 25,42% năm 2014; khu vực công nghiệp – dịch vụ tăng từ 31,36% năm 2013 lên 31,85% năm 2014; khu vực dịch vụ tăng từ 41,69% năm 2013 lên 42,74% năm 2014.
1.2. Sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp
Việc ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất được chú trọng, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm. Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản năm 2014 (theo giá cố định 2010) ước đạt 27.036,9 tỷ đồng/KH 26.900 tỷ đồng, tăng 4,51% so với năm 2013; trong đó ngành nông nghiệp ước đạt 22.089 tỷ đồng, tăng 3,82%, ngành lâm nghiệp 1.604 tỷ đồng, tăng 5,66% và ngành thủy sản 3.344 tỷ đồng, tăng 8,68%. Việc xây dựng, nhân rộng các mô hình kinh tế tiếp tục được triển khai tích cực, nâng cao đời sống nhân dân.
a) Về sản xuất nông nghiệp: Mặc dù sản xuất nông nghiệp gặp điều kiện không thuận lợi nhưng tổng sản lượng lương thực có hạt 10 tháng ước đạt 1.062.513 tấn, tăng 1,68% cùng kỳ; ước cả năm 2014 đạt khoảng 1.203.574 tấn/KH 1.171.300 tấn, tăng 3,7% cùng kỳ, đây là năm có sản lượng lương thực cao nhất từ trước đến nay. Trong đó:
- Cây lúa: Diện tích gieo cấy ước đạt 187.910 ha, tăng 2,03% so với năm 2013 (trong đó diện tích lúa Đông Xuân 90.249 ha, lúa Hè Thu 59.276 ha, lúa mùa 38.287 ha), diện tích lúa tăng do hệ thống nước tưới, các điều kiện khác như nguồn giống phục vụ cho sản xuất được đảm bảo hơn. Năng suất bình quân ước đạt 53,78 tạ/ha, tăng 6,49% cùng kỳ. Sản lượng lúa ước 9 tháng ước đạt 870.041 tấn, tăng 6,82% cùng kỳ; ước cả năm đạt khoảng 1.010.539 tấn, tăng 8,65% cùng kỳ. Năm nay cả diện tích, năng suất, sản lượng đều tăng so với năm 2013.
- Cây ngô: Diện tích gieo trồng đạt 55.652 ha, giảm 0,99% so với cả năm 2013, phần lớn là do diện tích vụ Đông 2013, năng suất ngô cả năm 2014 ước đạt 34,66 tạ/ha, giảm 6,42 tạ/ha so với năm trước, sản lượng ước đạt 193.035 tấn, giảm 16,26 % so với năm 2013; nguyên nhân do mưa lũ cuối năm 2013, vụ Xuân 2014 gặp hạn nặng.
- Các loại cây công nghiệp hàng năm được tập trung chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh và phát triển khá: cây mía diện tích 29.320 ha, tăng 5,46% cùng kỳ, năng suất ước đạt 588,94 tạ/ha, tăng 1,71%, sản lượng ước đạt 1,726 triệu tấn, tăng 7,2% cùng kỳ; cây lạc ước đạt 17.914 ha, năng suất 20,3 tạ/ha, giảm 10,4% cùng kỳ, sản lượng 36.369 tấn, giảm bằng 81,7% cùng kỳ năm ngoái;...
- Cây công nghiệp lâu năm, cây ăn quả: Tổng diện tích cây lâu năm 10 tháng 2014 ước đạt 39.036 ha, tăng 3,6 % cùng kỳ; ước cả năm đạt khoảng 39.866 ha, tăng 4,8% cùng kỳ: cam (2.946 ha, tăng 12,79%), cao su (10.912 ha, tăng 14,85%), cà phê (553 ha, giảm 6,2%), chè (6.944 ha, giảm 0,6%),... Các cây trồng khác phát triển bình thường. Sản lượng chè búp tươi ước đạt trên 64.262 tấn, tăng 3,4% cùng kỳ; sản lượng mủ cao su khô đạt 5.188 tấn, tăng 11,5% cùng kỳ; sản lượng cam ước 25.333 tấn, tăng 12,5% cùng kỳ...
b) Chăn nuôi, thú y: Tình hình chăn nuôi trên địa bàn tỉnh ổn định, dịch bệnh ở đàn gia súc, gia cầm được kiểm soát tốt; đã xảy ra dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, các địa phương đã chỉ đạo quyết liệt công tác phòng chống dịch (như tiêu độc khử trùng, tiêm phòng vacxin, kiểm dịch, giám sát dịch bệnh) nên khi dịch bệnh xảy ra đã kịp thời tiêu hủy ngay số gia súc bị nặng và đàn gia cầm mắc bệnh, tiến hành bao vây ổ dịch, khử trùng vùng dịch, do vậy dịch bệnh nhanh chóng được khống chế, không để dịch bệnh lây lan trên diện rộng.
Theo kết quả điều tra, suy rộng chăn nuôi toàn tỉnh có đến 01/10/2014, tổng đàn trâu đạt khoảng 296.241/KH 297.000 con, tăng 1,47%; đàn bò ước đạt 391.155/KH 396.000 con, giảm 0,39%; đàn lợn ước đạt 971,8/KH 1.125 ngàn con, giảm 4,24%; đàn gia cầm ước đạt 17.955 ngàn con, tăng 2,49%. Sản lượng thịt hơi xuất chuồng cả năm ước đạt 210.000/KH 209.000 tấn, tăng 4,5% cùng kỳ.
