Những năm qua, tỉnh Lào Cai đã xác định phát triển công nghiệp, xây dựng, lấy công nghiệp làm mũi “đột phá” và phát triển kinh tế cửa khẩu làm “động lực” để phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Cùng với sự quan tâm, giúp đỡ của Chính phủ, của các Bộ, ngành Trung ương, tỉnh Lào Cai đã chủ động và tích cực triển khai có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Chính phủ, có các giải pháp phù hợp, linh hoạt trong chỉ đạo điều hành, đề ra nhiều chủ trương, chính sách ưu đãi đối với các cụm kinh tế trong KKT trọng điểm như: ưu đãi đầu tư; chính sách về đấu giá quyền sử dụng đất; khuyến khích phát triển tiểu thủ công nghiệp; cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu, du lịch qua cửa khẩu Lào Cai; cải cách thủ tục hành chính… Bên cạnh đó, hàng năm tỉnh thường xuyên tổ chức các hội nghị tiếp xúc với các doanh nghiệp, cùng doanh nghiệp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình đầu tư, kinh doanh trên địa bàn tỉnh Lào Cai, nhằm thúc đẩy phát triển các KCN, các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần to lớn thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển.
Môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh được cải thiện, cơ sở hạ tầng tại các KCN, các cửa khẩu từng bước được đầu tư hoàn chỉnh, an ninh trật tự được đảm bảo, được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao, được phản ánh khách quan, trung thực thông qua Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) liên tục trong nhiều năm liền, PCI của Lào Cai đứng trong Top 10 cả nước. Môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh được cải thiện tích cực là một trong những điều kiện hỗ trợ hiệu quả công tác thu hút đầu tư, từ đó đã thu hút được ngày càng nhiều doanh nghiệp đến đầu tư sản xuất kinh doanh, hoạt động xuất nhập khẩu qua hệ thống các cửa khẩu và các KCN. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã hình thành 03 KCN, 01 Khu Thương mại - Công nghiệp (TM-CN) và hệ thống 06 cửa khẩu trên tuyến biên giới.
Đ/c Nguyễn Tiến Dũng - Phó Trưởng ban, BQL KKT tỉnh Lào Cai (thứ hai từ trái sang) đại diện BQL vinh dự nhận Cờ thi đua của Bộ trưởng Bộ KH&ĐT |
Thu hút đầu tư vào các KCN, Khu TM-CN
Các KCN, Khu TM-CN tỉnh Lào Cai có tổng diện tích 1.465 ha, đã thu hút 186 dự án đầu tư, tổng mức đầu tư trên 23.000 tỷ đồng. Trong đó, có 82 dự án đã đi vào hoạt động; 44 dự án đang đầu tư xây dựng; 59 dự án đang hoàn thiện thủ tục đầu tư, giá trị sản xuất công nghiệp năm 2014 đạt trên 2.500 tỷ đồng (theo giá cố định năm 1994), tăng 78% so với năm 2013 (chiếm 48% tỷ trọng giá trị sản xuất công nghiệp của cả tỉnh); doanh thu đạt 15.000 tỷ, tăng 22% so với năm 2013; nộp ngân sách nhà nước trên 750 tỷ đồng. Các dự án đang hoạt động trong các KCN đã tạo việc làm cho gần 6.000 người lao động, thu nhập bình quân của người lao động 5,5 triệu đồng/người/tháng.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Lào Cai có 28 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 503,5 triệu USD. Các dự án này chủ yếu tập trung tại KKT cửa khẩu Lào Cai, các khu, cụm công nghiệp và một số huyện trên địa bàn tỉnh. Trong thời gian qua, các dự án trọng điểm FDI trên địa bàn tỉnh trong các lĩnh vực như chế biến khoáng sản, luyện kim, xây dựng khách sạn cao cấp đã hoàn thành và đi vào sản xuất kinh doanh, góp phần tăng thu cho ngân sách địa phương. Đặc biệt, KCN Tằng Loỏng mặc dù hạ tầng chưa được đầu tư đáng kể, song các nhà đầu tư đến đầu tư và triển khai dự án khá nhanh, nhiều dự án đầu tư lớn đã đi vào hoạt động, đã và đang phát huy hiệu quả như: Dự án gang thép giai đoạn 1 với công suất 500 ngàn tấn/năm, vốn đầu tư 186 triệu USD, giai đoạn 2 công suất 1 triệu tấn/năm, vốn đầu tư trên 350 triệu USD; dự án DAP công suất 330 ngàn tấn/năm, vốn đầu tư 230 triệu USD; dự án luyện đồng công suất 30 ngàn tấn/năm, vốn đầu tư 50 triệu USD…
Bên cạnh đó, tỉnh Lào Cai đã nỗ lực rà soát, sửa đổi, bổ sung những quy định có liên quan đến tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh; bảo đảm sự thông thoáng, thuận lợi cho các doanh nghiệp; tích cực kiểm tra và giám sát các chương trình, dự án đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư đảm bảo tiến độ thực hiện và hiệu quả sử dụng các nguồn vốn đầu tư trên địa bàn.
