Đẩy mạnh hợp tác kinh tế, đầu tư và thương mại giữa tỉnh Vĩnh Phúc và vùng Tuscany của Italy là mục tiêu chính của hội thảo “Hợp tác kinh tế giữa Tuscany-Italy và Việt Nam: Cơ hội đầu tư tại tỉnh Vĩnh Phúc” do Đại sứ quán Việt Nam tại Italy, đoàn công tác xúc tiến thương mại tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp với chính quyền vùng Tuscany tổ chức mới đây tại thành phố Florence, miền Bắc Italy.
Quang cảnh hội thảo. (Ảnh: Đức Hòa/TTXVN)
Tham dự hội thảo có Đại sứ Việt Nam tại Italy Cao Chính Thiện, đoàn công tác tỉnh Vĩnh Phúc do Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Nguyễn Văn Trì dẫn đầu, đại diện lãnh đạo vùng Tuscany, Hiệp hội các nhà sản xuất da giày, máy thuộc da và phụ tùng của Italy (ASSOMAC), Liên minh Hợp tác xã quốc gia Italy vùng Tuscany (LegaCoop Tuscany), đại diện Giới chủ công nghiệp thành phố Florence (Confindustria Firenze) cùng các doanh nghiệp Italy.
Tại hội thảo, hai bên đã trao đổi chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cũng như những lĩnh vực cần tập trung hợp tác như công nghiệp, nông nghiệp, thực phẩm, cơ khí, giáo dục đào tạo... để tạo nền tảng thúc đẩy hợp tác toàn diện.
Phát biểu tại hội thảo, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc Nguyễn Văn Trì giới thiệu khái quát về tình hình kinh tế-xã hội của tỉnh, đặc biệt trong lĩnh vực thu hút đầu tư.
Ông Nguyễn Văn Trì nhấn mạnh với mục tiêu trở thành tỉnh công nghiệp và là trung tâm công nghiệp, dịch vụ, du lịch của khu vực và cả nước, Vĩnh Phúc đã và đang thu hút các nguồn vốn viện trợ phát triển chính thức và vốn của các tổ chức phi chính phủ để đầu tư cho phát triển.
Vĩnh Phúc khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư phát triển và kinh doanh kết cấu hạ tầng các khu công nghiệp, công nghệ thông tin, sản xuất và lắp ráp máy móc cơ khí, điện tử, công nghệ sinh học và phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ và xuất khẩu.
Ông Nguyễn Văn Trì khẳng định Vĩnh Phúc luôn chào đón các nhà đầu tư Italy, nhất là vùng Tuscany đến thăm và tìm hiểu về môi trường đầu tư, cơ hội đầu tư tại tỉnh Vĩnh Phúc.
Vĩnh Phúc coi trọng lợi ích của các doanh nghiệp, xác định nhà đầu tư là đối tác tin cậy, lâu dài nên luôn tạo điều kiện tốt nhất để các doanh nghiệp đến đầu tư và sản xuất kinh doanh có hiệu quả.
Vĩnh Phúc và vùng Tuscany có nhiều cơ hội, tiềm năng hợp tác để phát triển, đặc biệt trong những lĩnh vực thế mạnh truyền thống như đồ gỗ, da giày, dệt may, hóa chất cũng như các lĩnh vực hợp tác mới như thiết bị và công nghệ y tế, hạ tầng, văn hóa-du lịch, chế biến nông sản, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Bộ trưởng Kinh tế vùng Tuscany Stefano Ciuoffo khẳng định hội thảo là cơ hội tốt để hai bên trao đổi cơ hội kinh doanh, thúc đẩy các tiềm năng hợp tác của vùng Tuscany với Việt Nam nói chung và Vĩnh Phúc nói riêng.
Ông Ciuoffo đánh giá cao tiềm năng, uy tín và sự năng động của tỉnh Vĩnh Phúc trong việc hợp tác, thu hút đầu tư nước ngoài, đồng thời cam kết sẽ là cầu nối vững chắc giữa các doanh nghiệp Italy và tỉnh Vĩnh Phúc.
Trước đó, đoàn công tác xúc tiến thương mại của tỉnh Vĩnh Phúc đã có buổi làm việc với lãnh đạo vùng Tuscany. Tại buổi làm việc, hai bên cùng đánh giá mối quan hệ giữa Tuscany và Vĩnh Phúc ngày càng phát triển tốt đẹp, cần được phát huy hơn nữa thông qua việc ký kết các thỏa thuận hợp tác hữu nghị.
Hai bên nhất trí tiếp tục phối hợp, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Italy đầu tư vào Việt Nam, cũng như tạo điều kiện để các doanh nghiệp Việt Nam trao đổi thương mại, phát triển cơ hội kinh doanh với các doanh nghiệp Italy.
Hai bên cũng thống nhất trao đổi sâu hơn về các lĩnh vực hợp tác cụ thể khi đoàn lãnh đạo và doanh nghiệp Tuscany tham dự Hội chợ "Vietnam Export 2016" và thăm tỉnh Vĩnh Phúc vào tháng 11/2016.
Tuscany là một trong sáu vùng kinh tế trọng điểm của Italy với mô hình kinh tế có nhiều điểm tương đồng với mô hình kinh tế Việt Nam. Vùng nổi tiếng với công nghiệp da, dệt may, cơ khí, công nghệ cao, hàng hải, rượu vang...
Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Tuscany chiếm gần 7% GDP của Italy và xuất khẩu chiếm 7,5% xuất khẩu của Italy.
Tập đoàn Piaggio có trụ sở chính tại Tuscany, hiện đang đầu tư 2 dự án tại tỉnh Vĩnh Phúc với tổng vốn đầu tư 90 triệu USD./.
Theo TTTXVN/Vietnam +