Toàn tỉnh hiện có trên 380 trang trại chăn nuôi. Trong đó: 90 trại chăn nuôi lợn, 32 trại chăn nuôi gia cầm, trên 210 trang trại chăn nuôi trâu, bò. Đặc biệt là các trang trại lớn chăn nuôi bò sữa theo hướng công nghiệp của Công ty CP Sữa TH, Vinamilk tiếp tục được đầu tư mở rộng, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Diện tích trồng cỏ tăng khá, 10 tháng ước đạt trên 13.870 ha (trong đó chủ yếu tập trung tại vùng Phủ Quỳ của Công ty CP sữa TH, Vinamilk).
c) Lâm nghiệp: Diện tích trồng rừng tập trung 10 tháng ước đạt 13.873 ha, giảm 3,23% cùng kỳ; ước cả năm 2014 đạt 15.915/KH 15.000 ha, tăng 4,3% cùng kỳ. Công tác khoanh nuôi, bảo vệ và chăm sóc rừng được quan tâm chỉ đạo, diện tích rừng được chăm sóc cả năm ước đạt 21.500/KH 21.500 ha, tăng 6,5% cùng kỳ. Cây trồng phân tán 10 tháng ước đạt 8,5 triệu cây, tăng 0,6% cùng kỳ. Sản xuất cây giống lâm nghiệp được 18,4 triệu cây, tăng 3,03% so với cùng kỳ.
Tổng số gỗ khai thác 10 tháng ước đạt 266.965 m³, tăng 22,13% cùng kỳ; ước cả năm 2014 đạt 456.000 m³, tăng 8,57% cùng kỳ; chủ yếu là từ rừng trồng của các dự án, của các hộ dân đã đến kỳ cho khai thác.
Lực lượng Kiểm lâm tăng cường chế độ kiểm tra, kiểm soát các vùng rừng trọng điểm, các tuyến đường sông, đường bộ. Trong 10 tháng đã phát hiện và xử lý 759 vụ vi phạm Luật bảo vệ rừng, thu nộp ngân sách trên 11 tỷ đồng, tịch thu nhiều lâm sản và phương tiện.
d) Thủy sản: Diện tích nuôi trồng thủy sản 10 tháng ước đạt 19.428 ha, bằng 97,99% cùng kỳ; ước cả năm 22.000/KH21.000 ha, tăng 5,4% cùng kỳ. Tổng sản lượng nuôi trồng và khai thác 10 tháng năm 2014 ước đạt 122.139 tấn, tăng 10,38% cùng kỳ; ước cả năm đạt 144.545/KH 127.000 tấn, tăng 10,52% cùng kỳ, trong đó, sản lượng khai thác ước đạt 101.098/KH 83.500 tấn, tăng 12,25% cùng kỳ, sản lượng nuôi trồng ước đạt 43.447/KH 43.500 tấn, tăng 6,7% cùng kỳ. Sản xuất cá giống các loại ước đạt 550 triệu con; tôm giống 1.100 triệu con; giống thuỷ sản khác ước đạt 9,5 triệu con.
Số tàu thuyền khai thác hải sản có động cơ hiện có 4.083 chiếc, ước cả năm là 4.090 chiếc/KH4.100 chiếc; trong đó, số tàu có công suất trên 90CV là 1.211 chiếc, tăng 12,12% so với năm 2013. Hỗ trợ ngư dân chuyển nhanh sang đóng tàu có công suất lớn, phát triển năng lực khai thác xa bờ, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo.
đ) Diêm nghiệp: Diện tích sản xuất muối 800 ha, năng suất bình quân đạt 114 tấn/ha, sản lượng muối cả năm ước đạt 90.000 tấn, đạt kế hoạch đề ra.
e) Xây dựng nông thôn mới: Các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, vận động phát huy nội lực cho xây dựng nông thôn mới. Bộ mặt nông thôn có chuyển biến rõ nét, đặc biệt là kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội. Người dân đồng thuận, sẵn sàng hiến đất, góp tiền vật tư, tiền công để thực hiện Chương trình, nhất là đóng góp để xây dựng đường giao thông nông thôn theo chương trình hỗ trợ xi măng của tỉnh (đến nay đạt 1.347/KH 1.785 km, đạt 75,5% kế hoạch); các chương trình phát triển thông qua các mô hình sản xuất được nhân dân hăng hái tham gia; các địa phương tích cực triển khai các hạng mục công trình xây dựng nông thôn mới từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ...
Ước thực hiện đến cuối năm 2014, bình quân cả tỉnh ước đạt 11,3 tiêu chí nông thôn mới/xã (năm 2010 bình quân 3,64 tiêu chí/xã); có 20 xã đạt 19/19 tiêu chí nông thôn mới được UBND tỉnh công nhận.
1.3. Sản xuất công nghiệp, xây dựng
Khu vực công nghiệp – xây dựng có chiều hướng tăng trưởng trở lại sau nhiều năm tăng chậm. Giá trị sản xuất công nghiệp – xây dựng năm 2014 ước đạt 54.107 tỷ đồng, tăng 9,68% so với năm 2013 (trong đó giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 30.846 tỷ đồng, tăng 13,53%; giá trị sản xuất xây dựng ước đạt 23.261 tỷ đồng, tăng 4,95% cùng kỳ). Đây là mức tăng cao nhất trong những năm gần đây do ngành công nghiệp có sự phục hồi, ngành xây dựng bắt đầu tăng trưởng trở lại.