Kinh tế cửa khẩu là động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội
Xác định kinh tế cửa khẩu là động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội, thời gian qua tỉnh Lào Cai đã chủ động triển khai có hiệu quả các chính sách, linh hoạt trong chỉ đạo điều hành; sự phối kết hợp chặt chẽ, thực hiện tốt công tác quản lý cửa khẩu của các cơ quan chức năng đã tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động giao thương qua các cửa khẩu, góp phần thu hút ngày càng nhiều các doanh nghiệp đến đầu tư vào KKT cửa khẩu Lào Cai nói chung, hoạt động xuất nhập khẩu thương mại qua các cửa khẩu nói riêng.
Vượt qua những khó khăn chung của nền kinh tế, kinh tế cửa khẩu đã có những đóng góp vô cùng quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Lào Cai. Kim ngạnh xuất, nhập khẩu năm sau tăng cao hơn năm trước và có sự đa dạng về loại hình, chủng loại hàng hóa xuất nhập khẩu, cơ cấu các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu gồm: quặng các loại, gạo, đường, cao su, quả vải tươi, sắn, chuối…; hàng nhập khẩu chủ yếu là: hoá chất, phân bón các loại, quặng, thạch cao, gạch men, máy móc thiết bị, rau, củ, quả... Năm 2011, kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 1,66 tỷ USD, đến năm 2014, kim ngạch xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu đạt trên 2 tỷ USD với trên 600 doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất nhập khẩu qua cửa khẩu Lào Cai; thu ngân sách qua cửa khẩu đạt gần 2.000 tỷ đồng (chiếm 1/3 tổng thu ngân sách toàn tỉnh); trên 2 triệu lượt người và trên 150.000 lượt xe ô tô xuất nhập cảnh qua các cửa khẩu.
Những khó khăn, thách thức
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, hoạt động tại các KCN, Khu TM-CN, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, xuất, nhập cảnh qua các cửa khẩu vẫn còn một số tồn tại, hạn chế sau:
Tại các KCN, Khu TM-CN vẫn còn một số dự án triển khai chậm tiến độ, năng lực tài chính của một số nhà đầu tư còn hạn chế, việc tiếp cận nguồn vốn đầu tư của các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn; một số nhà máy chưa chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của Nhà nước về bảo vệ môi trường; hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hệ thống xử lý chất thải tập trung tại các KCN chưa được đầu tư đồng bộ theo quy hoạch; dự án đầu tư sản xuất phần lớn mới chỉ sản xuất ra các sản phẩm thô, nhiều sản phẩm chưa được chế biến sâu, hàm lượng trí tuệ, công nghệ trong sản phẩm còn thấp.
Đến nay, Lào Cai vẫn chưa thu hút được các dự án đầu tư lớn từ các nước phát triển (Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc...) hoạt động trên các lĩnh vực khuyến khích đầu tư có quy mô sản xuất lớn, công nghệ tiên tiến hiện đại và giá trị gia tăng cao. Bên cạnh đó, một số dự án có quy mô nhỏ thường có tiến độ giải ngân chậm; nhiều dự án đã thực hiện đầu tư song hoạt động chưa hiệu quả do khi lập dự án nhà đầu tư chưa nghiên cứu kỹ thị trường, trình độ quản lý hạn chế, không nắm vững các quy định của pháp luật Việt Nam...
Về hoạt động xuất nhập khẩu: mặc dù kim ngạch xuất nhập khẩu tăng cao, song quy mô thị trường còn nhỏ, chất lượng sản phẩm hàng hoá xuất nhập khẩu phần lớn là sản phẩm thô, sơ chế, hàm lượng kỹ thuật không cao nên giá trị kim ngạch xuất, nhập khẩu, hiệu quả kinh tế thấp. Bên cạnh đó, việc nghiên cứu thị trường hai bên còn hạn chế, thiếu thông tin, gây khó khăn cho việc thúc đẩy quan hệ thương mại hai bên. Cơ sở hạ tầng, giao thông, kho bãi, dịch vụ tại khu vực cửa khẩu đầu tư chưa đáp ứng được tốc độ phát triển của hoạt động thương mại qua các cửa khẩu...
