Nếu không có cách tiếp cận mới và công nghệ không được cải tiến, thì chỉ trong 3-5 năm tới, ngành tôm Việt Nam sẽ bị các đối thủ đến từ Ecuador, Ấn Độ và Indonesia vượt mặt trong cạnh tranh xuất khẩu.
Trong những năm qua, công nghệ nuôi tôm của Việt Nam có sự phát triển nhưng giá thành sản phẩm vẫn không cạnh tranh được so với sản phẩm của Ecuador, Ấn Độ và Indonesia. Ảnh minh họa: TTXVN
Tại buổi khai mạc hội chợ triển lãm công nghệ ngành tôm Việt Nam 2021 với chủ đề “VietShrimp - Đích đến bền vững” diễn ra vào hôm nay, 14-4, ở TP Cần Thơ, ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn thuỷ sản Minh Phú - người được mệnh danh là “vua tôm” Việt Nam - cho rằng, giá thành nuôi tôm của Việt Nam hiện cao hơn đối thủ cạnh tranh đến từ Ecuador, Ấn Độ và Indonesia khoảng trên 30%. “Những năm vừa qua, công nghệ nuôi tôm của Việt Nam có bước phát triển vượt bậc, nhưng giá thành vẫn không cạnh tranh được so với những quốc gia này”, ông nói.
Dẫn chứng điều đó, theo ông Quang, Minh Phú đã triển khai mô hình nuôi tôm công nghệ cao rất thành công, tỷ lệ sống đạt trên 90%, thế nhưng, biên độ lợi nhuận rất hẹp do giá tôm nguyên liệu của Việt Nam cao hơn so với đối thủ.
Theo ông Quang, từ năm 2020 về trước, tuy giá thành nuôi tôm của Việt Nam cao hơn các nước trên 30%, nhưng vẫn cạnh tranh được trong xuất khẩu, tức vẫn có hiệu quả là nhờ vào công nghệ chế biến tôm của doanh nghiệp Việt Nam hiện đại hơn so với các nước. “Thế nhưng, lợi thế công nghệ đó sẽ dần mất đi vì Ecuador, Ấn Độ và Indonesia cũng đang đổi mới công nghệ và sản xuất được những mặt hàng giá trị gia tăng, hàng ăn liền như Việt Nam”, ông cho biết và nói rằng, khả năng trong 3-5 năm tới, họ sẽ đuổi kịp Việt Nam.
Đứng trước bối cảnh nêu trên, ông Quang cho rằng, lương nhân công của Ấn Độ hiện chỉ khoảng 1/3 của Việt Nam. “Vì vậy, với lợi thế của họ là giá thành nuôi tôm thấp, chi phí nhân công rẻ, trong khi công nghệ chế biến sắp đuổi kịp Việt Nam, cho nên, nếu chúng ta không có sự cải tiến, không có cách nhìn và tiếp cận mới, thì ngành tôm trong nước sẽ rất là khó khăn trong 3-5 năm tới”, ông Quang nhấn mạnh.
Ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn thủy sản Minh Phú, phát biểu tại hội chợ triển lãm công nghệ ngành tôm Việt Nam 2021. Ảnh: Trung Chánh
Ông Quang cũng nêu một điểm rất đáng để lưu ý, đó là vào những năm 1990, tôm thẻ chân trắng (là tôm giống ngoại được du nhập vào Việt Nam-PV) chỉ đạt trọng lượng 70-100 con/kg, trong khi tôm sú - loài tôm bản địa của Việt Nam - là 15-20 con/kg. “Tuy nhiên, tôm thẻ chân trắng nhờ được gia hóa, chọn dòng rất tốt nên hiện nay có khả năng đạt trọng lượng 20-25 con/kg, trong khi tôm sú bây giờ là 20-30 con/kg”, ông cho biết và nêu lý do, trong một thời gian dài tôm sú không được gia hoá, chọn dòng dẫn đến thoái hoá giống.
Điều này, theo ông Quang, giá tôm sú xuất khẩu hiện cao hơn tôm thẻ chân trắng đến khoảng 4 đô la Mỹ/kg, do đó, người tiêu dùng đã chuyển sang ăn tôm thẻ chân trắng. “Trước kia, thị phần tôm sú chiếm 80-90%, nhưng hiện giờ thị phần chỉ còn 20%, trong khi tôm thẻ là 80%”, ông dẫn chứng và yêu cầu, cần phải thực hiện gia hoá, chọn dòng đối với tôm sú để tăng khả năng cạnh tranh của loại tôm bản địa này.
Ông Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội nghề cá Việt Nam cho biết, tôm là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của thuỷ sản Việt Nam với kim ngạch năm ngoái đạt 3,8 tỉ đô la Mỹ; diện tích nuôi đạt 736.000 héc ta với sản lượng thu hoạch 900.000 tấn. “Ngành hàng này có đóng góp đáng kể cho phát triển kinh tế ngành nông nghiệp Việt Nam, đồng thời, tạo công ăn việc làm cho hàng triệu lao động Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và cả nước nói chung”, ông Thắng cho biết.
Năm 2021, ngành tôm đặt mục tiêu diện tích nuôi tôm nước lợ đạt 740.000 héc ta, sản lượng thu hoạch 930.000 tấn, với kim ngạch xuất khẩu dự kiến đạt 4 tỉ đô la Mỹ. Hội chợ kéo dài đến ngày 16-4-2021.