a) Sản xuất công nghiệp: Giá trị sản xuất công nghiệp cả năm ước tăng 13,53%/KH 11-12%. Một số sản phẩm công nghiệp năm 2014 có mức tăng khá so với cùng kỳ là: sữa tươi (10 tháng: 82,7 triệu lít, tăng gấp 4,2 lần; cả năm: 99,85 triệu lít, tăng 35,53%), quần áo sơ mi (10 tháng: 11,1 triệu cái, tăng 47,02%; cả năm: 14,39 triệu cái, tăng 10,79%), gạch xây quy chuẩn (10 tháng: 560,2 triệu viên, tăng 37,9%; cả năm: 741,54 triệu viên, tăng 28,83%), xi măng (10 tháng: 1,12 triệu tấn, tăng 25,11%; cả năm: 1,534 triệu tấn, tăng 25,22%), bia (10 tháng: 160,43 triệu lít, tăng 7,82%; cả năm: 196,46 triệu lít, tăng 6,47%), điện sản xuất (10 tháng: 2.043 triệu KWh, tăng 6,32%; cả năm: 2.064 triệu KWh, tăng 7,84%), điện thương phẩm (10 tháng: 1.585 triệu KWh, tăng 13,3%; cả năm: 1.600 triệu KWh, tăng 8,25%)... Khởi công nhiều dự án lớn, quan trọng như Trung tâm mua sắm Nguyễn Kim, Tôn Hoa Sen, Trung tâm công nghiệp thực phẩm Masan...
Cụm công nghiệp (CNN): Toàn tỉnh có 32 CCN đã thực hiện các bước đầu tư xây dựng , trong đó: 9 CCN đã lấp đầy diện tích; 5 CCN đang thực hiện đầu tư và có doanh nghiệp vào đầu tư sản xuất kinh doanh; 8 CCN đang thực hiện đầu tư; 10 CCN đã lập và phê duyệt quy hoach chi tiêt. Tổng diện tích theo quy hoạch chi tiêt được duyệt 467 ha, trong đó đất sản xuất công nghiệp 314 ha. Các cụm công nghiệp trên đã thu hút trên 160 dự án đầu tư, trong đó có 03 dự án đầu tư nước ngoài. Số lao động làm việc trong các cụm công nghiệp khoảng 8.500 người. Hiện nay giá trị sản xuất của các doanh nghiệp hoạt động trong cụm công nghiệp đạt xấp xỉ 2.000 tỷ đồng/năm chiếm 12 % giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh. Thu ngân sách từ các doanh nghiệp đạt khoảng 150 tỷ đồng.
b) Về xây dựng cơ bản:
- Thực hiện chủ trương tái cơ cấu đầu tư, mà trọng tâm là đầu tư công; Trung ương đã ban hành nhiều chính sách, văn bản góp phần bước đầu khắc phục tình trạng bố trí vốn phân tán, dàn trải, nâng cao hiệu quả đầu tư. Các cấp, các ngành đã nhận thức rõ hơn và quán triệt các yêu cầu tăng cường quản lý đầu tư phát triển; tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân các nguồn vốn. Công tác giải phóng mặt bằng thi công các công trình trọng điểm, nhất là giải phóng mặt bằng dự án nâng cấp quốc lộ 1A được triển khai quyết liệt; một số dự án lớn lâu nay ách tắc đã khởi động trở lại. Khởi công thêm một số dự án lớn và nhiều công trình hoàn thành đưa vào sử dụng vượt tiến độ (cầu Dùng, 3 cầu vượt đường sắt, cầu Khe Ang,...), đẩy nhanh tiến độ các dự án quan trọng như Quốc lộ 1A, Bệnh viện đa khoa 700 giường, cầu vượt, di tích Truông Bồn...
- Huy động nguồn lực đầu tư tăng mạnh so với các năm trước. Trong 10 tháng, tổng nguồn vốn huy động toàn xã hội ước đạt 27.721 tỷ đồng, bằng 77,45% kế hoạch, tăng 10,6% cùng kỳ; ước cả năm đạt khoảng 36.000 tỷ đồng/KH 34-35 ngàn tỷ đồng, tăng 12,52% so với năm 2013. Khối lượng thực hiện XDCB thuộc ngân sách nhà nước đạt khoảng 2.118 tỷ đồng, đạt 82,93% kế hoạch, giải ngân đạt 78,35% kế hoạch; trái phiếu Chính phủ đạt khoảng 1.088 tỷ đồng, bằng 71,1% kế hoạch, giải ngân đạt 64,5% kế hoạch giao; dự kiến sẽ giải ngân hết chỉ tiêu kế hoạch đúng thời gian quy định. Các công trình xây dựng cơ bản khi hoàn thành đã phát huy tác dụng tích cực vào sản xuất và đời sống.
- Triển khai Chỉ thị số 22, 23 của Thủ tướng Chính phủ, phổ biến kịp thời các văn bản mới như Luật Đầu tư công, Luật Đấu thầu… Chuẩn bị triển khai xây dựng Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016-2020 theo Luật Đầu tư công.
- Tiến hành kiểm tra chất lượng công trình xây dựng, công tác nghiệm thu nhằm chấn chỉnh những tồn tại diễn ra trong thời gian qua về lĩnh vực hoạt động xây dựng. Tuyên truyền chủ trương xóa bỏ lò gạch nung thủ công, phát triển vật liệu xây không nung trên địa bàn. Thực hiện công bố giá vật liệu xây dựng hàng quý kịp thời, sát đúng thực tế; quản lý tốt giá xây dựng và giá vật liệu xây dựng.
- Tổ chức kiểm tra công tác thực hiện giám sát đầu tư của cộng đồng theo Quyết định số 80/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh.
1.4. Lĩnh vực dịch vụ
Khu vực dịch vụ phát triển khá do tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu viễn thông, chi thường xuyên,... tăng khá so với cùng kỳ. Giá trị sản xuất khu vực dịch vụ năm 2014 ước đạt 34.986,5 tỷ đồng, tăng 8,26% so với năm 2013. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của tỉnh Nghệ An tháng 10 năm 2014 tăng 2,51% so với tháng 12 năm 2013 (cùng kỳ 2013 CPI tăng 4,57%).