Giải pháp đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển xuất, nhập khẩu trong thời gian tới
Trong thời gian tới, tỉnh Lào Cai có nhiều thời cơ, thuận lợi mới, như đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai đã đi vào hoạt động, đường sắt Yên Viên - Lào Cai được nâng cấp… sẽ đáp ứng tốt hơn về nhu cầu giao thông vận tải; các KCN, Khu TM-CN, các cửa khẩu hệ thống hạ tầng kỹ thuật được đầu tư hoàn thiện tốt hơn; tổ chức bộ máy quản lý được đổi mới, cơ chế chính sách được bổ sung, hoàn thiện hơn, cùng với đà tăng trưởng phát triển của những năm trước. Cho nên các KCN, Khu TM-CN, các cửa khẩu sẽ có một bước phát triển mạnh mẽ cả về chất và lượng, chiều rộng và chiều sâu. Phấn đấu đưa tốc độ tăng trưởng sản xuất trong các KCN tăng trung bình hàng năm trên 20%, xuất nhập khẩu tăng từ 25 - 30% năm, xuất nhập cảnh đạt từ 2 triệu đến 3 triệu lượt người/năm. Tăng nguồn thu cho ngân sách tỉnh, tạo động lực thúc đẩy phát triển công nghiệp -thương mại, dịch vụ chung của tỉnh, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đảm bảo an ninh quốc phòng, tạo việc làm và nâng cao đời sống nhân dân.
Do vậy, tỉnh Lào Cai đã chỉ đạo các ngành chức năng nghiên cứu mở rộng, phát triển thêm các KCN mới (từ 1 - 2 KCN nặng với diện tích từ 1.000 - 1.500 ha), mở rộng KKT cửa khẩu, xây dựng Khu hợp tác kinh tế qua biên giới, mở thêm các cửa khẩu, lối mở để thúc đẩy hoạt động thương mại biên giới phát triển. Thực hiện tốt công tác quản lý các KCN theo các quy định pháp luật về KKT, KCN, KCX và pháp luật về đầu tư.
Nhằm phát huy hiệu quả hơn nữa từ nguồn vốn FDI đóng góp vào sự phát triển chung của toàn tỉnh, khắc phục những khó khăn, hạn chế trong công tác thu hút và quản lý nguồn vốn FDI, đồng thời để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp FDI dừng chân và phát triển mạnh trên địa bàn, tỉnh Lào Cai đã chỉ đạo các ngành chức năng tập trung rà soát quy hoạch và công bố định hướng thu hút, quản lý đầu tư nước ngoài, xây dựng danh mục các dự án kêu gọi đầu tư giai đoạn 2015-2020, tầm nhìn 2030; kịp thời giải quyết những khó khăn vướng mắc của các nhà đầu tư, thông qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp yên tâm đầu tư, sản xuất kinh doanh tại các KCN; tích cực xúc tiến đầu tư để khai thác tốt tiềm năng kinh tế công nghiệp của tỉnh.
Bên cạnh đó, cần huy động, phân bổ nguồn lực hợp lý, tập trung đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng nhằm tạo bước đột phá cải thiện môi trường đầu tư, hỗ trợ sản xuất kinh doanh. Trong đó, đặc biệt ưu tiên hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông, điện, nước; hạ tầng KKT, KCN; khuyến khích các doanh nghiệp tích cực đầu tư sản xuất hàng hóa có hàm lượng chất sám, công nghệ, kỹ thuật cao hướng tới phát triển bền vững tại các KCN, nâng cao chất lượng đào tạo lao động, hướng đến nguồn nhân lực có chất lượng cao, nguồn nhân lực kỹ thuật có tay nghề đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp để các doanh nghiệp ổn định sản xuất.
Đồng thời, tỉnh sẽ triển khai thực hiện có hiệu quả Quy chế điều hành hoạt động tại các cửa khẩu biên giới đất liền ban hành kèm theo Quyết định số 45/2013/QĐ-TTg; tiếp tục nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách, các giải pháp tăng cường quản lý hoạt động xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu, đảm bảo thông thoáng, góp phần thu hút các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động qua các cửa khẩu; tăng cường công tác đối ngoại, trao đổi hợp tác với các cơ quan quản lý cửa khẩu biên giới nước bạn Trung Quốc để kịp thời giải quyết các vấn đề vướng mắc, tồn tại trong hợp tác quản lý cửa khẩu; tăng cường công tác xúc tiến thương mại, hoàn thiện môi trường dịch vụ phục vụ hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh tại cửa khẩu, đảm bảo cung cấp đầy đủ và có chất lượng các sản phẩm dịch vụ.
Với tôn chỉ “Doanh nghiệp phát tài, Lào Cai phát triển”, tỉnh Lào Cai đã và đang tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp đến đầu tư, kinh doanh, cùng hợp tác phấn đấu xây dựng Lào Cai trở thành điểm sáng về phát triển kinh tế - xã hội, trở thành “cực tăng trưởng” và “hạt nhân tăng trưởng” của các tỉnh miền núi phía Tây Bắc và cả nước.
Nguyễn Ngọc Khải - Trưởng ban, Ban Quản lý KKT tỉnh Lào Cai