- Về lĩnh vực thương mại: Hoạt động thương mại diễn ra sôi động; nhân dân tiếp tục hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, góp phần thúc đẩy hoạt động thương mại. Tổng mức bán lẻ hàng hóa 10 tháng ước đạt 28.685,43 tỷ đồng, tăng 11,09% cùng kỳ; ước cả năm 2014 đạt 34.653,6 tỷ đồng, tăng 11% cùng kỳ.
Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 10 tháng ước đạt 326,56 triệu USD, tăng 9,59% cùng kỳ; một số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng so với cùng kỳ như hàng rau quả tăng 166,12%, hàng dệt may tăng 151,73%, sản phẩm bằng gỗ tăng 9,3 lần, đồ chơi trẻ em tăng 221,37%. Ước cả năm 2014, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 415,4 triệu USD, tăng 10,2% cùng kỳ.
Giá trị nhập khẩu 10 tháng ước đạt 300,24 triệu USD, tăng 14,46% cùng kỳ; giá trị nhập khẩu tăng tập trung chủ yếu ở các nhóm hàng hóa như vải may mặc tăng 178,45%, máy móc phụ tùng tăng 51,84%. Ước cả năm 2014, giá trị nhập khẩu hàng hóa đạt 383,12 triệu USD, tăng 16,95% cùng kỳ.
- Lĩnh vực du lịch: Năm 2014 tập trung xây dựng môi trường du lịch văn minh, an toàn, thân thiện, chất lượng dịch vụ du lịch ngày càng được nâng cao. Tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến, quảng bá, hợp tác phát triển du lịch (Lào, Thái Lan, TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Lâm Đồng, Đà Nẵng); chỉ đạo chấn chỉnh công tác bảo đảm an ninh trật tự, an toàn, vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh... Tổng lượng khách du lịch 10 tháng ước đạt 5.166 ngàn lượt người, trong đó khách lưu trú trên 3.205 ngàn lượt, tăng 11% so cùng kỳ; khách quốc tế đạt 53.750 lượt, bằng 101% so với cùng kỳ. Doanh thu các dịch vụ du lịch ước đạt 2.185 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ.
- Lĩnh vực vận tải: Mặc dù giá xăng dầu ở mức cao nhưng hoạt động kinh doanh vận tải vẫn đáp ứng nhu cầu sản xuất, đời sống và đi lại của dân cư. Đã mở đường bay quốc tế Vinh – Viêng Chăn (Lào); sân bay Vinh đã đón trên 1 triệu lượt hành khách trong năm 2014, ước cả năm đạt 1,2 triệu lượt; mở rộng sân đỗ và xây dựng nhà ga hành khách có năng lực khai thác 2 triệu hành khách/năm; hiện đang trình Chính phủ quy hoạch nâng cấp thành sân bay quốc tế.
Khối lượng luân chuyển hàng hóa 10 tháng ước đạt 1.783,75 triệu tấn.km, tăng 3,31% so với cùng kỳ. Khối lượng hành khách luân chuyển 10 tháng ước đạt 3.469,86 triệu hành khách.km, tăng 8,94%. Doanh thu vận tải 10 tháng ước đạt 5.217,62 tỷ đồng, tăng 8,56% cùng kỳ.
- Lĩnh vực thông tin truyền thông tiếp tục phát triển; đài phát thanh truyền hình, các cơ quan thông tấn báo chí có nhiều cố gắng, thông tin kịp thời các các hoạt động chính trị - xã hội, phản ánh tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh, cũng như các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; tuyên truyền bảo vệ chủ quyền trên biển Đông hải đảo; tình hình thời sự và kinh tế...
Tổng doanh thu ngành bưu chính, viễn thông và công nghệ thông tin 10 tháng ước đạt 2.506,18 tỷ đồng, đạt 79,82% kế hoạch. Luỹ kế đến tháng 10/2014, thuê bao điện thoại ước đạt 4.532.134 thuê bao, mật độ khoảng 154,5 thuê bao/100 dân. Tổng số thuê bao internet quy đổi đạt 915.938 thuê bao, mật độ 31,2 thuê bao/100 dân.
- Lĩnh vực tài chính ngân hàng: Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 54 TCTD hoạt động. Tình hình lãi suất trên địa bàn tương đối ổn định, các chi nhánh tổ chức tín dụng (TCTD) nghiêm túc chấp hành các quy định về lãi suất của Ngân hàng Nhà nước; tỷ giá và hoạt động ngoại hối trên địa bàn diễn biến tương đối ổn định và phù hợp với diễn biến chung tình hình cả nước. Các TCTD thường xuyên bám sát các chương trình, dự án phát triển kinh tế của tỉnh để đầu tư vốn tín dụng, đặc biệt tập trung vào 5 lĩnh vực ưu tiên (dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn 41.152 tỷ đồng, chiếm 37,6%; cho vay xuất khẩu 1.309 tỷ đồng, chiếm 1,2%; cho vay hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa 26.161 tỷ đồng, chiếm 24% tổng dư nợ) và gói hỗ trợ nhà ở của Chính phủ (cho vay 43 tỷ đồng với 110 khách hàng).
Tính đến 31/10/2014, nguồn vốn huy động trên địa bàn ước đạt 63.900 tỷ đồng, tăng 14% so với đầu năm; ước cả năm đạt 66.901 tỷ đồng, tăng 19,2% (năm 2013 tăng 26,4%). Tính đến 31/10/2014, tổng dư nợ của các TCTD ước đạt 105.200 tỷ đồng, tăng 9,6% so với đầu năm; ước cả năm đạt 109.341 tỷ đồng, tăng 14% (năm 2013 tăng 24,1%); trong đó dư nợ ngắn hạn chiếm khoảng 48,15%, dư nợ trung và dài hạn chiếm khoảng 51,85%. Tỷ lệ nợ xấu khoảng 1.578 tỷ đồng, chiếm 1,5% trong tổng dư nợ.
1.5. Tình hình thực hiện dự toán thu, chi ngân sách
Thực hiện thu ngân sách 10 tháng đạt 6.182,948 tỷ đồng, bằng 91,8% dự toán, tăng 17,2% so với cùng kỳ. Trong đó: Thu nội địa 5.141,381 tỷ đồng, bằng 88,3% dự toán và tăng 15,3% so với cùng kỳ; Thu từ hoạt động xuất nhập khẩu: 1.029 tỷ đồng, bằng 114,3% dự toán, tăng 27,6% so với cùng kỳ; Thu từ xổ số kiến thiết: 12,567 tỷ đồng, bằng 104,7% dự toán, tăng 6,4% so với cùng kỳ. Ước thực hiện thu ngân sách năm 2014 đạt 7.400 tỷ đồng, bằng 109,9% dự toán HĐND tỉnh giao, tăng 16,7% cùng kỳ, trong đó: thu nội địa 6.200 tỷ đồng, bằng 106,5% dự toán, tăng 14,7% cùng kỳ, thu thuế xuất nhập khẩu 1.186 tỷ đồng, bằng 131,8% dự toán, tăng 28,8% cùng kỳ.
Chi ngân sách 10 tháng thực hiện 14.302,426 tỷ đồng, bằng 88,8% dự toán, trong đó chi đầu tư phát triển 2.490,32 tỷ đồng, đạt 90,3% dự toán, chi thường xuyên 11.596,606 tỷ đồng, đạt 88,6% dự toán. Ước chi ngân sách năm 2014 đạt 17.872,135 tỷ đồng, bằng 110,9% dự toán.
1.6. Hoạt động đối ngoại, thu hút đầu tư và phát triển doanh nghiệp
- Hoạt động đối ngoại diễn ra sôi nổi, đảm bảo yêu cầu chính trị đối ngoại, an ninh đối ngoại và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. UBND tỉnh đón tiếp và làm việc với các đoàn cấp cao Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương, đoàn đại sứ của các nước thăm và làm việc; quan hệ hợp tác giữa Nghệ An với các nước như Lào, Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Anh, Séc, Nga... được tăng cường nhằm thúc đẩy, tìm kiếm các cơ hội đầu tư. Công tác xúc tiến, vận động NGO được chú trọng; tổng nguồn vốn viện trợ thu hút trong 10 tháng 2014 đạt 4,9 triệu USD, đã thực hiện giải ngân được 2,62 triệu USD, đạt 53,47%.
- Hoạt động xúc tiến và thu hút đầu tư: Chất lượng các hoạt động xúc tiến đầu tư ngày càng được nâng cao thông qua việc xây dựng, vận hành, cập nhật thường xuyên nội dung dữ liệu xúc tiến đầu tư lên trang thông tin xúc tiến đầu tư để tuyên truyền, giới thiệu quảng bá hình ảnh, tiềm năng và thế mạnh của tỉnh, cơ hội đầu tư tại địa phương. Tổ chức nhiều sự kiện xúc tiến đầu tư quan trọng như Hội nghị gặp mặt nhà đầu tư đầu Xuân Giáp Ngọ 2014, xúc tiến đầu tư tại Nhật Bản, Anh, Hàn Quốc... tập trung vào các đối tác trọng điểm, có chiều sâu ; kết hợp nhiều hình thức xúc tiến tại chỗ, trong và ngoài nước; đặc biệt là đã gắn kết, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan xúc tiến đầu tư Trung ương, các tổ chức nước ngoài (JETRO, KOTRA) và các ngành trong tỉnh. Tổ chức hội nghị tổng kết 10 năm hợp tác phát triển giữa TP Hồ Chí Minh và Nghệ An. Phối hợp Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm việc với phía Singapore để thực hiện dự án VSIP6. Khởi công một số dự án lớn như Siêu thị Nguyễn Kim, nhà máy Tôn Hoa Sen, quần thể du lịch Lan Châu – Song Ngư, trung tâm công nghiệp thực phẩm MASAN,...
Lũy kế đến 15/11/2014, đã cấp mới và điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư cho 127 dự án/27.384 tỷ đồng, trong đó: cấp mới cho 105 dự án với tổng vốn đăng ký 18.522,41 tỷ đồng (gồm có 03 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 241,58 tỷ đồng); điều chỉnh cho 22 dự án với tổng vốn đầu tư tăng thêm 8.862 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm 2013, số lượng dự án cấp mới tăng 45,83%, số vốn đăng ký tăng 43,74%; tổng vốn thực hiện của các dự án được cấp mới trong năm 2014 ước đạt 28,3% tổng vốn đăng ký; các dự án đi vào hoạt động đã góp phần giải quyết cho hơn 8.000 lao động, nộp ngân sách hơn 2.542 tỷ đồng. Một số dự án có quy mô đầu tư lớn như Dự án Tổ hợp đô thị và khách sạn Hà Nội - Kim Liên 720 tỷ đồng, Quần thể du lịch sinh thái, biệt thự nghỉ dưỡng, thể thao, vui chơi giải trí Lan Châu - Song Ngư tại thị xã Cửa Lò (1.969 tỷ đồng), Bến cảng Thanh Thành Đạt thuộc cảng biển Đông Hồi (560 tỷ đồng), Dự án nhà máy sản xuất ván sợi MDF tại KKT Đông Nam (1.558,0 tỷ đồng), Dự án thực phẩm MASAN (1.200 tỷ đồng), Tôn Hoa Sen (2.300 tỷ đồng), Siêu thị Nguyễn Kim (550 tỷ đồng), Vingroup (2.392 tỷ đồng)... Tổng vốn thực hiện của các dự án được cấp mới năm 2014 ước đạt 28,3% tổng vốn đăng ký. Chỉ đạo thành lập các đoàn kiểm tra các dự án chậm tiến độ, không triển khai trên địa bàn tỉnh để tập trung xử lý.
Tiếp tục chỉ đạo thực hiện các chương trình, dự án ODA: Hiện trên địa bàn tỉnh có 31 dự án ODA (trong đó, 28 dự án đang triển khai và 03 dự án mới phê duyệt năm 2014), với tổng mức đầu tư 15.050 tỷ đồng (trong đó, vốn ODA 12.109 tỷ đồng, vốn đối ứng 2.941 tỷ đồng). Một số dự án ODA trọng điểm của tỉnh như Dự án phát triển đô thị Vinh (vốn WB), Dự án khôi phục nâng cấp hệ thống thủy lợi Bắc (vốn JICA), Dự án các xã vùng ngập lũ Năm Nam (vốn Quỹ Ả-Rập-Xê-Út)...
- Về phát triển doanh nghiệp: Lũy kế đến 15/11/2014, đã cấp mới giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho 1.025 doanh nghiệp, tăng 5,95% so với cùng kỳ, vốn điều lệ đăng ký bình quân khoảng 4,5 tỷ đồng/doanh nghiệp. Tính đến nay số doanh nghiệp được thành lập toàn tỉnh đạt 12.386 doanh nghiệp, trong đó có 32,61% công ty cổ phần, 40,8% công ty TNHH, 26,59% doanh nghiệp tư nhân; theo cơ cấu ngành nghề, tỷ trọng lớn nhất là lĩnh vực thương mại, dịch vụ chiếm 32,19%, xây dựng (bao gồm cả tư vấn) chiếm 24%, công nghiệp khai thác, chế biến chiếm 12,64%, còn lại là các ngành nghề khác; theo địa bàn, doanh nghiệp đăng ký và hoạt động chủ yếu ở vùng đồng bằng chiếm 74,8% (riêng TP Vinh chiếm 47,95%), khu vực miền núi chiếm 25,2%. Theo số liệu của Cục Thuế Nghệ An, tính đến tháng 10 năm 2014 toàn tỉnh có 8.461 doanh nghiệp đang hoạt động.
Năm 2014 tiếp tục tổ chức nhiều lớp bồi dưỡng quản trị doanh nghiệp tại các huyện, thành, thị theo Đề án bồi dưỡng đội ngũ doanh nhân. Tổ chức nhiều cuộc hội nghị đối thoại doanh nghiệp để nắm bắt tình hình, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và các nhà đầu tư.
- Về phát triển kinh tế tập thể: UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án “Tiếp tục đổi mới và phát triển kinh tế HTX tỉnh Nghệ An giai đoạn 2014-2020” và thành lập Ban Chỉ đạo để tổ chức thực hiện.
Tổ hợp tác (THT): Đến nay, toàn tỉnh có 2.851 THT, tăng 45 THT so với năm 2013. Các THT chủ yếu phân bổ ở các huyện đồng bằng, nhất là khu vực nông thôn ven biển. Các THT hoạt động đa dạng, chủ yếu trong các lĩnh vực như tiểu thủ công nghiệp, thương mại dịch vụ, dịch vụ nông nghiệp, dịch vụ nghề cá và thủy sản. Một số tổ hình thức hợp tác phát triển mạnh như các tổ đoàn kết, tổ liên kết giữa các tàu cá đánh bắt xa bờ ở các huyện ven biển. Tổng số thành viên THT là 30.086 thành viên, tăng hơn so với năm 2013 là 220 thành viên; bình quân 1 tổ hợp tác có 11 thành viên. Hàng năm khu vực này giải quyết việc làm ổn định cho trên 30 ngàn lao động, thu nhập bình quân 2,5 triệu đồng/người/tháng.
Hợp tác xã (HTX): Đến nay, cả tỉnh có 565 HTX, tăng so với năm 2013 là 10 HTX. Trong đó: 396 HTX nông lâm nghiệp thủy sản, 30 HTX tiểu thủ công nghiệp, 27 HTX thương mại dịch vụ, 6 HTX vận tải, 55 quỹ TDND, 4 HTX môi trường, 20 HTX dịch vụ điện. Tổng số xã viên HTX là 265.425 người, trong đó 52.362 lao động làm việc thường xuyên; mức thu nhập bình quân hàng tháng của một lao động làm việc thường xuyên cho HTX nông nghiệp là 14,2 triệu đồng/năm, HTX phi nông nghiệp là 35,3 triệu đồng/năm, Quỹ TDND là 42,3 triệu đồng/năm.
2. Các lĩnh vực văn hoá - xã hội thu được nhiều kết quả tích cực
2.1. Giáo dục và đào tạo
- Chất lượng giáo dục có chuyển biến tiến bộ rõ rệt; việc giáo dục nhân cách, đạo đức cho học sinh tiếp tục được quan tâm. Triển khai tích cực phổ cập giáo dục mầm non trẻ em 5 tuổi , củng cố vững chắc chất lượng phổ cập giáo dục phổ thông; việc đánh giá chất lượng giáo dục ngày càng nề nếp. Tổ chức tốt kỳ thi các cấp, trong đó kỳ thi tốt nghiệp hệ THPT tỷ lệ chung toàn tỉnh đạt 99,27%. Chất lượng học sinh giỏi ổn định, vững chắc: Kết quả thi học sinh giỏi quốc gia năm 2014, tỉnh Nghệ An có 107 học sinh đạt giải, đứng thứ 2 cả nước, tăng 7 em so với năm 2013; 4 lượt học sinh đạt giải quốc tế và khu vực . Kỳ thi đại học năm 2014, Nghệ An có 125 em đỗ điểm cao được UBND tỉnh trao giải thưởng.
- Tiếp tục thực hiện quy hoạch phát triển hệ thống trường lớp gắn với sắp xếp lại theo hướng hợp lý hóa. Ngành giáo dục đào tạo tập trung hoàn thành kế hoạch nhiệm vụ năm học 2013-2014; triển khai nhiệm vụ năm học 2014-2015. Tập huấn các chuyên đề chuyên môn cho giáo viên; tổ chức bồi dưỡng cán bộ quản lý, bồi dưỡng giáo viên. Chất lượng giáo viên được nâng lên, 100% giáo viên mầm non và phổ thông đạt chuẩn đào tạo, số giáo viên trên chuẩn đào tạo tăng.
- Đã quan tâm chỉ đạo, kiểm tra công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia, nề nếp dạy học các cấp học; tính đến tháng 10 năm 2014, đã trình UBND tỉnh công nhận thêm 22 trường học đạt chuẩn quốc gia, nâng tổng số trường đạt chuẩn quốc gia lên 847 trường, đạt tỷ lệ 54,3% trên tổng số trường; ước cả năm 863 trường chuẩn quốc gia, tỷ lệ 55,3% tổng số trường. Thành lập Trường Đại học Kinh tế Nghệ An trên cơ sở nâng cấp trường Cao đẳng Kinh tế Nghệ An.
2.2. Lĩnh vực y tế
- Trên địa bàn toàn tỉnh tình hình dịch bệnh được kiểm soát, không có dịch lớn và vừa xẩy ra . Giám sát chặt chẽ các loại dịch bệnh như: dịch tiêu chảy cấp, cúm A H5/N1, H7N9 ở người, sốt rét, viêm não Nhật Bản,... và đặc biệt đề phòng dịch Ebola đang diễn biến phức tạp và nguy hiểm ở châu Phi. Triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế đảm bảo kế hoạch đề ra.
- Đảm bảo công tác khám, cấp cứu và điều trị bệnh nhân ở tất cả các tuyến. Chất lượng khám chữa bệnh, thực hiện y đức trong các cơ sở khám chữa bệnh được cải thiện đáng kể. Tiếp tục duy trì củng cố, phát triển và hoàn thiện các kỹ thuật mới ; tăng cường phát triển, chuyển giao kỹ thuật cho tuyến huyện góp phần giải quyết người bệnh tại và giảm tải cho tuyến tỉnh. Khánh thành, đưa vào sử dụng bệnh viện HNĐK (700 giường) tại địa điểm mới; triển khai khối phụ sản tại Bệnh viện Sản Nhi và hoạt động của một số đơn vị khác tại địa điểm bệnh viện HNĐK cũ.
- Công tác tăng cường cán bộ tuyến trên hỗ trợ tuyến dưới được quan tâm, nhất là tăng cường bác sỹ cho các trạm y tế, từ đó góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân và thực hiện các chương trình y tế trên địa bàn. Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế năm 2014 ước đạt 71,7%.
- Tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các bệnh viện ngoài công lập hoạt động, cung cấp thêm các dịch vụ y tế thuận tiện cho nhân dân trong việc chăm sóc sức khỏe, góp phần giảm tải cho các bệnh viện công lập.
- Công tác truyền thông, thanh tra, kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm được quan tâm chỉ đạo không để xảy ra ngộ độc thực phẩm quy mô lớn, nhất là trong mùa thi, mùa lễ hội và mùa du lịch.
- Công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình tiếp tục được tập trung chỉ đạo triển khai xuống tận cơ sở. Tiếp tục triển khai, mở rộng các mô hình nâng cao chất lượng dân số, can thiệp giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh ở địa phương; đa dạng hoá các dịch vụ kế hoạch hoá gia đình.
2.3. Các lĩnh vực văn hoá, thông tin, thể dục thể thao
- Chỉ đạo các địa phương tổ chức tuyên truyền, cổ động trực quan, các hoạt động văn hóa, thể thao chào mừng các ngày lễ lớn và sự kiện chính trị nổi bật. Tổ chức Hội thảo Quốc tế về Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh và UNESCO đã công nhận Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
- Công tác bảo tồn, tôn tạo, chống xuống cấp di tích và phát huy giá trị di tích được quan tâm. Tổ chức sơ kết kiểm kê di sản văn hoá phi vật thể giai đoạn I và triển khai giai đoạn II; triển khai công tác lập hồ sơ xếp hạng 9/30 di tích trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục thực hiện công tác bảo quản, sưu tầm hiện vật, 10 tháng đầu năm đã sưu tầm: 267 hiện vật, tiếp nhận 107 hiện vật do Chi hội cổ vật Sông Lam hiến tặng; thực hiện 17 cuộc trưng bày lưu động; đón 575 ngàn lượt khách tham quan tại chỗ và trưng bày lưu động.
- Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tiếp tục phát triển, kết hợp hiệu quả mô hình văn hoá với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Chỉ đạo các địa phương tăng cường quản lý và tổ chức các lễ hội truyền thống, các hoạt động văn hoá, văn nghệ, các trò chơi dân gian tạo điều kiện cho nhân dân được tham gia sáng tạo, hưởng thụ các giá trị văn hoá và tự tổ chức các hoạt động văn hoá mang tính cộng đồng.
- Thể thao quần chúng phát triển mạnh mẽ cả về quy mô và chất lượng. Tổ chức được nhiều giải đấu quy mô và chất lượng, nhất là tổ chức thành công Đại hội thể dục thể thao toàn tỉnh lần thứ VII. Thể thao thành tích cao đã có sự phát triển về thành tích tại các giải so với các năm trước: Trong 10 tháng tham gia 44 giải, kết quả đạt 272 huy chương các loại.
2.4. Hoạt động khoa học công nghệ
- Phối hợp tốt trong công tác thanh tra, kiểm tra về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng sản phẩm hàng hoá trong sản xuất, lưu thông nhằm hạn chế tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng, gian lận về đo lường góp phần bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp và người tiêu dùng. Kiểm tra diện rộng về phương tiện đo và an toàn bức xạ trên địa bàn tỉnh.
- Tổ chức các hội đồng tuyển chọn tổ chức và cá nhân thực hiện đề tài, dự án khoa học công nghệ thực hiện năm 2015. Hướng dẫn cho các doanh nghiệp thủ tục đăng ký bảo hộ, sở hữu trí tuệ. Công tác quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ đã có bước phát triển, việc đăng ký xác lập và thực thi quyền sở hữu trí tuệ đã thực sự được các doanh nghiệp quan tâm, số doanh nghiệp đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ngày càng nhiều có xu hướng phát triển tốt.
- Hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị từ Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của tỉnh. Các doanh nghiệp nhận thức được vai trò quan trọng của việc ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp, góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Công tác truyền thông khoa học công nghệ được đổi mới và đa dạng về hình thức.
2.5. Công tác giải quyết việc làm, xoá đói giảm nghèo và an sinh xã hội
- Công tác giải quyết việc làm được quan tâm chỉ đạo. Trong 10 tháng năm 2014, toàn tỉnh đã giải quyết được 30.700 việc làm mới (trong đó XKLĐ được 10.350 người), ước cả năm đạt 37.000 người (trong đó XKLĐ 12.300 người). Thực hiện đầy đủ, kịp thời chính sách bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động cho 5.235 người, với số tiền trợ cấp trên 43,6 tỷ đồng. Tuyển sinh đào tạo nghề được 66.500 lượt người, đạt 80,4% kế hoạch; đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo toàn tỉnh đạt 50% (trong đó qua đào tạo nghề đạt 46%).
- Công tác giảm nghèo tiếp tục được quan tâm chỉ đạo, tỷ lệ hộ nghèo đến cuối năm 2013 là 13,4%, ước đến cuối năm 2014 còn khoảng 10%. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả chương trình giảm nghèo, Nghị quyết 30a/NQ-CP của Chính phủ, Quyết định 293/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ nhằm giảm nghèo tại 4 huyện Tương Dương, Kỳ Sơn, Quế Phong và Quỳ Châu. Các cơ quan được phân công quan tâm giúp đỡ 110 xã nghèo vùng miền núi Tây Nghệ An; thực hiện hỗ trợ giúp đỡ xây dựng cơ sở hạ tầng, nhà ở, hỗ trợ tiền mặt, hiện vật, tặng sổ tiết kiệm, chuyển giao KHKT, chăm sóc sức khỏe... với tổng giá trị trên 4 tỷ đồng.
- Tổ chức phổ biến, quán triệt và triển khai tổng rà soát chính sách ưu đãi người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh theo Chỉ thị số 23/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ; rà soát nhà ở người có công; giải quyết, chi trả đúng, đủ, kịp thời chế độ, chính sách cho Người có công với cách mạng. Toàn tỉnh đang quản lý, chi trả trợ cấp thường xuyên cho 80.957 đối tượng người có công với cách mạng, với tổng số tiền chi trả 115,65 tỷ đồng/tháng. Tổ chức thăm, tặng quà đối tượng gia đình chính sách người có công với cách mạng. Phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” tiếp tục được xã hội hóa sâu rộng, toàn tỉnh đã vận động được 13,5 tỷ đồng, đạt 73% chỉ tiêu đề ra. Công tác chăm sóc, nuôi dưỡng thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sỹ và công tác bảo trợ xã hội được thực hiện chu đáo. Công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em được quan tâm, nhất là trẻ em khuyết tật, trẻ em mồ côi, trẻ em bị bệnh tim bẩm sinh, trẻ em vượt khó học giỏi... Tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được chăm sóc đạt 86%; có 240/480 xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em. Chăm lo cho các đối tượng yếu thế trong xã hội. Tiếp tục thực hiện tốt chính sách trợ giúp đối tượng bảo trợ xã hội, toàn tỉnh đang quản lý, thực hiện chi trả trợ cấp xã hội tại cộng đồng cho: 128.621 đối tượng, kinh phí trợ cấp trên 27 tỷ đồng/tháng.
- Công tác phòng chống mại dâm và cai nghiện ma túy được triển khai tích cực. Hướng dẫn xây dựng xã, phường lành mạnh không có tệ nạn xã hội. Thực hiện tốt công tác truyền thông, tuyên truyền nâng cao nhận thức về bình đẳng giới và Vì sự tiến bộ phụ nữ.
(Trích báo cáo tình hình kinh tế xã hội năm 2014, nhiệm vụ năm 2015 của tỉnh Nghệ An)
Nguồn: chinhphu.vn